“điển cố” là gì? Nghĩa của từ điển cố trong tiếng Việt. Từ điển Việt-Việt

một biện pháp tu từ trong văn chương cổ để đạt tới cách diễn đạt lời ít mà ý nhiều, bằng việc dùng những câu chuyện xưa (trong thần thoại, truyền thuyết, kinh sử, sự tích, sự kiện lịch sử…) thu gọn vào một từ, một nhóm từ nhằm gợi lên ý tưởng mà tác giả muốn đề cập tới. Lúc đầu ĐC chỉ là từ ngữ biểu thị một sự vật, nhân vật, sự kiện cụ thể và chỉ có ý nghĩa hiện thực, sau vì được sử dụng nhiều lần, được chuyển cho một cấp độ nghĩa mới là nghĩa biểu trưng, nghĩa bóng, từ đó có thể tạo sự liên tưởng đến chuyện cũ, người cũ tuy không có ý nói về chuyện cũ, người cũ mà nói về chuyện trước mắt. Vd. theo “Toàn Đường thi thoại”, Hàn Hoành đời Đường (Tang) có bài thơ:

“Chương Đài liễu, Chương Đài liễu

Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?

Túng sử trường điều tự cựu thuỳ

Dã ưng phan chiết tha nhân thủ”.

(Liễu Chương Đài, liễu Chương Đài, ngày trước xanh xanh nay còn không? Cho dù cành dài vẫn buông rủ như xưa thì có lẽ cũng đã vin bẻ vào tay người khác mất rồi).

Hàn Hoành lấy một danh kĩ là Liễu thị ở đường phố Chương Đài trong thành Trường An (Changan). Hàn Hoành về thăm quê nhà, để Liễu thị ở lại, không may kinh đô có biến, Liễu thị bị tướng giặc cướp mất. Khi loạn yên, họ Hàn cho người mang lụa vàng và bài thơ này đến để dò ý Liễu thị. Sau thơ đến tay Liễu thị và nhờ mưu của Hưu Tuấn mà hai người được sum họp. Nguyễn Du đã dùng câu chuyện này để nói về tâm sự của Thuý Kiều khi nghĩ đến Kim Trọng: khi chàng trở lại thì ngờ đâu thân mình đã rơi vào tay người khác

” Khi về hỏi liễu Chương Đài

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay”

(Truyện Kiều).

Đây là cách dùng ĐC sáng tạo của tác giả.

Rate this post

Viết một bình luận