“Bác sĩ ơi, con tôi hiếu động quá!” – Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố

Trong khi nhiều phụ huynh lo lắng trước việc con của mình thụ động ít giao tiếp, chỉ ngồi một chỗ để xem TV, điện thoại thì một số phụ huynh khác lại ‘khốn khổ’ vì các bé nhà mình quá lăng xăng hiếu động, không thể ngồi yên một chỗ. Việc trẻ thường xuyên tăng động mọi lúc mọi nơi có thể làm phụ huynh mệt mỏi với những than phiền từ phía nhà trường, hàng xóm và cảm thấy bất lực trong quá trình giáo dục con. Những biểu hiện trên nếu kéo dài trên 6 tháng, có thể là dấu hiệu của việc trẻ mắc rối loạn Tăng động – giảm chú ý. 

Rối loạn tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý Attention-deficit hyperactivity disorder (ADHD) là một rối loạn ở trẻ em. Những trẻ mắc rối loạn này thường có biểu hiện các triệu chứng kém chú ý, tăng hoạt động, xung động không phù hợp theo tuổi. Những triệu chứng này gây ra ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt và các hoạt động trong đời sống hằng ngày.

ADHD khởi phát trước 7 tuổi và sẽ kéo dài khi trẻ ở tuổi vị thành niên và thậm chí là trưởng thành.

ADHD có ba thể là: giảm chú ý, tăng động – xung động và phối hợp (vừa tăng động và giảm chú ý). Một số triệu chứng điển hình của ADHD bao gồm:

Giảm chú ý: không chú ý đến những chi tiết nhỏ, hay lơ đễnh trong trong học tập, công việc; khó duy trì sự chú ý trong công việc; thường khó sắp xếp công việc và hoạt động hàng ngày; không làm theo chỉ dẫn và không hoàn thành các bài tập ở trường hay các nhiệm vụ trong gia đình; hay làm mất đồ dùng, dụng cụ học tập; dễ bị lo ra vì các kích thích bên ngoài; hay quên trong sinh hoạt hàng ngày…

Tăng động: hay chạy vòng quanh hoặc leo trèo quá mức dù hoàn cảnh không cho phép; thường cựa quậy cơ thể khi ngồi; trong lớp thường rời khỏi chỗ ngồi khi đang học; nói quá nhiều; khó tham gia các trò chơi tĩnh lặng

Xung động: hay trả lời trước khi nghe hết câu hỏi; khó chờ đến lượt và hay xen ngang cuộc nói chuyện…

Các biểu hiện này phải kéo dài hơn 6 tháng – 12 tháng và diễn ra ở tất cả các tình huống, môi trường như ở gia đình, trường học, nhà họ hàng, lớp học thêm… Nếu trẻ chỉ biểu hiện các vấn đề trên trong một nơi mà thôi thì không thể kết luận trẻ mắc ADHD mà phải xem xét các yếu tố khác liên quan đến môi trường đó, phương pháp giáo dục…

Nhiều trẻ ở nhà thể hiện rất tăng động, quậy phá nhưng khi đến trường lại tỏ ra ‘ngoan ngoãn’ vâng lời thầy cô thì phụ huynh cần xem xét lại cách tương tác trong gia đình và cách giáo dục của ba mẹ.

Ngoài ra đối với trẻ em, việc tỏ ra kích thích, hiếu động hoặc chống đối có thể là biểu hiện của trầm cảm ở các em.

Để cha mẹ không ‘rối’ như con…

Rất nhiều phụ huynh có con mắc ADHD đã rất căng thẳng để chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Việc căng thẳng từ các hành vi ngoài kiểm soát của con gây nên có thể làm cho không khí gia đình căng thẳng. Phụ huynh dễ nổi nóng và dùng đòn roi, bạo lực khi giáo dục con với mong muốn trẻ sẽ giảm bớt các biểu hiện quậy phá, lăng xăng. Bạo lực có thể làm trẻ sợ hãi và giảm tức thời các hành vi tiêu cực nhưng không có ý nghĩa lâu dài. Ngoài ra, việc dùng bạo lực còn có thể làm trẻ bị thương tích, ám ảnh. Trẻ sẽ học được từ người lớn cách giải quyết vấn đề bằng hình thức bạo lực và có thể ‘thực hành’ bạo lực với bạn bè.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ ADHD có thể có các hội chứng rối loạn khác đi kèm như rối loạn chống đối, rối loạn cư xử, rối loạn học tập… Do khó khăn trong tập trung có thể khiến trẻ không thể hoàn thành các bài tập ở trường, khó học theo cách ‘bình thường’ ở các trường phổ thông. Vì vậy, nếu không được giáo viên thông cảm, giúp đỡ, trẻ dễ chán nản dẫn đến lơ là học tập, thậm chí là bỏ học. Phụ huynh sau khi đưa trẻ đi khám và xác định vấn đề, nên trao đổi cùng giáo viên phụ trách để có một cái nhìn tích cực và cùng tìm ra phương pháp giáo dục đặc hiệu cho con.

Tóm lại, đối với một trẻ mắc ADHD, ngoài việc điều trị bằng thuốc, vấn đề tâm lý, giáo dục cũng là yếu tố không thể thiếu. Một số biện pháp trị liệu tâm lý như can thiệp hành vi bằng thưởng – phạt, trị liệu nhận thức – hành vi, huấn luyện kỹ năng xã hội… được đánh giá có hiệu quả với các trẻ ADHD.

Cách thức chăm sóc của ba mẹ, sự chấp nhận và cái nhìn tích cực, yêu thương cũng là yếu tố cần thiết để ba mẹ đồng hành cùng con.

“Trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể biểu hiện giảm chú ý khi học trong lớp vượt quá khả năng bản thân. Ngược lại trẻ có trí thông minh cao nếu phải học trong môi trường thấp hơn (under stimulating environment) cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu kém tập trung.”

“Khi cha mẹ thấy con có các biểu hiện lăng xăng, hiếu động, kém chú ý cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý, tâm thần nhi. Phụ huynh không nên tự chẩn đoán hay cho trẻ uống thuốc ngoài chỉ định của bác sĩ.”

Chuyên gia tâm lý  Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

 

Rate this post

Viết một bình luận