Cá là một loại thịt trắng có lợi cho sức khỏe, bởi chúng cung cấp protein, vi chất dinh dưỡng và chất béo lành mạnh dồi dào. Tuy nhiên trong nhiều loại cá, nhất là cá biển có chứa một hàm lượng thủy ngân nhất định gây lo ngại cho người tiêu dùng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về thủy ngân trong cá và động vật có vỏ.
1. Thủy ngân là gì?
Cá và động vật có vỏ là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ bao gồm nhiều loại cá và động vật có vỏ để góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch và sự tăng trưởng của trẻ. Vì vậy, phụ nữ và trẻ nhỏ là những đối tượng nên thêm cá hoặc động vật có vỏ trong chế độ ăn uống của mình. Tuy nhiên, phần lớn cá và động vật có vỏ đều chứa thủy ngân với hàm lượng nhất định. Vậy thủy ngân là gì?
Thực chất, thủy ngân là một kim loại nặng được tìm thấy trong tự nhiên như: không khí, nước và đất. Chất này được thải ra ngoài môi trường bằng nhiều cách khác nhau như: đốt than, phun trào núi lửa,… Thủy ngân có thể rơi từ không khí xuống và tích tụ trong các dòng suối và đại dương và trở thành metylmercury trong nước. Theo đó, con người có thể tiếp xúc thủy ngân theo nhiều cách như: hít phải hơi thủy ngân trong quá trình khai thác và làm việc ở môi trường công nghiệp.
XEM THÊM: Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân
Nhiều trường hợp bị phơi nhiễm thủy ngân do ăn phải cá và động vật có vỏ. Đây là những loại động vật hấp thụ thủy ngân nồng độ thấp do ô nhiễm nguồn nước. Theo thời gian, methylmercury – dạng hữu cơ của thủy ngân sẽ gây ra độc tính cao và gây hại cho sức khỏe của con người.
Một số loài cá có hàm lượng thủy ngân cao vượt quá ngưỡng cho phép. Lượng thủy ngân trong cá và các loại hải sản phụ thuộc vào loài và mức độ ô nhiễm trong môi trường nước của nó. Nhìn chung, những loài cá lớn và sống lâu sẽ có xu hướng chứa nhiều thủy ngân nhất. Chúng bao gồm cá mập, cá kiếm, cá ngừ tươi, cá chép, cá thu vua, cá ngói từ Vịnh Mexico và cá pike phương bắc.
Cá lớn hơn có xu hướng ăn nhiều cá nhỏ hơn chứa một lượng nhỏ thủy ngân. Theo đó, hàm lượng thủy ngân trong cá sẽ tích tụ trong cơ thể của cá lớn theo thời gian do chất độc này rất khó đào thải ra bên ngoài. Mức độ thủy ngân trong cá được đo bằng phần triệu (ppm). Dưới đây là mức thủy ngân trung bình ở các loại cá và hải sản khác nhau, từ cao nhất đến thấp nhất:
- Cá kiếm: 0,995 ppm
- Cá mập: 0,979 ppm
- Cá thu vua: 0,730 ppm
- Cá ngừ mắt to: 0,689 ppm
- Marlin: 0,485 ppm
- Cá ngừ đóng hộp: 0,128 ppm
- Cá tuyết: 0,111 ppm
- Tôm hùm Mỹ: 0,107 ppm
- Cá trắng: 0,089 ppm
- Cá trích: 0,084 ppm
- Hake: 0,079 ppm
- Cá hồi: 0,071 ppm
- Cua: 0,065 ppm
- Haddock: 0,055 ppm
- Cá thu Đại Tây Dương: 0,050 ppm
- Tôm càng xanh: 0,035 ppm
- Cá da trơn: 0,025 ppm
- Mực: 0,023 ppm
- Cá hồi: 0,022 ppm
- Cá cơm: 0,017 ppm
- Cá mòi: 0,013 ppm
- Hàu: 0,012 ppm
- Sò điệp: 0,003 ppm
- Tôm: 0,001 ppm
2. Ảnh hưởng của thủy ngân trong cá và động vật có vỏ gây hại cho sức khỏe con người
Tiếp xúc với thủy ngân có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ở cả người và động vật nếu hấp thụ một lượng thủy ngân cao hơn sẽ gây ra các bệnh lý về não. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp xúc thường xuyên với thủy ngân sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh Alzheimer, Parkinson, tự kỷ, trầm cảm. Ngoài ra, tiếp xúc với thủy ngân sẽ gây nên các bệnh về huyết áp cao, tăng nguy cơ đau tim và cholesterol LDL “xấu”.
Một nghiên cứu trên 1.800 nam giới cho thấy những người có hàm lượng thủy ngân cao nhất có nguy cơ tử vong do mắc bệnh tim cao gấp đôi so với những người có hàm lượng thủy ngân thấp hơn.
3. Đối tượng dễ bị nhiễm thủy ngân hơn mức bình thường
Một số người có nguy cơ cao nhiễm thủy ngân có thể kể đến như:
- Phụ nữ đang hoặc có kế hoạch mang thai. Bởi thủy ngân có khả năng truyền từ mẹ sang con.
- Các mẹ đang cho con bú
- Trẻ em
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng việc tiếp xúc với liều lượng thấp methylmercury trong 10 ngày đầu tiên của quá trình thụ thai sẽ làm suy giảm chức năng não ở chuột trưởng thành. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng trẻ em tiếp xúc với thủy ngân khi còn trong bụng mẹ phải đối diện với nguy cơ giảm khả năng tập trung, trí nhớ, ngôn ngữ và chức năng vận động.
4. Nên ăn cá như thế nào để bảo đảm sức khỏe?
Thực tế, lợi ích dinh dưỡng do cá mang lại sẽ lớn hơn nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân nếu như bạn biết cách chế biến và ăn đúng cách. Theo đó, mỗi người nên hạn chế ăn cá hai lần mỗi tuần. Đồng thời chọn lựa cá và hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp hơn như cá hồi, tôm, cá tuyết và cá mòi. Tránh các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá ngói từ Vịnh Mexico, cá mập, cá kiếm và cá thu.
Tuy rằng, cá là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng chúng cũng chứa một hàm lượng thủy ngân nhất định. Vì thế, bạn nên chọn loại thực phẩm có hàm lượng thủy ngân ít hơn và cân nhắc sử dụng với một lượng vừa phải, tránh việc làm dụng làm mất cân bằng dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com, health.harvard.edu