Bạn sắp có chuyến đi chùa Hương nhưng chưa có kinh nghiệm di chuyển, khám phá. Hãy cùng Digiticket tìm hiểu về địa điểm tâm linh nổi tiếng này nhé!
1.Xác định vị trí của Chùa Hương
Ngôi chùa có vị trí nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là một trong những địa điểm tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đặt chân đến chùa Hương, du khách không chỉ chiêm bái ngôi chùa cổ kính có tuổi đời lâu năm mà còn được vãn cảnh trong không gian tĩnh mịch, nhẹ nhàng mang đến sự thư thái trong tâm hồn.
Ảnh: @_ntnhung
Khám phá thêm:
10 ngôi chùa Hà Nội nổi tiếng linh thiêng dành cho Team đi chùa đầu năm
2.Di chuyển đến chùa Hương như thế nào?
Theo chia sẻ của du khách, chùa này chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 50km. Tùy vào phương tiện di chuyển, bạn sẽ mất khoảng 1,5 – 2h đồng hồ. Vì là một điểm đến tâm linh nên có rất nhiều du khách lựa chọn đi trong ngày.
Di chuyển bằng xe bus:
Hiện nay có 3 điểm xe bus tới chùa Hương là số 211, 78 và 75. Trong đó, xe 211 và 78 xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, còn số xe 75 xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa. Với giá thành rẻ, xe bus phù hợp với mọi đối tượng. Đặc biệt là các bạn sinh viên.
Một lưu ý nhỏ là đoạn đường từ điểm dừng xe bus đến khu danh thắng khá xa. Nếu đi bộ sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy bạn có thể thuê xe ôm, taxi cho nhanh nhé!
Ảnh: @maip._.le
Di chuyển đến chùa Hương bằng ô tô, xe máy:
Ngoài xe bus, bạn có thể di chuyển bằng ô tô, xe máy. Ưu điểm là sẽ tiện lợi hơn rất nhiều đấy. Có 2 con đường di chuyển đến chùa Hương bạn có thể lựa chọn:
Đường thứ 1: Bạn xuất phát từ đường Nguyễn Trãi đi theo hướng Hà Đông, đến ngã ba Ba La bạn rẽ trái đi Vân Đình. Di chuyển thêm 40 km đến Tế Tiêu và đoạn đường đến chùa Hương thì bạn hãy hỏi người dân địa phương.
Đường thứ 2: Đây là con đường dành cho ô tô. Bạn đi theo hướng quốc lộ 1A cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Sau đó, rẽ phải ở nút giao lộ Đồng Văn và đi vào quốc lộ 38 khoảng 15km hướng chợ Dầu là đến chùa Hương.
Sau khi đến quần thể danh thắng, bạn sẽ đi đò khoảng hơn 1 tiếng trên dòng suối Yến và đi bộ hoặc cáp treo để lên chùa.
Ảnh: @travel_journal_photo
Khám phá thêm:
3.Thời điểm thích hợp khám phá chùa Hương
Bạn có đến chùa Hương vào bất cứ mùa nào trong năm. Tuy nhiên, chùa Hương có hai thời điểm được nhiều du khách tìm đến tham quan, chiêm bái nhất.
Lễ hội chùa Hương
Cứ vào dịp đầu năm, chùa Hương lại tổ chức lễ hội. Vì vậy thu hút rất đông các phật tử về đây dự lễ. Du lịch chùa Hương vào thời điểm này, ban sẽ được tham gia vào không khí tưng bừng những ngày đầu xuân năm mới với vô số các hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức bởi người dân địa phương.
Thời gian: Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước nên rất nhiều du khách tìm về để chiêm bái, cầu bình an, may mắn cho cả gia đình.
Du lịch chùa Hương từ tháng 7 – tháng 10
Với những du khách không thích sự ồn ào, chen lấn mà chỉ muốn thưởng ngoạn và tìm lại cảm giác thanh tịnh chốn tu hành thì Digiticket khuyên bạn nên đến đây vào tháng 7 đến tháng 10.
Lúc này, khung cảnh chùa Hương rất đỗi thơ mộng, yên tĩnh mang đến cảm giác bình yên, thư thái cho bất cứ ai khi đặt chân đến. Nhất là vào tháng 8 đến tháng 10, hoa súng, hoa lau đua nhau khoe sắc bên dòng sông Yến rất thích hợp để check in, sống ảo.
Ảnh: @haonguyenminh119
4.Hướng dẫn tham quan chùa trọn vẹn nhất
Nếu ai đã từng đến chùa Hương thì đều biết đây là một quần thể các chùa chiền nằm rải rác trong thung lũng Suối Yến. Theo kinh nghiệm của du khách, bạn nên đến thăm đền Trình, động Hương Tích và chùa Thiên Trù. Đây đều là những ngôi chùa chính và linh thiêng nhất trong quần thể danh thắng.
Hiện nay, chùa Hương có hệ thống cáp treo hiện đại, nên bạn sẽ không mất nhiều thời gian di chuyển. Nhất là những người lớn tuổi, đoàn thể, gia đình có con nhỏ…
Với những tín đồ muốn trải nghiệm cảm giác leo bộ thì có thể di chuyển theo 3 tuyến hành hương sau:
- Tuyến Hương Tích: Đền Trình – chùa Thiên Trù – động Tiên Sơn – chùa Giải Oan – đền Trần Song – động Hương Tích – chùa Hinh Bồng.
- Tuyến Thanh Sơn Hương Đài: Hang Sơn Thủy Hữu Tình – chùa Thanh Sơn – động Hương Đài – chùa Vân Long – động Long Vân – chùa Cây Khế.
- Tuyến Tuyết Sơn: Đền Trình – chùa Tuyết Sơn – chùa Bảo Đài – động Ngọc Long – chùa Cá.
Ảnh: @tho_ltt
5.Chùa Hương thu hút du khách vì điều gì?
Chùa Hương được xây dựng vào thế kỷ 17. Sau đó, địa điểm này bị hủy hoại bởi cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1947. Chùa được xây dựng lại vào năm 1988 do Hòa thượng Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hòa thượng Thích Thanh Chân.
“Mãn nhãn” trước vẻ đẹp đậm chất thơ nơi xứ chùa
Người ta ví chùa Hương đẹp như một bức tranh thủy mặc. Nơi đây không chỉ là nơi nguyện cầu những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà còn là điểm đến tâm linh lý tưởng để bạn thư giãn tâm hồn.
Dù bạn đi vào bất cứ thời điểm nào trong năm thì chùa Hương vẫn đẹp. Đầu mùa hè là hoa gạo đỏ rực một góc trời, sang thu là bạt ngàn sắc tím của hoa súng trên dòng suối Yến, đến mùa xuân là hoa ban tím, hoa mận nở trắng khắp triền núi.
Du khách sẽ được đi thuyền trên dòng suối Yến, ngắm nhìn khung cảnh xung quanh với nắng nhẹ, chim muông đua nhau hot ở hai bên sườn núi. Đặc biệt vào thời điểm tháng 7 đến tháng 10. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh yên tĩnh, trầm mặc, tô điểm vào đó là những chiếc thuyền chậm rãi trôi trên dòng nước. Không gian mang đến sự thanh tịnh đến lạ kỳ.
Ảnh: @cindymarukochan
Quần thể danh thắng có nhiều điểm du lịch nổi tiếng
Là một quần thể danh thắng, chùa Hương có nhiều địa điểm du lịch đẹp mà bạn không nên bỏ qua. Nếu bạn chỉ du lịch chùa Hương 1 ngày thì đừng bỏ qua những địa điểm dưới đây:
Động Hương Tích
Nếu chùa Bích Động là Nam Thiên đệ nhị động thì động Hương Tích chính là động đẹp nhất Việt Nam, được mệnh danh là Nam Thiên đệ nhất động. Nơi đây thờ Quan Thế Âm Bồ Tát.
Động có phong cảnh rất đẹp làm “mãn nhãn” người xem. Để đến được cửa động, du khách cần phải leo núi trên những bậc thang được làm bằng đá. Nếu du khách không leo được thì có thể sử dụng cáp treo lên cửa động, vừa tiết kiệm thời gian lại không tốn sức lực. Tuy nhiên, mỗi trải nghiệm sẽ mang đến cho bạn những giá trị riêng nên tùy vào sở thích, sức khỏe mà bạn lựa chọn hướng di chuyển phù hợp.
Ảnh: @behanghi88
Nét ấn tượng nhất của động chính là khối thạch nhũ to nhỏ với nhiều hình dáng khác nhau. Nó vừa lộng lẫy, kỳ ảo vừa mang đến sự linh thiêng, huyền bí. Từ cửa động, bạn sẽ phải đi thêm 120 bậc xuống động. Lối đi được đánh giá rất đẹp, hai bên là cây và rêu phong cổ kính khiến du khách như lạc vào chốn thần tiên. Chính vì sự cổ xưa đó mà hằng năm rất nhiều du khách tìm đến động để tham quan, cầu bình an.
Đền Trình
Nổi tiếng là ngôi đền cổ bên dòng sông Yến Vĩ, nằm dưới chân núi Ngũ Nhạc, chỉ cách bến đò khoảng 500m nên du lịch chùa Hương bạn đừng bỏ qua địa điểm này nhé! Theo người dân kể lại, đền Trình thờ một thần tướng có công đánh đuổi giặc Ân phò vua Hùng Huy Vương.
Đến đền, bạn có thể dâng hương cúng bái hoặc thưởng ngoạn không khí thanh bình nơi cửa đền và ngắm nhìn phong cảnh núi Ngũ Nhạc.
Chùa Thiên Trù
Chùa có niên đại hơn 400 năm, được xây dựng từ thế kỉ 17. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, ngôi chùa đã bị phá hủy nặng nề và được xây dựng lại theo nguyên bản nhỏ hơn ngôi chùa cũ vào năm 1988.
Chùa Thiên Trù được xây dựng gồm 4 cấp: cấp thứ nhất có 1 cổng lớn đề Nam Thiên Môn, cấp thứ hai có một đỉnh to xây bằng gạch, cấp thứ ba là tam quan (gồm có gác chuông, gác trống và gác khánh), cấp thứ 4 là ngôi chùa chính với kiến trúc độc đáo.
Ảnh: @ducbui.photographer
6.Đến chùa Hương du khách cần chuẩn bị gì?
Đến chỗ tâm linh thì bạn nên chuẩn bị sẵn đồ cúng lễ ở nhà, vừa chủ động thời gian, vừa tiết kiệm hầu bao. Bạn nên mang theo các lễ ngọt như hương, rượu cúng, hoa quả, tiền lẻ, bánh kẹo, vàng, hương…
Nếu bạn ở xa và chưa chuẩn bị được đồ cúng lễ thì có thể mua đồ cúng lễ ở gần suối Yến. Càng đi sâu vào trong, bạn sẽ gặp nhiều gian hàng ở đây. Tuy nhiên, hãy lưu ý giá thành có thể cao gấp đôi đấy nhé!
Thêm nữa, bạn cũng cần chú ý đến trang phục đi lễ chùa. Việc ăn mặc rất quan trọng, đặc biệt là hành hương đến chỗ tâm linh. Bạn hãy chọn những bộ quần áo đứng đắn, nhã nhặn. Tốt nhất là những gam màu lạnh trầm tính. Với những bộ quần áo xuyên thấu, mỏng manh… thì tuyệt đối không nên mặc khi đi lễ chùa.
Ảnh: @annie.monn
7.Giá vé khi du lịch chùa Hương
Dưới đây là bảng giá vé tham quan chùa Hương được cập nhật mới nhất bạn nên tham khảo:
Vé đò thắng cảnh ở chùa Hương:
- Đối với vé đò thường: 130.000đ/khách. Trong đó:
- Vé thắng cảnh: 80.000đ/khách
- Vé đò thuyền: 50.000đ/khách
- Đối với vé đò chất lượng cao: 150.000 đ/khách, trong đó:
- Vé thắng cảnh: 80.000 đ/khách
- Vé đò thuyền: 70.000 đ/khách
- Đối với vé đò thuyền đi tuyến Thanh Sơn, Tuyết Sơn và Long Vân: 35.000 đ/khách
Giá vé cáp treo chùa Hương:
- Người lớn: 180.000đ/vé khứ hồi, 120.000đ/vé 1 lượt
- Trẻ em: 120.000đ/vé khứ hồi, 90.000đ/vé 1 lượt (Lưu ý: trẻ em cao trên 1,1m mua vé như người lớn).
Ảnh: @deshimasa
8.Những lưu ý khi đến chùa Hương Hà Nội
- Bạn nên đi theo nhóm từ 5 – 7 người sẽ tốt hơn là đi lẻ 1 -2 người. Hãy chủ động chuẩn bị tiền lẻ và đảm bảo sức khỏe trong quá trình di chuyển nhé!
- Ở chùa Hương có rất nhiều “cò mồi” lôi kéo. Vì vậy, đi chùa Hương bạn cần lưu ý để tránh bị chặt chém, du khách nên mua vé trực tiếp tại quầy bán vé của Ban tổ chức đặt ở cổng khu di tích.
- Với những nhóm có 1 – 2 người thì nên chủ động xuống suối Yến để tìm đò ghép.
- Thận trọng với các trò đỏ đen, trộm cắp và dịch vụ bói toán ở đây. Nhất là các khu vực như suối Giải Oan, động Hương Tích…
Trên đây là kinh nghiệm du lịch chùa Hương chi tiết nhất mà Digiticket gửi đến bạn đọc. Chúc bạn sẽ có chuyến đi tham quan vui vẻ và ý nghĩa.
Bài viết bạn quan tâm:
- Cẩm nang du lịch Hà Nội tự túc