TP – Lê Thành Trung nhiều năm liền giúp đỡ những cô gái cùng quẫn éo le, tìm đường sống cho những em bé chưa chào đời; làm cầu nối của những người hiến mô tạng sau khi chết não.
Chiều tháng 5, ngồi ở bến đợi bắt xe đi công tác, điện thoại Lê Thành Trung đổ chuông báo tin nhắn từ số lạ đề nghị kết bạn: Em đang có bầu được 5 tháng, nhưng không có khả năng nuôi dưỡng… Em muốn tìm trung tâm để tìm cho bé một gia đình tốt thì thấy bên anh giúp đỡ những bà mẹ có bé.
Anh hỏi chuyện và nhẫn nại chờ cô gái hồi đáp rời rạc: Ở Hà Nội… Em không có gia đình, người thân cũng không có hộ khẩu… Không có việc làm… Anh trấn an, rồi hẹn gặp mặt trực tiếp với lời hứa Anh sẽ giúp em giữ được con, việc của em là phải cố gắng nhé.
Những tin nhắn, cuộc gọi như vậy chẳng còn xa lạ với Trung, như anh tếu táo “cái số hẩm hiu, đến ngồi chờ ở bến xe cũng không thoát khỏi mấy đứa bé, mấy cô bầu”.
Vào cõi tử tìm cửa sinh
Lê Thành Trung là tiến sĩ sinh học, giám đốc một công ty chuyên nghiên cứu về gen. “Số hẩm hiu” do anh “tự mua dây buộc mình, lo chuyện thiên hạ”, nhất là khi thành lập CLB Chia sẻ sự sống Hà Nội. Anh kể, ngày đầu thành lập CLB muốn xây mái nhà chung giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, rồi nhận được nhiều lời cầu cứu từ các cô gái gặp cảnh éo le bị bạo hành, ép buộc phá thai ngoài ý muốn, bụng mang dạ chửa không chốn dung thân…
“Họ khó khăn mới tìm đến, lẽ nào làm ngơ và 9 năm qua, anh đã trở thành ân nhân của gia đình 238 đứa trẻ. Nhiều người ví công việc anh làm như vào cõi tử tìm cửa sinh. Anh chua chát “chẳng biết gọi là tin vui hay buồn” khi có một phòng khám chủ động liên hệ và nói chuyện về vấn đề tế nhị. “Hàng ngày sẽ phải tiếp nhận thêm nhiều đứa trẻ lẽ ra bị bỏ, nhưng mặt tích cực là có thêm cơ hội tiếp cận những trường hợp phá thai khi tuần tuổi đã lớn. Chỉ có tiếp cận được thì mới có thể khuyên các cô từ bỏ ý định”, anh nói.
Với anh Trung, “chia sẻ sự sống” chỉ thành công khi các bé chào đời và có vòng tay yêu thương của gia đình. “Khi người mẹ vì cùng quẫn muốn bỏ đứa con, bạn không khuyên ngăn giúp đỡ mà vội tìm gia đình khác cho trẻ thì đang tiếp tay cho điều xấu, gieo điều day dứt. Có thể 5, 10 năm sau người mẹ ấy muốn tìm lại con mà không thể thì chẳng phải rất tệ và bạn là người chẳng ra gì”, anh nói. Giọng anh bỗng chùng khi nhắc đến hai bé đang phải nương nhờ các sơ chăm sóc khi hai người mẹ trẻ sinh con xong rồi bỏ trốn. Một bé ở cô nhi viện Thánh Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), một bé ở Mái ấm dòng mến thánh giá Nam Phương, Nam Định. CLB vẫn đang hỗ trợ tiền nuôi dưỡng và thường xuyên đăng tải ảnh hai bé với hy vọng hai người mẹ trẻ biết và quay lại nhận con.
Trong hành trình làm việc thiện của mình, anh Trung và thành viên CLB thầm lặng thu nhận những thai nhi bị bỏ rơi về tắm rửa, khâm liệm. Nhưng hơn một năm nay, công việc ấy chẳng thể lặng lẽ khi “mới chỉ có hai tuần đã có đến 200 thai nhi bị vứt bỏ” hay “từ ngày 8/4-4/5 đã có 1.043 đứa trẻ được tình nguyện viên của CLB tiếp nhận từ các ca phá thai”. Anh Trung cho biết, các thai nhi được đưa mai táng ở nghĩa trang giáo xứ An Bài, Hải Hậu, Nam Định, nhưng “với tần suất 1.500 thai nhi/tháng thì quỹ đất đang gặp khó khăn, phần hầm mộ xây cất duy trì được chỉ chừng một năm nữa sẽ đầy”. “Cứ âm thầm làm, bạn đơn giản chỉ dọn dẹp hậu quả và mọi người vẫn không biết thực trạng đang tồn tại thì điều tệ hại càng diễn ra. Chia sẻ hình ảnh, thông tin để mọi người biết thêm thông tin, thấy sợ để suy nghĩ chín chắn hơn trước mỗi hành động”, anh Trung bày tỏ.
Cầu nối những người hiến tạng
Lê Thành Trung từ lâu đã trở thành gương mặt quen thuộc với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế. Không chỉ là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến tặng mô tạng, anh Trung còn trở thành cầu nối giúp nhiều người hiểu và tình nguyện đăng ký hiến tạng sau khi chết. Anh luôn sẵn sàng giải đáp “những gì chưa hiểu rõ” và đồng hành đi đăng ký, dù không nhận một đồng tiền công. “Giải đáp để người đăng ký hiến tạng trở thành một tuyên truyền viên tiếp tục nhân rộng ý nghĩa hành động sẻ chia này ra cộng đồng, chứ không đơn thuần đến đăng ký hiến và nhận thẻ là xong”, anh Trung nói.
Làm việc thiện nhưng không ít lần anh rơi vào tình thế bị hiểu lầm. Có lần đưa việc vận động hiến tạng sau khi chết não vào một group bạn đồng niên tại Hà Nội, anh gặp phản ứng dữ dội. Nhiều người cho rằng anh là “kẻ buôn bán tạng”, thậm chí có người dùng “ngôn từ gay gắt, thêm chút mắm muối để xây dựng hình ảnh về kẻ buôn bán tạng trở nên hoàn hảo hơn”. “Tất nhiên không vì thế mà bỏ cuộc”, anh tiếp tục làm để thay đổi quan điểm của họ. Điều này đã được đền đáp khi một cô bạn đồng niên đã đăng ký tình nguyện hiến tạng cứu người thứ 9594.
Động lực để anh tiếp tục “mua dây buộc mình” còn có đông những người sẵn sàng sẻ chia bất kể ngành nghề, hoàn cảnh. Đó là nữ shipper tranh thủ vừa giao xong hàng đến đăng ký đơn, rồi hối hả tiếp tục công việc; đôi trẻ mới đăng ký kết hôn lại cùng nhau ký đơn tình nguyện viên hiến tạng cứu người… “Một lá đơn, một chữ ký là điều không khó, nhưng để vượt qua định kiến cổ hủ để làm một điều gì đó thay đổi xã hội thì chỉ khi có sự hiểu biết, tấm lòng thật tâm muốn chia sẻ cứu người thì bạn mới làm được”. Đến nay, sau hơn 5 năm, anh đã đưa hơn 2,5 nghìn người tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não. Hình ảnh anh và những tình nguyện viên đều được chia sẻ công khai. “Rồi đến một ngày bạn không còn trên cõi đời này nữa, nhưng sẽ giúp được cho nhiều người khác có cơ hội được sống tiếp. Điều đáng làm phải không!”, anh tâm niệm.
Từ lâu số điện thoại 0917.894.444 của anh Lê Thành Trung đã trở thành đường dây nóng và Fanpage CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội đã thành nơi tin cậy của nhiều người có hoàn cảnh éo le. Tại lễ trao giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2018, CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội là một trong 20 CLB, đội nhóm tình nguyện được T.Ư Đoàn, Chương trình tình nguyện Liên hợp quốc tại Việt Nam khen thưởng.
Theo báo cáo từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em – Bộ Y tế công bố vào cuối năm 2017, mỗi năm nước ta có khoảng 250 – 300 nghìn ca phá thai được báo cáo. Tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm đến gần 80%. Số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cũng chỉ ra, có từ 20 – 30% các ca phá thai là từ phụ nữ chưa kết hôn và 60 – 70% là từ sinh viên, học sinh tuổi từ 15-19.