Thạch găng – món quà quê dân dã

 

Chén thạch găng mát lành – Ảnh: H.Hân

Thạch găng là món thạch được làm từ lá cây găng. Nhắc tới loài cây này, chắc hẳn những người con đã lớn lên từ núi rừng không ai xa lạ và không quên được món ăn chơi dân dã, quen thuộc. 

Găng là loại cây rừng, thân gỗ, nhiều gai nhỏ, lá hơi tròn mọc thành bụi ở các vùng trung du. Ở nhiều nơi cây găng còn được trồng làm hàng rào. Có rất nhiều loại găng như găng gai, găng dại…, nhưng chỉ găng gai mới có thể làm được thạch. Găng dại làm hàng rào lá to, vị đắng, không dùng làm thạch.

Tôi nhớ ngày xưa đi thả trâu trên rừng, trong khi những chú trâu nhởn nhơ gặm cỏ trên sườn núi, lũ trẻ chúng tôi lại rủ nhau đi chặt cành găng mang về nhà làm thạch. Chiều đến, lùa trâu về đứa nào cũng có bó găng vắt vẻo trên lưng trâu.

Găng mang về được phơi khô, sau đó đập cành để tách lấy lá, khi lấy lá phải cẩn thận loại bỏ hết gai găng, nếu không khi vò sẽ bị gai găng đâm vào tay. Lá găng khô được mẹ nhặt sạch gai và để dành làm thạch ăn dần.

Mẹ thường dặn lá găng phải khô khi vò thạch mới ngon và không có mùi hôi.

Những hôm thời tiết oi, mẹ lại lấy một lượng vừa đủ lá, rửa cho sạch, sau đó lấy một chiếc nồi cho một lượng nước sôi để nguội vừa đủ. Đặt chiếc rá sạch sao cho vừa mặt nước rồi cho lá găng vào chà xát để lá mau nát. Vò tầm 10 – 15 phút là được.

Khi lá đã ra hết chất nhựa, thạch đã gần đông đặc, cho thạch qua một túi lọc để lọc sạch lá. Khi vò phải nhanh tay, sau đó cũng lọc nhanh nếu không thạch sẽ đông khi chưa kịp lọc. Khi lọc xong để lắng khoảng 1 giờ là có một tô thạch ngon lành.

Thỉnh thoảng thấy mọi người cho vôi vào để thạch cứng hơn, nhưng mẹ bảo làm thế sẽ dễ bị nồng mùi vôi. Cũng vì thế thạch mẹ tôi vò không cứng, mềm và có vị thơm hơn.

Cành găng rừng – Ảnh: H.Hân

Lá găng đã được phơi khô – Ảnh: H.Hân

Trong khi chờ thạch đông, mẹ dùng đường để cô làm nước chan thạch. Ở quê tôi, người ta dùng đường đen cắt ra thành từng mảnh nhỏ, thêm nước để lên bếp sên đến khi tan đường là được.

Khi ăn mẹ thường dùng muôi to, nông và mỏng để múc thạch. Khi múc phải nhẹ nhàng hớt những miếng thạch to kéo dài, bởi múc vụn từng góc nhỏ thạch sẽ bị chảy nước. Rót nước đường đủ ngọt để khuấy đều cùng thạch, không nên khuấy nhiều quá làm thạch chảy thành nước ăn không ngon.

Món thạch găng có màu xanh nhẹ lấp lánh chứ không xanh đậm như sương sâm. Từng miếng thạch dẻo, tan chảy trong miệng hòa quyện cùng vị ngọt của đường và hương vị tự nhiên của núi rừng làm tan đi không khí oi ả ngoài trời.

Ngày nay khi chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu, giữa những loại thạch lấp lánh màu sắc được bày bán làm không ít người lo ngại, thạch găng lại là món giải khát được đặt lên hàng đầu vì sự thanh sạch, mát lành, giản dị.

Với không ít người con của núi rừng, thạch găng đã trở thành hương vị tuổi thơ mà ai cũng muốn tìm về giữa bộn bề cuộc sống.

 

 

Rate this post

Viết một bình luận