Người dân dễ dàng mua tinh dầu đuổi muỗi trên mạng – Ảnh chụp màn hình
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, người dùng cần phân biệt rõ hương đuổi muỗi, hương diệt muỗi hay chất tạo hương. Nếu dùng hương diệt muỗi thì không được ở trong nhà.
“Việc xông mùi từ tinh dầu tự nhiên vừa có lợi vừa có hại. Trong tinh dầu có rất nhiều chất có thể gây ra tác dụng khác nhau. Có chất kích thích gây viêm da tiếp xúc, kích thích đường hô hấp gây ho hoặc hen, hơi dễ hấp thụ cả vào máu… gây triệu chứng thần kinh, tâm thần.
Đặc biệt, con người nếu hít nhiều với nồng độ cao, kéo dài, trong phòng đóng kín thì rất nguy hiểm. Hợp chất tự nhiên như long não, ngải thơm… khi hít nhiều quá cũng gây kích thích, co giật”, ông cảnh báo.
Do vậy, người dân chỉ nên dùng tinh dầu trong phòng rộng, thoáng, hương phảng phất. Sử dụng máy tạo hương từ tinh dầu trong phòng kín sẽ gây nhiều nguy hiểm.
Khi nghi ngờ nhiễm độc, người dân cần mở cửa, thông cửa, đi đến chỗ thoáng khí nhanh nhất song song với việc tắt máy xông tinh dầu. Sau đó, mọi người phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chữa bệnh kịp thời.
Ông cũng khuyến cáo người dùng chỉ nên mua và sử dụng tinh dầu có công bố tiêu chuẩn chất lượng, có đầy đủ nhãn mác theo quy định (cách sử dụng, liều lượng, độ tuổi dùng…). Nếu mua tinh dầu xách tay Mỹ, Nhật… chỉ nên dùng khi đó là hàng đạt tiêu chuẩn do người thân, người đáng tin cậy mua về.
Theo bác sĩ Nguyên, hiện nay việc quản lý các sản phẩm tinh dầu, cụ thể là tinh dầu đuổi muỗi, chưa có tiêu chuẩn quốc gia (quy trình, quản lý chất lượng…). Do vậy, cần có cơ quan chuyên ngành y tế thực hiện việc kiểm soát các sản phẩm như tinh dầu, hương liệu… đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
“Theo tôi, chúng ta nên giao cho Cục Quản lý dược hoặc Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đảm nhận việc quản lý. Không nên giao cho các cơ quan khác ngoài ngành”, ông Nguyên cho hay.
Tại Mỹ, nước này có Cơ quan Food and Drug Administration (FDA) chuyên kiểm soát các sản phẩm sử dụng cho người, bao gồm các loại thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm với quy định khắt khe, đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, thị trường hiện đang bán rất nhiều loại tinh dầu, chất tạo mùi khác nhau có nguồn gốc từ hoa hồng, oải hương, trầm, cam, chanh, bưởi, bạc hà… được đóng vào các lọ nhỏ 10ml, 30ml… Giá thành các loại này dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng nếu nhập khẩu từ Đông Á, châu Âu, Trung Đông.
Xuất xứ các sản phẩm này cũng đa dạng, từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp… đến cả tinh dầu do các cơ sở sản xuất trong nước tự làm (handmade).
Việc chưng cất được tinh dầu trải qua nhiều bước như thu hái dược liệu, làm sạch, chưng cất, tinh chế… và cuối cùng là đóng gói, chuyển đi tiêu thụ. Việc tinh dầu có bị pha loãng hay trộn các chất khác hay không… chỉ có người sản xuất mới biết.
Xài tinh dầu đuổi muỗi, cả gia đình 4 người bị ngộ độc