Món ngon mỗi ngày – – 2021-03-18T14:59:47+07:00
Lẩu gà lá giang là món ăn dân dã của người dân miền Tây Nam Bộ, được rất nhiều người yêu thích. Với hương vị chua chua, thanh nhẹ tự nhiên của lá giang kết hợp cùng thịt gà thơm mềm, mang lại một món lẩu vừa ngon miệng lại có tác dụng thanh lọc cơ thể. Chưa kể, cách nấu lẩu gà lá giang cũng rất đơn giản, chị em có thể thành công ngay từ lần đầu tiên.
Nguyên liệu của nồi lẩu gà lá giang
Dưới đây là nguyên liệu được chuẩn bị cho gia đình 4-5 người ăn. Tùy theo khẩu phần khác nhau bạn có thể tính gia giảm nguyên liệu cho phù hợp với thực tế nhé.
Nguyên liệu của một nồi lẩu gà nấu với lá giang cơ bản bao gồm như sau:
- 1 con gà (từ 1,5-2kg).
- 300g lá giang tươi.
- 1 đến 2kg bún tươi (tùy theo sở thích mà bạn có thể thay thế bằng các loại sợi khác như phở, mì tôm,…).
- Hành, tỏi, gừng, ớt, rau ngò.
- Các loại rau nhúng lẩu ăn kèm như: rau muống, rau cải, bắp chuối, rau đắng,…
>> Gợi ý cách làm 5 món lẩu hấp dẫn ngày 8/3 chiêu đãi người thương
Hướng dẫn cách làm một nồi lẩu gà lá giang thơm ngon chuẩn vị miền Tây
Để có ngay nồi lẩu gà nấu với lá giang thơm ngon chuẩn vị tại nhà, hãy thực hiện theo những hướng dẫn chi tiết sau đây.
Đầu tiên, đó là giai đoạn sơ chế các nguyên liệu.
Thịt gà làm sạch, sau đó dùng muối để chà sát nhằm tẩy uế cho gà, rồi mới rửa lại một lần nữa bằng nước sạch. Khi gà đã ráo thì ta sẽ chặt gà thành nhiều miếng nhỏ vừa ăn, mặt khác cũng không nên chặt miếng quá dày bởi khi nhúng sẽ lâu chín và khó ăn.
Các loại rau ăn kèm thì bạn nhặt sạch sau đó rửa ráo nước, đặt riêng. Hành, tỏi và gừng làm sạch, sau đó băm nhỏ. Sả đập dập để chuẩn bị cho bước nấu nước lẩu.
Ướp gia vị
Tiếp theo, tiến hành ướp thịt gà với công thức bao gồm: 1 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng cà phê bột nêm cùng 1 muỗng cà phê dầu ăn. Trộn đều và để trong khoảng 15 phút nhằm giúp cho thịt ngấm gia vị.
>> Xem thêm các món ăn hấp dẫn của Bếp nhà TASTY
Chi tiết cách làm lẩu gà lá giang
Chuẩn bị một nồi to, sau đó bắc lên bếp và cho dầu ăn cùng hành, sả, ớt đã chuẩn bị ở trước vào phi thơm, đến khi thấy dậy mùi thì cho tiếp phần thịt gà đã ướp vào, xào đều tay cho miếng thịt săn lại. Để thịt gà có màu vàng óng ánh, ta cho thêm chút đường vào làm nước hàng. Khi trong nồi đã sôi lại một lần nữa thì ta chế vào khoảng 2 lít nước sôi, đun dưới lửa nhỏ trong khoảng 20 đến 30 phút.
Kinh nghiệm nấu lẩu gà lá giang có nước dùng trong đó là khi nước sôi một lúc thì mở vung, vớt bớt phần bọt ra. Tiếp theo vò dập một ít lá giang rồi cho tiếp vào nồi, rồi nêm nếm thêm gia vị của nồi nước dùng cho phù hợp với khẩu vị của gia đình bạn. Để làm nổi nước lẩu hấp dẫn hơn, ta cho các nguyên liệu đã chuẩn bị như rau thơm, rau ngò, hành, tỏi, ớt băm vào, sau đó khuấy đều sao cho hòa trộn vào nồi lẩu.
Bước trình bày
Để trình bày nồi lẩu cho đẹp mắt, bạn có thể chắt nước lẩu ra nồi nhỏ và giữ nóng trên bếp cồn hoặc bếp từ. Các loại rau ăn kèm sắp xếp sao cho bắt mắt đi cùng với dĩa bún đã được cắt khúc vừa ăn, như vậy là ta đã hoàn thành xong nồi lẩu gà lá giang với vị nước dùng chua ngọt thanh mát, thơm ngon vị gà rồi đó.
Những lưu ý khi chuẩn bị một nồi lẩu gà nấu lá giang
Với những bước thực hiện đơn giản như trên, hẳn là ai cũng có thể bắt tay ngay nấu một nồi lẩu gà lá giang thơm ngon rồi. Tuy nhiên, cách làm lẩu gà lá giang chuẩn vị nhất thì bạn hãy lưu ý một số điều sau đây nhé.
Đầu tiên, lá giang không nên vò quá mạnh hoặc đập dập như hành tỏi mà chỉ nên vò nhẹ để vừa giữ được vị chua tự nhiên mà cũng không bị làm chát nồi lẩu. Mặt khác, độ chua của nước lẩu sẽ được quyết định bởi lượng lá giang bỏ vào cũng như thời gian ta đun nấu, do đó hãy điều chỉnh lượng lá giang cho phù hợp với khẩu vị của cả nhà.
Tiếp theo, gà phải được làm thật sạch, nên dùng muối hột để chà sát thịt gà nhằm làm mất mùi hôi tanh cũng như chất ô uế trên người con gà.
Độ cay của ớt, ngọt của đường cũng có thể gia giảm cho phù hợp với thực tế.
Hạn chế dùng nồi nhôm để nấu lẩu bởi vì trong nước lẩu có chất chua có thể ăn mòn nhôm, dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc. Chính vì vậy khi nấu lẩu nên sử dụng các loại nồi inox hay tráng men vẫn là tối ưu nhất, vừa đảm bảo vệ sinh cũng như có thể giữ nhiệt cho nồi lẩu khi chúng ta thưởng thức
Trong các bước làm lẩu gà lá giang, để nồi nước lẩu ngon hơn, bạn có thể cho thêm một củ hành khô vào để tăng thêm hương vị.
Nếu bạn là người thích ăn chua thì cũng có thể cho thêm măng chua vào, như vậy bạn sẽ có nồi lẩu gà nấu lá giang măng chua đậm vị thơm ngon hơn rồi đấy. Cách chế biến tốt nhất là sau khi rửa sạch măng chua, vắt qua nhiều nước rồi thì ta xào qua với hành tím và một ít hạt nêm. Tiếp đó, chỉ cần cho vào nồi lẩu nấu chung với thịt gà ngay từ đầu rồi thực hiện y hệt như các bước nấu lẩu như trên thì ta đã có ngay một cách chế biến mới với măng chua rồi.
Rau sống tươi ngon giúp cho nồi lẩu gà nấu với lá giang thêm phần đủ vị và màu sắc
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách nấu một nồi lẩu gà lá giang thơm ngon đậm vị miền Tây ngay tại nhà. Với những bước thực hiện đơn giản như vậy, hy vọng rằng bạn có thể trổ tài ngay cho cả nhà thưởng thức một nồi lẩu lá giang với hương vị độc đáo kết hợp giữa lá giang với thịt gà, vừa ngon miệng lại rất tốt cho sức khỏe của gia đình. TASTY Kitchen chúc bạn thành công với món ăn này!