“chó” là gì? Nghĩa của từ chó trong tiếng Việt. Từ điển Việt-Việt

(Canis), chi thú ăn thịt, họ Chó (Canidae). Có nhiều giống được thuần hoá từ C rừng (sói). Hiện nay, trên thế giới có hơn 500 triệu con, thuộc 200 – 300 giống của C nuôi (Canis familiaris), gồm các giống Châu Âu gốc từ chó sói xám (C. lupus), và các giống Châu Á, Châu Phi gốc từ chó sói vàng (C. aureus). Ở Việt Nam còn có loài đingô (C. dingo) ở Phú Quốc. C được nuôi làm cảnh như C fox, C Nhật; để trông coi kho tàng, giữ nhà, phục vụ an ninh quốc phòng, đi săn… vì C có những đặc tính tốt (đánh hơi giỏi, trung thành với chủ), nhưng khi nuôi cần giữ vệ sinh, phòng bệnh nhất là bệnh dại. Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có những thống kê đầy đủ về các giống C, nhưng sơ bộ có thể nêu một số giống địa phương quen thuộc: C vàng có bộ lông vàng tuyền, tầm vóc trung bình, biết giữ nhà, đi săn và khá tinh khôn; C miền núi có tầm vóc to, tai vểnh, quen với khí hậu vùng cao; C Lào có bộ lông xồm màu hung với hai vệt trắng trên mắt thường được nuôi ở vùng Tây Bắc, miền núi và trung du. Những giống C địa phương khác như C đen tuyền (C mực), trắng tuyền ít được ưa thích. Trong nhiều năm qua, có nhiều giống C nhập nội được nuôi ở Việt Nam, ngoài giống Becgiê cao to, còn có các giống C cảnh (C bông, C hươu, C fox). Một số tộc người (người Dao, một số người Ba Na vùng Bắc Tây Nguyên) coi C là tổ tiên của mình. Vì vậy, có tục kiêng cữ không ăn thịt C. Với người Hoa, C là thần giữ của. Theo y học dân tộc, thịt C (không độc, tính nóng) trợ dương, cường tráng; dùng dương vật, tinh hoàn C phơi, sấy khô (4 – 12 ngày), chữa thận suy, liệt dương, di tinh; dùng sỏi trong dạ dày C bị bệnh (cẩu bảo) sắc, uống (ngày dùng 2 – 3 g) chữa nghẹn nấc, nôn mửa, mụn nhọt. Trong sinh học, y học, C còn được dùng làm động vật thí nghiệm.

Chó

A – Sơ đồ bộ xương chó: 1. Sọ; 2. 3. 4. 5. Đốt xương sống cổ, lưng, vùng thận, vùng đuôi; 6. U; 7. Xương sườn; 8. Chậu; 9. Xương vai; 10, 11, 12. Xương chân; 13. Xương mắt cá; 14, 15. Xương ngón và bàn chân; 16, 17, 18, 19, 20. Các xương tương tự của chi sau. B – 21. Mắt; 22. Mũi; C – Chân nhìn từ dưới: 23. Đệm cổ chân; 24. Sụn; 25. Đệm ở bàn chân; 26. Móng; 27. Đệm ở ngón chân

Rate this post

Viết một bình luận