triệu hồi Shikigami (Thức thần).
Ảnh: takahashi2saito0.medium.com
Âm dương đạo và sự ra đời
của Âm dương sư
Trong văn hóa dân gian xứ Phù Tang tồn tại một bộ môn huyền bí gọi là “陰陽道 – Onmyodo” (Âm dương đạo), liên quan đến khoa học tự nhiên, thiên văn học, ma thuật, bói toán và trừ tà. Tuy dựa trên lý thuyết cổ đại của Trung Quốc về âm dương ngũ hành nhưng thuật ngữ “Onmyodo” không được tìm thấy ở Trung Quốc hoặc Hàn Quốc mà chỉ tồn tại ở Nhật Bản. Âm dương đạo đã hợp nhất với các tín ngưỡng, thần thoại dựa trên đạo Shinto (Thần đạo) bản địa của Nhật Bản, Phật giáo, cùng sự du nhập văn hóa Trung Quốc với sự ảnh hưởng của Đạo giáo.
Âm dương sư Abe no Seimei (áo đen) triệu hồi
2 Thức thần (phía sau lưng), cứu chữa
người bệnh thoát khỏi quỷ dữ.
Ảnh: @narahaku_PR
Âm dương đạo được thiết lập vào khoảng cuối thế kỷ thứ 7, đặt dưới sự quản lý của Cục Âm dương (陰陽寮 – Onmyo-ryo) trong Bộ Nội vụ Trung ương (中務省 – Nakatsukasa-sho), thuộc bộ máy chính quyền Hoàng gia. Các nghi thức và hoạt động của Âm dương đạo được thực hiện bởi Âm dương sư (陰陽師 – Onmyoji) và Cục Âm dương chính là nơi triều đình đào tạo nên các Âm dương sư chuyên nghiệp. Từ thời Heian (794 – 1195), khi hệ thống “律令 – Ritsuryo” (hệ thống luật lệ dựa trên cơ sở tư tưởng Nho gia và Pháp gia ở Nhật Bản) được nới lỏng và gia tộc Fujiwara lên nắm quyền, Âm dương đạo trở nên phổ biến hơn, từ nghi lễ cung đình dành riêng cho giới quý tộc dần lan rộng, ảnh hưởng đến đời sống bình dân. Đồng thời, số lượng các Âm dương sư cũng ngày càng tăng lên.
Âm dương sư Abe no Seimei (áo đen) triệu hồi
2 Thức thần (phía sau lưng), cứu chữa
người bệnh thoát khỏi quỷ dữ.
Ảnh: @narahaku_PR
Quyền năng đặc biệt
của Âm dương sư
Là một chức quan thuộc Cục Âm dương, Onmyoji (Âm dương sư) am hiểu kiến thức và cách vận hành Âm dương đạo. Mỗi Âm dương sư có nhiệm vụ theo dõi thời gian, lịch vạn niên, thực hiện các nghi lễ, dự đoán điềm may rủi đến với vận mệnh của triều đại. Ngoài ra, họ còn phụ trách nghi thức hiến tế, gọi hồn, xua đuổi oán khí, ma quỷ.
Chân dung của một Onmyoji.
Ảnh: takahashi2saito0.medium.com
Theo truyền thuyết dân gian xưa, sức mạnh của Âm dương sư thể hiện ở việc triệu hồi và sử dụng “式神 – Shikigami” (Thức thần). Đây là thuật ngữ chỉ một thực thể siêu nhiên bao gồm: ma, linh hồn, yêu quái hoặc vị thần cấp thấp. Shikigami được triệu hồi sẽ nghe theo mệnh lệnh của Âm dương sư, thực hiện các nhiệm vụ như hộ mệnh, bảo vệ chủ nhân hoặc nguyền rủa kẻ thù, do thám hay trộm cắp… Shikigami thường vô hình nhưng có thể xuất hiện dưới dạng hình nhân giấy, động vật, con người hoặc quái vật. Người sử dụng Shikigami thường phải có năng lực mạnh, một Âm dương sư yếu kém trong quá trình triệu hồi nếu xảy ra sai sót sẽ bị các Shikigami vượt khỏi tầm kiểm soát và lấy mạng của chủ nhân.
Shikigami giấy trong bộ phim “Spirited Away”.
Ảnh: Studio GhibliChân dung của một Onmyoji.
Ảnh: takahashi2saito0.medium.com
Ngoài ra, Onmyoji còn có thể thực hiện các nghi lễ phép thuật hùng mạnh. “泰山府君祭 – Taizan Fukun no Sai” chính là nghi lễ huyền thoại, được cho là để bảo vệ nhân loại khỏi cái chết, ban phát sự bất tử và hồi sinh người chết. Tương truyền, phép thuật này có nguồn gốc từ các triết gia Đạo giáo ở Trung Quốc thời cổ đại. Nó mang tên Taizan, vị thần của núi Thái Sơn ở Sơn Đông, Trung Quốc, đồng thời là một trong những vị vua của địa ngục. Ông là một trong những vị thần quan trọng nhất trong Âm dương đạo. Dòng họ của pháp sư vĩ đại Abe no Seimei ở Nhật Bản được cho là rất thuần thục nghi lễ này, họ thường dùng nó để kéo dài tuổi thọ cho bậc quân vương và bảo vệ đất nước. Đó là một trong những lý do khiến họ có thể duy trì vị thế độc tôn của mình trong Cục Âm dương.
Chân dung của một Onmyoji.
Ảnh: takahashi2saito0.medium.com
Một nghi thức rất phổ biến khác trong Âm dương đạo là làm bùa hộ mệnh để bảo vệ gia đình, được gọi là Ofuda. Lá bùa được làm từ gỗ, giấy hoặc vải dùng để tránh tai họa hay bệnh tật trong gia đình.
Bùa Ofuda.
Ảnh: nanagadaisuki.blogspot.com
Theo truyền thuyết, các Âm dương sư còn thực hiện nghi lễ gửi lời cầu nguyện đến Kami (Thần) để bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lăng của giặc ngoài. Họ đã gọi “神風 – Kamikaze” (Thần gió), tạo nên cơn bão đánh chìm tàu thuyền quân Mông Cổ, cứu nước Nhật thoát khỏi sự tấn công từ đội quân hung hãn dưới thời Hốt Tất Liệt (1260 – 1289).
Bùa Ofuda.
Ảnh: nanagadaisuki.blogspot.com
Vì vậy, Âm dương sư có ảnh hưởng rất lớn đến chính trị và xã hội, đặc biệt là trong thời Heian, nhưng sau khi thời đại này suy tàn thì sự bảo trợ của Hoàng gia với Âm dương đạo cũng dần biến mất. Tuy vậy, nó vẫn tồn tại trong đời sống của người dân Nhật cho đến giữa thế kỷ 19, khi luật cấm mê tín dị đoan được ban hành thì bắt đầu lụi tàn.
Hai vị Âm dương sư
vĩ đại của Nhật Bản
Mặc dù xuất hiện ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 7, nhưng đến thế kỷ 10, Âm dương đạo mới có sự phát triển vượt bậc nhờ vào dòng họ Âm dương sư Kamo. Kamo no Tadayuki (賀茂忠行) và con trai của ông là Kamo no Yasunori (賀茂保憲) là những Onmyoji kỳ tài, am hiểu về thiên văn học, chiêm tinh, tử vi. Cả hai là những bậc thầy huyền thoại và Abe no Seimei là người học trò xuất chúng nhất, đã thừa hưởng và phát huy những gì tinh túy nhất của Âm dương đạo.
Kamo no Yasunori và Abe no Seimei là hai Âm dương sư nổi tiếng nhất trong truyền thuyết. Chuyện đời của họ nhuốm màu huyền huyễn được dân gian lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Abe no Seimei là một trong hai Onmyoji
lừng danh trong truyền thuyết.
Ảnh: takahashi2saito0.medium.com
Theo ghi chép trong “今昔物語集 – Konjaku Monogatarishu – Kim tích vật ngữ tập”, bộ sưu tập với hơn một nghìn câu chuyện được viết cuối thời kỳ Heian, khi mới 10 tuổi, Kamo no Yasunori (917 – 977) đã theo cha mình đi trừ tà, ông có thể nhìn thấy ma quỷ và đó là bản năng tự nhiên không phải thông qua tu luyện mà có. Sau khi trở thành một Âm dương sư thần thông quảng đại, Yasunori đã truyền bí kíp cho Abe no Seimei, người kế nhiệm ông ở lĩnh vực chiêm tinh và bói toán.
Abe no Seimei là một trong hai Onmyoji
lừng danh trong truyền thuyết.
Ảnh: takahashi2saito0.medium.com
Abe no Seimei (921 – 1005) được coi là Onmyoji lừng danh nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ông nổi tiếng với những dự đoán chính xác về tâm linh trong hoàng cung, tiên đoán vận hạn, xua đuổi tà ma dưới thời Thiên hoàng Ichijou (一条天皇). Ông được cho là đặc biệt thành thạo trong việc dự đoán chính xác giới tính thai nhi và tìm kiếm đồ vật bị thất lạc. Theo Konjaku Monogatarishu ghi lại, ông đã từng tiên đoán chính xác sự thoái vị của Thiên hoàng Kazan (花山天皇) dựa trên quan sát các hiện tượng thiên văn.
Có nhiều truyền thuyết ly kỳ xoay quanh cuộc đời của Seimei như việc ông sống rất thọ mà không bệnh tật hay ốm đau gì. Đặc biệt là chuyện kể về xuất thân của ông, thiên hạ đồn đoán ông là bán yêu có cha là con người còn mẹ ông Kuzunoha là Kitsune (hồ ly tinh). Thuở nhỏ, Seimei đã sở hữu pháp lực mạnh đến mức có thể sai khiến cả Oni (quỷ). Người mẹ đã giao Seimei cho Kamo no Tadayuki để ông nuôi dưỡng, giúp con trai bà có cuộc sống con người đúng nghĩa và không trở thành quái nhân.
Đền Seimei ở Kyoto thờ
Âm dương sư Abe no Seimei.
Ảnh: takahashi2saito0.medium.comGiếng nước thiêng với pháp ấn
hình ngôi sao
năm cánh
nổi tiếng của Abe no Seimei.
Ảnh: yabai.com
Sau khi nổi danh với thân phận Âm dương sư, Seimei đã viết nhiều cuốn sách để lại cho hậu thế như cuốn Senji Ryakketsu (占事略决), gồm sáu nghìn kỹ thuật dự đoán và 36 kỹ năng sử dụng Thức thần hay cuốn Hoki Naiden (簠簋内伝), thuật lại chi tiết về các bí mật của kỹ thuật bói toán. Seimei đã tạo nên gia tộc Abe hùng mạnh, luôn nắm quyền kiểm soát Cục Âm dương cho đến tận khi nó bị đóng cửa vào năm 1869.
Sau khi qua đời, chuyện về Seimei bắt đầu lan rộng và được lưu truyền trong hàng trăm năm, trở thành một truyền thuyết nổi tiếng ở đất nước mặt trời mọc. Biểu tượng ngôi sao 5 cánh (tượng trưng cho ngũ hành) được cho là pháp ấn đặc trưng của Abe no Seimei. Hiện nay, người Nhật thờ phụng ông tại đền Seimei ở quận Kamigyo, thành phố Kyoto.
Giếng nước thiêng với pháp ấn hình ngôi sao
năm cánh nổi tiếng của Abe no Seimei.
Ảnh: yabai.com
Sức ảnh hưởng
của Âm dương sư
Vào thời hiện đại, Onmyoji được định nghĩa là một dạng thầy tu Thần đạo hay một nhân vật huyền bí, sở hữu ma thuật đối với những người mê tín. Truyền thuyết về họ dần trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong các hoạt động nghệ thuật.
Game Onmyoji (Âm Dương Sư Game).
Ảnh: netease-na.com
Âm dương sư xuất hiện trong sách báo, tiểu thuyết, truyện tranh, phim ảnh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử, thời trang… Vị pháp sư huyền bí từ thời cổ đại không chỉ nổi tiếng tại xứ Phù Tang, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Nhật mà còn lan rộng ra toàn cầu. Điển hình như Onmyoji (Âm Dương Sư Game), tựa game RPG đình đám của NetEase đến từ Trung Quốc đã gây sốt giới trẻ châu Á. Nhật Bản cũng đã ra mắt bộ phim “Onmyoji” 2 phần vào năm 2001 và năm 2003, được đạo diễn bởi Youjirou Takita, kể về những chiến tích vẻ vang của Âm dương sư nổi tiếng hàng đầu Nhật Bản Abe no Seimei, khiến người xem mãn nhãn. Cả hai phần của bộ phim đều dựa trên loạt tiểu thuyết cùng tên của tác giả Baku Yumemakura.
Poster phim Onmyoji phần 1.
Ảnh: mydramalist.comPoster phim Onmyoji phần 2.
Ảnh: movies.yahoo.co.jp
Những truyện kể kỳ bí, ma mị với các nghi thức, phép thuật cổ xưa khiến Onmyoji cùng Âm dương đạo dần trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc, khiến nhiều người trên thế giới yêu thích và tò mò tìm hiểu.