Đề bài: Nghị luận xã hội về lòng đố kị
Nghị luận xã hội về lòng đố kị
Bạn đang xem: Nghị luận xã hội về lòng đố kị
I. Dàn ý Nghị luận xã hội về lòng đố kị (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lòng đố kị
2. Thân bài
a. Giải thích:
– Đố kị là sự ghen ghét, không công nhận, thậm chí có suy nghĩ, hành động bài trừ đối với những thành tựu của người khác.
– Lòng đố kị thể hiện qua những hành động suy nghĩ tỏ ra khó chịu khi người khác hơn mình.
b. Bàn luận về lòng đố kị và tác hại của đố lòng kị
Lòng đố kị biểu hiện qua: cảm giác tức tối khi người khác hơn mình hay ganh ghét với những người giỏi hơn mình. Khi người có lòng đố kị họ có thể đặt điều nói xấu, bôi nhọ thanh danh của người khác
c. Nguyên nhân dẫn đến lòng đố kị:
+Thiếu tự tin, mặc cảm hay do tự ti
+ Lòng đố kị xuất phát từ những người luôn bất mãn với cuộc sống của mình và từ đó ghen tị với người khác.
d. Tác hại
– Phá hoại các mối quan hệ của mình cũng như của người khác
– Cuộc sống không thoải mái luôn nghĩ cách hãm hại người khác và cũng làm hại cả bản thân.
– Làm nảy sinh nhiều trạng thái tâm lí tiêu cực, khiến cho bản thân người có lòng đố kị luôn căng thẳng, bức bối, không thoải mái.
e. Bài học nhận thức và hành động
– Lòng đố kị là tính xấu của con người cần phải loại trừ con người cần có lòng cao thượng khoan dung rộng rãi.
– Cạnh tranh lành mạnh, cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn.
3. Kết bài
Khẳng định lại tác hại của đố kị và liên hệ bài học cho bản thân
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về lòng đố kị (Chuẩn)
Con người có rất nhiều đức tính tốt như nhân hậu, dũng cảm, … nhưng song song với những đức tính tốt thì ở con người cũng tồn tại một số tính xấu đó là tham lam, ích kỉ, đố kị. Đặc biệt là lòng đố kị có thể tác động tiêu cực đến tinh thần, tình cảm của con người mà còn làm rạn nứt những mối quan hệ tốt đẹp.
Đố kị là sự ghen ghét so đo với những gì mà người khác có. Những người có lòng đố kị thường tính toán thua thiệt với người khác. Đứng trước tài năng hay những thành tựu của người khác thay vì ngưỡng mộ hay công nhận thì người có lòng đố kị lại tỏ ra khó chịu, phủ nhận những thành tựu, tài năng ấy bằng những lời nói, suy nghĩ hay những hành động tiêu cực. Chẳng hạn, trong một lớp học khi thấy bạn học của mình đạt điểm cao trong môn học nào đó, người có lòng đố kị sẽ tỏ ra không vui, thậm chí cho rằng kết quả ấy chỉ là sự may mắn mà hoàn toàn phủ nhận đi sự cố gắng, tài năng của bạn học nọ. Trong một công ty, nhân viên trong cùng một nhóm cùng tham gia thi đua đạt thành tích nhân ngày Quốc tế lao động ngày 1 tháng 5. Khi nhân viên có thành tích xuất sắc nhất được công bố, không đạt được kết quả như ý muốn người có lòng ghen tị sẽ tỏ ra bất mãn, hoài nghi với kết quả ấy, cũng có thể là đặt điều, nói xấu, lôi kéo “đồng bọn” để cùng nói xấu, thỏa mãn sự ích kỉ của mình mà không hề xét đến sự cố gắng chưa đủ của bản thân mình. Hoặc chẳng hạn cùng là hàng xóm với nhau gia đình bên cạnh họ hơn về tài chính hay con họ giỏi hơn con mình thì cũng đố kị tìm cách đặt điều nói xấu, hạ bệ họ làm sao để mình hơn họ.
Đố kị là tính xấu của con người. Người nào mà có tính đố kị thì rất khó thành công vì họ luôn soi xét tìm những tìm điểm yếu của người khác luôn tìm cách để bôi nhọ họ, tìm cớ để gây sự, họ làm gì cũng không vừa ý. Tính đố kị sẽ làm cho những đức tính tốt lu mờ và thay vào đó từ đố kị con sẽ thêm các tính xấu khác như ích kỉ nhỏ nhen,… . Con người có tính đố kị họ sẽ tìm đủ mọi cách để kìm hãm phát triển của người khác và cũng ảnh hưởng đến cộng đồng khi ta tìm cách soi mói người khác thì ảnh hưởng đến công việc của mình cũng như của họ sẽ làm chậm tiến độ công việc. Tính đố kị còn khiến con người tự tách mình ra khỏi những mối quan hệ, làm cho những tình cảm vốn tốt đẹp trở nên ố màu, rạn nứt. Nếu duy trì thói quen soi mói, đố kị quá lâu con người sẽ trở nên cô độc trong chính mối quan hệ của mình.
Khi có tính đố kị, tầm nhìn và sự quan tâm của con người bị che mờ bởi sự ích kỉ nhỏ nhen, bởi vậy họ chỉ chăm chăm soi xét, bắt lỗi người khác mà trở nên dễ dãi với bản thân mình, tự cho mình quyền phán xét, đánh giá người khác. Khi không biết học hỏi, cố gắng để tự hoàn thiện mình thì người có lòng đố kị cũng chẳng thể phát triển trong xã hội vốn có nhiều khó khăn, thử thách này.
Nguy hiểm hơn nữa, khi lòng đố kị trở thành những hành động cực đoan, nó có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Không dừng lại ở nói xấu, đặt điều, luôn tỏ thái độ khinh ghét với người khác nữa mà có thể nảy sinh những hành động phá hoại, ngăn cản người khác bằng những hành động thiếu minh bạch. Người có tính đố kị bị thành tích lợi ích làm lu mờ tâm trí họ những thứ nhất thời làm mờ mắt mà không nhìn xa trông rộng.
Để không ngừng vươn lên, khẳng định giá trị bản thân, thay vì ích kỉ, đố kị với người khác, chúng ta hãy tự đặt ra những mục tiêu phát triển, nhìn vào điểm tốt, thế mạnh của người khác để học hỏi. Khi biết công nhận người khác đồng thời nỗ lực hoàn thiện mình các bạn không chỉ tự tạo ra được những thành tích đáng ngưỡng mộ mà còn loại bỏ được tâm lí tự ti, ích kỉ, soi xét người khác bằng con mắt khó chịu. Khi bạn nhìn mọi việc ở chiều hướng tiêu cực, suy nghĩ của bạn cũng sẽ thoải mái, khi đặt cái nhìn định kiến, ghen ghét đố kị thì chính bản thân bạn là nạn nhân của những phản ứng tâm lí tiêu cực ấy.
Hãy công nhận người khác nếu họ thực sự xuất sắc, sống bao dung, tích cực, không ngừng học hỏi để cởi trói cho những ràng buộc trong đời sống tình cảm và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp xung quanh mình. Con người không có lòng đố kị là một con người tự do không lo âu một con người thanh thản thoải mái với cuộc sống. Khi họ đó không cần phải tính toán, tìm cách hại người khác. Khi mình có một cuộc sống không ganh đua ghen ghét đố kị, sống hết mình sống với những ước mơ của mình thì cuộc sống đấy mới có ý nghĩa.
Còn ngồi trong ghế nhà trường thì hãy cố gắng loại bỏ lòng đố kị đi và thay vào đó là hãy giúp đỡ nhau cùng nhau học tập và phát triển bản thân. Chúng ta cố gắng rèn luyện học tập chăm chỉ và tự hào về bản thân mình và hãy học tập những đức tính tốt.
———————HẾT———————-
Đố kị là một nét tính cách xấu trong đời sống tình cảm của con người, bên cạnh bài Nghị luận xã hội về lòng đố kị, các em học sinh có thể rèn luyện kĩ năng viết bài nghị luận của mình qua việc tham khảo một số Bài văn hay lớp 9 khác như: Nghị luận xã hội về lòng nhân hậu, Nghị luận xã hội về lòng tự trọng, Nghị luận về lòng kiên trì nhẫn nại, Nghị luận về Lòng nhân ái trong cuộc sống qua câu chuyện Người ăn xin.
Đăng bởi: THPT Sóc Trăng
Chuyên mục: Giáo Dục
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)