Mùa cá kiếm cuối năm

Thứ Hai 20/01/2020 , 13:15 (GMT+7)

Đại dương có biết bao điều kỳ thú. Cứ vào dịp tết, khi mặt biển còn nổi lên những cồn sóng và gió đông bắc vẫn thổi lạnh buốt thì cá kiếm đi thành từng đàn.

08-24-43_1_con_c_nng_50_kg Con cá kiếm nặng 50kg, phải dốc ngược con cá kiếm thì mới có thể thấy được bộ vi rất to trên lưng.

Mỗi khi cá kiếm dính câu thì mọi người trên tàu đều phải bắt tay vào cuộc kéo co với cá, rồi phóng lao khiến cả con tàu nhộn nhạo như săn một con thú trên đất liền. Cảm giác “đã” nhất là khi con cá dài gần 2m nhô lên mặt biển rồi lừng lững rơi “oạch” trên sàn tàu.
 

Cá khủng long

Con tàu Thành Công 01 rời cửa biển Sa Cần tỉnh Quảng Ngãi ra khơi. Giàn lưới rê dài khoảng 14km nên chiếm trọn 1/3 boong tàu. Nhưng giàn lưới dài và mắt lưới rất thưa đó hứa hẹn một cuộc vây bắt cá kiếm loại lớn trên biển.

Ở các nước, ngư dân chuyên săn cá kiếm thì mang theo lao phóng được buộc dây như những thủy thủ săn cá voi của Nhật Bản. Còn ở Việt Nam, ngư dân Bình Định làm nghề câu cá ngừ đại dương cũng là những người thường “chiến” với cá kiếm. Loại lưới đánh bắt cá kiếm tốt nhất hiện nay là lưới rê được trang bị trên các tàu cá vỏ thép được đóng theo Nghị định 67.

Đối với ngư dân làm nghề câu đêm, mỗi khi cá kiếm dính lưỡi câu thì bắt đầu một cuộc kéo co. Khi kéo cá lên tàu, ngư dân “tước khí giới” của nó bằng cách chặt ngay chiếc mỏ nhọn. Còn đối với nghề lưới rê, sau khi buông lưới vào lúc hoàng hôn, các ngư dân chong đèn, ngồi trên boong uống trà và kể chuyện.

Để kiểm soát giàn lưới quá dài, thuyền trưởng không rời mắt khỏi chiếc máy dò sóng AIS để kiểm tra các tàu đi cắt ngang giàn lưới. Chuyện trúng được bao nhiêu con cá kiếm được các ngư dân phỏng đoán.

Trên máy Icom, các ngư dân lao xao câu chuyện cuối năm tổng kết thu nhập được vài chục hay trăm triệu, tết năm nay ở nhà hay ra biển đánh bắt.

Lúc 4h sáng, boong tàu bật sáng đèn để các ngư dân bắt đầu kéo lưới. Chiếc máy thủy lực trên tàu rút lưới xào xào bất ngờ dừng lại. Từ dưới nước, một con cá kiếm dài hơn 2m nhô lên mặt biển. Các ngư dân phải bám vào thành tàu và đu người xuống để kéo cá lên boong. Máy rút lưới chạy được khoảng vài phút thì lại tiếp tục rút lên một con cá lớn khác.

Các ngư dân la to một tin vui “vậy là trúng cá bầy rồi”. Kéo được vài con cá kiếm lên tàu, các ngư dân lại hét lên tiếc rẻ, vì con cá nặng 30kg mới kéo lên đã rơi “ùm” trở lại xuống biển.

Tác giả hào hứng tham gia cuộc săn cá kiếm trên biển.

Những ngày theo tàu đi săn cá kiếm trên biển, cảm giác sướng nhất là tiếng rơi “oạch” trên sàn tàu. Phần lớn cá kiếm đánh bắt được có trọng lượng khoảng 50 – 60 kg/con. Mỗi khi kéo được một con cá lên tàu thì không khí lao động càng diễn ra hăng say.

Cá kiếm được xẻ ra bán sụn, thịt, giá bán từ 200 – 250 ngàn đồng/kg. Món ăn ngon nhất của cá kiếm là bộ lòng, cá có trọng lượng từ 50kg trở lên có bộ lòng cực ngon, hương vị béo, giòn, bùi, ăn mãi không chán.

Cá kiếm ở vùng biển Hoàng Sa loại to nhất được ghi nhận là nặng khoảng 300kg. Con cá to nhất được ghi nhận ở vùng biển Chile nặng 536kg.

Ở biển Đông, cá kiếm to và nặng nhất hiện nay thường được đánh bắt ở bãi ngầm Macclesfield, là vùng có rạng san hô phong phú, bên cạnh đó có nhiều máng biển sâu vài ngàn mét ở giữa Biển Đông.

Ngư dân Nguyễn Văn Trọng ở quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết, những năm trước đây, một phiên biển ở Macclesfield (ngư dân thường gọi là Trung Sa) thì câu được khoảng 30 con, có nhiều con nặng 250kg. Phải cắt làm 3 thì mới bỏ lọt vô hầm tàu.

Ngư dân một số địa phương gọi cá kiếm là cá cờ, cá đao. Bà con cho rằng, gọi như vậy để nghe cho nó bớt hung dữ. Vì thỉnh thoảng lại có ngư dân xấu số bị cá kiếm đâm gây thương tích.

Ngư dân Nguyễn Nhị ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang ngụp lặn dưới nước thì bị con cá kiếm tưởng con mồi nên đã đâm vào mé cổ, cắt đứt bó dây thần kinh nên tàn phế suốt đời. Ngư dân Nguyễn Văn Nghĩa ở huyện Phù Cát (Bình Định) trong khi neo tàu giữa vùng biển Phú Yên và lặn xuống sửa chân vịt cũng bị cá kiếm đâm gây thương tích.

Làm nghề lưới rê, các ngư dân thường được đánh thức vào lúc 4h sáng để kéo lưới. Mẻ lưới đầu tiên trên tàu Thành Công 01 đã kéo lên được 3 con cá kiếm nặng gần 200kg. Cá kiếm khi kéo lên tàu đã chết nên ngư dân không cần phải dùng chao chặt mỏ để “tước kiếm”.

Mỏ cá kiếm dài khoảng 25 – 30cm. Chiếc mỏ này trở thành vũ khí để nó săn bắt mồi dưới biển. Kẻ thù bị nó “phập” mỏ vào người thì sẽ mau chóng chiến bại. Ngư dân khi câu được cá kiếm thì phải mau chóng phóng lao, nếu không cá kiếm sẽ ngoắt lại tấn công ngược và không ít người từng bị thương tích nặng bởi mỏ đòn xóc.

Trong phiên biển đồng hành cùng tàu cá, có ngư dân điện đàm về cho con ở nhà khoe “ba vừa bắt được con khủng long biển”. Tôi chợt nhớ loài khủng long ăn thịt khổng lồ bơi dưới nước có tên là Spinosaurus. Con vật này có chiếc mỏ dài và bộ răng hình nón. Vậy thì nhìn con cá kiếm vẫn có thể liên tưởng một phần đến giống khủng long đã tuyệt chủng, vì cá kiếm thuộc chi Sipias.
 

Ngư dân thua cá

Cá đâm thủng tàu, cả chùm ngư dân suýt chết đuối. Đó là câu chuyện giống như bịa. Ngư dân Nguyễn Minh Sơn đồng hành cùng tôi trên tàu Thành Công 01 kể lại, những năm trước đây rất nhiều cá kiếm to cả trăm kg. Thời đó anh em còn đi tàu vỏ gỗ.

Có lần 3 cha con đi chung tàu ra tới Hoàng Sa thả câu thì nghe một tiếng động lớn như có vật xuyên thấu qua con tàu. Các ngư dân vội vã tát nước rồi lấy giẻ chui xuống tìm cách bịt lỗ thủng. Đến lúc đó thì mọi người chạm tay vào chiếc mỏ dài và nhọn hoắt của con cá kiếm.

Cú đâm xuyên qua mối ghép của 2 miếng gỗ, làm bật tung lớp hồ, gây phá nước. Con cá kiếm nặng mấy trăm kg sau khi đâm thủng qua lớp gỗ tàu thì không thể nhổ cái mỏ dài ra được. Nó mắc vào con tàu. Ngư dân kết luận rằng, “mày chết vì dám huơ dao, múa kiếm”.

08-24-43_2_mot_con_c_mc_luoi Lưỡi kiếm thường đưa con cá vào chỗ chết, vì khi cá mắc lưỡi và càng vùng vẫy thì càng bị dính chặt.

Những cụ già đi ghe buồm thời xưa thường kể chuyện cá kiếm đâm thủng mê nan gây chìm thuyền xảy ra rất nhiều. Còn giờ đây ngư dân đã chuyển sang đi tàu gỗ mà tiếp tục kể chuyện cá kiếm đâm thủng tàu thì có nhiều người tỏ ra hoài nghi.

Nhưng thực tế có rất nhiều vụ cá kiếm lao thẳng vào đâm chiếc mỏ khủng long của nó xuyên qua kẽ ván. Có những trường hợp, nước biển rỉ vào tàu chậm nên ngư dân không phát hiện được, cho đến khi vào bờ kiểm tra thì mới thấy chiếc mỏ dài như chiếc dằm vẫn còn nằm lại.

Ngày 15/10/2015, tàu cá Bình Định mang số BĐ 95173 TS của ngư dân Lê Dô ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn đã bị một con cá kiếm đâm thủng tàu, làm tràn nước và chìm tàu ở khu vực quần đảo Trường Sa. Các ngư dân kêu cứu và cuối cùng được tàu cá của ngư dân Đỗ Thành Long đến cứu vớt 13 ngư dân trôi nổi.

Cũng trong năm 2015, tàu cá Thừa Thiên – Huế mang số TTH 91378 TS của ngư dân Trần Quân ở thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An bị một con cá kiếm đâm vào mạn sau lái gây thủng tàu. Các ngư dân phải nhảy qua chiếc thúng và được tàu cá TTH 95599 TS đến cứu.

Rate this post

Viết một bình luận