Chữ “hiền tài” trong câu nói của cụ Thân Nhân Trung là gì? Hiền tài tức là người có tài và người đó phải có đức. Người hiền, người đức độ, có phẩm chất đạo đức và lại có tài nữa thì được xem là một hiền tài.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Xã hội cần người có tài, bởi có tài năng thì mới đưa được đất nước đi lên. Thế nhưng, nếu sử dụng cái tài ấy vào động cơ và mục đích thấp hèn, vụ lợi thì hậu quả xã hội phải gánh chịu là hết sức lớn. “Tài bất khả ỷ”, hẳn nhiên xã hội không thể dựa vào cái tài ấy được.
Nếu có đức mà không có tài năng thì đúng như Bác Hồ nói “làm việc gì cũng khó”. Anh có năng nổ, có nhiệt tình đến mấy thì cái hiệu quả công việc mang lại cũng không cao được, thậm chí đi theo chiều hướng tệ hơn.
Thừa nhận trong nhiều năm qua chúng ta đã coi nhẹ việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Giáo dục công dân chỉ là một môn học phụ, giáo viên vẫn kiêm để dạy thêm.
Chính vì sự nơi lỏng, coi nhẹ những môn học về kỹ năng sống, về giáo dục con người, về đạo đức đã tạo ra một lỗ hổng trong giáo dục. Bộ Giáo dục &Đào tạo đang cố lấp đi cái lỗ hổng đó bằng việc đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi THPT 2017. Bởi một lý do muôn thuở của học sinh Việt Nam là có thi mới có…học.
Bộ Giáo dục bị sức ép quá lớn từ dư luận về vấn nạn bạo lực học đường. Bộ trưởng Bộ này khi phát biểu trước Đại biểu Quốc hội, trước cử tri cả nước cam kết và khẳng định rằng với việc đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi sẽ làm giảm vấn nạn đó. Tuy nhiên theo người viết thì một môn học hay một bài thi sẽ không thể thay đổi được điều gì. Cái cốt lõi ở đây là phương pháp giáo dục của chúng ta có thay đổi hay không?
Có một ngôi trường Nhật Bản vừa mới thành lập ở Việt Nam. Tôi đã từng đến để nghe họ tư vấn về phương pháp đào tạo cho hàng trăm phụ huynh trước thềm khai giảng năm học mới. Bằng hình thức đào tạo liên cấp từ mầm non cho đến hết đại học với một mức học phí mỗi năm khoảng hơn 200 triệu đồng, họ cam kết sẽ cho “ra lò” một thế hệ tương lai đáp ứng được sự phát triển của đất nước Việt Nam.
Thế nhưng khi tìm hiểu sâu tôi ngộ ra rằng, thế hệ công dân tương lai đó sẽ là một bản sao của người Nhật bây giờ. Chúng ta sẽ “vay mượn, sao chép” phương pháp giáo dục của người khác để đào tạo ra một thế hệ tương lai cho mình. Hoàn toàn chúng ta không có bản sắc và thiếu triết lý giáo dục.
Lại nói đến triết lý giáo dục, trong phiên chất vất Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ngày 16/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ít phút giải thích thêm trước Quốc hội về “triết lý giáo dục” của chúng ta khi có đại biểu hỏi “Phải chăng Việt Nam không có triết lý giáo dục?”.
Theo Phó Thủ tướng: “Triết lý giáo dục của Việt Nam trước hết là triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế…Từ ngày xưa, nền giáo dục của chúng ta đã hướng đến con người nhân văn, khai mở trí tuệ nhưng không mất gốc tức là có lòng tự tôn dân tộc, yêu nước nhưng không phải dân tộc hẹp hòi mà gắn với ý thức quốc tế, bây giờ là ý thức “công dân toàn cầu”.
Để “không mất gốc” nhất thiết giáo dục Việt Nam phải có bản sắc riêng, phải kế thừa những phương pháp giáo dục con người của thế hệ trước, chọn lọc những phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới chứ không phải là sao chép. Và theo đúng cái triết lý giáo dục đó thì chúng ta phải đào tạo ra những công dân tương lai có tài nhưng cũng phải có đức.
Vẫn thấy xuất hiện đâu đó trên báo chí, truyền hình những khẩu hiệu như “Nhân tài đất Việt” hay “đào tạo, bồi dưỡng nhân tài”…Tại sao là nhân tài mà không phải hiền tài?
Nhân tài thôi chưa đủ mà giáo dục phải có trách nhiệm đào tạo ra những hiền tài. Bởi đó mới là “nguyên khí quốc gia”.