Nhạc cụ dân tộc (phần 2)

Trong một chương trình âm nhạc trước đây, chúng tôi mới điểm qua một số loại nhạc cụ dân tộc tiêu biểu như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị… và trong chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi mời quí vị cùng tiếp tục đến với một số nhạc cụ dân tộc tiêu biểu khác.

Đàn T’rưng

Tiếng đàn T’rưng quen thuộc của núi rừng Tây Nguyên. Nói đến kho tàng âm nhạc của Tây Nguyên, người Việt Nam không thể không nhắc tới tiếng đàn mạnh mẽ, tươi vui, hùng vĩ như tiếng suối reo từ đại ngàn vọng về. Đàn T’rưng phổ biến ở một số dân tộc như của người Gia Rai, Ê đê, Ba na… lúc trước, đàn T’rưng chỉ có 4 hoặc 5 ống nhưng về sau, số ống tăng dần lên và được liên kết với nhau thành dàn thông qua 2 sợi dây buộc ở 2 đầu. Hiện tại, đàn thường có từ 12 đến 15 ống. Khi biểu diễn, đàn được treo lên theo kiểu mắc võng và người nghệ sĩ dùng dùi để gõ.

Đàn T’rưng được chế tác từ những ống nứa vót một đầu, chặt theo những độ dài khác nhau để tạo nên những âm vực ưng ý. Những ống to và dài phát ra âm trầm, còn những ống nhỏ và ngắn có âm cao. Âm sắc của đàn T’rưng hơi đục, tiếng không vang to, vang xa nhưng rất đặc biệt vì như có cảm giác của tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ hay tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi gió thổi qua.

Tài liệu ghi lại rằng, T’rưng tiếng Gia Rai có nghĩa là “đàn thưa” một cách gọi rất tượng hình, ban đầu chỉ có nam giới chơi đàn T’rưng và chỉ được chơi trên nương rẫy, kiêng nữ đánh trong nhà và trong làng vì người dân tộc dùng tiếng đàn để xua đuổi chim thú trong lúc canh lúa, nếu đánh T’rưng trong nhà sẽ đuổi hồn gia súc, gia cầm khiến chúng không lớn lên được. Tuy nhiên, hiện giờ thì có rất nhiều nghệ sĩ nữ chơi đàn T’rưng và chúng ta thường được nghe tiếng đàn phát ra từ nhà rông, nhà sàn. Đàn T’rưng có thể được biểu diễn độc tấu hoặc cùng dàn nhạc.

Đàn Đá

Đàn đá là loại nhạc khí tự thân vang, người M’Nông còn gọi đó là cồng đá. Bộ đàn đá gồm 6 thanh, có kích thước lớn bé và hình dáng khác nhau. Thanh dài nhất thường khoảng 30 cm và thanh ngắn nhất thường 10 cm, nặng chừng 5 đến 7 kg.

Đàn đá cổ xưa được đồng bào M’Nông dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng và sau này dùng để phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đàn đá nguyên sơ thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên, những phiến đá dùng để làm đàn gọi là đá nham, đá sừng. Cách thức đẽo đá khá tinh xảo và trau chuốt để sao cho các thanh đá có độ dày mỏng khác nhau tạo ra các thang âm trầm bổng hay thánh thót khi chơi. Thông thường, các thanh đá dài và to thường có âm trầm và trong, ngược lại, thanh ngắn, mỏng sẽ phát ra tiếng thanh.

Sách vở cho biết, bộ đàn đá đầu tiên được phát hiện tại nơi cư trú của đồng bào M’Nông hồi đầu thập niên 90 và các nhà nghiên cứu xác định bộ đàn đá cổ đó có niên đại cách đầy chừng 3000 năm. Người tiền sử đã dùng các loại đá có sẵn ngay trên mảnh đất mình sinh sống để tạo ra đàn, vì thế, đàn đá được xem là nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và cũng là nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người.

Đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Thanh âm của đàn đá được G.S, T.S Trần Văn Khê ca ngợi là “biểu hiện tâm tư hệt như con người.”

Đàn KLông Put

Klông Pút là một loại nhạc khí hơi của một số dân tộc trên Tây Nguyên như Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Hrê… Đàn Klông Pút gồm 12 ống nứa hay lồ ô hoặc tre cỡ tương đối lớn nối lại với nhau, ống dài nhất có thể lên đến 2 mét và ống ngắn nhất có thể chỉ dài chừng 20 cm. Có loại Klông Pút kín một đầu và có loại rỗng hai đầu. Khi diễn tấu, các ống được đặt nằm ngang vừa tầm tay, người vỗ trong tư thế đứng lom khom, dùng hai khum vỗ vào nhau trước miệng ống, tạo nên luồng hơi lùa vào ống làm vang lên âm thanh.

Klông Pút là một trong số ít loại nhạc khí dành cho nữ giới.

Klông Pút được xem là nhạc cụ gắn với sản xuất nông nghiệp và nền văn minh lúa nước và đàn thường được chơi trên rẫy vào mùa tra lúa và trong buôn làng nhân dịp lễ tết.

Có câu chuyện cổ của người Ba Na kể rằng Klông là tên người anh trai và Pút là tên người em gái, hai 2 anh em Klông Pút có công phát hiện ra các ống nứa chặt về để làm nhà do gió thổi và phát ra nhiều âm thanh khác nhau nên từ đó làm ra thứ đàn mang tên họ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Klông Pút là các ống đựng thức giống, khi trỉa xong lúa trên rẫy, các cô gái Ba Na vỗ vào đó để các hạt thóc cuối cùng rơi ra, âm thanh phát ra làm thành tiếng nhạc.

Sáo Trúc

Là một nhạc cụ thuộc họ hơi, sáo trúc rất phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam. Ngay từ tên gọi đã cho biết chất liệu của sáo làm từ ống trúc, ngoài ra, người ta có thể sử dụng ống nứa tạo thành cây sáo. Sáo trúc thường có độ dài từ 40 đến 55 cm với đường kính khoảng 2 cm. Ở phía đầu ống có một lỗ hình bầu dục để thổi, trong lòng sáo, gần lỗ thổi được chặn bằng một mẩu nút bấc hoặc gỗ mềm để điều chỉnh độ cao thấp. Thẳng hàng với lỗ thổi có 6 lỗ bấm tương đương với các âm đồ rê mi pha sol la si đô và phía cuối ống sáo có một lỗ không bấm gọi là lỗ định âm.

Được biết, nếu ống sáo có đường kính lớn, dài thì âm thanh có độ trầm, thấp còn ống sáo có đường kính nhỏ, ngắn thì âm thanh có độ cao, đanh. Âm thanh sáo trúc thường vui tươi, mượt mà, trong sáng khỏe và vang xa…

Tiếng sáo là âm thanh thân thiết, gần gũi với tâm hồn người Việt, không ai nghe tiếng sáo mà không bồi hồi, gợi nhớ về những kỷ niệm, tiếng sáo réo rắt, lảnh lót như đã phản ánh được tâm hồn nhiều hoài cảm của người Việt Nam. Tiếng sáo bắt nguồn từ đâu chẳng ai biết, nhưng hình ảnh những chú mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu thả điệu véo von, hay những cô gái trong trang phục dân tộc đưa cây sáo trúc lên miệng thổi… đã từ lâu in dấu trong ký ức của bao thế hệ Việt Nam.

Trống

Và trước khi khép lại chương trình hôm nay, chúng tôi muốn được đề cập đến một số loại trống đặc trưng của người Việt. Trước hết là trống xẩm, trống làm bằng gỗ cứng cao 4 – 5 cm, trống có đường kính 15 – 20 cm, khi biểu diễn nhạc công thường để trống lên đùi, một tay cầm dùi gõ vào vào mặt trống, trống xẩm thường hòa tấu cùng đàn bầu, đàn hồ, mõ tre hay đệm cho hát xẩm.

Trong khi đó, trống chiến lại thuộc họ màng rung, tang trống thường làm bằng gỗ mít cao khoảng 30 cm, bưng bằng da trâu, dùi làm bằng gỗ găng, khi đánh, người chơi đặt trống lên giá đỡ, gõ vào mặt trống sao cho một mặt có tiếng trầm, một mặt có tiểng bổng… trống chiến thường được sử dụng trên sân khấu tuồng, nhịp trống thường thôi thúc, tạo nên những tiết tấu múa hát rộn ràng, khỏe và vang xa.

Bên cạnh đó, còn nhiều loại trống khác đã đi vào nhiều điệu dân ca như trống cơm, trống đế, trống đồng, trống đất, trống bồng, trống paranưng… nhưng thời lượng của chương trình có hạn, chúng tôi hi vọng sẽ quay trở lại vào một dịp khác để chia sẻ thêm với quí vị về những nhạc cụ dân tộc trong một kỳ không xa. Sau đây mời quí vị cùng nghe tiếng trống hội, thể hiện một ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống văn hóa, tâm linh của mỗi người dân Việt.

Rate this post

Viết một bình luận