TRƯỜNG THPT AN ĐỒNG
ĐỀ THI THỬ THPT QG
MÔN: NGỮ VĂN
NĂM HỌC: 2021
(Thời gian làm bài: 120 phút)
ĐỀ SỐ 1
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn trích:
Trong mỗi chú bé đều âm ỉ giấc mơ bay lên. Tôi cũng thế. Em chắc vẫn còn nuôi giấc mơ đó. Nhưng khi lớn lên, đôi khi những tầng mây thâm thấp thôi cũng khiến ta như bị che khuất tầm nhìn. Tệ hơn, những tầng mây sũng nước thậm chí có thể che khuất cả những giấc mơ, đè nén khát vọng của mỗi người. Một ngày mây mù có thể khiến ta yếu ớt và bi lụy. Một chút thất bại cũng giống như mây mù kéo đến, có thể làm em rút vào tổ kén bi quan. Ai đó nói rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó. Đi xuyên qua mây mù bằng giấc mơ phi công giữ gìn từ thơ bé. Đi xuyên qua gian khó bằng lòng lạc quan. Đi xuyên qua u mê bằng khao khát hướng đến trí tuệ, thông sáng. Đi xuyên qua thất bại bằng sự điềm đạm trưởng thành.
Vì triệu năm đã là như thế, cuộc đời có hôm nắng đẹp, có ngày mưa dầm, có tuần mây đen như đè nặng, có khoảnh khắc u ám tối dạ, rỗng đầu, nhưng mặt trời vẫn mọc mỗi sớm mai. Không phải ai cũng trở thành phi công lái Airbus hay Boeing đúng y như giấc mơ tuổi nhỏ. Nhưng ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi.
(Dẫn theo Hà Nhân, Bay xuyên những tầng mây, NXB Văn học. 2016, tr. 98)
Câu 1 (NB). Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích.
Câu 2 (NB). Theo tác giả, làm thế nào để hóa giải những khó khăn trong cuộc sống?
Câu 3 (TH). Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp liệt kê trong câu: “Vì triệu năm đã là như thế, cuộc đời có hôm nắng đẹp, có ngày mưa dầm, có tuần mây đen như đè nặng, có khoảnh khắc u ám tối dạ, rỗng đầu, nhưng mặt trời vẫn mọc mỗi sớm mai”.
Câu 4 (VD). Anh/ chị có đồng ý với ý kiến: “Ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi”.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về sức mạnh của giấc mơ trong đời sống hiện thực của con người.
Câu 2. (5,0 điểm)
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thêm
Rải rác biên cương, mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(“Tây Tiến” – Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập1, NXB Giáo dục, 2008)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, rút ra nhận xét âm hưởng bi tráng về hình tượng người lính trong thơ Quang Dũng.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. Đọc hiểu
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2:
Theo tác giả, để hóa giải những khó khăn là đi xuyên qua nó. Đi xuyên qua mây mù bằng giấc mơ phi công giữ gìn từ thơ bé. Đi xuyên qua gian khó bằng lòng lạc quan. Đi xuyên qua u mê bằng khao khát hướng đến trí tuệ, thông sáng. Đi xuyên qua thất bại bằng sự điềm đạm trưởng thành.
Câu 3:
Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp liệt kê trong câu: “Vì triệu năm đã là như thế, cuộc đời có hôm nắng đẹp, có ngày mưa dầm, có tuần mây đen như đè nặng, có khoảnh khắc u ám tối dạ, rỗng đầu, nhưng mặt trời vẫn mọc mỗi sớm mai”.
Câu 4:
– Nhấn mạnh trong cuộc đời của mỗi người có đầy đủ các cung bậc cảm xúc vui khi thành công (hôm nắng đẹp), buồn khi công việc không như ý (ngày mưa dầm, mây đen đề nặng…). Nhưng dù thành công hay thất bại thì bạn hãy luôn lạc quan, hãy luôn tin rằng ngày mai trời lại sáng.
– Đồng ý với câu nói: “Ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi”.
– Vì: Mỗi người dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng đều có thể vượt qua và hướng đến ước mơ, khát vọng của mình mình bằng cách chấp nhận, đối diện với khó khăn, thất bại; giữ vững tinh thần lạc quan, niềm tin cuộc sống…
II. LÀM VĂN
Câu 1:
1. Giải thích
Ước mơ chính là những kế hoạch, những dự định, hoài bão mà con người mong muốn bản thân mình đạt được. Đó có thể là ước mơ gần, cũng có thể là ước mơ xa hơn nhưng tất cả đều hướng con người tới những hành động để đạt được chúng.
2. Bàn luận
– Ước mơ chính là động lực thúc đẩy con người hành động, vượt qua những khó khăn thử thách, vượt qua những giới hạn của bản thân để từng bước, từng bước hoàn thành ước mơ đó. Ta có thể ví ước mơ như ngọn hải đăng chiếu sáng, chỉ đường cho mỗi người.
– Nếu cuộc sống con người thiếu đi những ước mơ, hoài bão thì sẽ ra sao? Cuộc sống của con người lúc đó sẽ chìm vào màn đêm u tối. Bản thân con người thiếu đi ước mơ cũng sẽ như những con thuyền đi đêm mà thiếu ngọn hải đăng dẫn đường. Mất phương hướng, chênh vênh, chao đảo trước sóng gió cuộc đời.
—(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)—
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Trong quá trình tiến hóa, con người đã tìm ra những điều kiện cần thiết giúp cho bản năng được thuần phục để vươn tới hạnh phúc. Ta gọi đó là những nguyên tắc sống”.
Bản năng của con người vốn hướng tới sự hưởng thụ – yêu thích cảm xúc tốt và tránh né cảm xúc xấu. Nhưng nếu muốn đạt tới giá trị bình an và hạnh phúc bền vững, thì ta cần phải thực tập buông bỏ những cảm xúc tốt không cần thiết và chấp nhận những cảm xúc xẩu cần thiết. Những điều không cần thiết thường được gọi là những điều không nên làm”, và những điều cần thiết thường được gọi là những điều nên làm”. Đó là những trải nghiệm quý báu mà nhiều thế hệ trước đã phải trả những cái giá rất đắt mới đúc kết được. Đi theo những nguyên tắc ấy, tuy không được sống theo sự tùy hứng thoải mái của mình, nhưng ta sẽ đỡ mất thêm thời gian và năng lực để thử nghiệm. Nhất là ta có thể tránh được những lầm lỡ đáng tiếc. Chính vì thế, những ai sống theo nguyên tắc đúng đắn thì họ sẽ luôn được bảo hộ một cách an toàn và luôn mạnh dạn đi tới.
Nguyên tắc còn có tác dụng tạo nên sự hòa điệu giữa nhiều cá thể. Vì mỗi người vốn sở hữu một nhận thức và tập quán sống khác nhau. Nhất là tâm tinh con người cũng thường xuyên biến đổi, nên phải cần có những nguyên tắc để quy định mức cân bằng cảm xúc”. Thật ra, chỉ cần ta sinh hoạt hay sống chung với một người nữa là phải có những nguyên tắc cần thiết, để bên này không vô tình vượt qua ranh giới đã quy định của bên kia. Bên kia dù thân thích hay yêu thương ta tới mức nào thì rốt cuộc họ cũng chẳng phải là ta. Họ có những nhu cầu nhất định mà ta bắt buộc phải tôn trọng. Như vậy, số người sinh hoạt chung với nhau càng đông, sự khác biệt giữa nhận thức và tập quán sống càng lớn, thì số lượng các nguyên tắc càng phải tăng lên và trở thành tiếng nói chuẩn mực của đoàn thể.
Có những nguyên tắc được ghi chép và có ngày ban hành hẳn hoi, nhưng cũng có những nguyên tắc “bất thành văn”. Vì điều này còn phụ thuộc vào nhu cầu sinh hoạt của các cá thể và mức độ ý thức tôn trọng lẫn nhau. Cho nên nguyên tắc phải thường xuyên thay đổi cho phù hợp với trình độ nhận thức không ngừng tiến bộ của con người. Có thể nói, nguyên tắc là thước đo kỷ luật của con người. Người sống nguyên tắc là người có bản lĩnh, dám tự đặt mình vào những khuôn khổ đúng đắn để vươn tới chân thiện – mỹ…
(Trích “Hiểu về trái tim”, Minh Niệm, NXB tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr.223 – 224).
Câu 1: (NB) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: (TH) Theo tác giả, vì sao cuộc sống cần có những nguyên tắc?
Câu 3: (TH) Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Nguyên tắc là thước đo kỷ luật của con người? Câu 4: (VD) Anh/chị có đồng tình với quan điểm sau của tác giả không: Người sống nguyên tắc là người có bản lĩnh, cần tự đặt mình vào những khuôn khổ đúng đắn để vươn tới chân – thiện – mĩ? Vì sao?
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Từ nội dung của văn bản ở phần Đọc – hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những điều “không nên làm” đối với mỗi người trong cuộc sống.
Câu 2:
Trong bài thơ “Tây Tiến”, Quang Dũng viết:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây súng ngửi trời,
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi,
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?
(“Tây Tiến”, Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr. 87-89)
Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ trên, từ đó chỉ ra sự biến đổi về cảm xúc và bút pháp miêu tả của tác giả.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1
Phương pháp: Vận dụng những kiến thức về các phương thức biểu đạt đã học: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2
Phương pháp: Đọc, tìm ý.
Cách giải:
Theo tác giả chúng ta cần sống có nguyên tắc bởi lẽ: Đi theo những nguyên tắt ấy, tuy không được sống theo sự tùy hứng thoải mái của mình, nhưng ta sẽ đỡ mất thêm thời gian và năng lực để thử nghiệm. Nhất là ta có thể tránh được những lầm lỡ đáng tiếc. Chính vì thế, những ai sống theo nguyên tắc đúng đắn thì họ sẽ luôn được bảo hộ một cách an toàn và luôn mạnh dạn đi tới.
Câu 3
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Nguyên tắc là thước đo kỷ luật của con người ý nói đến tác dụng của việc sống và làm việc có nguyên tắc, quy củ. Một người sống có nguyên tắc là một người sống có kỷ luật. Ngược lại, những người sống buông thả không có quy tắc sẽ trở thành những người vô kỉ luật.
Câu 4
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Học sinh có thể đưa ra ý kiến riêng, lý giải hợp lý.
Gợi ý:
– Đồng ý với ý kiến: “Người sống nguyên tắc là người có bản lĩnh, cần tự đặt mình vào những khuôn khổ đúng đắn để vươn tới chân – thiện – mĩ”
– Giải thích:
+ Khi đặt mình vào khuôn khổ đúng đắn con người sẽ trở nên ý thức hơn.
+ Đặt mình vào khuôn khổ khiến con người tạo nên nếp sống tốt, thói quen tốt từ đó dần hoàn thiện bản thân.
+ Tuy nhiên không nên quá bó buộc bản thân, nên để bản thân tự do phát triển theo đúng điểm mạnh của mình.
II. LÀM VĂN
Câu 1
Phương pháp:
– Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận Bàn luận về những điều “không nên làm” đối với mỗi người trong cuộc sống.
– Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu:
– Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
1. Giới thiệu vấn đề
2. Giải thích
– Những điều “không nên làm” là những điều không ai khác đang làm, những điều vi phạm vào nguyên tắc, quy định đã được đặt ra trước đó. Những thứ mà bạn né tránh, sợ hãi.
– Ý nghĩa: Những điều “không nên làm” đối với mỗi người trong cuộc sống có thể hiểu theo hai hướng: Có thể làm nên điều khác biệt, thành công nhưng cũng có thể khiến con người trở nên lập dị, thất bại. Tất cả phụ thuộc vào mục đích, ý nghĩa công việc chúng ta làm.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)—
ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Bạn không nên để thất bại ngăn mình tiến về phía trước. Hãy suy nghĩ tích cực về thất bại và rút ra kinh nghiệm. Thực tế những người thành công luôn dùng thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Họ có thể nghi ngờ phương pháp làm việc đã dẫn họ đến thất bại nhưng không bao giờ nghi ngờ khả năng của chính mình.
Tôi xin chia sẻ với các bạn về câu chuyện về những người đã tìm cách rút kinh nghiệm từ thất bại của mình để đạt được những thành quả to lớn trong cuộc đời.
Thomas Edison đã thất bại gần 10.000 lần trước khi phát minh thành công bóng đèn điện. J.K.Rowling, tác giả của “Harry Potter”, đã bị hơn 10 nhà xuất bản từ chối bản thảo tập 1 của bộ sách. Giờ đây, bộ tiểu thuyết này của bà trở nên vô cùng nổi tiếng và đã được chuyển thể thành loạt phim rất ăn khách. Ngôi sao điện ảnh Thành Long đã không thành công trong lần đóng phim đầu tiên ở Hollywood. Thực tế bộ phim Hollywood đầu tay của anh, thất vọng lắm chứ, nhưng điều đó cũng đâu ngăn được anh vùng lên với những phim cực kì ăn khách sau đó như “Giờ cao điểm” hay “Hiệp sĩ Thượng Hải”.
Thất bại không phải là cái cớ để ta chần chừ. Ngược lại nó phải là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công.
(Trích Tại sao lại chần chừ?, Tác giả Teo Aik Cher, Người dịch: Cao Xuân Việt Khương, An Bình, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr 39,40)
Câu 1: (NB) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: (TH) Theo đoạn trích, mặt tích cực của thất bại mà “người thành công luôn dùng” là gì? Câu 3: (TH) Việc trích dẫn các câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long có tác dụng gì đối với lập luận của tác giả?
Câu 4: (VD) Anh/chị có đồng tình với ý kiến “thất bại là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Tù nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải biết chấp nhận thất bại trong cuộc sống.
Câu 2:
Cảm nhận về hình tượng của Sông Đà trong hai đoạn văn sau:
“…Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”.
“…Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tinh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi không chớp mắt lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hưu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng các tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”.
(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008)
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1
Phương pháp: Vận dụng những kiến thức về các phương thức biểu đạt đã học: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2
Phương pháp: Đọc, tìm ý.
Cách giải:
Theo đoạn trích, mặt tích cực của thất bại mà người thành công hay dùng là: “như một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân”
Câu 3
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Việc lấy dẫn chứng có tác dụng:
+ Nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của thất bại đối với thành công của mỗi người.
+ Câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long đều là người thật, việc thật được nhiều người biết đến như những “tấm gương sống” nên có giá trị thuyết phục cao cho luận điểm được nêu.
Câu 4
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
– Đồng ý với ý kiến: “thất bại là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công”
– Giải thích:
+ Không có con đường nào đi tới thành công mà dễ dàng, luôn có những khó khăn thử thách nếu ta coi thất bại chỉ như một thử thách, ranh giới cần vượt qua;
+ Thực tế chứng minh nhiều người thành công sau thất bại;
+ Thất bại còn như một phép thử, là thước đo cho ý chí, nghị lực và lý tưởng, năng lực của bản thân.
II. LÀM VĂN
Câu 1
Phương pháp:
– Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận Sự cần thiết phải biết chấp nhận thất bại trong cuộc sống
– Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu:
– Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
1. Giới thiệu vấn đề
2. Giải thích
– Thất bại: là hỏng việc, thua mất, là không đạt được kết quả, mục đích như dự định.
– Thành công: là đạt được kế hoạch mục tiêu mình đã đề ra ban đầu
=> Trong hành trình để đi đến thành công không tránh khỏi những vấp ngã, thất bại. Nhưng ta phải biết điều chỉnh từ chính những thất bại đó thì bản thân mới có thể thành công.
3. Bàn luận
– Thái độ trước thất bại:
+ Trước một sự việc không thành, con người cần có sự bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân của sự thất bại.
+ Dám đối mặt để chấp nhận, không né tránh sự thật, cũng không đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan.
– Đứng lên từ thất bại
+ Biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, không chán nản và lùi bước trước thất bại.
+ Biết rút ra bài học từ những thất bại đã qua để tiếp tục thực hiện công việc và ước mơ của mình.
4. Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân.
– Phê phán những con người sống thụ động, tiêu cực, dễ đầu hàng số phận, khi thất bại thì luôn đổ thừa cho hoàn cảnh.
– Khó tránh thất bại trong mỗi đời người và cũng nên hiểu rằng chính sự thất bại là một trong những điều kiện để đi đến thành công, “thất bại là mẹ thành công”.
– Phải biết cách chấp nhận sự thất bại để có thái độ sống tích cực. Không đắm chìm trong thất vọng nhưng cũng không được bất cần trước mọi sự việc, không để một sự thất bại nào đó lặp lại trong đời. Đó là bản lĩnh sống.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT An Đồng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !