Vậy khí dung là gì?
Khí dung là phương pháp sử dụng máy khuyếch tán thuốc tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp trên hoặc dưới. Có hai loại máy khí dung khác nhau: máy khí dung tai mũi họng, hạt khí dung to nên đọng lại được ở niêm mạc đường hô hấp trên. Máy khí dung cho hệ thống hô hấp dưới là máy khí dung có thể phát được các hạt thuốc dưới dạng nhỏ hơn để có thể rơi xuống đường hô hấp dưới. Hai loại máy này không thể đổi chỗ cho nhau được. Thời gian tác động của thuốc khí dung ngắn, khoảng 3 – 4 giờ, chính vì thế có thể chỉ định sử dụng khí dung 2 đến 3 lần/ngày tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh. Khả năng hấp thu thuốc khí dung vào máu là khoảng 2%. Tùy theo bệnh đường hô hấp trên hay dưới cũng như tùy theo loại bệnh cụ thể mà người thầy thuốc sẽ chỉ định các loại thuốc pha để khí dung.
Máy khí dung được chế tạo dựa trên nguyên tắc tạo áp lực đẩy. Tuy nhiên để áp lực đó không làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp người ta có những khoảng hở để thuốc thoát một phần ra ngoài. Với lượng thuốc nhỏ và các hạt thuốc không hấp thu được vào các tế bào của các chủng vi khuẩn theo đường không khí với nồng độ thấp nên không gây hiện tượng kháng thuốc ngoài môi trường.
Trẻ cần tập trung hít thở khi khí dung.
Sử dụng đúng khí dung như thế nào?
Cách sử dụng máy khí dung có thể thực hiện theo các bước sau:
– Dùng ống nhỏ giọt hoặc ống tiêm sạch để lấy một lượng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước cất (theo liều lượng đã được bác sĩ quy định) cho vào cốc đựng thuốc. Nếu dùng loại thuốc đã pha sẵn thì không cần pha thêm.
– Dùng ống nhỏ giọt hoặc ống tiêm sạch để lấy một lượng thuốc (theo liều lượng đã được bác sĩ quy định) cho vào cốc đựng thuốc cùng với nước muối hoặc nước cất, hoặc nếu có thuốc pha sẵn thì dùng ống tiêm lấy theo lượng thuốc bác sĩ chỉ dẫn.
– Nối mặt nạ hoặc ống thở vào cốc đựng thuốc.
– Ðặt mặt nạ lên mặt và chỉnh dây cột cho vừa khít hoặc đưa ống thở lên.
– Thở chậm và sâu bằng miệng (hít vào sâu, ngưng lại 1-2 giây rồi thở ra) cho đến khi hết thuốc trong cốc đựng, trung bình khoảng 10-20 phút. Trong thời gian này, trẻ cần tập trung hít thở sâu để thuốc có thể đi vào phổi. Môi trường náo động khiến trẻ nhấp nhổm muốn đứng dậy tham gia, như vậy trẻ sẽ rất khó tập trung để thở.
– Khi sử dụng mặt nạ, thuốc có thể đọng lại trên mặt hoặc thoát ra ngoài nếu mặt nạ không áp sát vào mặt, do đó làm giảm lượng thuốc vào phổi.
– Sau khi dùng, tháo mặt nạ hay ống thở và cốc đựng thuốc ra khỏi ống dẫn nhựa. Rửa mặt nạ hay ống thở miệng, cốc đựng thuốc, ống nhỏ giọt hay ống tiêm dưới vòi nước rồi đặt lên khăn sạch để cho khô. Lắp trở lại vào ống dẫn rồi mở công tắc cho máy chạy khoảng 10-20 giây để làm khô phía trong.
– Mỗi tuần: rửa mặt nạ hay ống thở miệng, cốc đựng thuốc, ống nhỏ giọt hay ống tiêm bằng nước ấm với xà bông, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Làm khô phía ngoài và phía trong như trên. Thỉnh thoảng lau mặt ngoài máy nén khí bằng khăn ẩm.
Luôn đọc kỹ tên thuốc và chỉ sử dụng loại thuốc cũng như liều thuốc mà bác sĩ chỉ định. Thuốc giãn phế quản salbutamol có thể gây một số tác dụng phụ lớn như đau ngực, co thắt phế quản, lo lắng cực độ, tăng huyết áp, gây đau ở chân hoặc khiến trẻ thở hụt hơi.
Khí dung có bị quá liều và lệ thuộc thuốc?
Một số cha mẹ nghĩ rằng càng khí dung nhiều thì bé càng chóng khỏi bệnh. Họ tự mình lên lịch khí dung cho con và tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình đề ra. Điều này có thể dẫn tới quá liều và phụ thuộc thuốc, gây tổn hại lâu dài cho phổi (phần lớn thuốc khí dung là corticoid, quá liều có thể gây tác dụng phụ rất nguy hiểm). Cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về loại thuốc cần khí dung và lịch khí dung.
Phải sử dụng khí dung theo hướng dẫn của thầy thuốc. Không được tự ý dùng thuốc khí dung, nhất là các thuốc corticoid hay kháng sinh. Nếu dùng không đúng sẽ làm bệnh nặng lên cùng với các tác dụng không mong muốn. Ví dụ: các loại tinh dầu (hay ống hít bán sẵn làm thông mũi) không được dùng cho trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ (dưới 18 tháng) vì có thể gây ức chế hô hấp. Các thuốc dạng nước để khí dung có nhóm aminoglycoside không sử dụng cho những trẻ chưa biết nói vì có thể gây ngộ độc ốc tai dẫn đến điếc. Người lớn cũng không được lạm dụng bừa bãi vì sẽ gây nghiện và giảm khứu giác. Khi sử dụng máy khí dung phải tuân thủ cách pha thuốc vì nếu pha không đúng liều lượng hoặc quá loãng hay quá đặc, các hạt phun sương không đúng kích thước sẽ không tác dụng vào bên trong phế quản, hoặc lơ lửng bám vào thành họng, chưa kịp xuống đến các phế quản.
Thuốc nào được dùng trong khí dung?
Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc khí dung khác nhau. Trong viêm mũi – xoang – họng dị ứng bị hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi… thì thường dùng thuốc xông dạng corticoid, chống xung huyết, chống phù nề. Nhưng nếu có nhiễm khuẩn, bội nhiễm có thể sẽ phải phối hợp thêm kháng sinh. Những trường hợp bị co thắt khí quản, phế quản trong viêm phế quản cấp, bệnh hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… người ta cũng dùng phương pháp xông thuốc để làm giãn phế quản, giúp bệnh nhân dễ thở. Ngoài ra, phương pháp khí dung cũng được sử dụng để làm loãng đờm cho bệnh nhân trong chữa trị bệnh phổi. Ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi dễ bị viêm tiểu phế quản do tắc đờm nhớt thì xông khí dung bằng nước muối rất tốt để làm loãng đờm, trẻ dễ ho và tống được đờm nhớt ra ngoài. Ngoài ra, cũng có thể dùng tinh dầu thơm từ lá khuynh diệp, lá sả, bạc hà, lá chanh, lá tía tô… vào máy khí dung, giúp sát trùng và làm thông mũi – họng, giảm cảm cúm gây nghẹt mũi, người bệnh sẽ dễ chịu.
Khí dung trong điều trị các bệnh đường hô hấp
Khí dung mũi: Điều trị các bệnh viêm mũi, viêm xoang. Các thuốc thường được dùng gồm thuốc co mạch, kháng viêm, kháng sinh pha trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định, tỷ lệ này thay đổi tuỳ theo lứa tuổi, tình trạng bệnh. Điều quan trọng trong khí dung mũi là phải làm sạch mũi trước khi khí dung thì mới có hiệu quả. Khí dung mũi thường từ 5-7 ngày.
Khí dung trong họng: Điều trị các bệnh viêm họng cấp hoặc mạn tính, các thuốc được dùng là kháng sinh, kháng viêm và giảm đau. Khí dung từ 5-7 ngày.
Khí dung trong viêm thanh quản: Điều trị các bệnh viêm thanh quản cấp và mạn tính, các thuốc được dùng là kháng sinh và kháng viêm. Khí dung 5-7 ngày.
Khí dung trong điều trị bệnh đường hô hấp dưới: Viêm phế quản co thắt, hen phế quản, tâm phế mãn, COPD. Đặc điểm các bệnh này là có hiện tượng co thắt phế quản. Các thuốc được dùng là kháng viêm và giãn phế quản. Trong trường hợp cấp cứu có thể khí dung lặp lại mỗi 15 – 30 phút. Khi qua giai đoạn cấp cứu khí dung từ 2-3 lần/ngày và luôn đánh giá lại tình trạng hô hấp để tăng giảm số lần khí dung và điều chỉnh sử dụng các thuốc toàn thân phối hợp.
ThS. Lê Đình Hưng