Popping GT, những điều cần biết

Popping GT, những điều cần biết

1. Câu Popping
Cùng với Jigging, Popping là một môn câu thể thao được ưa chuộng vào bậc nhất trên thế giới. Những con cá GT (Giant Trevally) khổng lồ trong tay các câu thủ mồ hôi mồ kê nhễ nhại, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc là hình ảnh dễ tìm thấy nhất khi tra cứu từ khóa “popping”. Vậy câu Popping nghĩa là gì? Và khi nói về “Popping”, tại sao cá GT lại được nhắc đến nhiều nhất?

1.1 GT – loài thủy quái trên rạn san hô
Hơn một thập kỷ qua, sự ra đời của các thiết bị câu chuyên nghiệp cùng kỹ thuật câu độc đáo đã giúp câu thủ khắp mọi nơi bắt được rất nhiều cá GT khổng lồ. Kể từ đó, GT được nhìn nhận và sùng bái như là một loài cá có phẩm chất “thể thao” bậc nhất, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành công nghiệp câu cá thể thao nói chung và thiết bị câu nói riêng trên toàn cầu.

Không thể phủ nhận sự đóng góp của câu thủ và các nhà sản xuất dụng cụ câu Nhật Bản, kinh nghiệm và sự sáng tạo không giới hạn của họ đã mang lại cho cộng đồng câu cá thế giới những xúc cảm sâu nặng về loài cá có sức gợi cảm đặc biệt này.

Là loài lớn nhất trong dòng họ Trevally, GT nổi tiếng như một khối chất nổ, hung hăng và có tính khí thất thường. Những ai đã từng đối mặt với GT đều khó thể quên sự dữ dội đến mức ghê gớm của chúng. Chúng cướp mồi một cách khoái trá; khinh mạn các loại thiết bị câu yếu kém và là những “tay” bơi lội thuộc hàng mạnh mẽ nhất. Khi một con GT chúi cái đầu khổng lồ xuống, nghĩa là mọi loài xung quanh, bất kể trọng lượng, đều không phải là đối thủ.

GT là vua không chỉ với dòng tộc của mình mà còn của tất cả các loài sống quanh nó. Những con GT lớn luôn thiết lập một đế chế ở nơi có nhiều thức ăn nhất. Không chỉ to xác, chúng còn là loài có cách sống rất khôn ngoan, lãnh địa của GT thường là các địa hình kết hợp giữa vách đá thẳng đứng chạy dọc theo dãi đá ngầm sắc cạnh có nhiều san hô rải rác. Tại đây, chúng tùy nghi “cướp bóc” và lui vào ẩn mình một cách an toàn. Rất nhiều câu thủ đã phải dở khóc dở cười khi cá GT mắc lưỡi tháo chạy vào vách hang sắc bén chỉ trong tích tắc, để lại sợi dây câu nổi lềnh bềnh trên mặt nước như một chứng tích cho sự thảm bại.

Trong khi dòng họ Trevally rất khó xác định trọng lượng cụ thể, con lớn tầm 25 ki-lo-gam hoặc hơn, thì loài GT thật sự là rất lớn. Màu chủ đạo của cơ thể là sáng bạc xen lẫn những vệt sậm hơn, phần hông màu đồng thau (hoặc xanh sẫm) có những đường kẻ sọc dọc theo thân. Các tay câu được nhiều GT cho rằng hiếm khi nào có hai con GT giống hệt nhau. Vào mùa sinh sản, ở những điều kiện nhất định, con đực sẽ chuyển sang màu đen tuyền.

Không phải là cá ngon nhưng giá trị của GT được nhìn nhận ở sức mạnh và khả năng chiến đấu bền bỉ, không mệt mỏi, không e dè hay run sợ. Đảm bảo rằng, sau khi bị bắt mà được thả cho về hoặc cướp dây chạy thoát, ngày hôm sau chúng lại tiếp tục chiến đấu mà không hề nao núng, sợ hãi. GT chỉ gờm mỗi cá mập. Nhưng kể từ khi xuất hiện môn câu Popping, có lẽ đối với GT, con người trở thành sinh vật đáng sợ nhất…

1.2 Popping là gì?
Popping là một kỹ thuật câu sử dụng một loại mồi giả gọi là Popper. Mồi Popper thường được làm bằng gỗ với nhiều trọng lượng khác nhau, lưỡi treble (lưỡi 3 chấu) được đặt ở mặt bụng đuôi của mồi.

Loại máy câu được dùng trong kiểu câu này có kích thước tương đương với máy 8000-20000 của hãng Shimano hoặc với máy 5000-8000 của hãng Daiwa, có ống chứa dây lớn chứa được nhiều dây. Chiều dài cần câu từ 2.1-2.5m; khoen cần phải chắc khỏe, lòng khoen trơn láng để dây câu có điểm tựa, lướt nhanh và êm ái khi quăng ra thu vào.

Trong câu Popping, dây câu đề nghị là dây PE số 6-12, cho phép người câu quăng xa, dây chắc khỏe để chiến đấu với cá lớn. Ưu điểm khác là mặc dù có trọng tải lớn nhưng đường kính của dây PE rất nhỏ, do vậy ống sẽ chứa được nhiều dây hơn là loại dây mono. Dây ngọn trọng tải từ 80-200 lb.

Ở các điểm câu thật nông, nhiều câu thủ dùng dây PE 12 với cần cứng như cán chổi vậy. Tuy nhiên những điểm câu dạng này rất hiếm gặp. Trang bị đồ câu hợp lý, căn cứ vào loại mồi Popper cũng như sự trình diễn của nó, là yêu cầu đầu tiên trong câu Popping. Hiện nay, các loại dụng cụ câu của đất nước “Mặt trời mọc” đang gây chấn động cho câu thủ Popping trên toàn thế giới. Những chiếc cần thanh mảnh nhẹ nhàng sử dụng dây PE 6-8, máy câu với lực hãm nhỏ vẫn đủ sức bắt gọn những con GT không lồ chắc chắn không chỉ là nhờ may mắn.

2. Chọn cần câu Popping GT
Có rất nhiều cần popping GT chất lượng rất cao và đắt tiền nhưng người chơi nên chọn cho mình loại cần câu đúng và phù hợp với thể trạng hơn là một cây cần được giới thiệu là tốt nhất, vì thực chất không có cần câu tốt nhất. Một cần câu Popping đúng là loại vừa quăng mồi tốt, vừa chiến đấu tốt và bền theo thời gian. Cũng như nhiều kiểu câu khác, cần câu popping GT có loại dài, loại ngắn, loại cứng, loại mềm; mỗi loại có ưu nhược điểm nhất định. Cần dài quăng mồi rất tuyệt nhưng ngắn thì dễ chiến đấu với cá hơn. Cần cứng điều khiển mồi Popper tốt hơn nhưng sẽ bị làm khó khi chiến đấu với cá. Cần đọt mềm thì tốt cho mồi Stickbait nhưng lại không hay lắm với mồi Popper…v…v…Để chọn được đúng cần với mục đích của mình, người mua cần phải hiểu rằng, không phải cần câu Popping GT nào cũng giống nhau. Chúng cũng không phải được làm cho cùng một mục đích. Trong cần câu Popping GT, có 2 loại, một là cần mảnh, nhẹ dành cho mồi Stickbait và cần hạng nặng dùng để câu loại mồi Popper miệng lớn (còn gọi là Chugger).

2.1 Cần câu mồi Stickbait
Mồi Stickbait lại có 2 loại là mồi bơi trên mặt (surface stickbait) và mồi chìm (sinking stickbait). Chỉ có loại mồi stickbait bơi trên mặt mới cần đến cần câu chuyên biệt. Cần câu Stickbait được thiết kế nhỏ, dịu, dễ đàn hồi, dễ uốn cong, mục đích là để truyền hành động cho mồi.

Về cơ bản, cần Stickbait phải có phần đọt và phần blank phía trên mềm, và chỉ mềm ở khu vực đó; độ dẻo không cần tăng dần lên. Tuy nhiên, hiện nay, hãng Carpenter có xu hướng làm cho cần Stickbait có phần dẻo tăng dần lên trên toàn bộ blank cần. Một cần câu chuyên biệt và hiệu quả dành riêng cho mồi surface stickbait là loại cần có đọt mềm, dịu, dễ uốn. Đặc điểm này hết sức quan trọng với mồi stickbait nhưng lại đối nghịch với cần câu mồi Popper. Dù cần Stickbait PE8 vẫn điều khiển được mồi popper lên đến 140gram, nhưng về lâu dài sẽ làm cho cần bị bão hòa và khó điều khiển mồi Popper thực sự hiệu quả.  

2.2 Cần câu mồi Popper
Để điều khiển được loại mồi Popper có miệng loe lớn, cần câu phải có đọt mạnh, rắn chắc. Hầu hết các hãng sản xuất cần Popping GT đều có cần Popper hạng nặng, thông số lên đến PE12 (170lb). Cần lưu ý rằng, câu đến PE12 cùng với việc phải dùng nó trong một buổi câu dài, với những con mồi popper nặng 250gram kết hợp với hàng loạt phụ tùng đi kèm khác, thì làm thế nào để giữ chặt một cây cần PE12 trước sức vùng vẫy của một con cá lớn trong 10 phút?

Các chuyên gia khuyên rằng, nếu chỉ muốn mua một cây cần Popping GT, hãy mua loại tổng hợp có thông số mồi và dây rộng. Nhưng nếu bạn có nhiều tiền, muốn mua nhiều cần, hãy tiếp tục tìm hiểu và tậu cho mình những cây cần có thể câu được những con mồi ưa thích.

2.2.1 Chọn cần theo trọng lượng và kích thước mồi
Trọng lượng và kích thước loại mồi mà người mua sẽ sử dụng có vai trò quan trọng trong việc chọn cần. Trên cần câu thường ghi rõ thông số mồi (trọng lượng mồi mà cần có thể quăng hiệu quả). Hãy chú ý khoảng giữa. Ví dụ, cần cho phép tải mồi từ 150-250gram Popper, hãy lấy con số 200gr làm giới hạn cho cần. Luôn sử dụng mồi trong giới hạn của cần là lời khuyên hữu ích của các chuyên gia câu GT.

2.2.2 Chọn theo chiều dài và action cần
Quăng xa và chính xác là những yếu tố vô cùng quan trọng trong Popping GT. Nhìn chung, một cây cần dài có action mạnh sẽ rất dễ quăng (mức độ dễ tăng dần theo độ tăng của action cần câu). Để quăng mồi đi xa đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có sự đồng bộ giữa cần, máy, dây, mồi. Học cách quăng đúng cách là yêu cầu cần thiết của trò chơi Popping GT. Quăng tốt nhất (quăng đến đúng điểm) sẽ bắt được nhiều cá nhất. Chiều dài của cần là “vua” khi đề cập đến các yếu tố giúp quăng tốt. Cần câu GT là một sự thỏa hiệp, được cái này thì mất cái khác. Cần dài thì quăng xa nhưng cần ngắn mới đủ sức (nhờ thoải mái) bẩy cá. Các câu thủ câu Quốc Tế thường sử dụng loại cần có chiều dài từ 7,5 – 8,25 feet (2.28-2.5 m). Người giỏi quăng thì dùng cần 7,5-8 feet (2.28-2.43m), ngược lại không quăng tốt thì chọn cần dài, tùy năng lực cá nhân.

Như đã nói, quăng được xa không chỉ nhờ vào cần câu, mà còn có sự phối hợp đồng điệu với máy và dây câu. Ví dụ dùng dây PE6 của Varivas nối với dây ngọn mono 130lb sẽ quăng xa hơn nhiều so với khi dùng dây braid 130lb nối với dây PE lớn se lại làm dây ngọn.

2.2.3 Chọn cần theo mức tải 
Mức tải của cần (thông số dây ghi trên cần) được xác định dựa vào thể lực và địa hình mà người mua sẽ câu. Về nguyên tắc, đã tham gia vào môn popping GT, câu thủ nào cũng đủ khả năng điều khiển thiết bị câu của mình, nhưng không phải ai cũng biết rõ đồ câu nặng sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc quăng xa. Rồi những lúc phải gồng người giữ cho chặt cây cần đang bị tác động bởi một lực kéo dữ dội trong hàng chục phút. Ấy là chưa kể đến cú sốc khi cá lớn tấn công với sức mạnh có thể kéo phăng cần đi. Nếu muốn mua đồ câu GT hạng nặng (PE12) hãy nghiệm xem liệu bạn có thể giữ được cần ít nhất là 15 phút ở mức hãm thông thường; nếu không thể làm điều này thì bộ đồ câu đó sẽ quá khổ với bạn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu ai đó chỉ mới tìm hiểu trò chơi GT này, đừng để bị phân tâm bởi những lời tư vấn thiển cận, rằng phải sắm đồ câu GT với mức PE rất lớn mới đủ sức bắt cá. Nói vậy không có nghĩa là chẳng ai có thể câu được với cần PE hặng nặng. Nhưng số người đủ thể lực và sức mạnh để làm điều này quả là rất ít. “Mua cây cần vượt quá sức là vô ích, nó sẽ làm bạn mất sức khi bạn chiến đấu với cá lớn, hãy chọn loại phù hợp với bạn”, những câu “comment” kiểu này rất thường gặp trên các diễn đàn Popping. Nhiều lời khuyên cũng đề cập đến việc chọn cần nhẹ. Một bộ câu nặng sẽ khó mà lôi cá lên thuyền. Ngược lại, bộ câu vừa sức sẽ dễ câu và hạ cá rất hiệu quả. Thêm vào đó, bộ đồ câu nặng sẽ ảnh hưởng lớn đến khoảng cách quăng mồi, một yêu cầu quan trọng vào bậc nhất trong Popping GT.

Đồ câu GT hạng nặng luôn có chỗ đứng trên thị trường, nhưng chúng chỉ cần thiết ở một số vùng biển, điểm câu mà thôi.

Hầu như nhà sản xuất nào cũng thích đề cập đến mức tải của cần tính bằng ki-lo-gam. Riêng về chỉ tiêu này, mỗi hãng lại có một con số (dù đều là PE12). Tiêu chuẩn chung trong ngành chế tác cần câu là mức tải tối đa của cần (max drag) được tính khi cần ở góc 45 độ. Nhưng thực tế thì không hề có sự thống nhất giữa các hãng. Cần Komodo Dragon trứ danh của hãng Smith có mức tải max 10kg. Trong khi một số công ty mới nổi đã có những tuyên bố “điên rồ” rằng cần PE8 của họ có thể tải đến 26 ki-lô-gam.

Một chỉ tiêu thường được chọn để tạo dấu ấn riêng cho từng hãng nữa là chiều dài cán cần. Gần như nhà sản xuất nào cũng có thông số riêng. Ví dụ chiều dài cán cần Caranx Kaibatsu của Shimano dài hơn 5 inches so với chiều dài trung bình của toàn ngành. Loại cán dài này chỉ phù hợp với các câu thủ cao lớn, tay dài. Nhưng nếu người câu chỉ cao tầm 1m68 thì sẽ thấy rằng cần này không phù hợp.

Một vài nhà sản xuất muốn kiểu khóa càng máy có hướng vặn từ trên xuống, số khác thì vặn từ dưới lên.

Patriot Design thường sử dụng khoen Fuji chân thấp chứ không phải loại khoen truyền thống Fuji Super Ocean (MNSG và ICMNSG) như HOTS. Và họ chỉ cung cấp thêm loại cần có khoen Fuji Super Ocean này như là một sự tùy chọn cho khách hàng.

Nếu ai từng sở hữu cần câu của Carpenter hay Smith, đã quen với vị trí gắn bát máy của những hãng này thì sẽ dễ bị shock nếu chuyển sang sử dụng cần của Fisherman.  

Tất cả những điều đó cho thấy, mỗi hãng đều có một phong cách riêng. Vậy hãy nghiên cứu thật kỹ lưỡng để mua được loại phù hợp nhất với bạn.

 (Còn nữa)

Đón đọc bài tiếp theo: “Máy câu và các phụ tùng cần thiết trong câu popping GT”

VietnamFishingReview

 

Rate this post

Viết một bình luận