Dịp Tết nguyên đán đang đến gần, bạn đã bao giờ suy nghĩ nên làm các loại mứt gì cho mới mẻ, ngon mắt mà không cần phải ra tiệm mua? Dưới đây là 10 cách làm tất tần tật các loại mứt, từ mứt hạt sen truyền thống, mứt dừa viên, mứt củ dền cho đến mứt tắc vàng, mứt bí đao ngon miệng, phù hợp cho nhiều người. Cùng vào bếp để học hỏi thêm các loại mứt Tết thơm ngon này!
1. Mứt hạt sen truyền thống
Trên khay mứt dịp Tết nguyên đán, mứt hạt sen truyền thống là loại mứt Tết quen thuộc và được nhiều người yêu thích. Những viên hạt sen ngọt béo thơm lừng được ẩn mình trong một lớp đường trắng. Thay vì mua ngoài chợ như mọi năm thì tại sao các mẹ lại không tự làm tại nhà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa là món ăn vặt thơm ngon, vừa giúp an thần dễ ngủ. Nhâm nhi đãi khách trong những ngày Tết nguyên đán thì mứt hạt sen thơm ngon là một lựa chọn tuyệt vời.
Nguyên liệu làm Mứt hạt sen truyền thống
- 600g Hạt sen tươi
- 300g Đường trắng
- 1 muỗng cà phê Vani
Hướng dẫn làm Mứt hạt sen truyền thống
– Hạt sen bỏ tim sen để không bị đắng. Rửa sạch hạt sen rồi đun 1 nồi nước sôi, cho hạt sen vào luộc vừa chín tới. Hạt sen chín, vớt ra, xả qua nước lạnh rồi ngâm vài phút cho nguội hẳn mới vớt ra để thật ráo nước.
– Cho hạt sen, đường vào tô đảo đều cho hạt sen ngấm đường, ướp khoảng 1-2 tiếng. Chắt phần nước đường vào chảo, bật bếp, nấu cho nước đường sánh lại. Lúc này mới cho hạt sen vào. Đảo thật nhẹ nhàng, tránh làm hạt sen vỡ nát.
– Sên thêm vài phút rồi cho vani hoặc dầu hoa bưởi vào. Đường bắt đầu cạn thì tắt bếp, đảo thêm vài phút hạt sen sẽ dần dần khô lại và có đường kết tinh bám trên chảo.
Mứt hạt sen truyền thống chỉ với nguyên liệu đơn giản gồm hạt sen, đường, vani bạn có thể làm ra mứt hạt sen ngọt béo hấp dẫn để nhâm nhi đãi khách trong những ngày Tết.
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Mứt hạt sen
2. Mứt củ dền đỏ
Bạn đã bao giờ ăn hay nghe đến mứt củ dền đỏ hay chưa? Củ dền không chỉ để dùng để nấu canh, làm si rô mà còn dùng làm mứt rất ngon. Miếng mứt củ dền đỏ dai giòn, ngọt dịu, đặc biệt lại có màu đỏ bắt mắt, dùng để chưng bày trên khay cùng các loại mứt hứa hẹn mang đến nhiều điều may mắn cho gia đình trong những ngày Tết sắp đến. Thế nên bạn đừng bỏ qua món mứt củ dền đỏ độc đáo này nhé, dễ làm lại đẹp mắt đến vậy thì phải vào bếp ngay thôi!
Nguyên liệu làm Mứt củ dền đỏ
- 500g Củ dền
- 200g Đường trắng
- 1/2 muỗng cà phê Muối
- 1 muỗng cà phê Vani
Hướng dẫn làm Mứt củ dền đỏ
– Củ dền sau khi gọt vỏ bạn đem thái sợi thành các miếng đều nhau rồi rửa sạch lại vài lần. Đun 1 nồi nước sôi rồi cho ít muối và cho củ dền thái sợi vào chần sơ qua 1 phút. Vớt củ dền ra sả qua nước lạnh cho nguội hẳn và để cho ráo nước.
– Cho củ dền, đường vào tô trộn đều lên và ướp đường khoảng 1-2 tiếng cho thấm đường. Sau đó, cho củ dền lẫn nước đường vào chảo, bật bếp lửa to đun sôi thì hạ lửa nhỏ vừa, thi thoảng đảo đều cho mứt không bị cháy.
– Thêm vani vào, sên như vậy cho đến khi mứt cạn nước đường thì đảo liên tục và tắt bếp. Nhưng vẫn đảo thêm vài phút, mứt sẽ khô dần và có đường kết tinh bám trên mứt. Cứ đảo cho đến khi mứt khô hoàn toàn và nhiệt độ trong chảo giảm hẳn là được. Đợi mứt nguội đem bảo quản kín dùng dần.
Mứt củ dền đỏ là món ăn vặt lạ miệng, sợi mứt dai giòn, ngọt dịu.
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Mứt củ dền đỏ
3. Mứt xoài dẻo thơm ngọt
Khi mùa xoài đến cũng là lúc Tết đến, tận dụng luôn những trái xoài xanh thơm để làm mứt xoài bày trên khay mứt bánh Tết thì tuyệt vời luôn. Những miếng mứt xoài mềm thơm, có chút chua có chút ngọt thanh, nhâm nhi cùng với trà nóng không còn gì bằng. Bạn thậm chí cũng có thể tận dụng luôn xoài chín vàng để chế biến mứt xoài dẻo chua ngọt. Chắc chắn đây sẽ là một trong những loại mứt “đắt khách” nhất trong mùa Tết này.
Nguyên liệu làm Mứt xoài dẻo thơm ngọt
- 1kg Xoài xanh
- 2 muỗng canh Vôi bột
- 600g Đường trắng
- 1 muỗng canh
Phèn chua
Hướng dẫn làm Mứt xoài dẻo thơm ngọt
– Đem xoài đi rửa sạch, gọt vỏ ngoài rồi cắt xoài thành những miếng dày và dài. Hòa 2 muỗng canh bột vôi vào 2 lít nước, đợi lắng xuống, gạn lấy nước trong, sau đó cho xoài vào ngâm khoảng 3 tiếng.
– Vớt xoài ra rửa sạch cho hết mùi vôi, đặt lên bếp nồi nước, cho thêm vào 1 muỗng canh phèn chua, đun nước sôi rồi cho xoài vào chần qua, sau đó đổ ra rửa lại với nước.
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Mứt xoài dẻo chua ngọt
– Ngâm xoài với 600g đường, để đường tan hết, thỉnh thoảng xóc đều hoặc đảo đều cho miếng xoài ngấm đường. Khi đường tan hết thì đem sên mứt trên bếp với mức lửa nhỏ, thỉnh thoảng đảo đều cho miếng xoài được trong đều. Thấy miếng xoài trong, nước đường cạn và sánh lại thì tắt bếp.
– Nếu muốn mứt xoài dẻo được khô hơn, bạn có thể sấy trong tủ lạnh hoặc sấy trong lò nhiệt độ 100 độ C khoảng 40 – 60 phút. Khi mứt nguội hẳn thì bảo quản hũ kín dùng dần.
4. Mứt thơm dẻo ngọt
Có vẻ mứt thơm đã quá quen thuộc với các bà nội trợ không chỉ riêng khi dịp Tết đến rồi đúng không? Thế nhưng cách làm mứt thơm dẻo ngọt này có biến tấu chút xíu thay vì xay nhuyễn thì bạn để từng lát thơm sên đường. Không chỉ đẹp mắt mà đây còn là món tráng miệng có chứa nhiều vitamin, tăng sức đề kháng cơ thể. Mứt được làm tại nhà nên thời gian bảo quản ít không như khi mua ngoài tiệm, nhưng lại đảm bảo an toàn sức khỏe hơn!
Nguyên liệu làm Mứt thơm dẻo ngọt
- 700g Thơm
- 1 muỗng cà phê Muối
- 150g Đường trắng
Hướng dẫn làm Mứt thơm dẻo ngọt
– Thơm gọt bỏ vỏ và mắt cắt khoanh tròn hơi dày, đục lấy lõi chính giữa. Ngâm thơm vào âu có pha 1 lít nước lạnh với muối 15-20 phút, sau đó vớt thơm ra để ráo.
– Cho thơm và đường cho vào chảo nhẹ nhàng trộn đều, để 1-2 tiếng cho đường tan. Bắc chảo thơm lên bếp, sên mứt với lửa vừa 5 phút, sau đó hạ thấp lửa.Tiếp tục sên và trở thơm cho đến khi đường cạn dẻo bám hết vào từng lát thơm thì tắt bếp.
– Gắp mứt thơm xếp ra vỉ để 1 lúc cho mứt nguội và khô trước khi cho vào hũ.
– Mứt thơm không chỉ ăn tráng miệng mà còn chứa nhiều vitamin, tăng sức đề kháng cơ thể.
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Mứt thơm dẻo ngọt
5. Mứt gừng thơm dẻo ngọt
Nghe thấy mứt gừng có vẻ quen tai và bạn nghĩ đến những lát gừng được sấy khô cùng với đường đúng không? Thay vì đó bạn hãy làm mới bằng những củ gừng tươi được cắt sợi, ngào cùng đường dẻo ngọt. Mà đặc biệt mứt gừng còn được kết hợp cùng với thơm hạt lựu cho ra món mứt gừng thơm ngon vừa lạ miệng. Với màu sắc bắt mắt thì món mứt gừng sẽ góp phần làm đẹp và may mắn trong khay bánh ngày Tết nè!
Nguyên liệu làm Mứt gừng thơm dẻo ngọt
- 400g Gừng
- 1/4 trái Thơm
- 300g Đường trắng
- 1 muỗng cà phê
Nước cốt chanh
Hướng dẫn làm Mứt gừng thơm dẻo ngọt
– Gừng gọt sạch vỏ rồi thái sợi, rửa sạch lại 1 lần nữa và ngâm vào nước muối loãng 5 phút vớt ra, dứa cắt hạt lựu hoặc xay nhuyễn tùy ý.
– Đun 1 nồi nước sôi cùng chút xíu nước cốt chanh rồi cho gừng vào luộc 3-4 phút vớt ra, thay nước mới và luộc lần nữa cho bớt chất cay, thả gừng vào chậu nước lạnh và ngâm gừng khoảng 10 phút cho nguội mới vớt ra để ráo nước.
– Cho gừng, thơm đã được xử lý cẩn thận cùng đường vào tô to trộn đều và ướp gừng khoảng 2 tiếng, thi thoảng đảo đều cho gừng thấm đều nước đường. Cho tất cả vào chảo vặn lửa to đến khi sôi thì hạ lửa nhỏ đun liu riu, cứ 3-5 phút thì đảo 1 lần đến khi nước đường rút bớt nước và có độ sệt, mứt đã chuyển trong thì tắt bếp.
– Chờ mứt nguội cho ra đĩa là có thể mang ra mời khách thưởng thức ngay hoặc cho vào hũ đậy nắp kín dùng dần.
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Mứt gừng thơm dẻo ngọt
Mứt gừng thơm dẻo ngọt với những củ gừng tươi cắt sợi, ngào đường cùng thơm cắt nhỏ hạt lựu cho món mứt dẻo thơm, vàng vàng bắt mắt, đem đến nhiều may mắn cho ngày Tết.
6. Mứt bí đao thơm ngọt
Thời gian gần đây nhiều người ưa chuộng làm mứt tại nhà, và tận dụng những nguyên liệu tự nhiên đầy dưỡng chất như bí đao để làm mứt. Mứt bí đao với tác dụng làm đẹp da, lại thơm ngọt giòn sần sật hấp dẫn không biết bao chị em, tuy nhiên bí đao khi làm mứt có chút “khó nhằn” hơn các loại mứt khác. Nhưng không sao, hãy cứ yên tâm vì đã có từng bước làm món mứt bí đao thơm ngon xuất sắc dưới đây rồi!
Nguyên liệu làm Mứt bí đao thơm ngọt
- 1,5kg Bí đao
- 400g Đường trắng
- 1 muỗng canh Vôi bột
- 1 muỗng cà phê Nước hoa bưởi
Hướng dẫn làm Mứt bí đao thơm ngọt
– Hòa tan vôi bột với 1,5 lít nước lạnh, lọc lấy nước vôi trong. Bí đao gọt bỏ vỏ và cắt bỏ phần ruột mềm, thái miếng có chiều dài và to cỡ ngón tay hay miếng vuông tùy ý. Rửa bí qua nước lạnh và ngâm bí vào nước vôi trong ít nhất 8 tiếng hay qua đêm.
– Qua thời gian này, đổ bí đao ra rổ và rửa qua nước lạnh nhiều lần cho thật sạch. Trải bí ra khay và hong gió cho bí khô, mình phơi khô trong nắng nóng 4-5 tiếng (giai đoạn này khá quan trọng).
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Mứt bí đao thơm ngọt
– Cho đường và nước lạnh vào nồi hoà tan, bắc lên bếp nấu sôi với lửa vừa. Khi nước đường sôi cho bí vào luộc với lửa nhỏ cho bí chín. Khi bí chín trong là vớt bí xếp ra khay. Cho bí ra chỗ thoáng gió phơi 4 tiếng.
– Tiếp theo cho đường còn lại vào nồi cùng với nước lạnh, bắc lên bếp nấu lửa nhỏ, khi nước đường sôi 2 phút thì cho bí đã phơi nắng vào, sên cho đến khi đường hơi sánh là cho nước hoa bưởi vào. Tiếp tục sên cho đến khi đường kết tinh bám xung quanh bí và khô ráo là tắt bếp.
– Trải mứt bí ra khay để nơi có gió vài tiếng cho mứt khô ráo hơn. Với cách làm mứt bí đơn giản như thế này thì các bạn khỏi lo món mứt đãi Tết của nhà mình nữa.
7. Mứt cà rốt truyền thống
Bên cạnh mứt bí đao, mứt cà rốt cũng là lựa chọn yêu thích của nhiều gia đình. Mứt cà rốt truyền thống với những miếng cà rốt cắt lát hay tỉa hoa theo ý thích được sên khô, lớp đường áo bột ngoài cà rốt. Màu vàng cam đặc trưng, vị ngọt nhẹ, lại giòn giòn tạo điểm nhấn đặc biệt trên khay bánh kẹo đã khách, bên cạnh đó mứt cà rốt này bạn có thể bảo quản trong hộp kín để lâu dài được.
Nguyên liệu làm Mứt cà rốt truyền thống
- 1kg Cà rốt
- 500g Đường trắng
- 2 muỗng canh Vôi bột
- 1 muỗng canh Phèn chua
Hướng dẫn làm Mứt cà rốt truyền thống
– Cà rốt bào vỏ, rửa sạch, cắt thành những miếng tròn hoặc vuông vừa ăn. Hòa vôi bột với 1,5 lít nước rồi lấy phần nước trong để ngâm cà rốt khoảng 30 phút. Vớt cà rốt ra rửa sạch lại với nước cho hết mùi vôi.
– Đặt nồi nước hòa phèn chua lên bếp để sôi, sau đó cho cà rốt vào chần khoảng 2 phút rồi đổ ra rửa lại với nước lạnh và để ráo nước.
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Mứt cà rốt truyền thống
– Trộn cà rốt đã ngâm với đường, để yên khoảng 3-4 tiếng đồng hồ cho đường tan hết. Khi đường tan hết, cho cà rốt lên chảo sên trên lửa vừa.
– Khi thấy mứt sôi để khoảng 5 phút, nước đường bắt đầu sánh thì vặn lửa ở mức độ nhỏ nhất. Lúc này đảo nhanh tay và đảo liên tục, khi thấy đường kết tinh, bám đều mặt miếng mứt, đảo cho mứt cà rốt khô hẳn thì tắt bếp. Tiếp tục đảo để cho mứt cà rốt khô hẳn.
– Khi mứt thật nguội thì cho vào túi buộc chặt hoặc lọ thủy tinh đậy kín nắp dùng dần.
– Mứt cà rốt có thể bảo quản kín dùng dần lâu dài.
>> Xem thêm: Cách làm các loại mứt cà rốt lạ miệng
8. Mứt táo ngày Tết
Bạn hay mua táo Tàu khô để bày trí trong khay bánh Tết? Vậy tại sao bạn không thử tự tay làm mứt táo này, thay vì không có táo Tàu tươi bạn có thể mua táo ta để làm mứt. Cách làm mứt táo cũng khá đơn giản, lại vô cùng dễ ăn, chắc chắn sẽ làm gia đình bạn thích thú và hài lòng, nhất là trẻ con. Vị chua mềm dịu nhẹ sẽ góp phần không nhỏ khiến mâm bánh của bạn “sạch sẽ”.
Nguyên liệu làm Mứt táo ngày Tết
- 1kg Táo
- 500g Đường trắng
- 15g Vôi bột
- 30g Phèn chua
Hướng dẫn làm Mứt táo ngày Tết
– Táo nhặt bỏ cuống, rửa sạch, dùng tăm nhọn xăm đều lên quả táo để giúp táo ngấm đường đều và nhanh.
– Pha nước vôi trong với tỉ lệ 1 lít nước:10g vôi rồi để lắng gạn lấy nước trong. Ngâm táo 8 tiếng rồi vớt ra xả sạch dưới vòi nước lạnh.
– Hòa tan một thìa phèn chua với nước. Đun sôi nước rồi cho táo vào chần đến khi vỏ ngả vàng thì vớt ra âu nước lạnh. Xả sạch táo rồi để ráo nước.
– Ướp táo với đường đến khi đường tan hoàn toàn. Cho táo vào chảo đáy dày và đun nhỏ lửa. Để đường sôi nhẹ vỏ táo sẽ dần dần chuyển sang màu cánh gián và teo lại. Sên đến khi nước đường cạn thì đem táo để nơi khô ráo cho nguội rồi cất vào lọ kín.
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Mứt táo ngày Tết
9. Mứt đu đủ sấy vị chanh dây
Tất tần tật các loại mứt mà không kể đến mứt đu đủ thì quá thiếu sót rồi, nhưng không chỉ có vị giòn ngọt thanh của đu đủ không thôi mà còn có vị chua chua của chanh dây khi hòa quyện cùng. Mứt đu đủ sấy vị chanh dây thơm dai, ngọt dịu tạo nên sự khác biệt so với các loại mứt truyền thống khác. Hãy vào bếp và thử ngay cách làm mứt đu đủ sấy vị chanh dây lạ miệng thơm ngon này nào!
Nguyên liệu làm Mứt đu đủ sấy vị chanh dây
- 1,5kg Đu đủ (Hơi chín)
- 4 trái Chanh dây
- 250g Đường trắng
Hướng dẫn làm Mứt đu đủ sấy vị chanh dây
– Đu đủ nên chọn trái ương, thuôn dài. Đu đủ gọt vỏ, bổ đôi bỏ hạt và phần màng bên trong. Sau đó thái miếng dài khoảng 5-6cm, dầy khoảng 1cm.
– Sau khi thái, ngâm ngay đu đủ vào nước có pha chút muối hoặc chanh để bớt nhựa. Rửa lại bằng nước lạnh khoảng 2-3 lần, sau đó vớt ra rổ cho thật ráo nước.
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Mứt đu đủ vị chanh dây
– Cho đu đủ vào 1 cái hộp lớn, ướp cùng đường và chanh leo khoảng 2-3 tiếng đồng hồ. Để mứt được ngon hơn nên để hỗn hợp trong tủ lạnh, thỉnh thoảng đảo cho ngấm đều.
– Xếp đu đủ ra khay, cho vào máy sấy sấy khô ở nhiệt độ khoảng 40-45 độ C cho đến khi mứt khô. Nếu không có máy sấy, cho đu đủ vào lò nướng cũng sấy ở nhiệt độ này và quan sát, thấy mứt khô là được (trong quá trình sấy, hé cửa lò một chút, và thỉnh thoảng lật đu đủ).
– Mứt đu đủ sấy vị chanh dây với những miếng đu đủ mỏng dai thơm, ngọt dịu, hòa quyện vị chua dịu của chanh dây.
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Cách làm mứt đu đủ dẻo
10. Mứt tắc vàng
Trong ngày Tết mà nhắc đến nhiều loại mứt như mứt dừa, mứt hạt sen, mứt gừng thì không thể nào thiếu đi món mứt tắc vàng. Dường như món mứt tắc vàng xuất hiện mỗi ngày, có khi nhà nào cũng có bởi tác dụng trị bệnh của nó, nhưng ngày Tết bạn hãy làm mới món tắc vàng bằng cách làm sên lại. Bí quyết trong cách làm mứt tắc là phải thơm, ngọt và dẻo chứ không bị đắng, các chị em hãy tranh thủ làm ngay để Tết dùng dần nhé!
Nguyên liệu làm Mứt tắc vàng
- 1,4kg Trái tắc
- 2 lít Nước vôi trong
- 800g Đường trắng
- 1 muỗng cà phê Muối
Hướng dẫn làm Mứt tắc vàng
– Tắc rửa sạch, cắt làm đôi, vắt hết nước, rửa lại lần nữa với nước lạnh. Nước tắc lượt sạch, để vào tủ lạnh. Ngâm tắc vào nước vôi trong khoảng 18 tiếng đồng hồ.
– Vớt tắc ra khỏi nước vôi, xả lại nước lạnh vài lần cho đến khi nước trong, vắt nhẹ cho tắc khô nước.
– Cho tắc và 800g đường vào chảo lớn, trộn đều, để khoảng 8 giờ đồng hồ cho tắc ngấm đều đường. Đặt chảo tắc lên bếp, để lửa lớn.
– Cho hết phần nước tắc và muối vào chảo, trộn đều nhẹ tay, cứ khoảng 10 phút trộn một lần. Sau 30 phút, vớt tắc ra khỏi chảo. Tiếp tục để lửa lớn cho nước đường trong chảo hơi sánh lại.
– Khi nước đường trong chảo sánh lại, cho tắc trở lại vô chảo, hạ lửa vừa, trộn đều nhẹ tay thường xuyên cho đến khi nước đường khô hết. Tắt lửa. Để chảo mứt tắc qua đêm cho mứt nguội. Cho mứt tắc vào keo, để vào tủ lạnh dùng dần.
Xem và lưu lại cách làm mứt Tết: Mứt tắc vàng
Chúc bạn thành công và có mùa Tết trọn vẹn!
Có thể bạn chưa biết: