Nếu mâm cơm truyền thống ngày tết của người Bắc luôn có đĩa hành muối chua giòn bên cạnh thì người phương Nam lại chẳng thể thiếu hũ củ kiệu trắng nõn hay đĩa tôm khô trộn củ kiệu chua chua ngọt ngọt. Món ăn tuy bình dị nhưng mang hương vị ẩm thực Nam Bộ: một chút hăng nồng xen ngọt dịu chua giòn.
Kiệu là loại củ đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, v.v vào dịp cuối thu đầu xuân. Hình dáng cây kiệu rất giống hành, nhưng ít hăng hơn và củ cũng nhỏ hơn rất nhiều. Cứ mỗi độ tết về, ngoài bánh tét là món ăn chính thì củ kiệu là món đồ chua nhà nhà phải có. Có dưa kiệu chua ngọt giòn giòn ăn kèm bánh tét hay thịt kho tàu, v.v món ăn ngon hơn đỡ ngán hơn. Nhưng không lẽ dưa kiệu chỉ được ăn vào ngày tết thôi sao, vậy có phải quá uổng hay không. Dư vị đặc biệt lại dễ ăn nên công thức món ăn mới cứ thế ra đời phục vụ nhu cầu thưởng thức hàng ngày. Sẵn có đặc sản tôm khô trứ danh, có quả trứng bắc thảo người ta đem trộn cùng dưa kiệu, nêm nếm gia vị, vậy là ra đời tôm khô củ kiệu ngon lạ. Ở đó, có vị đậm đà của tôm, vị béo thơm của trứng và chua giòn của kiệu.
Cách làm món nhắm tôm khô trộn củ kiệu
Chúng ta cùng Đặc sản SiNi thực hiện món ngon này để làm mồi nhắm bia rượu bạn nhé
Chuẩn bị nguyên liệu cần thiết
- Củ kiệu muối 150 gram.
- Tôm khô ngon 200 gram. Vùng Cà Mau có tôm hoặc tép bạc đất đặc trưng, dùng làm khô rất ngọt, thịt dai mềm. Đây cũng là đặc sản trứ danh của đất mũi, song song với cua Cà Mau.
- Một quả trứng bắc thảo. (nếu có)
- Đường cát nếu thích.
Thực hiện củ kiệu tôm khô
Bước 1: Tôm khô rửa qua nước lạnh cho sạch bụi bẩn. Đun một chút nước ấm, bỏ tôm vào ngâm 15 phút cho mềm. Sau đó vớt ra để ráo.
Bước 2: Củ kiệu vớt ra, bổ đôi để riêng. Phần nước giấm ngâm kiệu tận dụng làm gia vị trộn tôm. Ít ai biết rằng, thứ nước chua này là gia vị đặc biệt làm nên tên tuổi của nhiều món ăn ngon như phá lấu lòng heo, sườn heo khìa chua ngọt, nước mắm chấm chả giò, v.v. Vì thế, chúng ta nên dành thứ nước này để vừa ngâm tôm vừa nêm nếm cho món tôm khô củ kiệu thêm ngon.
Bước 3: Trứng bắc thảo rửa sạch, luộc 15 phút rồi bóc vỏ. Lấy dao nhỏ chẻ thành những múi cau nhỏ.
Bước 4: Chọn một chiếc đĩa lớn, trình bày các nguyên liệu theo ý muốn rồi rưới chút nước giấm lên trên. Có thể cho thêm đường để tăng vị ngọt phù hợp với ẩm thực Nam Bộ. Nếu khẩu vị đậm đà có thể trộn tôm khô, củ kiệu trước cho thấm rồi mới trang trí trứng bắc thảo xung quanh.
Với công thức đơn giản, ai cũng có thể làm tôm khô củ kiệu một cách dễ dàng. Và làm xong rồi thì ai cũng có thể thưởng thức, ai cũng phải khen ngợi. Bởi nó vừa là món đồ chua điều hòa hương vị trong mâm cơm, gia giảm vị mặn ngọt chua cay, hạn chế cảm giác ngây ngấy từ thịt cá.