(TN&MT) – Ngày Quốc tế bảo vệ các dòng sông 14/3, kêu gọi cộng đồng trên toàn thế giới chung tiếng nói chống lại các dự án phát triển dưới nước mang tính phá hủy, đòi lại sức khỏe, yêu cầu chính sách quản lý công bằng và bền vững cho các dòng sông.
Với hơn 2.360 con sông – tạo nên sự đa dạng cảnh sắc, con người và văn hóa độc đáo của Việt Nam. Sông là những mạch sống của con người và hệ sinh thái. Thế nhưng, soi chiếu từ dọc miền đất nước ta, có những con sông đang “chở nặng… ô nhiễm”. Phù sa màu mỡ ngày nào phải nhường chỗ cho muôn nẻo nguồn thải.
Sông ngày càng cô độc chống chọi sự hủy diệt của con người. Và trước cái lợi trước mắt những hệ lụy nhãn tiền đã hiện rõ, ngày càng khắc nghiệt, kinh hoàng. Những ngôi nhà bị “hà bá” nuốt trôi. Những ngôi làng khát khô vì kiệt nước. Những làng nghề “thất điên bát đảo” chẳng thể mưu sinh vì ô nhiễm…
Chúng ta đang nỗ lực giải cứu, tìm lại màu xanh các dòng sông. Nhưng như thế chưa đủ.
Năm nào cũng vậy, trong cuộc họp tổng kết các đề án bảo vệ môi trường sông của các Bộ, ngành và địa phương, các báo cáo đều chỉ rõ, 63 tỉnh, thành của nước ta, vấn đề ô nhiễm nguồn nước nước luôn nổi cộm, bức xúc. Trong đó, chất lượng nước mặt của các sông, ngòi, kênh, rạch, đặc biệt là ở các vùng đô thị và vùng công nghiệp bị suy thoái tới mức gần như biến chất và có tác động nguy hiểm đối với đời sống con người cũng như sinh vật thủy sinh.
Lý do vì sao nhiều con sông phải “sống mòn” chờ “chết”, gần như ai cũng biết, đó là do tình trạng đô thị hóa chóng mặt, cùng với khối lượng những chất thải, rác thải, nước thải khổng lồ đổ vào sông mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. “Trăm dâu” đổ đầu dòng sông. Các loại nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp… khi vào môi trường không qua xử lý, tàn phá nghiêm trọng môi sinh, ảnh hướng trực tiếp tới dòng chảy cũng như tuổi thọ của những dòng sông. Hơn nữa, do không có nguồn nước bổ sung, độ dốc nhỏ khiến tốc độ chảy chậm, nên các dòng sông không có khả năng tự làm sạch, độc tố tích tụ lâu ngày, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt và cả nguồn nước ngầm.
Chẳng phải đâu xa, ngay tại Thủ đô Hà Nội, nhiều năm nay, các sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu… đã trở thành một phần của hệ thống thoát nước thải của thành phố. Nước sông trở nên đen sẫm và bốc mùi nhất là vào mùa hè. Nhìn sang các tỉnh lân cận, thậm chí, xa hơn cũng chẳng mấy khả quan. Các sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh), sông Bưởi (Thanh Hóa), sông Nhuệ – Đáy (đoạn chảy qua Hà Tây cũ, Hà Nam), sông Thị Vải (Đồng Nai), suối Bó Cá (Sơn La), sông Đa Độ (Hải Phòng), sông Gâm (Cao Bằng), sông Nặm Cắt (Bắc Kạn)… cũng đều ở tình trạng báo động về mức độ ô nhiễm.
Sự “dễ dãi” đến mức khó tin của các cơ quan chức năng tạo “điều kiện” cho không ít các doanh nghiệp vì “tham bát kinh tế” đã thoải mái xả thải trực tiếp ra những dòng sông. Họ tiết kiệm được vô vàn tiền của. Chỉ có dòng sông “phải chết”. Đô thị hóa mãnh liệt và thiếu tầm quy hoạch khiến việc xử lý rác thải, nước thải vượt khỏi tầm kiểm soát. Thật bất hạnh cho con sông nào phải chảy qua những khu vực đô thị to nhỏ, nhộn nhạo và dơ bẩn có khắp mọi chốn.
Và mấy năm vừa qua, các dòng sông trên mọi miền đất nước oằn mình gánh thêm trọng trách sản xuất năng lượng điện. Hàng nghìn dự án thủy điện đã được phê duyệt để cắm lên các con sông lớn nhỏ. Hầu như tất cả các dòng sông đều đang và sắp có đập. Người ta xây đập sản xuất điện bất chấp mọi quy luật vận hành của tự nhiên, các hệ sinh thái, thậm chí cả quy luật kinh tế. Có hệ thống tự nhiên nào có thể thích nghi nổi sự thay đổi một cách toàn diện và nhanh chóng các thành phần của hệ sinh thái như thế?
Những kẻ gây tội ác với sông – với nguồn sống của cộng đồng không từ bất cứ thủ đoạn nào để kiếm lợi. Những vòi rồng sục sạo, ngụp lặn khoét sâu, nắn dòng những dòng sông đến cạn kiệt. Bao nhà máy đóng dọc các triền sông ngụy trang ống ngầm, ống nổi bằng mọi cách xả thải khiến cho những dòng xanh mát lành, thảo ngọt rơi vào tình trạng hấp hối, ủ bao mầm bệnh. Chưa kể, những chợ nổi, thuyền bè cùng cơ man mô hình nuôi trồng thủy sản thiếu bền vững mặc sức tấn công, bóp nặn, khuấy đảo làm cho sông “oằn mình” vùng vẫy.
Sông từ Bắc xuống Nam tổn thương khắp cùng thân thể. Hàng ngày, “giặc môi trường” đã và đang bị người dân tìm mọi cách chỉ mặt gọi tên, đòi đưa ra ánh sáng. Và cơ quan chức năng cũng vào cuộc quyết liệt xử lý nhưng rồi lại tái diễn với mức độ vi phạm tinh vi hơn, tàn khốc hơn.
Công luận đặt câu hỏi: Bao giờ những kẻ chỉ biết có lợi nhuận bất chấp tất cả thôi ngang nhiên tàn phá tài nguyên đất nước chúng ta? Bao giờ, mỗi chúng ta dù ở cương vị nào, đều cảm nhận được thiên nhiên cũng có quyền thiêng liêng là được tồn tại và được bảo vệ, như một thực thể sống động, hữu ích, bất khả xâm phạm. Và bất kỳ kẻ nào xâm hại đều là tội phạm cần phải đem ra xét xử nghiêm khắc?
Thờ ơ với cái chết của mạch nguồn sinh thái là tội ác với tự nhiên. Với chính con người, bởi chúng ta đang hất đổ chén cơm, ly nước mỗi ngày và để lại cho con cháu một mảnh đất thiếu sự sống của một dòng sông. Có lẽ nào chúng ta bằng lòng với một phần bản đồ mà trên đó màu xanh biến mất?