Trong đời sống, có biết bao ví dụ những con người đã vượt lên nghịch cảnh nhờ việc đọc sách. Những cuốn sách cho người ta biết rằng có một thế giới mình chưa từng biết thật thú vị, đáng để mơ ước và vươn tới, mặc cho cuộc đời thực đang tồi tệ như thế nào. Bạn đã tìm ra ý nghĩa thật sự của việc đọc sách đối với bản thân mình chưa? Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn đọc sẽ cảm thấy thú vị khi biết giá trị của việc đọc sách với những người Việt thành đạt và đương nhiên nổi tiếng.
Giáo sư Ngô Bảo Châu
Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu được biết đến là một người đam mê sách. Sách với anh chính là người bạn thân thiết, có ích trong cả những khi cần giữ thăng bằng hay là những biến cố cuộc đời. Anh cho biết, không đọc sách theo kế hoạch theo kiểu đặt chỉ tiêu một năm hay một tháng phải đọc được bao nhiêu, đọc xong là phải viết bài đánh giá ngay hay phải đọc từ đầu đến cuối sách. Có cuốn anh chỉ đọc khoảng 1/5 rồi gấp lại và rất lâu sau mới mở ra. Đọc sách chính là thời gian mà anh muốn dành cho chính bản thân mình, tách mình khỏi guồng quay vội vã của cuộc sống hàng ngày, đắm mình trong thế giới nội tại. Mỗi giai đoạn của cuộc đời, vị giáo sư mê sách lại tìm đến những thể loại sách khác nhau. Và lời khuyên dành cho các bạn trẻ là nên đọc sách lịch sử. Anh quan tâm đến các sự kiện, những ý tưởng cách tân qua các thời kỳ có ảnh hướng đến cuộc sống của con người như thế nào.
Cuốn sách để lại dấu ấn mạnh mẽ với Ngô Bảo Châu là tiểu thuyết Magic Mountain (Núi Thần) của nhà văn Thomas Mann. Nhân vật chính trong câu chuyện là một anh chàng kỹ sư trẻ tuổi Hans Castorp, có người anh họ đang điều trị tại một viện điều dưỡng ở vùng núi cao Davos của Thụy Sĩ những năm trước thế chiến thứ Nhất. Ban đầu anh ta chỉ dự định thăm hỏi người anh của mình trong 3 tuần nhưng rồi đã ở lại đó đến tận 7 năm. Tại nơi đấy, anh ta nhìn thấy những tính cách, những dấu hiệu suy sụp của chủ nghĩa tư bản và giới tư sản Châu Âu. Ở Núi Thần, điều cuốn hút nhất có lẽ là thế giới nội tâm và những trải nghiệm của nhân vật chính. Anh ta chứng kiến cuộc sống đầy bệnh tật của những bệnh nhân nơi đây, đồng thời cảm nhận những mầm mống bệnh của suy thoái xã hội Châu Âu lúc bấy giờ.
Ca sĩ Mỹ Linh
Ca sĩ Mỹ Linh từng kể về tuổi thơ “trùm chăn đọc sách”. Thế hệ 7X, sách còn khan hiếm, chị đọc mãi “Truyện Kiều”, sau đó là bộ “Thủy Hử”, “Tam Quốc” và thuộc lòng những câu thơ đầu sách, ngoài ra còn đọc văn học Nga, Mỹ. Có những trang sách khiến chị rung động mãnh liệt, còn mạnh hơn cả khi hát. Với Diva này, đọc sách khiến phát huy trí tưởng tượng, mỗi người lại có trí tưởng tượng khác nhau, sự thú vị chính là chỗ đó. Mỗi lần đọc lại nhìn ra những cái mới vì sách kích thích sự sáng tạo. Vì những điều đó mà phim hay bất cứ hình thức thể hiện nào khác đều không thể thay thế được sách chữ.
Trong giới ca sĩ, Mỹ Tâm cũng được biết đến là người chăm đọc sách. Sách được điền vào thời gian biểu của cô trong những lúc ngồi trên máy bay hoặc đi diễn ở tỉnh. Quyển sách đầu tiên – Đối nhân xử thế – họa mi tóc nâu đọc là vào năm 16 tuổi, do anh trai tặng.
Ca sĩ Mỹ Tâm
Mỹ Tâm cho biết, mỗi quyển sách lại thay đổi mình một ít. Chẳng hạn như cuốn Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm khiến chị tâm đắc vì thấy có nhiều suy nghĩ tương đồng trong công việc. Cuốn Đắc nhân tâm thì giúp chị thay đổi về cách cư xử. Ca sĩ của “Ước gì” có một cuốn nhật ký sách, nơi chị viết những suy nghĩ của mình sau mỗi khi đọc sách. Dành lời khuyên nhỏ cho các bạn trẻ, chị nói ngoài bộ sách Hạt giống tâm hồn mà các teen hay đọc nhiều thì quyển Hãy tin vào chính mình cũng rất đáng đọc. Quyển sách này có thể giúp teen tự tin và sống lạc quan hơn, tin rằng mình cho thế nào sẽ nhận thế ấy, đối xử với cuộc sống ra sao sẽ nhận lại như vậy.
Hoa hậu Lương Thùy Linh không dám nhận mình có phổ đọc rộng nhưng khẳng định thói quen đọc sách đã giúp cô trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.
Hoa hậu Lương Thùy Linh
Đọc nhiều sách, Lương Thùy Linh nhận ra cuộc sống thực không hoàn toàn màu hồng mà đan cài nhiều trải nghiệm xương máu, từ đó giúp bản thân cô trưởng thành hơn. “Tôi nghĩ đó cũng là một phần lý do giúp tôi trở thành Miss World Vietnam 2019 cũng như được chọn vào Top 12 chung cuộc tại Miss World 2019. Tính nhân văn hình thành từ bên trong mỗi con người và các thí sinh khác đều có lòng trắc ẩn chứ không riêng gì mình. Việc đọc nhiều sách không chỉ giúp tôi mạnh hơn về mặt nhân văn mà còn đem đến lượng kiến thức dồi dào giúp tri thức trở thành điểm mạnh của tôi tại cuộc thi nhan sắc”.
Người đẹp 10X thích đọc sách kinh tế, self-help và tiểu thuyết văn học. Cuốn cô tâm đắc là Khi lỗi thuộc về những vì sao, Nhà giả kim.
Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy
Mai Phương Thúy từng nói một cách hóm hỉnh rằng cô thích đọc sách bởi so với vận động thì đọc sách dễ hơn. “Mỗi khi đọc sách, tôi chỉ cần nằm ra và suy nghĩ, tưởng tượng, không cần đổ giọt mồ hôi nào”. Khi trẻ hơn, cô đọc sách như một cái máy nghiền thức ăn, cứ rảnh ra là đọc, còn giờ thì đọc có chọn lọc đúng lĩnh vực cần tìm hiểu. Hoa hậu Việt Nam 2006 gợi ý cho bạn đọc cuốn Why we sleep. Đây là một trong những cuốn sách mà tỉ phú Bill Gates yêu thích. Cuốn sách nói về giá trị của giấc ngủ và nhắc nhở chúng ta biết quý trọng sức khỏe.
Những câu nào từ sách khiến hoa hậu tâm đắc, cô in ra dán lên tường để ngày nào cũng thấy. Chẳng hạn như “To improve is to change, to be perfect is to change often” (Phát triển chính là thay đổi, để hoàn hảo, hãy thay đổi thường xuyên), “Success is not final, failure is not fatal, it is the courage to continue that counts” (Thành công không phải là điều cuối cùng, thất bại cũng chưa phải điểm kết thúc, đó chỉ là can đảm để tiếp tục mục tiêu).
NSND Hoàng Cúc
Tối thứ bảy đầu tiên của tháng Tư năm nay, NSND Hoàng Cúc xuất hiện trong vai trò khách mời của chương trình Quán thanh xuân, phát kênh VTV1 với những câu chuyện vừa dí dỏm vừa sâu sắc. Chị luôn được nhớ bởi đôi mắt hút hồn, giọng nói đặc trưng và lối diễn rất sâu. Ít ai biết, Hoàng Cúc là diễn viên hiếm có năng lực văn học lớn. Chị đọc, phân tích tác phẩm văn học ngang và có khi hơn nhà văn, nhà phê bình chuyên nghiệp. Hoàng Cúc luôn có những cuốn sổ: sổ ghi các vai diễn sân khấu và điện ảnh, sổ ghi những chi tiết, danh ngôn hay. Sự tích lũy vốn sống này cùng sự am hiểu, đa dạng khiến ai nói chuyện với chị cũng thấy thú vị, thấy tâm hồn mình đầy lên. Yêu tiểu thuyết Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng từ ngày còn nhỏ nên chị càng mê đắm nhân vật Tám Bính trong bộ phim cùng tên của đạo điễn Lương Đức. Hoàng Cúc bảo đó là vai chị yêu thích nhất trong nghiệp diễn của mình. Chị cho biết niềm vui trong cuộc sống bình thường của mình là “đọc sách và xem phim cho đến khi mệt lử ra”.
Diễn viên Quốc Trường
Nổi tiếng với vai Vũ trong bộ phim truyền hình phủ sóng tâm trí khán giả và cả báo chí, mạng xã hội năm 2020 Về nhà đi con, song ít ai biết Quốc Trường chính là một “fan bự” của sách. Nam diễn viên điển trai cho biết sau khi đọc sách nhiều, tự nhiên phong thái của bản thân sẽ chậm rãi và điềm tĩnh, thậm chí là đáng tin hơn. Phong thái của Vũ khiến khán giả nhớ anh hơn, về điều này đúng là nên ghi công cho việc đọc sách đã tác động tốt đến công việc diễn xuất của Quốc Trường.
“Tôi đọc nhiều sách do hoàn cảnh xô đẩy. Khi lên Sài Gòn, cuộc sống đào thải nhanh. Muốn tồn tại, tôi phải có nội lực. Đó chính là trí tuệ – siêu năng lực. Muốn có trí tuệ thì phải đọc sách, tìm tòi. Càng đọc, tôi càng chuẩn bị cho mình được nhiều kiến thức cơ bản”, nam diễn viên chia sẻ về thói quen đọc sách của mình. Chả hạn như, dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh nhưng anh chưa bao giờ mất ngủ vì điều đó. Những cuốn sách cho anh sự bình thản, biết rằng trong những tiêu cực bao giờ cũng có những tia sáng tích cực. Loại sách mà Trường thích đọc nhất là về tâm linh, khoa học vũ trụ, nhân vật, lịch sử loài người, hoặc lịch sử của từng nước. Có thói quen đọc sách mỗi ngày, những cuốn khiến Quốc Trường tâm đắc là Đắc nhân tâm, Tony buổi sáng, Hành trình về Phương Đông, Bài học của lịch sử, Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh, Tứ thư ngũ kinh.
Thomas Corley
Thomas Corley, tác giả của cuốn sách bán chạy Rich Habits: The Daily Success Habits of Wealthy Individuals (Những thói quen giàu có: Thói quen hàng ngày dẫn đến thành công của người giàu), đã tiến hành phỏng vấn 233 cá nhân siêu giàu (177 người trong số đó là triệu phú tự thân) với thu nhập ròng hàng năm đạt ít nhất 160.000 USD và tài sản ròng đạt từ 3,2 triệu USD trở lên. Từ nghiên cứu này, ông đã phát hiện ra một số điều thú vị trong thói quen đọc sách của người giàu: – 85% người giàu đọc từ 2 đến 3 cuốn sách về giáo dục và lập mục tiêu hàng tháng. – 63% người giàu nghe audio book để học tập trong lúc lái xe đến nơi làm việc. – 88% người giàu dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc sách nâng cao hiểu biết và tích lũy kiến thức. – 58% đọc sách về tiểu sử của những người thành công nổi tiếng. – 51% đọc sách lịch sử. Trong khi đó, chỉ có 11% người giàu đọc sách với mục đích giải trí. Các tỷ phú như Warren Buffett, Bill Gates, Oprah Winfrey, J. K. Rowling hay Mark Zuckerberg …dành phần lớn thời gian mỗi ngày để đọc sách mở rộng hiểu biết.
(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)