Khi nói đến việc chăm sóc sắc đẹp, phái nữ thường chỉ quan tâm đến việc chăm sóc da mặt, vóc dáng, mái tóc, đôi tay mà quên đi một bộ phận cũng quan trọng không kém đó là đôi chân. Một đôi chân sần sùi, gót chân nứt nẻ chắc chắn sẽ làm bạn mất đi sự tự tin.
Da chân sần sùi, gót chân nứt nẻ không chỉ làm giảm yếu tố thẩm mỹ mà còn khiến bạn khó chịu, đôi khi là đau đớn nếu như gót chân bị nứt sâu và chảy máu. Để có một đôi chân mịn màng, gót chân hồng hào, bạn cần biết đến những nguyên nhân gây ra nứt gót chân và cả các phương pháp phòng ngừa lẫn cách chữa trị.
Đâu là nguyên nhân bàn chân thiếu sức sống
Tình trạng da sần sùi, gót chân nứt nẻ có thể xảy ra với bất cứ ai. Nhưng nguyên nhân chính là do dạ bị thiếu nước, dẫn đến việc vùng da ở chân bị khô sần, da dưới gót chân bị nứt nẻ.
Chế độ ăn uống không ổn định, thiếu các chất cần thiết đặc biệt là các chất có nhiều vitamin cũng làm cho da bị khô sần. Ăn ít rau quả, uống nước ít, không thường xuyên cũng là nguyên nhân làm cho da chân khô nứt.
Một nguyên nhân rất phổ biến khác dẫn đến tình trạng này là do phải đứng quá lâu hoặc đi chân đất trên nền nhà thô ráp và gồ ghề. Đi chân trần ở nhà, mà sàn nhà lại không sạch sẽ hoặc các hóa chất tẩy rửa lau sàn nhà còn lại sẽ làm tăng thêm khô nứt. Ngoài ra, việc mang giày, dép không đúng kích cỡ cũng làm cho da chân khô sần, nứt nẻ vì bị cọ xát quá nhiều.
Ngoài ra, nứt gót chân cũng có thể do những nguyên nhân khác như tuổi cao, da mất nước nhiều, thiếu chất, thiếu vitamin và khoáng chất. Tăng cân nhanh và quá dư thừa cân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến da chân bị sần và nứt.
Để có đôi chân xinh
Nứt gót chân có khi tự khỏi nhưng đa phần là kéo dài và tùy thuộc rất nhiều vào lối sống và môi trường sống. Nhưng khi da bị chai sần và nứt nẻ thì cần có biện pháp điều trị và giữ gìn chống tái phát.
Khi da chân bị sần, nứt nẻ, người ta dùng nhiều cách để hạn chế như bôi những chất làm mềm da hay dùng dao kéo, dụng cụ cắt móng cắt bỏ phần da cứng, sần sùi hoặc dùng bàn chải lông cứng để loại bỏ phần da vùng bị khô nứt…
Tuy nhiên, phương pháp hữu hiệu nhất là tránh không để chân bị ngâm trong nước hoặc tiếp xúc với xà phòng quá lâu. Nhiều người rất sai lầm khi tắm thường ngâm chân với nước hoặc kỳ cọ chân bằng xà phòng, như thế là phản tác dụng bởi hóa chất sẽ ảnh hưởng không tốt tới da chân.
Đặc biệt khi giặt giũ hoặc dọn dẹp nhà của bạn nên tránh để chân mình bị ướt hoặc dính chất tẩy rửa. Bên cạnh đó, khi chọn giày bạn cũng nên chọn đôi giày mềm, vừa vặn với chân. Không nên đi chân đất ngay cả khi ở trong nhà.
Tập thể dục cho chân
Mỗi ngày, bạn cần phải vệ sinh và tập thể dục cho chân thường xuyên bằng cách bóp và vuốt nhẹ từ cổ chân xuống đến gót chân và sau đó là toàn bộ bàn chân. Trước khi làm các động tác này bạn có thể thoa một chút kem dưỡng da có vitamin E, vazelin hoặc loại kem dược phẩm làm mềm da vào bàn chân, để kem thẩm thấu vào các vết khô, sần, nứt nẻ, sau đó dùng tay xoa bóp nhẹ cho bàn chân của mình.
Trong khi uống trà, thư giãn, đọc sách hoặc xem tivi, bạn nên đặt dưới chân một bàn lăn chuyên dùng để massage chân hoặc đặt dưới chân một quả bóng, dùng bàn chân đẩy quả bóng lăn qua lăn lại, cũng là một “bài tập” đơn giản cho bàn chân của mình.
Chăm sóc gót ngà
Nếu da chân bị chai sần, gót chân thường xuyên nứt nẻ, bạn cần lưu ý đến việc tẩy da chết và làm mềm da. Đơn giản nhất là hãy hòa nước chanh loãng sau đó thoa lên lòng bàn chân. Chanh là loại quả rất có tác dụng trong việc tẩy da chết và làm mềm da. Bạn cũng có thể cắt những lát chanh mỏng cho vào chậu nước ấm ngâm chân, rồi lấy những miếng chanh chà xát vào gót chân hoặc tự lấy chân giẫm nát những miếng chanh đó.
Sau khi đã làm sạch da chân, bạn hãy xoa kem làm mềm da bằng dầu ôliu hoặc kem làm mềm da được chế xuất từ ôliu.
Hãy “đắp mắt nạ” cho chân bằng cách lấy nước ép dâu tây trộn với bột gạo rồi đắp lên chân. Để khoảng 15 phút thì rửa lại bằng nước sạch bạn sẽ thấy cảm giác mềm mại, dễ chịu.
Sau khi rửa sạch và lau khô chân, hãy dùng dầu thực vật hydrogenated thoa lên vùng da khô bị nứt nẻ. Sau đó, nên mang tất để dầu có thể thẩm thấu vào vùng da thô ráp được dễ dàng hơn. Nên rửa chân vào sáng hôm sau khi thức dậy.
Nghiền nát trái chuối rồi đắp lên vùng gót chân. Rửa sạch sau 10 phút.
Sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi và căng thẳng bạn nên dành khoảng 15 phút để ngâm chân vào nước ấm. Sau đó, lau khô chân và dùng một thìa dung dịch, dầu vazelin trộn với 1 thìa nước chanh, thoa vào vùng gót bị nứt. Cách làm này không chỉ có hiệu quả điều trị chứng nứt gót chân, mà còn là liệu pháp thư giãn đặc biệt tốt, giúp bạn dễ dàng lấy lại cảm giác thư giãn, thoải mái.
Thêm vào đó, bạn cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống. Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu hụt chất dinh dưỡng vitamin và khoáng chất cũng chính là tác nhân gây nên nứt gót chân, da chân sần sùi, khô cứng. Chính vì thế, bạn cần phải bổ sung thêm các loại thực phẩm “chức năng” sau:
– Vitamin: Trong các loại vitamin cần đặc biệt chú ý đến việc bổ sung vitamin E. Vitamin E có nhiều trong các loại dầu thực vật, rau xanh, ngũ cốc, lúa mạch, lạc, các loại hạt.
– Canxi: Tập trung nhiều trong sữa, bơ, sữa chua, sữa dê, sữa đậu nành, canh xương, cá, trái cây, súp lơ.
– Sắt: Có nhiều trong thịt lợn, thịt gà, trứng, ngũ cốc, rau xanh, đậu.
– Kẽm: Bạn có thể bổ sung kẽm qua các loại thực phẩm như thịt gà, thịt cừu, sữa chua, gạo cẩm.
– Chất béo omega-3 axit: Omega 3 axit được tìm thấy trong các loại cá nước lạnh, dầu flax.
Ngoài ra, bạn có thể mua các loại kem chuyên làm mềm da hoặc trị nứt da chân ở các cửa hàng mỹ phẩm, tiệm thuốc tây trên cả nước.
Theo Thanh Vy