Từ thực tế công việc, tôi nhận ra rằng, những kỹ năng thực tế mới khiến bạn trở thành người lao động giỏi chứ không phải kiến thức sách vở.
“Việc quan trọng nhất của trẻ con là chơi. Chơi hôm nay để làm việc ngày mai. Vui chơi giúp trẻ nhỏ phát triển hoàn thiện về mọi mặt. Tôi luôn khuyến khích các con mình vui chơi thật nhiều khi có thể. Thực tế cho thấy, chúng yêu việc học hơn rất nhiều nếu không bị thúc ép, và hiệu suất học tập cũng cao hơn hẳn.
Các con tôi được chủ động chọn học thêm thứ chúng muốn, tôi chỉ chi tiền và hỗ trợ việc đưa đón. Tôi cũng chẳng bao giờ hỏi các con được mấy điểm hay có đạt học sinh giỏi hay không? Câu hỏi duy nhất là “ở trường hôm nay có gì vui không con?”. Bằng cách đó, tôi giúp các con có một trải nghiệm phát triển tự do. Chúng có cơ hội kết giao bạn bè, tập trung vào những lĩnh vực có năng khiếu, đam mê, và phát triển những kỹ năng xã hội, phát triển năng lực tự học.
Từ thực tế công việc, tôi nhận ra rằng, những kỹ năng tự học mới thực sự khiến bạn trở thành người lao động giỏi. Nếu chưa mạnh về bất cứ thứ gì, bạn hoàn toàn có thể tự học để trở nên giỏi hơn, thậm chí trở thành chuyên gia. Khả năng tự học được phát triển từ sự yêu thích và am hiểu bản thân của mỗi đứa trẻ. Nếu không được chơi, chúng sẽ không có khả năng ấy và sẽ không bao giờ trở thành người lao động giỏi. Việc nhà nhà đưa con đi du học bằng mọi cách cho thấy một phần bức tranh nền giáo dục trong nước hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra”.
Đó là quan điểm của độc giả Fool về thực trạng dạy và học nhồi nhét khá phổ biến hiện nay. Mọi đứa trẻ đều thích được vui chơi. Chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để làm, để học. Còn khi chơi, không có nỗ lực nào được cần. Khi chơi, đứa trẻ hoàn toàn thư giãn. Trong trạng thái hoàn toàn thư giãn và thả lỏng, trẻ con trở thành miếng bọt biển tiếp nhận tất cả những kiến thức, kinh nghiệm mà cuộc đời đem đến.
>> Vật lộn với Toán cấp ba vì ‘những kiến thức thừa’
Lấy dẫn chứng về những hậu quả tiêu cực khi phải học quá nhiều, bạn đọc Nhatha.nguyenthi2020 kể về câu chuyện của chính bản thân mình: “Tôi nghĩ mình là một nhân chứng sống cho lợi ích của chuyện chơi để học và sai lầm trong chuyện ‘đâm đầu’ học. Tôi có ADHD (chứng tăng động kém chú ý) lúc nhỏ và thậm chí cả bây giờ, nó vẫn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và công việc của tôi. Tôi rất thích chơi, và tôi tự học những kỹ năng mình thích khá tốt. Cho đến khi ba tôi về ở hẳn với gia đình sau đám tang ông nội, tôi bắt đầu được ba kèm cặp để học hành đàng hoàng hơn.
Ba tôi là thầy giáo, và tôi luôn biết ơn vì nhờ có ông, tôi đã học rất tốt. Ông dạy tôi kỹ năng, ông truyền cảm hứng về chuyện học và ông cho tôi niềm tin rằng chỉ cần học tốt, tôi sẽ được tôn trọng và hạnh phúc. Cho đến giờ, việc tốt nhất tôi có thể làm cũng là học. Nhưng nó đã trở thành một tôn giáo với tôi, và tôi như một con chiên ngoan đạo. Cuộc đời tôi chỉ có học và học. Tôi kìm hãm mình không đi chơi, không thể thao, không yêu đương, không xem phim… Tôi mất dần hứng thú với cuộc sống và rồi trầm cảm. Đầu óc tôi tê liệt.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mất hai năm để chấp nhận thực tế rằng mình không hề thích học, không muốn làm kinh tế, mà muốn tự do và trở thành đứa trẻ đơn thuần lúc trước. Sau đó, trớ trêu thay, tôi lại quyết định đi học chuyên ngành tôi đam mê từ trước – tâm lý học. Nó như một cuộc chơi mới và tôi đã tận hưởng hết mình. Tôi trở thành thủ khoa và được tuyển thẳng cao học. Giờ đây, tôi vẫn yêu việc học, nhưng cũng chơi nhiều hơn. Chơi để học, đó cũng là một kỹ năng cần được rèn luyện mỗi ngày”.
>> Học sinh Việt cần động lực hay áp lực?
Nghiên cứu khoa học trong 30 năm qua chứng minh rằng thời kỳ phát triển quan trọng nhất của con người là từ sơ sinh đến tám tuổi. Trong những năm này, phát triển kỹ năng nhận thức, tình cảm, năng lực xã hội và sức khỏe thể chất và tinh thần xây dựng một nền tảng vững chắc trong hành trang khôn lớn của con. Vầ chơi cũng là một trong những cách học hiệu quả.
Đồng quan điểm về cách giáo dục trẻ, độc giả Thinh Nguyen nhấn mạnh: “Tôi sinh ở thành phố nhưng may mắn cứ hè là được gửi về quê với ông bà, được chơi với các anh chị em họ. Chừng đó cũng đủ cho tôi biết mọi trò chơi của làng quê mà ở thành phố không thể có. Ngược lại, tôi cũng biết những trò ma mãnh của học sinh thành phố. Tôi cứ nghịch và chơi như vậy đến tận lớp 9 mới tập trung học trong một năm để ôn thi luyện vào trường chuyên.
Tôi đỗ và học chuyên, khi ra trường, tôi đi đây đi đó rồi lại quay về chính ngôi trường mình từng học để dạy học. Tôi dạy Toán, Lý, STEM và thật buồn cười khi các kỹ năng ‘chơi bời’ ngày xưa của tôi lại có thể đem ra áp dụng cho việc dạy học. Điện tử, cơ khí, các mẹo vặt sửa chữa là do tôi học ngoài đường, học bác hàng xóm rất khéo tay, chứ trong trường chỉ dạy tôi các công thức lý thuyết. Kết hợp hai thứ ấy, tôi cứ thế mang ra mà dạy và khuyến khích học sinh thực hành nhiều hơn. Thế mới nói, chơi cũng chính là một cách tích lũy vốn vào đời sau này”.
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.