Lời Phật dạy: Tâm đố kỵ phúc báo tự khắc tiêu tan

Thế nào là lòng đố kỵ?

Đố kỵ là một trạng thái của cảm xúc con người, có biểu hiện là khi nhìn thấy thành tựu, may mắn của người khác mà bản thân lại cảm thấy khó chịu và sinh tâm trách móc. Tâm đố kỵ mạnh mẽ có thể sinh ra sân hận, khiến lời nói, hành vi mang tính công kích và gây tổn thương. Kỳ thực mang tâm đố kỵ là một chuyện rất đáng sợ.

Thấy người khác được lợi ích thì dường như bản thân mất mát thứ gì, thấy người khác bị tổn thất thì lại cảm thấy hài lòng vui vẻ, thái độ đối nhân xử thế này sẽ tạo nên ác báo nghiêm trọng. 

Trong đối nhân xử thế, cổ nhân khuyên con người nên “vui với niềm vui của người khác, buồn với nỗi buồn của người khác”, xem được mất của người như được mất của mình, đó mới là điều mà cổ nhân khuyên nên làm. Tinh lực của con người là có giới hạn, thay vì ghen tỵ với người khác, hãy dùng chút tinh lực hữu hạn của mình tập trung làm những điều bản thân mong muốn. Như vậy vừa mở ra một bầu trời mới cho bản thân, vừa sống được thản đãng, tự tại.

Cổ nhân dạy: “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lí vô thì mạc cường cầu”, tức là trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu. Khi thấy người khác được một điều gì đó mà bản thân không có, đừng bởi vậy mà bất bình tức giận. Một người cần cố gắng tu dưỡng tâm tính, hành thiện tích đức tất sẽ có thiện báo. Vì được mất của bản thân mà sinh tâm bất bình, làm việc ác, như vậy có đáng không?

Trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy triều nhà Thanh viết: “Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng, khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét đố kỵ trước những thứ người khác đạt được, vui mừng trước thất bại của người khác, đều là những tâm xấu, tâm ác”.

Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những người có tâm ghen ghét đố kỵ rất lớn. Những người này khi thấy người khác được gì thì buồn rầu, phiền não giống như bản thân mất đi thứ gì, còn khi thấy người khác mất mát thì lại vui mừng như chính bản thân mình được vậy. Kỳ thực, cách suy nghĩ này là một trong những ác tâm xấu nhất, cần phải buông bỏ, vì hậu quả mà nó đem lại rất có thể chính là “hại người hại mình”.

Tâm đố kỵ ghen ghét thực sự là hại người hại mình. Người có tâm này khi sống cùng người khác mà thấy người khác hơn mình thì canh cánh trong tâm, tâm lý mất đi sự cân bằng. Một số người đố kỵ đến mức luôn tìm cách để gây trở ngại, làm tổn hại cho người khác. Thậm chí, có người bởi vì thế mà sinh ra ác niệm, ác sự, mưu hại người khác. Khi tật đố không chịu được thì người đó sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, hại người, đồng thời định sẵn kết cục thảm hại cho bản thân mình.

Lòng đố kỵ gây đại họa

Câu chuyện ý nghĩa về tâm đố kỵ được chép lại trong cuốn “Văn xương đế quân âm chất văn quảng nghĩa” của cư sỹ Chu An Sỹ thời đầu nhà Thanh.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, có vị đại phu tên Tưởng Viện ở nước Tống. Ông có 10 người con, nhưng bất hạnh là cả 10 người con đều có tật: Đứa thì lưng gù, đứa thì đi tập tễnh, đứa thì chân tay co rút, đứa thì thọt chân, đứa thì tai điếc, đứa thì mắt mù, đứa thì câm; lại có đứa mắc bệnh về tâm thần; còn một đứa chết trong ngục. Phàm là những điều bất hạnh trên thế gian dường như đều rơi vào 10 đứa trẻ nhà Tưởng Viện.

Công Minh Tử Cao nhìn thấy tình cảnh này, bèn hỏi Tưởng Viện: “Đại phu, bình thường ngài hành sự như thế nào? Mà đến nỗi trong nhà xảy ra tai hoạ như thế này?”

“Bình thường tôi không có hành vi bất hảo nào khác, duy chỉ có tật thích đố kỵ với người khác. Người giỏi hơn tôi, thì tôi đố kỵ với họ, có người lấy lòng tôi, thì tôi thích họ. Nghe thấy người khác hành thiện, tôi bèn sinh tâm hoài nghi, nghe thấy người khác hành ác thì tôi tin chắc như đinh đóng cột. Nhìn thấy người khác đắc được thứ gì, thì dường như tôi mất mát thứ đó, nhìn thấy người khác mất thứ gì, thì dường như tôi đắc được vậy”, Tưởng Viện đáp.

Tử Cao thở dài: “Tâm thái và hành vi của đại phu như vậy, có lẽ sẽ dẫn tới họa diệt môn, lẽ nào ác báo chỉ chừng này thôi sao?”

“Mặc dù Thiên thượng thì cao xa, nhưng minh xét không chút sai lệch. Nếu có thể ăn năn, hối lỗi mà sửa chữa sai lầm, nắm vững tương lai, vậy sẽ chuyển hoạ thành phúc, thay đổi vẫn còn chưa muộn”, Tử Cao đưa ra lời khuyên.

Tưởng Viện nghe thấy những lời này, trong lòng dấy lên nỗi kinh hoàng, khiếp sợ. Từ đó về sau, Tưởng Viện luôn cảnh tỉnh bản thân, suy xét lại những việc làm ác và suy nghĩ ác của mình khi trước. Những năm sau đó, các chứng bệnh lạ của con ông lần lượt từng đứa đều dần dần khỏi.

Bi ai lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ

Trong 14 điều răn Đức Thích Ca Mâu Ni đã dạy: “Bi ai lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ”.

Điều thứ sáu trong Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân, Phật dạy: 

“…Nghèo khổ nhiều tật đố trách phiền, Thường gây lắm việc oan khiên, Ngang nhiên kết buộc ác duyên với người…” 

Quảng cáo

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy rất rõ: “Ví như lửa của một cây đuốc, vài trăm ngàn người đều dùng đuốc đến chia nhau mà lấy để nấu ăn hay thắp sáng, nhiều người có được lửa mà cây đuốc ban đầu vẫn như cũ”. Tùy hỷ với những điều tốt, những điều hay, nhiều lợi ích của người là phát xuất từ tâm cung kính vị tha, cho nên công đức cũng có được từ nơi đây.

Trong Kinh Bảo Tích, Phật dạy: “… Bồ Tát thấy người được lợi ích sanh lòng tùy hỷ có 4 điều lợi ích: 1. Thường sanh tâm này, tôi nhiếp chúng sanh phải cho họ được lợi lạc. 2. Nay họ được lợi lạc nên tôi sanh lòng vui mừng. 3. Chỗ ở có tài vật, vua quan, giặc cướp, nước, lửa đều chẳng xâm đoạt được. 4. Tùy sanh xứ nào, của báu và các con thảy đều đầy đủ, vua còn chẳng đố kỵ huống là người khác…”

Lời Phật dạy rất rõ: “Một người bố thí và một người không bố thí nhưng tùy hỷ thì phước bằng nhau”.

Tại sao? Tại vì người bố thí xả bỏ tâm tham, còn người tùy hỷ xả tâm tật đố, nên phước bằng nhau. Đức Phật cũng khẳng định rằng muốn tìm được hạnh phúc, muốn tìm được sự an lạc là ngay trong cuộc sống giữa đời thường này thì phải cần đến năng lực của sự tùy hỷ. Bởi cuộc đời là “vô thường” là lẽ sống “…có gì đẹp trên đời hơn thế, người yêu người, sống để yêu nhau” kia mà, chúng ta phải cùng yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau còn không hết, huống hồ là đố kỵ nhau để tạo ra thù hận, thành oan gia trái chủ, để phải luân hồi sanh tử mãi mà đọa đày trả ân oán với nhau.

Tu dưỡng thế nào để xóa bỏ lòng đố kỵ?

Biểu hiện của lòng đố kỵ thấp nhất là khẩu nghiệp, nói điều sai quấy về người khác. Nặng hơn là biến thành oán khí, sân hận, hành động gây tổn hại tới người khác. 

Nếu có lòng đố kỵ, sẽ mắc phải những sai lầm rất đáng tiếc dưới đây:

-Tạo ra nghiệp ác, vì thấy người có mà mình không có, nên tạo ra những việc trái với luân thường đạo lý để có cái của người, hoặc hại người mà đoạt lấy cái mình thích.

-Không phát hiện ra khuyết điểm của bản thân, vì chỉ chăm chăm thấy thành tựu của người khác, suy bì với người khác mà không tự soi rọi bản thân xem tại sao mình chưa đạt được thành tựu đó, rút kinh nghiệm mà cố gắng.

-Mất đi bạn bè, người hay đố kỵ không được hoan nghênh, không thật lòng đối đãi với người khác nên bạn bè cũng dần mất đi.

-Phá hoại bồ đề tâm, những thiện nghiệp công đức đã gây dựng đều bị mất, tâm tình lúc nào cũng bồn chồn, không thoải mái, không yên ổn, nguy hại tới sức khỏe.

Để chuyển hóa thói xấu đố kỵ, hãy thực hành theo lời Phật dạy dưới đây:

-Nhận thức tâm đố kỵ là nguy hại, nhất định không làm theo.

-Quý trọng bản thân, tự hào vì những gì mình đã đạt được và đang cố gắng để đạt được. Mỗi người có một phúc báo riêng, chỉ có tự mình chân chính làm nên mới là bền vững nhất.

-Tập thói quen tùy hỉ công đức, học cách khen ngợi người khác, công nhận thành tựu của người khác.

-Quan trọng nhất là giữ tâm thanh tịnh, một lòng hướng Phật, từ bi hỉ xả thì lòng ghen tự khắc không còn.

Trong cuộc sống, mỗi người nên tu dưỡng bản thân, với thành công của người khác: Chúng ta nên thành tâm chúc phúc để cảm nhận được hạnh phúc của họ, đó cũng là cách mang tại cảm giác tích cực. Từ đó, hãy đánh giá một cách kỹ lưỡng thành công của họ, khi không bị cảm xúc ghen tỵ che mắt, chúng ta sẽ có cơ hội học hỏi.

Với thất bại của người khác: Hãy rút kinh nghiệm cho bản thân, có sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Nếu một người không có lòng bao dung thì dễ mất niềm tin vào người khác, một vòng luẩn quẩn như vậy chỉ ăn mòn nhiệt huyết cũng như trí tuệ của chúng ta.

Xem thêm: Cổ nhân dạy: Vợ kính chồng như núi, chồng quý vợ như ngọc

Rate this post

Viết một bình luận