Cây bưởi được trồng rất phổ biến tại Việt Nam. Cây tương đối dễ trồng và thích hợp với nhiều loại đất khác nhau, cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng Dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm thông tin về cây bưởi nhé!
Cây bưởi là gì?
Bưởi là một loại quả thuộc chi Cam chanh, thường có màu xanh lục nhạt cho tới vàng khi chín, có múi dày, tép xốp, có vị ngọt hoặc chua ngọt tùy loại. Bưởi có nhiều kích thước tùy giống, chẳng hạn bưởi Đoan Hùng chỉ có đường kính độ 15 cm, trong khi bưởi Năm Roi, bưởi Tân Triều (Biên Hòa), bưởi da xanh (Bến Tre) và nhiều loại bưởi khác thường gặp ở Việt Nam, Thái Lan có đường kính khoảng 18 – 20 cm.
Cây bưởi còn có tên gọi khác là cây bòng. Cây với rất nhiều công dụng khác nhau, quả mang lại giá trị kinh tế, hoa được dùng ướp trà… cây rất được ưa chuộng và trồng nhiều.
- Tên khoa học: Pomelo
- Danh pháp 2 phần: Citrus maxima
- Thuộc chi Cam chanh
Đặc điểm của cây bưởi
Bưởi là loài cây to, cao trung bình khoảng 3–4 m ở tuổi trưởng thành, vỏ thân có màu vàng nhạt, ở những kẽ nứt của thân đôi khi có chảy nhựa. Cây thân gỗ. Cành có gai dài, nhọn.
Cây bòng thường nhỏ hơn, lá xanh hơn cây bưởi, tuy nhiên chiều cao của cây bòng lại cao hơn trung bình cây bưởi tới 1m.
Trước đây, ở nhiều vùng quê Việt Nam, cây bòng khá phổ biến tuy nhiên tính chất vượt trội hơn của bưởi là trái ngon hơn và thời gian ra quả sớm nên người dân dần chuyển sang trồng bưởi. Ngoài ra, do tình trạng lai tạo cấy ghép nên những đặc điểm sơ khai trở nên khó phân biệt hơn và nhiều người chỉ nhận thấy sự xuất hiện của trái bưởi trên thị trường.
Ngày nay, có nhiều loại bưởi xuất hiện tùy theo từng vùng, từng địa phương mà có các giống bưởi khác nhau về kích thước, mùi hương, vị ngọt…
Hoa mọc thành từng cụm chùm, có màu trắng đặc trưng, có mùi thơm rất dễ chịu.
Quả có dạng hình cầu, mọng nước, khi còn non có màu xanh, khi chín thường có màu vàng, một số loại có xanh.
Một số giống bưởi ở Việt Nam
Các giống có triển vọng tại các tỉnh phía Nam hiện nay là:
Bưởi Năm roi (Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang): Dạng trái hình quả lê đẹp, nặng trung bình 0,9-1,45 kg/trái, vỏ trái khi chín có màu xanh vàng đến vàng sáng, dễ lột và dầy trung bình (20-25mm), con tép màu vàng nhạt, bó chặt, dễ tách khỏi vách múi, nước quả nhiều có vị ngọt chua nhẹ (độ Brix: 9-11%), mùi thơm, ít đến không hạt (0-10 hạt/trái), tỷ lệ thịt/ quả ≥ 60%.
Bưởi Đường lá cam (Đồng Nai, Bình Dương): Dạng trái hình quả lê, nặng trung bình 0,8-1,4 kg/trái, vỏ nhẵn màu xanh vàng khi chín, mỏng và dễ lột (10-14mm), con tép màu vàng nhạt, bó chặt và dễ tách khỏi múi, nước quả khá nhiều, vị ngọt ít chua (độ Brix: 9,5-12 %) mùi thơm, hạt nhiều (>30 hạt/trái), tỷ lệ thịt/ trái >50 %.
Bưởi Da xanh (Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, miền Đông Nam bộ, một số tỉnh của miền Trung và miền Bắc ): Dạng trái hình cầu, nặng trung bình 1,2-2,5 kg/trái, vỏ có màu xanh đến xanh hơi vàng khi chín, dễ lột và vỏ trái khá mỏng (14-18 mm), con tép màu hồng đỏ, bó chặt và dễ tách khỏi vách múi, nước quả khá, vị ngọt thanh không the (độ brix: 9,5-12%), mùi thơm và hạt ít đến không hạt khi trồng chuyên canh (0-5 hạt/trái), tỷ lệ thịt/trái >55%.
Bưởi Đường da láng (Đồng Nai, Bình Dương): Dạng trái hình quả lê, nặng trung bình 1,2-2,5 kg/trái, vỏ quả láng, màu xanh vàng đến vàng khi chín, dễ lột và dầy trung bình (16-19 mm), con tép màu vàng nhạt, bó chặt và dễ tách khỏi vách múi, nước quả khá nhiều, vị ngọt không chua (độ Brix: 9-11%), mùi thơm và rất nhiều hạt (>50 hạt/trái), tỷ lệ thịt/ trái >50 % .
Bưởi Lông Cổ cò (Tiền Giang, Vĩnh Long): Dạng trái hình quả lê cụt, nặng trung bình 0,9-1,4 kg/trái, vỏ trái có lông mịn, màu xanh nhạt khi chín, dễ lột và khá mỏng (13-16 mm), con tép màu vàng hồng, bó chặt trung bình và hơi khó tách khỏi vách múi, nước quả khá nhiều, vị ngọt đến ngọt chua nhẹ (độ Brix: 9-11%), mùi thơm và hạt ít đến khá nhiều hạt (5-30 hạt/trái), tỷ lệ thịt/trái > 50 %.
Ý nghĩa của quả bưởi
Cây Bưởi là một loại cây xuất hiện từ thời xa xưa, là một trong những loại cây không thể thiếu trong mâm ngủ quả ngày tết, trái bưởi có màu vàng tượng trưng cho sự sum vầy, no đủ, ấm cúng, mang lại cho gia chủ tiền tài, dạnh vọng. Hiện nay việc trồng bưởi là thú vui cây cảnh đang là một trào lưu phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt khi kết hợp bưởi cùng với một số loại cây cùng họ tạo nên cây ngũ quả mang tài lộc, may mắn vào nhà.
Ứng dụng của cây bưởi trong đời sống
Với những đôi bàn tay khéo léo, bưởi được ép thành những hình dạng khác nhau, đa dạng về kiểu dáng, làm cho mâm ngũ quả trở nên sinh động hơn, ngoài ra chúng không thể thiếu trong mâm quả vào dịp Trung Thu với những hình dáng con vật ngộ nghĩnh đáng yêu dành cho các em thiếu nhi.
Quả bưởi không chỉ dùng để ăn trực tiếp mà nó còn là một trong những phương thuốc quý, với thành phần giàu chất viatmin C, có tác dụng chống oxy hóa, gúp cơ thể chống lại những stress, giảm những áp lực cho cuộc sống, và chũa một số bệnh có liên quan đến hen suyễn và viêm khớp. ..
Trong bưởi còn chứa một hợp chất tên là d-limonene giúp ngăn ngừa sỏi thận , giảm hàm lượng cholesterol, đặc biệt trong việc phòng chống ung thư. Ngày nay, bưởi còn được sử dụng trong việc làm đẹp của các chị em phụ nữ.
Hoa bưởi có mùi thơm dễ chịu, thường được ướp với chè, hương thơm của hoa bưởi giúp tinh thần thư thái , làm giảm những cơm mệt mỏi, đau đầu tan biến một cách nhanh chóng…
Thú chơi bưởi làm một loại cây trồng bonsai đang được trồng và phổ biến rộng rãi ở các nhà vườn.
Tác dụng của bưởi trong y học
Trong cuốn Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã viết về Bưởi; Vỏ quả Bưởi gọi là Cam phao, vị đắng cay, tính không độc, thông lợi, trừ đờm táo thấp, hoà huyết, giảm đau; trị tràng phong, tiêu phù thũng. Bỏ cùi trắng, lấy lớp vỏ vàng sau dùng. Ngày nay, ta dùng vỏ quả, xem như có vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng trừ phong, hoá đàm, tiêu báng (lách to), tán khí thũng (phù thũng thuộc khí). Ở Trung Quốc, người ta cho là nó làm để tiêu, giúp sự tiêu hoá, làm long đờm, chống ho. Lá có vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng, tiêu viêm. Cụ Tuệ Tĩnh đã cho biết quả bưởi vị chua, tính lạnh, hay làm cho thư thái, trị được chứng có thai nôn nghén, nhác ăn, đau bụng, hay người bị tích trệ ăn không tiêu. Nay ta dùng dịch quả có tính chất khai vị và bổ, lợi tiêu hoá, khử lọc, dẫn lưu mật và thận, chống xuất huyết, làm mát.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Vỏ quả dùng trị đờm kết đọng ở cổ họng và cuống phổi, đau bụng do lách to; còn dùng trị đau dạ dày, đầy bụng, ăn uống không tiêu, ho nhiều, hen, đau thoát vị. Lá dùng chữa sốt, ho, Nhức đầu, hắt hơi, kém ăn; còn dùng chữa viêm vú, viêm amygdal. Ở Ấn Độ, người ta dùng chữa bệnh động kinh, múa giật và ho có co giật. Dịch quả dùng trong trường hợp chán ăn, mệt mỏi khó tiêu, ngộ độc, da huyết, tạng khớp, ít nước tiểu, suy mật, giòn mao mạch, chứng sốt và bệnh phổi. Vỏ hạt có pectin dùng làm thuốc cầm máu. Hoa bưởi được dùng để cất tinh dầu thơm, dùng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo.
Cách dùng bưởi để trị bệnh
Vỏ quả và lá được dùng uống trong dưới dạng thuốc sắc, mỗi ngày dùng 10-15g. Dịch quả dùng uống trong, ngày uống 3 lần trước các bữa ăn. Lá dùng ngoài không kể liều lượng. Người ta dùng nướng chín để nắn, xoa bóp hay nấu nước xông và ngâm để chữa sưng chân do hàn thấp, chướng khí, giảm đau do trúng phong tê bại. Lá non dùng chữa sưng trên khớp, bong gân, gãy xương do ngã, chấn thương; còn dùng chữa đau bụng, đầy bụng do lạnh. Hạt bưởi bỏ vỏ ngoài, nướng chín đen rồi nghiền thành bột dùng bôi chốc lở da đầu, ngày 2 lần, trong 2-3 ngày.
Các lưu ý khi dùng bưởi
- Bưởi có tính lạnh, khiến cho người bị tiêu chảy ăn vào sẽ càng nghiêm trọng. Do vậy, nếu trong người yếu thì không nên ăn nhiều bưởi.
- Bệnh nhân có lượng mỡ trong máu cao nếu dùng một cốc nước ép bưởi để uống một viên thuốc giảm béo thì có thể dẫn đến hiện tượng đau cơ, thậm chí là dẫn đến bệnh về thận.
- Một số bệnh nhân trong thời kỳ sử dụng thuốc chống dị ứng nhất định, nếu ăn bưởi hoặc là uống nước ép bưởi, nhẹ thì có thể gây ra đau đầu, tim đập mạnh, loạn nhịp tim…, nghiêm trọng có thể dẫn đến đột tử
- Ngoài ra, còn một số thành phần khi kết hợp với bưởi có thể gây ra tác dụng phụ như: Dung dịch Cyclosporine, chất caffeine, canxi đối kháng, Cisapride…
Do vậy, các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, bệnh nhân đang sử dụng thuốc, đặc biệt là người già, tốt nhất là không nên ăn bưởi và uống nước ép từ bưởi. Do đó, khi sử dụng một vài loại thuốc nào đó thì nên hỏi ý bác sĩ xem có thể dùng bưởi được không. Người bị tiêu chảy càng không nên ăn nhiều bưởi vì ăn vào bệnh sẽ càng nghiêm trọng.
Yêu cầu và chuẩn bị trồng cây bưởi
Quy trình này áp dụng cho cây bưởi (Citrus maxima (Burm.) Merr.) được nhân giống bằng phương pháp ghép mắt hoặc chiết trồng ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Một số nội dung có thể áp dụng được cho các địa phương có trồng cây bưởi
Yêu cầu sinh thái
1. Nhiệt độ
Cây bưởi thuộc nhóm cây có múi có nguồn gốc nhiệt đới và á nhiệt đới, nhiệt độ thích hợp nhất để cây bưởi sinh trưởng và phát triển từ 23-29o C, bưởi sẽ ngừng sinh trưởng khi nhiệt độ xuống dưới 130 C và chết –50C. Nhiệt độ không những ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mà còn ảnh hưởng đến phẩm chất của trái. Do điều kiện tự nhiên vùng nhiệt đới, quả bưởi ở miền Nam có màu sắc vỏ trái khi chín từ xanh đến vàng lợt.
2. Ánh sáng
Cường độ ánh sáng thích hợp là 10.000-15.000 lux (tương đương nắng sáng lúc 8 giờ hoặc nắng chiều lúc 16 giờ). Mùa hè cường độ ánh sáng lên đến 100.000 lux, đều này dễ làm trái bưởi bị nám nắng, ảnh hưởng đến phẩm chất và giá trị thương phẩm của trái bưởi. Vì vậy, khi thành lập vườn trồng bưởi nên bố trí mật độ trồng và khoảng cách trồng hợp lý để hạn chế trái bị nám nắng.
3. Nước
Cây bưởi cần nhiều nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa và kết quả nhưng cũng rất sợ ngập úng, ẩm độ đất thích hợp nhất là 70- 80%. Lượng mưa cần khoảng 1000-2000mm/năm. Trong mùa nắng, cần phải tưới nước và lượng muối NaCl trong nước tưới không quá 3g/lít nước.
4. Đất trồng
Đất phải có tầng canh tác dầy ít nhất là 0,6m và thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, pH nước từ 5,5-7, có hàm lượng hữu cơ cao > 3%, không bị nhiễm mặn, mực nước ngầm thấp dưới 0,8m.
Cách chọn giống
Bưởi có thể được nhân giống vô tính bằng phương pháp chiết và ghép mắt. Tuy nhiên, một số mầm bệnh như: Tristerza, Greening, virus và tương tự như virus có thể lây lan qua mắt ghép hoặc cành chiết.
Phần lớn các giống bưởi là đơn phôi, cây con phát triển từ hạt sẽ có một số đặc tính khác với cây mẹ nên trong sản xuất đã có khá nhiều giống/dòng bưởi được ghi nhận trong cùng một giống, nhất là giống bưởi Da xanh.
Việc trồng cây giống bưởi được nhân giống từ những cây đầu dòng khác nhau dẫn đến trái bưởi Da xanh không đồng đều về chất lượng và mẫu mã giữa các vườn bưởi.
Vì vậy muốn có trái ngon, đồng đều về mẫu mã thì phải chọn cây giống bưởi được nhân giống từ cây đầu dòng đã được các cơ quan có thẩm quyền công nhận. Nên mua cây giống tốt được sản xuất ở những địa chỉ đáng tin cậy như: Viện, Trường, Trung tâm, các cơ sở sản xuất giống uy tín.
Ở những nơi ảnh hưởng mặn với nồng độ 6-8% và kéo dài trong 1-2 tháng thì có thể sử dụng các dòng/giống cây có múi chống chịu mặn như: Bòng, Sảnh, bưởi Bung, bười Hồng đường, bưởi Lông Cổ cò để làm gốc ghép cho các giống bưởi thương phẩm (bưởi Da xanh, bưởi Năm roi).
Thiết kế vườn
1. Chuẩn bị đất trồng
Đào mương lên líp nhằm mục đích xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác. Mương thoát và tiêu nước có chiều rộng từ 1-2 m, líp có kích thước chiều ngang từ 6-8 m. Lên líp có thể áp dụng theo kiểu cuốn chiếu hoặc đắp mô. Các kiểu lên líp này có thể áp dụng cho thiết kế vườn trồng các cây như: nhãn, xoài, măng cụt, vú sữa,… Vùng đất có tầng canh tác dầy, mực thuỷ cấp thấp và không bị ảnh hưởng lũ lụt thì có thể lên líp theo kiểu đắp mô. Hàng năm thường có lũ vào tháng 9 -11 dương lịch, nên vườn cần xây dựng bờ bao để bảo vệ cây trồng.
Trong điều kiện miền Nam, khi thành lập vườn cần chú ý hướng Đông – Tây để thiết kế líp trồng vuông gốc với hướng Đông, khi đó các cây trên vườn sẽ nhận được đầy đủ ánh sáng hơn.
2. Trồng cây chắn gió
Xây dựng hàng cây chắn gió là yêu cầu cấp thiết đối với việc thiết lập mới một vườn trồng cây có múi nói chung và cây bưởi nói riêng. Mục đích của việc trồng cây chắn gió để ngăn chặn sự di chuyển của sâu bệnh hại theo gió xâm nhập vào vườn; tạo tiểu khí hậu thích hợp trong vườn, đồng thời hạn chế các mức thiệt hại do gió bão gây hại. Hàng cây chắn gió được trồng xung quanh vườn, các loại cây sử dụng làm cây chắn gió là: Bình linh, dâm bụt, mận, dừa nước,… Tùy theo từng vùng mà chọn loại cây chắn gió thích hợp và hiệu quả.
3. Mật độ và khoảng cách trồng
Tùy theo vùng đất trồng mà khoảng cách trồng thay đổi cho phù hợp. Mật độ trồng ở ĐBSCL khoảng 35 – 40cây/1000 m2 tương ứng với khoảng cách trồng 4 m x 5 m, 4 x 6 hoặc 5 x 6 m. Trồng dầy có ưu điểm là: trái bưởi ít bị nám nắng; tiết kiệm chi phí mua cây để chống cành, trái; năng suất thu hoạch những năm đầu cao. Tuy nhiên, do cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng, cây có khuynh hướng vươn cao, gây khó khăn trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh, thu hoạch và năng suất giảm ở các năm sau.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi
Thời vụ trồng
Vùng ĐBSCL trồng đầu mùa mưa để tiết kiệm công tưới hoặc trồng cuối mùa mưa.
Chuẩn bị hố trồng và cách trồng
Cần làm mô (ụ đất) để nâng cao tầng canh tác, đất làm mô trồng thường là đất mặt ruộng hoặc đất bãi bồi ven sông phơi khô. Đắp mô trước khi trồng 2-4 tuần, bón vôi để xử lý đất vào thời điểm này là tốt nhất. Tuỳ loại đất đai, kinh tế và nguồn phân hữu cơ mà kích thước mô lớn hoặc nhỏ.
Kích thước mô nên cao 40 cm – 60 cm và đường kính 80 cm -100 cm. Nếu không đủ đất để làm mô thì giai đoạn đầu kích thước mô có thể nhỏ, sau đó cần bổ sung thêm khi cây lớn.
Khi trồng, giữa mô cũng đào lổ và trộn đều đất này với các hỗn hợp phân bón như: 5 kg phân hữu cơ hoai, 500 g phân super lân và 200g phân DAP(18 % N- 46% P2O5), kế đến dùng dao cắt đáy bầu và đặt cây xuống giữa lổ làm thế nào để mặt bầu cây nhô cao 3-5 cm so với mặt mô, sau đó cho toàn bộ hỗn hợp đất này vào xung quanh bầu cây ém nhẹ, kéo bao nilon từ từ lên và lấp đất lại ngang mặt bầu, tưới nước. Chú ý không lấp đất đến vị trí mắt ghép.
Để xử lý côn trùng có thể gây hại bộ rễ non của cây bưởi, chúng ta nên dùng thuốc Regent liều lượng theo khuyến cáo và trộn đều với đất trong hố để khử trùng.
Khi đặt cây phải xoay mắt ghép hướng về chiều gió để tránh gãy nhánh. Sau trồng cần cắm cọc giữ chặt cây con. Đối với cây chiết nên đặt cây nằm nghiêng một góc khoảng 450 để cây dễ phát triển cành mới.
3. Quản lý cỏ và tủ gốc giữ ẩm
Tủ gốc để giữ ẩm trong mùa hè bằng rơm rạ khô và cách gốc khoảng 20 cm. Biện pháp này cũng tránh được cỏ dại phát triển, đồng thời khi rơm rạ bị phân hủy sẽ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng đáng kể.
Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên trồng hoa màu để tránh đất bị xói mòn, tăng thu nhập. Khi cây vào thời kỳ kinh doanh, thì xu hướng hiện nay là giữ cỏ trong vườn nhằm giữ ẩm cho đất trong mùa hè và chống xói mòn đất trong mùa mưa. Tuy nhiên, khi cỏ phát triển mạnh sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây có múi, vì vậy phải cắt bỏ bớt bằng dao hoặc máy cắt cỏ.
4. Tưới và tiêu nước
Bưởi là loại cây trồng cần tưới nước đầy đủ nhất là giai đoạn trái phát triển. Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho bưởi, vào mùa mưa do lượng mưa không phân bố đều, vì vậy vườn cần phải có mương cống để tiêu nước vào các tháng mưa nhiều, trách ngập úng kéo dài cây có thể chết.
5. Vét bùn bồi líp (vùng ĐBSCL)
Có thể vét bùn kết hợp với việc tạo khô hạn để xử lý ra hoa. Vét bùn vào tháng 2-3 dương lịch hoặc sau mùa mưa.
Ưu điểm:
- Cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.
- Nâng cao dần tầng canh tác.
- Vét bùn có thể kết hợp với xiết nước để xử lý ra hoa.
Nhược điểm:
- Xác bã thực vật chưa kịp phân hủy hoàn toàn sẽ bị đưa lên líp.
- Đưa tầng phèn tiềm tàng lên líp gây ngộ độc cho cây.
Để khắc phục những nhược điểm này, chúng ta có thể vét lớp bùn mỏng khoảng 2-3 cm hoặc hai năm/lần. Bùn được đưa lên mặt líp tập trung một chỗ cho khô hoàn toàn mới bón cho cây. Không được bồi bùn lấp kín mặt gốc cây bưởi vì bộ rễ vẫn cần không khí (oxy) để hô hấp trong quá trình chúng ta xử lý cây ra hoa.
6. Tỉa cành và tạo tán
a. Tạo tán: Là việc làm cần thiết ngay trong thời kỳ xây dựng cơ bản (từ năm thứ 1 đến năm thứ 3) với mục đích:
- Nhằm tạo lập một hình thái cây trồng có khả năng tiếp nhận ánh sáng đầy đủ, đồng thời khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát để thuận lợi trong việc quản lý vườn ở hai giai đoạn: kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh.
- Hình thành và phát triển bộ khung cơ bản, vững chắc nhằm tránh đổ ngã, gãy nhánh từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp cho cây.
Các bước như sau:
- Từ vị trí mắt ghép (trên gốc ghép) trở lên khoảng 50-80 cm thì bấm bỏ phần ngọn, mục đích để các mầm ngủ và cành bên phát triển.
- Chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Dùng tre cột giữ cành cấp 1 tạo với thân chính một góc 35-40o
.
- Sau khi cành cấp 1 phát triển dài khoảng 50-80 cm thì cắt đọt để các mầm ngủ trên cành cấp 1 phát triển hình thành cành cấp 2 và chỉ giữ lại 2-3 cành.
- Cành cấp 2 này cách cành cấp 2 khác khoảng 15 – 20cm và tạo với cành cấp 1 một góc 30- 350
. Sau đó cũng tiến hành cắt đọt cành cấp 2 như cách làm ở cành cấp 1. Từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3.
- Cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.
b. Tỉa cành:
Một trong những đặc điểm của cây có múi so với những loại cây ăn trái khác là không có sự khác nhau giữa mầm chồi và mầm trái. Không có sự biến chuyển của chồi trong nhiều năm, mà mỗi chồi có thể phát triển trong một năm để tạo mầm hoa và sẽ mang một hay nhiều trái ở cuối cành.
Ba mục tiêu chính của việc cắt tỉa cành đối với cây có múi là:
- Tạo cho cây có bộ khung khoẻ mạnh.
- Lập những cành mang trái, trẻ, dồi dào sinh lực và phân bố giống nhau trên khung (sườn) và cành mẹ (cành chính).
- Thay thế những cành già, lọai bỏ cành sâu bệnh, chết, cành vô hiệu… không có khả năng sản xuất bằng những cành non trẻ sẽ mang trái trong những năm tiếp theo.
Công việc tỉa cành được tiến hành hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những đoạn cành sau đây:
- Cành đã mang quả (thường rất ngắn khoảng 10- 15 cm).
- Cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả.
- Cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả.
Để tránh mầm bệnh (tiềm ẩn virus, vivoid…) lây lan sang cây khác, cần phải khử trùng dụng cụ bằng cồn 90o hoặc hơ lửa. Đối với những cành lớn hơn 3cm thì phải dùng cưa. Những vết thương lớn sau khi cắt tỉa cần phải dùng sơn hoặc các thuốc trừ bệnh quét kín vết cắt nhằm tránh vết thương bị thối tạo điều kiện thích hợp cho côn trùng và mầm bệnh tấn công.
Kiểm soát chiều cao của tán cây:
Nên khống chế và duy trì chiều cao của cây bưởi trong tầm kiểm soát khoảng 3m để khả năng tiếp nhận ánh sáng của bộ lá tối đa, tăng diện tích lá hữu hiệu cho quang hợp của bộ lá; thuận lợi trong việc quản lý vườn ở giai đoạn kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh. Duy trì sức sống tốt của cây, bảo đảm sự cân bằng sinh trưởng và kết trái, luôn luôn duy trì có khả năng cho trái ở mức tối hảo.
7. Phân bón
7.1 Phân bón thời kỳ kiến thiết cơ bản
Thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây 1-3 năm tuổi), phân bón được chia làm nhiều đợt để bón cho bưởi. Sau khi trồng có thể tưới phân DAP (40gr/10 lít nước) để tưới cho một gốc bưởi (1 tháng/lần), có thể sử dụng phân tôm, phân cá ủ để tưới cho cây bưởi. Khi cây trên 1 năm tuổi cần bón phân gốc để giúp cho cây phát triển mạnh. Sử dụng phân vi sinh như EM (Effective Micro- Organisms), WEHG tưới để giúp cho phân hữu cơ mau phân hủy tạo thành chất vô cơ cho cây trồng hấp thụ.
Phân bón lá có thể được phun lên cây để hỗ trợ dinh dưỡng giúp cho cây bưởi phát triển, nhất là trong trường hợp nguồn nước tưới bị nhiễm mặn.
7.2. Phân bón thời kỳ kinh doanh (cây đã cho trái ổn định)
* Bón theo phân đơn tự phối trộn:
Trong giai đoạn cho trái, cây bưởi đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng nhiều hơn và tỷ lệ NPK của mỗi giai đoạn cũng khác nhau. Vì vậy có 6 lần bón phân được khuyến cáo trong thời kỳ kinh doanh.
Công thức phân bón cây bưởi 6 năm tuổi: 700 g N +450g P2O5 +700g K2O + 260g CaO + 5kg hữu cơ. Sau đó hàng năm tăng 20% số lượng phân cho cây bưởi.
Vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ liều lượng đạm và lân như khuyến cáo, tuy nhiên hàm lượng kali nên tăng cao hơn 0,7 – 1 lần so với liều lượng đạm cho cả 2 thời kỳ kiết thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh.
* Bón theo phân NPK chuyên dùng:
Hiện nay trên thị trường đã có bán các loại phân bón vô cơ chuyên dùng cho cây ăn quả rất thuận lợi cho nhà vườn sử dụng. Tùy tuổi cây, tình trạng sinh trưởng, lượng quả đã thu hoạch của năm trước mà liều lượng phân bón gia giảm.
Liều lượng phân bón cho cây bưởi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại đất, tình trạng sinh trưởng của cây, độ màu mỡ của đất, giống cây, tuổi cây, mật độ, năng suất vụ trước…
Tùy từng điều kiện cụ thể mà quyết định lượng phân bón thích hợp cho cây bưởi.
+ Giai đoạn sau thu hoạch:
Cây bưởi cần được bón phân NPK có chứa nhiều đạm và lân như: NPK(18 – 12 – 8), NPK (20 – 20 -15) hoặc NPK(16 – 16 – 8) để giúp cây phục hồi dinh dưỡng đồng thời phát triển bộ rễ mới chuẩn bị nuôi cho đợt trái tiếp theo.
Liều lượng bón cho mỗi cây bưởi tuỳ thuộc vào tuổi cây, tình trạng sinh trưởng của cây, độ màu mỡ của đất. Tuy nhiên có thể bón 1-2 kg phân NPK cho cây 4 – 6 năm tuổi .Việc bón phân hữu cơ trong giai đoạn này là cần thiết, liều lượng phân hữu cơ có thể 10 –30 kg/cây bưởi tuỳ thuộc vào nguồn hữu cơ sẳn có và tài chính của mỗi hộ. Việc bón phân hữu cơ trước và bón phân NPK sau cũng được khuyến cáo để tăng khả năng giữ ẩm và dinh dưỡng, giảm sự rửa trôi và trực di của phân bón. Bón vôi để cung cấp canxi cho cây, để cải tạo đất, nâng cao pH, tạo điều kiện vi sinh vật có ích phát triển cũng được khuyến cáo.
+ Giai đọan trước khi xử lý cây ra hoa:
Cây bưởi nên bón phân có chứa hàm lượng lân và kali cao như: NPK (8 – 24 – 24); NPK (7 – 17 -12); NPK (12 – 18 -15). Việc bón ít đạm, nhiều lân và kali vào thời điểm này sẽ hạn chế cây bưởi ra lá non đồng thời giúp bộ lá bưởi trên cây nhanh chóng thuần thục trước khi tiến hành xử lý ra hoa. Liều lượng bón cho mỗi cây tuỳ thuộc tuổi cây, tình trạng sinh trưởng của cây, chế độ phân bón trước đó, độ màu mỡ của đất mà quyết định lượng phân gia giảm từ 0,5 -2kg NPK/cây bưởi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong các bộ phận của cây thì phấn hoa chứa nhiều kali nhất, vì vậy việc cây tích lũy kali trong phấn hoa sẽ giúp cho quá trình thụ phấn, thụ tinh đạt hiệu quả cao. Khi cây đã bắt đầu trổ hoa, một phần lân đã duy chuyển vào hạt (phôi), mà hạt đóng vai trò quyết định kích thích trái bưởi phát triển. Chính vì vậy, việc bón phân NPK có hàm lượng lân và kali cao vào giai đọan trước khi xử lý cây ra hoa là rất cần thiết.
+ Giai đoạn đậu trái và trái phát triển:
Kết quả phân tích hàm lượng NPK trong nước của trái bưởi Da xanh thì trong 1 tấn nước bưởi chứa khoảng 18kg N, 0,7kg P2O5 và 1kg K2O. Qua kết quả này cho thấy, trái bưởi cần nhiều đạm, kế đến là kali sau đó mới là lân, vì vậy mà hầu hết khuyến cáo bón phân cho cây có múi vào giai đoạn đậu trái và trái phát triển của các nước trên thế giới đều theo tỷ lệ N>K20>P205.
Sau khi đậu trái 1 tháng, bón phân theo tỷ lệ N= P205 ≤ K20., các công thức phân bón được khuyến cáo như: NPK (20-20-15) + TE hoặc NPK (17-17-17) + TE được khuyến cáo nhằm đáp ứng kịp thời dinh dưỡng cho cây, việc bón phân NPK có bổ sung các nguyên tố vi lượng (TE) trong giai đoạn này rất cần thiết nhằm giúp đạt tỷ lệ đậu trái cao, hạn chế rụng trái non, giúp trái phát triển tốt hơn.
Sau đó bón tiếp ở thởi điểm 2,5 tháng và 4 tháng sau đậu trái, giai đoạn này quả phát triển nhanh nên bón phân theo tỷ lệ N>K20>P205, các công thức phân bón được khuyến cáo như: NPK (20-0-20) +TE hoặc NPK (17-10-17), NPK (14-10-17),…
Giai đoạn này có thể chia nhỏ lượng phân bón làm 2-3 lần bón nhằm tránh hiện tượng rửa trôi của phân bón, đồng thời cung cấp dinh dưỡng kịp thời giúp quả phát triển. Liều lượng bón cho mỗi cây tùy thuộc giống, tuổi cây, số lượng trái/cây mà lượng phân gia giảm từ 2-5kg/cây. Việc bón phân nhiều lần/cây trong giai đoạn trái phát triển chỉ thích hợp cho vùng ĐBSCL vì diện tích trồng của mỗi hộ gia đình có qui mô nhỏ (0,3-1 ha).
Hằng năm nên bón bổ sung từ 0,5-1kg phân Ca(NO3 )2 để hạn chế nứt trái, cải thiện phẩm chất và thời gian tồn trữ sau thu hoạch của quả.
Phân bón lá có thể phun 2-4 lần/vụ quả ở giai đoạn sau khi quả đậu và giai đoạn quả bắt đầu phát triển nhanh để cung cấp đầy đủ và kịp thời chất dinh dưỡng cho quả. Tuy nhiên, việc lạm dụng (sử dụng nhiều lần) phân bón lá sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc, địa y phát triển mạnh trên thân, cành, đồng thời làm giảm chất lượng như: vị lạt, trái mau hư hỏng sau thu hoạch.
+ Trước thu hoạch 1,5 tháng:
Thời điểm này trái đã vào giai đoạn chín sinh lý nên bón phân K2SO4, KCl với liều lượng khoảng 200 – 500g kali/cây để gia tăng chất lượng trái bưởi (hương vị và màu sắc).
7.3. Cách bón phân
Cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, nên xới xáo mặt đất trước khi bón hoặc đào rãnh, rãnh sâu 5- 10cm, rộng 20-30 cm cho phân vào, lấp đất lại.
Vùng miền Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên: dựa theo hình chiếu của tán cây thì đào những hố xung quanh gốc, sâu 20-30cm, rộng 20-30 cm, cho phân vào lấp đất lại và tưới nước hoặc áp dụng bón rãnh (làm bồn) để bón phân.
Khi cây giao tán, không cần đào rãnh mà có thể dùng cuốc súp nhẹ lớp đất chung quanh tán cây, bón phân và lấp đất lại. Sau khi bón phân xong cần tưới nước để phân tan, cung cấp dinh dưỡng cho cây bưởi.
8. Xử lý ra hoa
Có 2 phương pháp xử lý ra hoa thường áp dụng trên bưởi như sau:
8.1. Xử lý ra hoa bằng cách tạo sự khô hạn
Một trong những đặc điểm của cây có múi nói chung và cây bưởi nói riêng, so với những loại cây ăn trái khác là không có sự khác nhau giữa mầm chồi và mầm trái. Không có sự biến chuyển của chồi trong nhiều năm mà mỗi chồi có thể phát triển trong một năm để tạo mầm hoa và sẽ mang một hay nhiều trái ở cuối cành.
Cây bưởi ra hoa cần thời gian khô hạn để phân hoá mầm hoa, vì vậy ở các vườn quản lý được nước thì có thể tạo sự khô hạn để cây ra hoa đồng loạt. Việc tạo khô hạn vào tháng 12-01 dương lịch sẽ thu hoạch quả vào Tết Trung Thu (khoảng tháng 7-8 dương lịch); hoặc tạo khô hạn ở tháng 3-4 dương lịch thu hoạch quả vào tết Nguyên Đán (khoảng tháng 12 dương lịch). Gặp lúc mưa, thì có thể dùng tấm nylon đen che phủ chung quanh gốc cũng có thể tạo sự khô hạn để xử lý ra hoa, tuy nhiên phải tốn chi phí để mua nylon và tỷ lệ ra hoa không cao.
Sau khi thu hoạch xong tiến hành vệ sinh vườn như: cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc… kế đến bón phân với liều lượng tùy thuộc vào sự sinh trưởng và tuổi cây. Phân hữu cơ được khuyến cáo bón trong giai đoạn này.
Cây được bón phân lần 2 trước khi tiến hành ngưng xử lý ra hoa. Mực nước trong mương được khống chế ở mức thấp nhất, nhưng phải trên tầng phèn tiềm tàng. Thời gian tạo khô hạn từ 7 -20 ngày tuỳ thuộc vào độ ẩm của đất và tình trạng thiếu nước của bộ lá cây bưởi mà quyết định tưới trở lại. Có thể kết hợp vét sình lên liếp, khi sình khô, nứt nẻ thì tiến hành tưới trở lại. Thông thường khi thấy triệu chứng lá xào thì bắt đầu tưới nước trở lại, mỗi ngày 2-3 lần và tưới liên tục 3 ngày.
Đến ngày thứ 4, tưới nước mỗi ngày/lần. 7-15 ngày sau khi tưới đợt đầu tiên cây sẽ ra hoa, thời gian này ngày tưới ngày nghỉ, 10-15 ngày sau khi cây trổ hoa sẽ rụng cánh hoa (đậu quả).
Ưu điểm:
- Cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây bưởi nếu xiết nước có kết hợp với vét bùn.
- Cây ra hoa tập trung và đồng loạt.
- Thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.
- Tổng thu nhập một lần bán sẽ cao hơn so với để ra hoa tự nhiên.
Nhược điểm:
- Thông qua vét bùn, xác bã thực vật chưa phân huỷ hoàn toàn hoặc tầng phèn tiềm tàng vô tình bị đưa lên líp có thể gây độc cho cây bưởi.
- Bộ rễ có khuynh hướng ăn sâu tìm nguồn nước trong thời gian xiết nước, vì vậy bộ rễ dễ bị hư hỏng do mực thuỷ cấp cao hay tầng phèn tiềm tàng gây ra.
- Bộ rễ suy yếu dễ bị sâu bệnh hại tấn công trong thời gian tạo khô hạn.
8.2. Lải bỏ lá trên cành mang trái
Sau khi thu hoạch xong cũng tiến hành vệ sinh vườn như: cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc… kế đến bón phân lần 2 (đạm thấp, lân và kali cao) với liều lượng tùy thuộc vào sự sinh trưởng và tuổi cây.
Khi toàn bộ lá trên cây già và không có tượt non xuất hiện thì tiến hành lặt bỏ lá trên cành mang quả (thường rất ngắn khoảng 10 – 20 cm). Cành này thường mọc ở chảng 2 hoặc chảng 3 của cây. Nếu chúng ta không lải lá thì cành này cũng sẽ mang trái sau đó nhưng muộn hơn so với phương pháp lải bỏ lá trước. Chú ý, bắt đầu lải lá từ cành mang trái ở vị trí gần mặt đất trước sau đó tiến dần đến vị trí cao, nên chọn những cành già, thân và lá có màu xanh đậm. Tùy tình trạng sinh trường và tuổi cây mà cành này sẽ cho hoa nhanh hay chậm.
Ưu điểm:
- Kỹ thuật này đơn giản dễ làm, không tốn hoá chất để xử lý ra hoa.
- Trái bưởi nằm bên trong tán, nên tiết kiệm được cây chống đỡ, hạn chế trái bưởi bị nám nắng.
- Trái ra theo vị trí mong muốn nên thuận lợi trong chăm sóc và thu hoạch.
Nhược điểm:
- Tốn công lao động trong trường hợp áp dụng vào trang trại có diện tích lớn từ vài hecta trở lên.
- Khó áp dụng cho cây bưởi đã nhiều năm tuổi, cây cao trên 3 mét, già cỏi.
Các yếu tố liên quan để việc xử lý ra hoa bưởi được thành công:
- Cây phải được trồng trên mô đất cao và vườn phải có hệ thống tưới tiêu chủ động được nguồn nước trong mương khi tạo khô hạn để đất nhanh khô ráo, giúp việc cây phân hóa mầm hoa tốt hơn.
- Khoảng cách trồng không được quá dày sẽ gây khó khăn trong việc tạo khô hạn.
- Thời gian tạo khô hạn phải tương đối đủ để cây phân hóa mầm hoa.
- Trước giai đoạn xử lý ra hoa, cây không được bón quá nhiều phân bón có hàm lượng N cao.
- Trong thời gian xử lý ra hoa trên cây bưởi không được mang quá nhiều trái hoặc trái đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
- Cành vượt phải được tỉa bỏ thường xuyên, cây bưởi không có nhiều tược non.
8.3. Kỹ thuật tăng đậu quả
Bón phân NPK có hàm lượng lân và kali cao trước khi xử lý ra hoa, bên cạnh nên phun phân bón lá có chứa các nguyên tô vi lượng Cu, B, Zn để tăng tỷ lệ ra hoa và đậu trái trên bưởi.
Khắc phục hiện tượng rụng trái non
Vườn phải trồng cây chắn gió, tưới nước, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh và phun các chế phẩm chống rụng quả non như: Thiên Nông, Retain,… từ khi trái có đường kính 0,3 – 0,5 cm. Phun NAA ở liều lượng 15- 30mg/lít phun vào các thời điểm: trước khi cây nở hoa, 30% hoa nở và cây vừa đậu quả cũng làm hạn chế sự rụng trái non trên cây bưởi.
Tỉa trái
Bưởi thường ra nhiều hoa trên một chùm, nếu không tỉa bỏ bớt trái sẽ làm trái bưởi nhỏ và sâu bệnh dễ tấn công phần vị trí trái tiếp xúc với nhau. Mỗi chùm giữ lại 2 trái/chùm. Tuy nhiên nếu muốn cho trọng lượng trái nhỏ theo yêu cầu thị trường thì có thể để 3-4 trái/chùm. Những trái đậu trên cao (>3m) sẽ có kích thước nhỏ và khó phòng ngừa sâu bệnh và những trái đậu quá gần mặt đất dễ bị bệnh hại tấn công (Phytophthora sp) nên cũng cần loại bỏ nếu biện pháp bao trái, chống đỡ trái không đạt hiệu quả.
Neo trái
Đến thời điểm thu hoạch mà giá bưởi hạ thì có thể neo quả được trên cây từ 15-30 ngày nữa để chờ giá xuất bán, bằng cách phun lên cây các loại phân bón lá như: Retain, ProGibbe. Tuy nhiên, chúng ta không nên neo trái quá lâu trên cây sẽ ảnh hưởng khả năng ra hoa ở vụ sau và tuổi thọ của cây bưởi bị giảm.
Sâu bệnh hại chính và cách quản lý
Sâu đục trái bưởi Citripestis sagittiferella (Lepidoptera: Pyralidae)
Đặc điểm hình thái, sinh học
- Thành trùng có màu nâu xám, có dạng hẹp và dài trên cánh trước có những vệt màu đậm dọc theo gân cánh, cơ thể dài khoảng 10-12 mm, chiều dài sải cánh khoảng 24-28 mm. Con thành trùng ít hoạt động, khi đậu đầu hơi nhô nên râu hơi cong về phía sau (Hình 13).
- Vòng đời của sâu đục trái bưởi là 28,5-38,5 ngày.
Cách gây hại
- Loài sâu này có khả năng gây hại rất lớn. Sâu mới nở đục ngay vào vỏ trái, ăn phần xốp của trái, sau đó ăn vào bên trong thịt trái, thậm chí sâu còn ăn luôn cả phần hạt. Khi trái bị hại thường bị xì mủ ra bên ngoài.
- Sâu gây hại ở tất cả các vị trí trên trái. Sâu thường gây hại ở tất các giai đoạn phát triển của trái, khi với mật số cao sâu tấn công vào trái rất sớm khi trái vừa đậu trái khoảng một tuần và gây hại đến giai đoạn trái thu hoạch.
- Sâu đục trái bưởi gây hại nặng nhất vào các tháng 1-4 dương lịch và tháng 10-12 dương lịch.
Biện pháp quản lý
- Nên xử lý cho cây bưởi ra hoa đồng loạt để dễ quản lý sâu gây hại
- Thu gom và tiêu hủy trái bị nhiễm sâu (trái đã rụng hoặc còn trên cây)
- Bao trái bằng túi bao trái chuyên dùng (Lưới nhựa 49 lỗ.cm-2) vào giai đoạn trái được 2-3 tuần tuổi (nên phun thuốc BVTV trước khi bao trái)
- Nếu không áp dụng biện pháp bao trái: Sử dụng ánh sáng đèn để xua đuổi thành trùng: Loại ánh sáng trắng, đèn Compact 15 W (10 đèn/1.000 m2), thời gian chiếu sáng từ 18-21 giờ mỗi đêm vào giai đoạn trái khoảng 3 tuần sau khi đậu trái.
- Hạn chế sử dụng thuốc hóa học có độc tính cao để bảo vệ thiên địch trong tự nhiên của sâu đục trái như: Kiến vàng, ong mắt đỏ, nấm ký sinh Beauveria, Metarhizium.
- Sử dụng luân phiên một trong các loại thuốc BVTV có hoạt chất như: Chlorantraniliprole+Thiamethoxam (Virtako 40 WG), Emamectin benzoate + Matrine (Rholam super 50 WSG) kết hợp với chất lan trải bề mặt hay dầu khoáng để tăng tính hiệu quả và hạn chế tính kháng thuốc của sâu đục trái. Tiến hành phun 5 lần thuốc BVTV trên vụ trái (Lần 1: Khi trái được 4 tuần tuổi; Lần 2: Sau phun lần 1 là 2 tuần; Lần 3: Sau phun lần 1 là 4 tuần; Lần 4: Sau phun lần 1 là 8 tuần; Lần 5: Sau phun lần 1 là 12 tuần).
2. Sâu đục vỏ trái Prays endocarpa Meyrick. (Lepidoptera: Yponomeutidae)
Con trưởng thành là một loài bướm có kích thước rất nhỏ, màu xám hơi nâu với nhiều vân xám trên cơ thể, mép cánh có nhiều lông, cánh sau hẹp có màu xám nâu (xem hình dưới).
Sâu non tấn công vào trái vừa tượng đến khi trái khoảng 2 tháng tuổi. Sau khi nở sâu non đục vào vỏ trái ăn phần vỏ xốp, làm cho vỏ trái bị nổi lên các khối u nần rất to, nhọn trên trái, không ăn phá phần thịt trái nhưng làm trái giảm giá trị thương phẩm.
Sâu xuất hiện nhiều ở các vườn không xử lý ra hoa đồng loạt.
Thời gian xuất hiện của sâu đục vỏ trái cao nhất vào tháng 4-6 dương lịch, 11-12 dương lịch.
Biện pháp quản lý
Biện pháp canh tác
- Sau thu hoạch tiến hành tỉa cành, loại bỏ tiêu hủy trái nhiễm trên cây và trái rụng dưới đất trong suốt vụ trái.
- Theo dõi vườn thường xuyên, ngắt bỏ các lá, cuống trái có nhộng và tiêu hủy.
- Xử lý ra hoa đồng loạt để dễ quản lý sâu, giảm mật số sâu hiện diện trên vườn do cắt nguồn thức ăn.
- Vệ sinh sạch cỏ và rác mục để hạn chế nơi sâu làm nhộng kết hợp việc rải thuốc hạt, bồi bùn trong mùa nắng nhằm tạo điều kiện bất lợi cho nhộng phát triển.
- Phun nước lên toàn bộ tán cây để rửa trôi trứng sâu và nhộng.
- Bao trái bằng túi bao trái chuyên dùng (Lưới nhựa 49 lỗ.cm-2) vào giai đoạn trái được 2-3 tuần tuổi khi có triệu chứng nhiễm trên vườn.
Biện pháp sinh hóa học
- Đối với đối tượng này có thể đặt bẫy pheromone giới tính có thể dẫn dụ con đực, vào giai đoạn cây ra hoa nhằm theo dõi mật số của sâu để tiến hành các biện pháp phòng trừ kịp thời (2 bẫy/vườn), treo bẫy ở độ cao 1 m.
- Nên tạo điều kiện cho các loài ong ký sinh, kiến vàng phát triển như sử dụng thuốc ít độc, sinh học.
- Khi mật số sâu cao trong vườn, có thể sử dụng luân phiên một trong các loại thuốc có hoạt chất như: Chlorantraniliprole+Thiamethoxam (Virtako 40WG), Emamectin benzoate+Matrine (Rholam super 50WSG); Chlorantraniliprole (DuPontTM Prevathon® 5SC) kết hợp với Surfactant Siloxane Alkoxylate (Thần hổ) hay dầu khoáng để tăng tính hiệu quả và hạn chế tính kháng thuốc của sâu. Nên ngưng phun thuốc khi trái được 2 tháng tuổi vì giai đoạn này sâu không còn tấn công vào trái.
3. Sâu vẽ bùa Phyllocnistis citrella Stainton (Lepidoptera: Gracillariidae)
Đặc điểm hình thái, sinh học
Con trưởng thành thường hoạt động vào lúc chiều tối, rất ít vào bẫy đèn, ban ngày thì ẩn núp ở mặt dưới lá cây. Một con cái thường đẻ được 70-80 trứng. Vòng đời của sâu vẽ bùa khoảng một tháng (Hình 15).
Sâu vẽ bùa có 12-14 thế hệ/năm.
Cách gây hại
- Sâu non gây hại bằng cách cạp vào lớp biểu bì của lá tạo thành các đường hầm ngoằn ngoèo trên lá, màu trắng bạc.
- Sâu ăn tới đâu bài tiết phân đến đó, vệt phân kéo dài như sợi chỉ. Lá bị sâu hại thường co rúm, uốn cong và biến dạng.
- Sâu vẽ bùa thường hiện diện quanh năm, nhưng nhiều nhất vào các tháng mùa nắng từ tháng 1-5 dương lịch, thường tấn công và gây hại vào giai đoạn cây ra lá non, đọt non, ra hoa, nếu mật số cao cũng có thể tấn công vào giai đoạn trái non. Ngưỡng gây hại 0,74 ấu trùng/lá non (Mingdu, 1996).
- Khi cây bị sâu tấn công vào giai đoạn đọt non sẽ làm giảm quá trình quang hợp của lá, ảnh hưởng đến việc ra hoa đậu trái sau này. Khi có khoảng 2-3 con sâu vẽ bùa trên lá thì có thể làm hại 50% bề mặt lá.
- Cây bưởi giai đoạn kiến thiết cơ bản thường bị sâu vẽ bùa gây hại nhiều hơn so với cây giai đoạn kinh doanh.
- Ngoài việc gây hại trực tiếp thì các đường đục của sâu vẽ bùa còn là nơi cho một số bệnh hại xâm nhập vào cây và gây hại như vi khuẩn gây bệnh loét hay nấm gây bệnh ghẻ nham.
Biện pháp quản lý
Biện pháp canh tác
- Chăm sóc vườn bưởi thật khỏe, tỉa cành, bón phân hợp lý điều khiển cây ra đọt non đồng loạt, tập trung để hạn chế sự phá hại liên tục của sâu, thuận lợi cho việc phun thuốc BVTV.
- Hỗ trợ phân bón lá giàu lân giúp lá mau thành thục cũng hạn chế tác hại của sâu vẽ bùa.
- Nên theo dõi vườn thường xuyên, chú ý các giai đoạn cây ra các đợt đọt non xuất hiện rộ trên vườn, đợt chồi sau khi mưa, sau khi bón phân.
- Nên trồng cây chắn gió xung quanh vườn bưởi, không những hạn chế bướm sâu vẽ bùa vào vườn mà còn hạn chế các đối tượng côn trùng chích hút khác.
Biện pháp sinh hóa học
Tạo điều kiện cho thiên địch trong vườn phát triển như kiến vàng, nhện thiên địch ăn sâu non, bọ cánh lưới, bọ xít ăn thịt và các loài loài ong ký sinh…bằng cách phun thuốc BVTV khi thật cần thiết.
Khi mật số cao có thể sử dụng thuốc BVTV có các hoạt chất Abamectin, Imidacloprid, Clothianidin, Spinosad… kết hợp với dầu khoáng, nhằm tránh tính kháng thuốc của sâu vẽ bùa và bảo vệ thiên địch. Chỉ nên phun vào các đọt non của cây, không cần thiết phun toàn bộ tán cây. Có thể phun dầu khoáng khi thấy 2% số cây trên vườn ra đọt non, liều lượng theo khuyến cáo. Lưu ý: trước khi phun dầu khoáng nên tưới nước cho vườn ngày hôm trước.
4. Muỗi đục lá (Diptera:Cecidomyiidae)
Đặc điểm hình thái, sinh học
Con trưởng thành có kích thước rất nhỏ, giống hình dạng con muỗi, màu vàng, dài khoảng 1,5 mm. Chúng đẻ trứng trên các đọt bưởi vừa mới nhú ra như búp trà, sau đó nở ra thành dòi.
Cách gây hại
Loài dịch hại này ăn phá đọt bưởi làm bưởi không phát triển được. Khi đọt vừa mới nhú ra khoảng 1-2 cm, quan sát kỹ trên lá non sẽ thấy dòi sinh sống trong đó với mật số rất cao
Triệu chứng để nhận biết sự xuất hiện của côn trùng này là những lá non bị nâu đen và rụng, chỉ còn trơ lại cọng đọt. Vườn bưởi thường bị gây hại nặng vào thời điểm cây ra đọt non.
Biện pháp quản lý
Biện pháp canh tác
- Không nên trồng cây bưởi với mật số quá cao.
- Tỉa cành, bón phân hợp lý cho cây ra chồi tập trung để hạn chế sự phá hại liên tục của sâu, thuận lợi cho việc phun thuốc phòng trừ.
- Theo dõi các đợt chồi xuất hiện rộ trên vườn, đợt chồi sau khi mưa, sau khi bón phân và sau khi tưới nước.
Biện pháp sinh hóa học
- Nên nuôi kiến vàng trong vườn bưởi cũng góp phần hạn chế loài sâu này.
- Khi mật số cao có thể sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất Spinetoram (Radiant 60EC), Emamectin benzoate+Matrine (Rholam super 50SG),…Chú ý phun thuốc khi lá vừa nhú.
5. Bọ trĩ (Thysanoptera: Thripidae)
Đặc điểm hình thái, sinh học
- Loài Scirtothrips dorsalis: Con trưởng thành có kích thước rất nhỏ 0,8-1,5 mm, màu vàng đến vàng cam, có nhiều sợi lông ở 2 rìa cánh.
- Loài Thrips hawaiinensis: Con trưởng thành cơ thể có 2 màu, đầu và ngực màu vàng hoặc màu vàng cam, bụng có màu nâu, dài 0,85-1,35 mm. Khi bắt dầu hóa nhộng chúng di chuyển xuống đất/lớp vỏ cây có vết nứt. Thành trùng sống tập trung trên hoa.
Cách gây hại
- Bọ trĩ tấn công trên hoa, lá, trái non, chủ yếu gây hại đáng kể trên trái non.
- Trên lá non, làm lá nhỏ lại dạng mũi giáo và 2 mép lá cong ngược lên phía trên, lá bị biến màu (Hình 17). Trái bị gây hại từ lúc vừa đậu trái đến trái có đường kính 4 cm. Bọ trĩ gây hại chủ yếu các trái ngoài trảng. Thời tiết khô và nóng kéo dài làm bọ trĩ gia tăng mật số rất nhanh.
- Bọ trĩ tấn công trên hoa làm rụng hoa.
- Trên trái non, chúng tập trung ở phía dưới lá đài ở phần cuống trái, chích hút vào tế bào biểu bì tạo ra mãng sần sùi với nhiều hình dạng khác nhau, nhưng dạng hình tròn xung quanh cuống trái là đặc điểm đặc trưng nhất. Khi bọ trĩ có mật số cao, chúng cũng gây hại trên trái lớn, trái vẫn phát triển bình thường nhưng vỏ sần sùi.
Biện pháp quản lý
Biện pháp canh tác
- Chăm sóc cho cây sinh trưởng phát triển tốt, cho cây ra đọt non, ra hoa tập trung.
- Sử dụng bẫy màu vàng để theo dõi mật số bọ trĩ trong vườn, từ đó có biện pháp quản lý kịp thời.
Biện pháp hóa học
- Khi phát hiện có 3-5% số đọt non hay trái non có bọ trĩ gây hại thì tiến hành xử lý bằng các loại thuốc đặc trị và luân phiên các loại thuốc với nhau
- Sử dụng thuốc BVTV có các hoạt chất Spinetoram (Radiant 60EC), Emamectin benzoate+Matrine (Rholam super 50SG), Garlicin (Bột tỏi Well), Oxymatrine (Vimatrine 0.6 SL), Azadirachtin (Neemnim 0.3EC) vào đúng thời điểm bọ trĩ gây hại.
6. Rệp sáp (Homoptera: Pseudococcidae)
Trên bưởi có nhiều loài rệp sáp gây hại như loài Planococcus citri, Planococcus sp., Pseudococcus longispinus, Planococcus lilacinus, Nipaecoccus viridis và Rastrococcus sp.
Đặc điểm hình thái, sinh học
- Rệp sáp có các đặc điểm chính như rệp cái có 3 giai đoạn phát dục là trứng, rệp non và trưởng thành, trong khi rệp đực có 4 giai đoạn là trứng, rệp non, nhộng và trưởng thành.
- Tuy nhiên, trong quần thể rệp, con rệp đực có hình dạng rất khác biệt so với các con cái và rệp non.
- Vòng đời của rệp từ 26-38 ngày, nếu thức ăn và điều kiện thời tiết không thích hợp có thể kéo dài 2-3 tháng.
Cách gây hại
- Rệp sáp sống và hút nhựa trên chồi non, lá và trái làm lá héo vàng, chồi và trái chậm phát triển, có thể cành khô chết
- Rệp sáp tiết ra mật ngọn, giúp nấm bồ hóng phát triển, điều này làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của lá.
- Trong các loài rệp sáp tấn công cây bưởi, loài Planococcus sp. tấn công phần gốc và rễ, nếu rệp sáp với mật độ cao có thể làm cây bị héo vàng, khô chết, đặc biệt đối với cây con.
- Rệp sáp xuất hiện quanh năm, thường gây hại mạnh trong mùa nắng.
- Hầu hết các vườn bưởi không được chăm sóc tốt, ẩm độ cao, không thoáng mát hoặc trên những vườn đã sử dụng nhiều thuốc BVTV hóa học thường có mật số rệp sáp cao.
Biện pháp quản lý
Biện pháp canh tác
- Sau khi thu hoạch, xén tỉa cành cho vườn thật thông thoáng đồng thời loại bỏ những cành đã bị nhiễm rệp sáp.
- Hạn chế trồng xen với những cây trồng dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu…
- Phun nước vào tán cây bằng vòi áp lực cao, nước sẽ rửa trôi lớp bột sáp.
- Quản lý kiến bằng chế phẩm SOFRI-trừ kiến cũng hạn chế khả năng phát tán của rệp sáp.
Biện pháp sinh hóa học
- Phun hoặc tưới (nếu rệp sáp dưới rễ) nấm ký sinh Paecilomyces sp. (liều lượng 40gr chế phẩm/10 lít nước).
- Sử dụng thuốc BVTV có các hoạt chất Spirotetramat, Buprofezin (Applaud, Butyl…), Cyantraniliprole (Benevia,…); Clothianidin (Dantotsu,…)…kết hợp Surfactant Siloxane Alkoxylate (Thần hổ,…). Cần lưu ý sử dụng luân phiên các hoạt chất thuốc BVTV khác nhau để tránh tình trạng rệp sáp kháng thuốc.
7. Nhện (Acari: Eriophyidae)
Trên cây có múi có các loại nhện gây hại phổ biến như: Nhện đỏ Panonychus citri, nhện vàng Phyllocoptruta oleivora Ashmead, nhện Eutetranychus sp.
Đặc điểm hình thái, sinh học
Nhện đỏ Panonychus citri: Trứng tròn, được đẻ rải rác trên cả 2 mặt lá hoặc trên trái. Con cái có màu đỏ đậm, dài 0,35-0,4 mm, con cái đẻ khoảng 20-40 trứng. Loài này có kiểu sinh sản đơn tính, nếu con cái không giao phối sẽ đẻ trứng nở ra hoàn toàn con đực, nếu có giao phối với con đực sẽ đẻ trứng nở ra cả con đực và con cái. Con đực nhỏ hơn con cái, dài khoảng 0,3 mm, có màu cam, hình bầu dục tròn. Vòng đời ngắn thường từ 12-15 ngày. Sự gia tăng mật số nhện đỏ thay đổi tùy theo mùa và điều kiện thức ăn, đặc biệt là tuổi của lá bưởi và các yếu tố khác (Hình 19).
Nhện vàng Phyllocoptruta oleivora: Nhện có màu vàng tươi, hình thon dài. Nhện thích sống mặt dưới của lá và tập trung trên trái hướng ra trảng. Do chu kỳ sinh trưởng ngắn nhện có khả năng bộc phát rất nhanh. Mật số nhện vàng cao vào tháng 5-7 và tháng 10-11 dương lịch.
Nhện trắng Polyphagotarsonemus latus: Trứng rất nhỏ trong suốt, được đẻ trên lá non, cành non, cuống hoa, hoa và trái non, thời gian ủ trứng 2-3 ngày. Nhện non rất nhỏ, hình quả lê, tập trung gần vỏ trái. Con trưởng màu trắng, dài trung bình 0,16 mm. Một con cái đẻ khoảng 25 trứng/ngày.
Cách gây hại
- Nhện đỏ Panonychus citri: Nhện non và con trưởng thành cạp và chích hút nhựa cây.
- Trên lá, vết cạp và hút tạo thành những chấm nhỏ li ti trên mặt lá, khi bị nặng, vết chấm lan rộng, lá có màu ánh bạc, lá sau đó có thể bị khô và rụng. Khi mật số nhện cao, cả cành non cũng bị nhện tấn công, cành khô và chết.
- Trên trái nhện đỏ tấn công từ đậu trái đến trái đạt 2 tháng tuổi. Nhện chích hút dịch ở biểu bì làm vỡ túi tinh dầu, vỏ trái sau đó biến màu và các vết thương trên vỏ trái khô dần tạo nên những đốm sần sùi ‘da cám’.
- Nhện vàng Phyllocoptruta oleivora: Nhện gây hại trên lá, cành và trái, nhưng tập trung gây hại nhiều trên trái (trái mới đậu đến thu hoạch). Nhện gây hại bằng cách cạp và hút dịch của vỏ trái làm trái bị nám có hiện tượng da lu. Trái bị gây hại thường có vỏ dày hơn bình thường và có kích thước nhỏ hơn các trái không bị gây hại. Tập trung nhiều trên phần vỏ trái hướng ra trảng.
- Nhện trắng Polyphagotarsonemus latus: Nhện gây hại trên lá và trên trái. Trên lá, nhện gây hại làm lá non cong queo. Trên trái, nhện làm bề mặt vỏ trái mất màu (gần giống da cám), phát triển không đều, trái có thể bị biến dạng, rụng.
Biện pháp quản lý
Biện pháp canh tác
- Vệ sinh vườn, tránh để cành lá, trái tiếp xúc với mặt đất tạo điều kiện cho nhện di chuyển lên cây.
- Bón phân cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ sẽ làm giảm tỷ lệ nhện gây hại.
- Nên sử dụng phân chuồng hoai mục để bón bổ sung cho cây hàng năm vào giai đoạn sau khi thu hoạch.
- Nên xử lý cho cây ra hoa đồng loạt, nhanh, đọt to, khỏe để dễ quản lý nhện.
- Nếu nguồn nước trong vườn tốt, nên phun nước bằng vòi phun áp lực cao lên tán cây cũng hạn chế mật số nhện.
Biện pháp sinh hóa học
Trong điều kiện tự nhiên trên vườn bưởi có nhiều thiên địch của nhện, tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch phát triển.
Sử dụng thuốc BVTV có các hoạt chất Sulfur (Kumulus 80WG); Abamectin+BT (Kuraba WP); Emamectin benzoate (Rholam Super 50SG); Pyridaben (Alfamite 15EC), Indoxacarb (Indosuper 150SC), Dầu hạt bông+Dầu đinh hương+Dầu tỏi (GC mite 70SL) (phun 2 lần) kết hợp dầu khoáng SK Enspray 99EC. Khi sử dụng thuốc BVTV hóa học nên luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau.
8. Bệnh vàng lá Greening (Huanglongbing, vàng lá gân xanh)
Bệnh vàng lá Greening là một bệnh nguy hiểm nhất hiện nay, gây thiệt hại nặng nề đối với ngành sản xuất cây có múi thế giới, nhất là Châu Phi và Châu Á vì chưa biện pháp quản lý hiệu quả hoàn toàn bệnh này.
Triệu chứng bệnh
Trên lá: Ban đầu xuất hiện triệu chứng vàng lốm đốm, nhưng kích thước lá bình thường. Những lá mới sau đó có kích thước nhỏ hơn và mọc thẳng đứng, lá bị vàng nhưng gân lá màu xanh, như triệu chứng thiếu kẽm và sắc. Ngoài ra, hệ thống gân lá bưởi bị nhiễm bệnh có hiện tượng hóa gỗ (Hình 20).
Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Candidatus liberibacterasiaticus gây.
Môi giới truyền bệnh: Bệnh có thể truyền qua con đường nhân giống vô tính (chiết, ghép) và qua rầy chổng cánh Diaphorina citri.
Biện pháp quản lý
Biện pháp canh tác
- Không sử dụng cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Chỉ sử dụng cây giống sạch bệnh được sản xuất từ những cơ sở sản xuất đã được xác nhận, có uy tín. Tuy nhiên, đây chỉ là cây giống sạch bệnh chứ không phải là cây kháng bệnh, nên khi trồng ngoài đồng cần phải thực hiện nhiều biện pháp quản lý tổng hợp khác nhau sau đây thì mới mang lại hiệu quả cao.
- Nên trồng xen ổi (ổi Xá lỵ) trong vườn 6 tháng trước khi trồng bưởi giúp xua đuổi rầy chổng cánh (trong ≤ 2 năm đầu). Không trồng các loại cây hấp dẫn rầy chổng cánh thuộc họ cây có múi như: Nguyệt Qưới, Kim Quýt, Cần Thăng…trong vườn bưởi vì sẽ thu hút rầy chổng cánh.
- Nên trồng cây bưởi vào các tháng có mật số rầy chổng cánh trong tự nhiên thấp từ tháng 9-11 dương lịch.
- Trồng cây chắn gió xung quanh vườn để ngăn chặn sự xâm nhiễm của rầy chổng cánh.
- Tạo điều kiện thuận lợi để cây ra đọt non tập trung (3-4 đợt/năm) (cắt tỉa cành đồng loạt và bón phân) để quản lý rầy chổng cánh hiệu quả hơn.
- Khử trùng dụng cụ cắt tỉa bằng nước Javel khi chuyển từ cây này sang cây khác để tránh sự lây nhiễm.
- Thường xuyên kiểm tra vườn ở các thời điểm đọt non, dùng bẫy màu vàng treo trong vườn để phát hiện nhanh sự xuất hiện của rầy chổng cánh và có biện pháp xử lý kịp thời.
Biện pháp sinh hóa học
- Tạo điều kiện thuận lợi để các loại thiên địch (kiến vàng,…) phát triển trong vườn nhằm góp phần hạn chế mật số rầy chổng cánh.
- Khi cây bưởi xuất hiện chồi non và quan sát thấy rầy chổng cánh, cần phun thuốc BVTV có các hoạt chất Imidacplorid (Confidor,…), Buprofezin (Anproud, Apolo…) hoặc Clothianidin (Dantosu,…)…Hoặc có thể sử Clothianidin (Dantosu,…) ở nồng độ 0,2 gram a.i (nguyên chất) tưới xung quanh và cách gốc cây khoảng 10 cm đối với cây ≤ 1 năm tuổi. Trước khi tưới tiến hành cào nhẹ lớp đất mặt cho lộ bộ rễ cám và lấp đất lại sau khi xử lý thuốc. Định kỳ lặp lại xử lý là 2 tháng/lần.
- Phun thuốc trừ rầy chổng cánh trước khi loại bỏ những cây bị bệnh trên vườn.
9. Bệnh vàng lá thối rễ
Bệnh vàng lá thối rễ trên cây bưởi xuất hiện và gây hại trên tất cả các vùng trồng bưởi tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh và Bến Tre.
Triệu chứng
Trên lá: Lá bị vàng cả phần gân lá và thịt lá, triệu chứng vàng lá có thể xuất hiện trên một vài nhánh hoặc cả cây. Triệu chứng bệnh thường xuất hiện đầu tiên trên những lá già, sau đó đến các lá non và dễ dàng bị rụng khi có gió mạnh (Hình 22).
Trên rễ: Quan sát phần rễ theo hình chiếu của cành có triệu chứng bệnh thì thấy rễ bị thối, đặc biệt là rễ non bị thối và tuột vỏ, làm mất khả năng hút nước và dinh dưỡng của rễ.
Tác nhân gây bệnh
- Bệnh vàng lá thối rễ là do sự tương tác của nhiều tác nhân khác nhau như nấm Fusarium, Phytopthora, Pythium, tuyến trùng, rệp sáp và nhện hại rễ.
- Đây là hiện tượng tương đối phức tạp trên cây bưởi, vì ngoài những tác nhân trên thì có nhiều yếu tố khác như đất trồng qua nhiều năm không được cung cấp phân hữu cơ, do thoát nước kém,…có thể tác động cộng hưởng làm tăng khả năng gây hại cho cây bưởi.
Điều kiện phát sinh, phát triển
- Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng triệu chứng bệnh xuất hiện phổ biến và mức độ bệnh biểu hiện nặng vào các tháng mùa nắng. Bệnh bắt đầu xuất hiện từ năm thứ hai đối với những vườn trồng lại trên nền đất cũ, và khoảng năm thứ ba đối với những vườn trồng mới trên nền đất lúa.
- Ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và gây hại nặng.
Biện pháp quản lý
Giải pháp giống
Sử dụng một số giống cây có múi địa phương làm gốc ghép có khả năng chống chịu bệnh vàng lá thối rễ như: Bưởi Đỏ (bưởi Năm Dù), bưởi Lông Cổ Cò.
Biện pháp canh tác
- Tăng cường bón đầy đủ lượng phân hữu cơ (xử lý hoai mục nếu sử dụng phân chuồng) kết hợp với vi sinh vật đối kháng Trichoderma, Streptomyces, Pseudomonas.
- Có thể tưới hỗ trợ các chế phẩm kích thích sinh trưởng bộ rễ nhằm gia tăng sự phát triển rễ mới như: Rootwell, DS Gold, Rhizomyx,…ngay sau khi tưới thuốc hoá học khoảng 7 ngày. Tưới định kỳ 1-2 lần/tháng cho đến khi kiểm tra thấy cây ra rễ mới.
- Giữ cỏ hợp lý và tạo điều kiện thoát nước tốt nhanh chóng cho vườn trong mùa mưa bão.
- Đối với những vùng đất có pH thấp, nên bón vôi định kỳ 1-2 lần/năm vào cuối mùa nắng và giữa mùa mưa (liều lượng bón trung bình 100-120 kg/1.000m2)
- Sau mỗi đợt thu hoạch nên tỉa cành, tạo tán cây nhằm giúp cho vườn được thông thoáng.
- Nên loại bỏ cành bị nhiễm sâu bệnh, cành vượt bên trong tán, cành ốm yếu, cành đan chéo trong tán,…nhằm giúp cây hồi phục sinh trưởng nhanh.
- Nên kiểm tra thường xuyên vườn, đặc biệt vào những tháng đầu mùa mưa để phát hiện sớm bệnh vàng lá thối rễ trên cây bưởi từ đó đưa ra biện pháp quản lý kịp thời và thích hợp.
Biện pháp hóa học
- Khi phát hiện triệu chứng bệnh sử dụng thuốc BVTV có các hoạt chất Fosetyl-aluminium (Aliette,…), Mancozeb, Dimethomorph (Insuran,…) tưới quanh gốc 2-3 lần, 7-10 ngày/lần.
- Có thể kết hợp tưới các loại thuốc BVTV có hoạt chất Spirotetramat (Movento,…), Buprofezin (Anproud, Apolo…), Clothianidine (Dantotsu,…), Emamectin benzoate (Angun,…) cho cây theo liều lượng khuyến cáo để diệt tuyến trùng hay rệp sáp (nếu có).
- Lưu ý: Trước khi xử lý nên xới nhẹ mặt liếp, xung quanh gốc cây và rải thuốc đều theo chu vi tán cây. Sau đó, tưới xả nước nhiều lần để thuốc có thể thấm đều vào đất và tiếp xúc với rễ cây.
Kết.
Trên đây, Báo khuyến Nông đã chia sẻ đến các bạn những thông tin cơ bản như đặc điểm, ý nghĩa, công dụng và đặc biệt là cách trồng và chăm sóc cây bưởi. Hi vọng rằng bài viết trên đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin bổ ích nhé!
(Theo khuyến cáo của Viện Cây Ăn Quả Miền Nam)