Hiện đại với đường Trần Duy Hưng – Hà Nội 36 phố –

  Đường Trần Duy Hưng

Có bao giờ đặt chân lên con đường quen thuộc bạn tự hỏi “tên đường tên phố” mình đang qua có ý nghĩa gì, tại sao nó lại mang tên này mà không phải là tên khác? Có bao giờ bạn bỏ thời gian để lục tìm sách báo tìm hiểu và lí giải điều đó hay với bạn tên phố, tên đường đơn giản chỉ để gọi? Giành một chút thời gian nho nhỏ để tìm hiểu về tên của những con đường, dãy phố mà mình đã thân thuộc hay đã một lần đặt chân đến hẳn mỗi người sẽ thấy yêu hơn, tự hào hơn về mảnh đất mình đang sống.

Đường này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc xã Trung Hoà, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy. Trước khi được xây dựng lại, đây là con đường lầy lội với đầy các ổ voi, ổ gà. Nay con đường thênh thang nối cửa ngõ phía Tây ra đại lộ Láng – Hòa Lạc là nơi tụ hội của những công trình lớn của Thủ đô như Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, siêu thị Big C…Mặt đường rộng, bãi cỏ xanh mướt giữa tâm đường thường xuyên được chăm chút và tô điểm rất kỹ lưỡng là một nét nổi bật của con đường này.

Từ cầu Tô Lịch xuôi về đường Trần Duy Hưng cách khoảng 200m, là nơi tọa lạc của Trường Đại học Lao động Xã hội (trước đây là trường Cao đẳng Lao động Thương binh và Xã hội). Cách đó tầm 500m, rẽ vào phố Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giáp là khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính – một trong những khu đô thị hiện đại bậc nhất của Hà Nội. Cách đó không xa là siêu thị Big C – một trong những siêu thị nổi tiếng của Hà Nội, bên cạnh siêu thị là tòa nhà của công ty di động Mobiphone…Các tòa nhà với kiến trúc hiện đại được xây dựng ở đây khiến cho đường Trần Duy Hưng mang nét đẹp của những con phố hiện đại trong tương lai.

Con đường được mang tên Bác sĩ Trần Duy Hưng – cái tên vốn rất quen trong lòng người Hà Nội, nhất là đối với người dân huyện Từ Liêm – nơi tọa lạc của con đường. Tên đường được đặt để ghi nhớ công lao người con của quê hương. Bác sỹ Trần Duy Hưng sinh năm 1912 trong một gia đình trung lưu ở thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, là bạn đồng môn với các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ. Ông là vị chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội, đồng thời cũng là vị chủ tịch giữ cương vị chủ tịch lâu nhất của Thành phố từ trước đến nay.

Dưới thời ông Trần Duy Hưng làm Chủ tịch, Hà Nội từng có những chính sách đột phá khá mạnh mẽ. Ngay từ những năm 60, Nhà nước có chính sách phân phối nhà cho công chức, nhưng được sự nhất trí cao của Thành ủy, Hà Nội đã triển khai bán căn hộ theo cách trả dần để thành phố có thêm ngân sách, còn các gia đình cũng có điều kiện để sửa sang cho nhà cửa đẹp hơn. Cũng vào cuối những năm 60, chính Chủ tịch Trần Duy Hưng đã từng gợi mở ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố “soi bóng sông Hồng”, biến con sông thành một tài nguyên cảnh quan, du lịch vô giá, chấm dứt cảnh nhà cửa nhất loạt “ngoảnh lưng ra sông”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nhận xét về Bác sỹ Trần Duy Hưng đã viết: “Một con người của nhân dân, vì nhân dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo”.

Đường Trần Duy Hưng đang ngày một thay da đổi thịt và đẹp lên xứng đáng với cái tên mà nó được đặt. Chắc chắn việc chọn con đường là nơi tọa lạc của Khu liên cơ quan hành chính thành phố Hà Nội sẽ không nằm ngoài dự định khi các nhà lãnh đạo thành phố chọn đặt tên đường là đường Trần Duy Hưng – vị chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội thân yêu.

Uyên Linh

Rate this post

Viết một bình luận