Thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) được mệnh danh là thủ phủ của cá ngựa. Dọc quốc lộ 1A, đoạn qua các xã Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Bình (thị xã Sông Cầu) đầy các bảng hiệu rao bán cá ngựa sống, rượu cá ngựa. Những ngày giáp tết, xe ô tô ra vô tấp nập.
Những hàng quán bán cá ngựa mọc đầy thị xã Sông Cầu
“Làm nghề như chúng tôi suốt ngày ngồi trên xe nên cái khâu ấy cũng có phần ảnh hưởng. Cái món này nghe anh em nói tăng sức “chiến đấu” được lắm. Cánh tài xế chúng tôi xem nó là thần dược. Uống vào là thấy liền”- người tài xế tên Hoàng, quê Nam Định khề khà cười rồi ôm 2 bình rượu lên xe.
Chị Lê Thị Hằng, chủ quán Tý cho biết, những ngày giáp tết, khách tìm đến đây mua cá ngựa và rượu cá ngựa nườm nượp. Giá cá, giá rượu cũng vì đó mà tăng lên.
Nếu trước đây, giá trung bình một cặp cá ngựa sống tại quán là 200 ngàn đồng thì nay đã tăng lên 250 ngàn đồng. Rượu cá ngựa cũng tăng từ 1,2 triệu đồng/bình lên 1,5 triệu đồng. Có ngày chị bán được 12 bình rượu và 8 cặp cá ngựa.
Chủ quán Phan Trần Quốc (xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) giới thiệu rượu cá ngựa cho khách
“Phải nói là hiệu nghiệm. Nhiều người còn dùng cá ngựa để trị bệnh liệt dương. Rượu Minh Mạng ngày xưa gọi là “nhất dạ ngũ giao sinh lục tử”, tôi nghĩ cũng chỉ cỡ này thôi”- anh Phan Trần Quốc (chồng chị Hằng) nói xong liền vén áo đưa cánh tay săn chắc như để khoe sức “chiến đấu” của mình.
Cũng theo anh Quốc, để bình rượu cá ngựa được đẹp, các chủ quán thường ngâm cá ngực cùng một số động vật khác như hải sâm, sao biển, rắn biển, hải long, hải cương, bìm bịp, tắc kè.
“Nhiều chủ quán cứ nghe món gì bổ là ngâm cùng chứ cũng không hiểu rõ cá ngựa ngâm rượu cùng với các món ấy có phù hợp không”- ông Quốc thừa nhận.
Cạn kiệt nguồn cá ngựa
Chúng tôi tìm đến thôn Diêm Trường, xã Xuân Bình nổi tiếng với nghề săn cá ngựa. Mặt trời đứng bóng vẫn còn hàng chục chiếc thuyền nhỏ không người lái chòng chành trên sóng nước của đầm Cù Mông.
Anh Hiệp cho biết, các chủ thuyền đang lặn để bắt cá ngựa dưới đáy đầm. Hiệp nhiệt tình rủ tôi xuống thuyền bơi ra chỗ đám thợ lặn để hiểu hơn về cái nghề nhọc nhằn của mình.
Thợ lặn Nguyễn Xuân Hiệp vừa bắt được 2 con cá ngựa ở đầm Cù Mông
Đến gần 1 chiếc thuyền, Hiệp giật giật ống hơi, bỗng từ dưới nước ngoi lên một chàng trai vạm vỡ có tên Nguyễn Xuân Hiệp, sinh năm 1986. Xuân Hiệp khoe, từ sáng đến giờ mình lặn bắt được 3 con cá ngựa. “Nay bắt được như thế đã là nhiều. Có người lặn suốt cả ngày không bắt được con nào”- Xuân Hiệp cho biết.
Với 3 con cá ngựa ấy, Hiệp bán lại cho các chủ quán với giá 200 ngàn đồng, góp đủ tiền sắm tết cho con.
Trước đây đầm Cù Mông nổi tiếng về cá ngựa vì lượng sinh vật phù du nhiều, cá ngựa từ biển vào đây tìm nguồn thức ăn và sinh sống. Nhưng gần đây, do việc săn bắt loài cá này để làm thuốc bổ cường dương diễn ra rầm rộ nên nguồn cá ngựa ở đây đã bị cạn kiệt.
Một cặp cá ngựa sống vừa được bắt lên từ đầm Cù Mông
“Hồi trước chỉ ra mức nước khoảng 2m, lặn xuống đã thấy cá ngựa bám đầy trên rong, nhưng nay có khi lặn ở mức nước hơn 6 m, cả buổi cũng chẳng có con nào”- anh Nguyễn Chí Hiếu (SN 1973) vừa bơi thuyền lại gần vừa đưa giỏ trống không ra như để dẫn chứng.
Những thợ lặn ở đây còn cho biết, nhiều lần lặn bắt phải những con cá ngựa đang ôm trứng, nhưng rồi nghĩ thả lại về đầm cũng sẽ có người bắt nên cứ thế mang về bán.
Để bắt được cá ngựa, ngư dân phải lặn ngụp cả ngày dưới nước
Coi chừng tiền mất tật mang
Chính những chủ quán quen thuộc ở thị xã Sông Cầu khuyên khách chấp nhận thêm ít tiền mua cá ngựa còn sống, đang bơi về dùng để tránh cá ngựa…giả.
Người dân huyện Tuy An giờ còn truyền nhau về câu chuyện anh S dùng cá… nhựa.
Năm ấy, anh bước sang tuổi 45, thấy sức “chiến đấu” giảm sút đáng kể, sợ vợ chê nên anh dành dụm được 1 triệu đồng lẻn vợ ra Sông Cầu mua bình rượu ngâm 3 cặp cá ngựa về dùng. Chỉ mới uống dăm ly rượu đã thấy hiệu quả, “súng” dễ lên nòng và “tác chiến” bền bỉ hơn. Đợi đến khi dùng rượu gần cạn bình, anh mới mời bạn đến khoe.
Mỗi người được một chung thì rượu cũng cạn, tiếc của quý, anh lấy mỗi người một con cá ngựa trong bình rượu ra ăn.
Nhai mãi, nhưng không ai nhai đứt con cá nên anh sai vợ mang lửa lên nướng. Ai ngờ khi đưa cá ngựa vào lửa đã bốc mùi nhựa cháy khét lẹt, thì ra anh đã uống rượu cá “nhựa” mấy tháng qua.
“Cũng không nên ham rẻ mà mua cá ngựa khô. Nhiều người ngâm rượu cá ngựa rồi lấy rượu dùng hoặc đãi khách, hết lại chế rượu vào ngâm. Cứ thế đến khi con cá ngựa “mãn tang” rồi mới mang nó ra phơi bán khô thì còn chất gì trong đó nữa”- chủ quán Hai Ban cho hay.
Cũng theo ông chủ quán này, khách đến mua cá ngựa thường đòi hỏi mua đủ cặp đực cái để bổ hơn. Nhưng chẳng mấy ai phân biệt được đâu là cá ngựa đực, đâu là cá ngựa cái. Chỉ những người chuyên nghiệp mới nhận biết con đực qua chiếc túi nhỏ dưới bụng dùng để ôm trứng để ấp khi con cái đẻ mà thường thì được khép kín chỉ thấy một nếp gấp rất nhỏ chỗ miệng túi.
Và cứ thế khách phải trả tiền cao hơn trong khi chủ quán cột chùm 2 con cùng giới để bán. Nhiều người vừa ngâm rượu đã mang ra uống nên không thấy hiệu quả. Trong khi chỉ nên uống rượu cá ngựa sau khi ngâm 3 tháng.
Không nên lạm dụng
Ông Phan Kỳ Nam, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Phú Yên, cho biết cá ngựa là một vị thuốc trong Đông y có vị ngọt, tính ôn, không độc, có tác dụng làm ấm thận, tráng dương đối với đàn ông.
Từ thế kỷ XVIII, bài thuốc cá ngựa đã được ghi nhận trong bộ sách thuốc “Bản thảo cương mục thập di” của Triệu Học Mẫn. Tuy nhiên, cần phải biết cách pha chế và sử dụng.
Cá ngựa sống sau khi mổ ruột, sấy vàng, tán bột rồi dùng nước chiêu thuốc hoặc mổ ruột, làm sạch rồi ngâm rượu với dâm dương hoắc.
“Tuy nhiên, không nên lạm dụng và phải tuỳ theo cơ địa từng người để có liều lượng sử dụng khác nhau. Cái gì dùng quá cũng không tốt, đôi khi còn rước hoạ vào thân. Mỗi lít rượu chỉ nên ngâm 2 cặp cá ngựa, sau mỗi bữa ăn dùng một chung nhỏ là vừa”- ông Nam cho biết.
Trước quán Tý (xã Xuân Thịnh), chiếc xe tải chất đầy hàng tết đỗ xịch. Tài xế như đã hẹn trước, nhảy phóc xuống xe, bước thẳng vào quán. Bên trong, chủ quán đã để sẵn 2 bình rượu ngâm cá ngựa với sao biển, hải sâm, hải long. Người tài xế rút ví đưa 3 triệu đồng cho chủ quán.