TVB từng là kinh đô phim truyền hình của châu Á. Thế nhưng, trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, nhà đài Hong Kong mất dần sức ảnh hưởng, bước vào thời kỳ sa sút.
Những ngày cuối năm 2019, TVB thực hiện chính sách cắt giảm từ 800 – 1.000 nhân viên. Thông tin này trên thực tế không có gì mới mẻ bởi vài năm trở lại đây nhà đài Hong Kong thường xuyên mở các đợt thanh lọc, cắt giảm biên chế.
Đây là hệ quả tất yếu sau thời gian dài trượt dốc do đầu tư thất bại, thiếu tính sáng tạo đổi mới, xa rời nền kinh tế thị trường dẫn đến việc đánh mất thị phần ngay trên sân nhà của TVB.
TVB từng là thủ phủ của phim truyền hình châu Á.
Với những khán giả yêu mến đài truyền hình lớn nhất xứ Cảng thơm, so với quá khứ huy hoàng vang danh khắp châu Á, tình cảnh hiện tại chỉ có thể gói gọn trong 2 chữ “bi thảm” khiến ai ai cũng ngậm ngùi tiếc nuối.
Đế chế vàng của phim ảnh Hong Kong
Thành lập từ năm 1967, so với nhiều đài truyền hình châu Á ở Đại lục, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… TVB được xem là một trong những đơn vị sản xuất phim ảnh có bề dày lịch sử lâu đời với 52 năm kinh nghiệm.
Từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990 là thời kỳ phát triển cực thịnh, thăng hoa của nền công nghiệp sản xuất phim ảnh Hong Kong nói chung và của TVB nói riêng. Vào giai đoạn “thập kỷ vàng”, nhà đài xứ Cảng thơm có hơn 500 phim lớn nhỏ được ra mắt một năm. Các tác phẩm của TVB lan tỏa và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân châu Á.
Các tác phẩm của TVB từng được đánh giá cao về chất lượng lẫn kỹ năng diễn xuất của dàn tiểu sinh hoa đán.
Những thể loại phim vốn gần gũi, quen thuộc như cảnh sát – hình sự, cổ trang võ hiệp, thâm cung nội chiến, thương trường, gia đình, nghề nghiệp đều được TVB nâng tầm đưa màn lên màn ảnh, thu hút hàng triệu khán giả, trở thành “món đặc sản” riêng của nhà đài Hong Kong và là kênh tham khảo cho các nhà làm phim.
52 năm qua, có không ít các tác phẩm do TVB sản xuất đã đi vào hàng kinh điển của điện ảnh châu Á và được xem là chuẩn mực khi đem so với các phiên bản khác như series võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Cổ Long hay Thâm cung nội chiến, Bến Thượng Hải, Gia hảo nguyệt viên, Đại thời đại, Bằng chứng thép, Bao la vùng trời…
Trong đó, bộ phim Thâm cung nội chiến được xem là nguồn cảm hứng cho các hãng phim ở Đại lục với đề tài cung đấu như Hậu cung Chân Hoàn truyện, Mỹ nhân tâm kế, Sơn hà luyến mỹ nhân vô lệ… Hoặc tác phẩm lấy chủ đề tình thân là Gia hảo nguyệt viên cứ đúng dịp Trung thu hàng năm cũng là lựa chọn chiếu lại hàng đầu của nhiều nhà đài Trung Quốc.
Thậm chí, trong giai đoạn hoàng kim của mình, các bộ phim gán mác “made in Hong Kong” từng đại náo nhiều đài truyền hình ở Đại lục. Mở đầu là CCTV với tác phẩm Hoắc Nguyên Giáp 1983 kéo dài cho đến tận những năm 2000 mới suy tàn.
Trên đà thành công, TVB tự mở lớp đào tạo diễn xuất, tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân tài để nối dài ánh hào quang. Dưới trướng nhà đài, những ngôi sao điện ảnh được phát hiện và nâng đỡ để trở thành các sao tên tuổi hàng đầu showbiz như Lưu Đức Hoa, Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vỹ, Cổ Thiên Lạc, Trương Vệ Kiện và lứa nghệ sĩ vừa có tài vừa có sắc như Lê Tư, Lý Gia Hân, Xa Thi Mạn, Trương Mạn Ngọc, Thái Thiếu Phân…
Các thế hệ diễn viên tài năng được nhà đài Hong Kong nâng đỡ.
Không chỉ phim ảnh, tạp chí/ chương trình giải trí/ ấn phẩm băng đĩa phim/ lễ trao giải, kỷ niệm của TVB cũng được giới truyền thông lẫn công chúng các nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, các buổi lễ trao giải, kỷ niệm được tổ chức hoành tráng, xa hoa và quy tụ gần như tất cả dàn sao nổi tiếng hàng đầu Hong Kong đến tham dự không ít lần làm khán giả choáng ngợp.
Nghệ sĩ đến tiệc của TVB không những không mất tiền, nếu vận số may mắn nhiều khi còn có quà mang về do nhà đài luôn tổ chức các trò chơi với khoản tiền thưởng hậu hĩnh dành riêng cho các sao. Năm 2016, nam diễn viên Lý Gia từng trúng được 130.000 USD sau khi tham gia vào trò chơi đỏ đen tại lễ Khánh đài lần thứ 49.
Công nghệ làm phim “chuẩn Hong Kong”
Trong khoảng thời gian phát triển rực rỡ, TVB liên tục cho ra lò các tác phẩm gây tiếng vang trên toàn châu Á. Dưới trướng của cựu Chủ tịch Thiệu Dật Phu, đài truyền hình lớn nhất Hương Cảng đã tạo ra quy trình sản xuất khép kín mang tên “made in Hong Kong”.
Từ diễn viên, đạo diễn, giám chế cho đến nội dung kịch bản đều là do người Hong Kong xây dựng. Chính vì thế, các tác phẩm của TVB thuở bấy giờ đều mang đậm hơi thở và những đặc trưng văn hóa riêng biệt của xứ Cảng thơm phồn hoa, khó lòng sao chép. Điển hình là các bộ phim lấy đề tài về giới xã hội đen, các băng đảng giang hồ khét tiếng Hương Cảng cho đến việc tạo ra làn sóng phim kiếm hiệp Kim Dung lan tỏa khắp châu Á.
TVB từng là đài tạo ra sự khác biệt cho thị trường phim ảnh khi có phim trường riêng, đầu tư kịch bản và lớp đào tạo diễn xuất chuyên biệt.
Trước khi bước vào giai đoạn suy tàn như hiện nay, truyền thông quốc tế từng ngả mũ gọi Hong Kong là “Hollywood của phương Đông”. Xứ Cảng thơm nói chung và TVB nói riêng dạo trước đã có nền công nghiệp sản xuất phim ảnh đi trước hàng chục năm so với Đại lục.
Lịch sử phim Hoa ngữ cũng đánh dấu chính nhà đài Hong Kong là đơn vị khai phóng, cho ra đời bộ phim có âm thanh và hình ảnh đồng bộ đầu tiên giữa thời kỳ dòng phim câm vẫn còn thống trị nền phim ảnh Trung Quốc những năm 1930.
Khi nhà đài TVB đã tiệm cận với sự phát triển công nghệ kỹ thuật của châu Á, ứng dụng vào công tác làm phim, thị trường phim Đại lục vẫn còn loay hoay học hỏi công nghệ phim ảnh từ phía Hong Kong. Theo QQ, thời điểm quay tác phẩm kinh điển Tây du ký 1986, nữ đạo diễn Dương Khiết đã phải lặn lội tới xứ Cảng thơm để nhờ TVB hướng dẫn hệ thống cáp treo cho các cảnh quay trên không.
Bên cạnh đó, ở giai đoạn TVB là ông vua của giới truyền hình Trung Quốc, Đại lục chỉ vừa thoát khỏi cuộc cách mạng văn hóa, những người làm nghệ thuật ở nơi đây thời bấy giờ vẫn chưa thể bắt nhịp kịp với thế giới văn hóa đầy biến động ở bên ngoài. Trong khi đó, thập niên 1980 -1990, ở Đài Loan mặc dù có những tác phẩm gây chú ý, nhưng chủ yếu là các phim chuyển thể từ tiểu thuyết Quỳnh Dao, đề tài chưa phong phú.
Chính vì vậy, ở thời kỳ khan hiếm văn hóa giải trí, các bộ phim TVB đa dạng về thể loại tràn vào thị trường Đại lục, Đài Loan được ví tựa làn gió mát, dòng suối ngọt xoa dịu, nuôi dưỡng tâm hồn của khán giả nơi đây và trở thành biểu tượng văn hóa của một thời đại.
Với đế chế phim ảnh hào nhoáng của mình, TVB trở thành giấc mơ của mọi cô gái, chàng trai trong xã hội, đặc biệt là những người có xuất thân từ tầng lớp thấp. Ai ai cũng muốn thi tuyển vào lớp đào tạo nghệ sĩ, tham gia cuộc thi hoa hậu của Thiệu Dật Phu để thực hiện mộng đổi đời.
Đó là gã trai lêu lổng Châu Tinh Trì, chàng trai giang hồ Cổ Thiên Lạc hay anh chàng con nhà nông Châu Nhuận Phát. Đó là các cô gái chưa đầy đôi mươi đã gồng gánh trên vai vương miện hoa hậu như Viên Vịnh Nghi, Trương Mạn Ngọc, Lý Gia Hân… Với tài năng của mình cùng sư o bế của TVB đến tận bây giờ họ vẫn là những cái tên hạng A, đủ sức hô mưa hoán vũ ở làng phim Hoa ngữ.
TVB sa vào vũng lầy khủng hoảng
“Vô khả nại hà hoa lạc khứ (Chằng đặng lòng nhìn cánh hoa rơi xuống, nhưng đành bất lực)” – là câu thơ trích trong bài Hoán kê sa mà truyền thông Trung Quốc dùng để ví von tình cảnh hiện tại của TVB.
Cách đây một tháng lễ Khánh đài lần thứ 52 của TVB được tổ chức, trùng hợp thay ở cùng thời điểm LHP Kim Kê cũng diễn ra ở Đại lục. Thế nhưng, tiệc mừng sinh nhật của nhà đài Hong Kong lép vế hơn hẳn.
Nếu như Kim Kê áp đảo hoàn toàn với dàn sao nổi tiếng như Thành Long, Nhậm Đạt Hoa, Ngô Kinh, Lâm Tâm Như, Trần Vỹ Đình, Ôn Bích Hà…, nhà đài lớn nhất xứ Cảng thơm lại mờ nhạt với các tên tuổi trẻ, lạ cả mặt lẫn danh. Trên trang Weibo chính thức của TVB cũng chỉ có một vài lời chúc mừng được gửi đến cũng đã phần nào phản ánh sự ảm đạm của đài truyền hình giàu lịch sử này.
Lễ Khánh đài của TVB ngày càng thưa thớt nghệ sĩ tham dự.
Trong vài năm trở lại đây, TVB đã rớt khỏi ngai vàng ở địa hạt truyền hình Trung Quốc vì chất lượng phim giảm sút, loạt sao hàng đầu dứt áo ra đi, cơ chế quản lý lỗi thời, không thể cạnh tranh với nhiều đài truyền hình mới trong sự phát triển sôi động ở đấu trường phim châu Á. Dù đã cục cựa chuyển mình, làm mới cục diện, song nhà đài Hương Cảng vẫn không thể thoát khỏi tình cảnh “khó sống”.
Vì sao TVB hết thời
Ở thời kỳ “ăn nên làm ra” dưới trướng người sáng lập Thiệu Dật Phu, các tác phẩm của TVB dù ở bất kỳ thể nào đều để lại dư âm và ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Tuy nhiên, sau năm 2004, phim của đài hiếm có bộ nào gây được tiếng vang và được đón nhận nồng nhiệt như ngày xưa, thậm chí còn hứng chịu búa rìu của dư luận do lạm dụng cảnh nóng và bạo lực. Không chỉ vậy, nhà đài thường xuyên bị phàn nàn vì kỹ xảo ba xu bối cảnh cũ rích, kịch bản thiếu sáng tạo, chắp vá như nồi lẩu thập cẩm, dàn diễn viên trẻ diễn xuất yếu kém.
Ngoài ra, việc TVB nhất quán đi theo con đường “tự cung tự cấp”, đi ngược dòng chảy của nền kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân khiến nền sản xuất trì trệ, phim lên sóng thiếu sự chỉn chu. Theo trang QQ, mỗi năm TVB tự bỏ vốn sản xuất khoảng 20-30 phim. Với kế hoạch khổng lồ như vậy, ngân sách của nhà đài khó có thể kham nổi.
Trong khi đó, các nhà làm phim tại Đại lục tìm kiếm nhiều nguồn vốn từ bên ngoài. Họ có những phim trường rộng lớn, lực lượng nghệ sĩ trẻ hùng hậu, phát hành phim từ nhiều nền tảng như sóng truyền hình, trang web online. Đầu năm 2019, TVB đã ngừng hợp tác sản xuất với các ứng dụng như Tencent, iQiyi. Việc này được nhận xét là nước cờ thiếu khôn ngoan khiến doanh thu của đài giảm sút hơn 43% chỉ trong 6 tháng đầu năm, vô tình làm TVB lỗ chồng lỗ.
Các bộ phim thừa thãi yếu tố bạo lực và cành nóng ngày một leo thang ở TVB.
Sự suy thoái của TVB thể hiện qua chỉ số rating. Theo Kknews, thập niên 1980-1990, đa số phim đạt tỷ lệ người xem trên 30%, có những tập đạt rating trên 45% như Thần điêu đại hiệp, Thiên long bát bộ, Ỷ thiên đồ long ký, Tây du ký, Hồ sơ trinh sát… Từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ người xem giảm sút rõ rệt, chỉ ở mức trung bình từ 20 đến 26%.
Nguyên nhân là vì nhà đài mất đi một khối lượng lớn các giám chế, biên kịch, diễn viên tài năng khiến bộ sậu sản xuất qua các đời ngày càng mỏng. Tờ QQ nhận định nhà đài Hong Kong hiện tại đang đối mặt với sự thiếu hụt tài năng trầm trọng nhất trong lịch sử hơn 50 năm mà lý do sâu xa đều bắt nguồn từ cách hành xử “vắt chanh bỏ vỏ”, ép giá cát-xê, chế độ đãi ngộ bạc bẽo của TVB.
Nhiều nghệ sĩ kỳ cựu như Xa Thi Mạn, Đới Chí Vỹ, Quách Chính Hồng cho đến Lâm Phong, Hồ Hạnh Nhi, Ngô Trác Hy đều quyết định dứt áo ra đi để tìm cơ hội mới tại thị trường Đại lục, Đài Loan. Việc này đã tạo nên trào lưu “Bắc tiến” trong giới nghệ sĩ Hong Kong. Từ đó xảy ra tình trạng chảy máu nhân tài.
“Đến Đài Loan là kế sách cuối cùng, trở về Hong Kong là nghe theo tiếng gọi của con tim, còn sang Đại lục là xu thế chung của thời đại. Tương lai các nghệ sĩ xứ Cảng thơm vẫn sẽ lấy Đại lục là thị trường trọng tâm phát triển sự nghiệp”, nam tài tử Trịnh Gia Dĩnh chia sẻ.
Các diễn viên trẻ do TVB tích cực lăng xê gần đây không để lại bất kỳ dấu ấn trong mắt khán giả. Những gương mặt sáng giá cho màn ảnh nhỏ của nhà đài từ nguồn cung Hoa hậu Hong Kong trong một thập niên trở lại đây như Trần Khải Lâm, Thái Tư Bối, Hoàng Tâm Dĩnh, Chu Thần Lệ… không chỉ chẳng được đánh giá cao về diễn xuất mà còn bị nhận xét kém sắc hơn các đàn chị đi trước. Chưa kể cuộc thi này ngày càng giảm uy tín vì chất lượng thí sinh đi xuống, vướng các bê bối đời tư rúng động.
Được TVB ra sức lăng xê nhưng nhiều người nghệ sĩ trẻ vẫn là những cái tên xa lạ với công chúng.
“Nhìn lại giai đoạn vàng son với nhân tài đầy ắp, danh tiếng lừng lẫy cũng đủ để chứng minh đài truyền hình xứ Cảng thơm không phải ‘hữu danh vô thực’. Thế nhưng, trong thời đại đào thải khốc liệt, TVB chỉ còn là cái bóng thời quá khứ, hào quang cũng lùi dần vào dĩ vãng. Mong rằng nhà đài Hong Kong không trở thành ATV thứ 2, suy yếu rồi sụp đổ vĩnh viễn để lại nuối tiếc trong thanh xuân của nhiều thế hệ”, QQ bình luận.