Cùng với trào lưu nuôi thú cưng của giới trẻ đang ưa thích những chú chó nhập ngoại hoặc có nguồn gốc nhập ngoại to lớn, oai vệ, những loài lông mao dài lướt thướt, thậm chí cả những chú cún nhỏ xinh đút chỉ vừa… túi áo hay túi quần đang là mốt tại các đô thị lớn hiện nay, vẫn có một bộ phận không nhỏ những người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để kiếm được những chú khuyển 100% bản địa “mõm ngắn, chân huyền đề” với một niềm tin riêng.
Dạo quanh một vòng các diễn đàn, dễ dàng bắt gặp các mẩu thông tin: “Nhận đặt hàng các loại chó ta theo Cẩu tướng pháp… Làm ăn uy tín, đảm bảo hàng chuẩn. Không đúng yêu cầu trả lại tiền… Hãy đặt cọc và chờ đợi vận may sẽ mỉm cười với bạn…”. Vậy Cẩu tướng pháp – tạm hiểu là nuôi chó dựa theo đặc điểm riêng của nó để lấy may – là gì?
Bước ra từ truyền thuyết
Con chó vốn là loài vật nuôi gắn bó với người từ xa xưa. Ở ta và trên thế giới đã có không ít câu chuyện được truyền tụng về sự gắn kết giữa con người với loài vật nuôi ấy, về sự trung thành của những con chó với chủ nuôi của nó, về khả năng của loài chó đã giúp con người trong nhiều việc hữu ích. Chó kéo xe vận chuyển, chó giúp đỡ người tàn tật, chó trông nhà, chó đi săn và cả những chú chó được đào tạo để tham gia phá án, phá dỡ bom mìn… Sự gắn kết giữa người và loài vật nuôi trung thành ấy cứ thế phát triển đến mức, dần dần, người ta cho rằng có những con chó mang sứ mệnh có thể quyết định sự thành hay bại cho người chủ của nó?
Ở nước ta, những câu chuyện về con chó liên quan đến cả một triều đại được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là về con chó của Lý Công Uẩn – Vua Lý Thái Tổ. Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (974), niên hiệu Thái Bình thứ năm thời Vua Đinh Tiên Hoàng (924 – 979). Có câu chuyện rằng trước đó, ở chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp quê ông có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông vàng thành hình chữ “Vương” trên lưng. Có người nhìn thấy thì gieo quẻ bói, rồi nói rằng đó là điềm năm Tuất sinh người làm Vua. Quả nhiên sau này Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất lên ngôi rồng, ứng với lời tiên liệu ấy?
Lại có một câu chuyện khác, rằng khi mẹ Lý Công Uẩn là bà Phạm Thị đưa Công Uẩn, lúc này mới 3 tuổi, đến giao cho Lý Khánh Văn, về sau là nghĩa phụ của vua, để gửi gắm, bỗng có một chuyện lạ. Nguyên Lý Khánh Văn có một vật gia truyền là con chó bằng đồng, vốn là một linh vật, và có lời truyền lại rằng hễ chó đồng sủa ắt là có thánh nhân đến nhà. Xưa nay dân gian đều biết con chó là vật trung thành, có chức năng giữ nhà. Ở chốn thiền môn hoặc cổng nhà, cổng làng thường đặt chó đá để giữ trạch, cũng là một vật mang may mắn, liên quan đến phong thủy. Hôm bà Phạm Thị đưa Lý Công Uẩn đến, con chó bỗng dưng sủa, ứng với lời sấm: Chó đồng trong cửa cắn ra/ Khánh Văn mới hỏi nay là sự duyên/ Lão nhân xưa đã di truyền/ Chó đồng hễ cắn thánh nhân đến nhà…
Họa sĩ Lê Đình Nguyên với con chó lài có cái tên A Lừ.
Còn trong sách “Tây Hồ chí”, đoạn nói về đền Cẩu Nhi (nằm ở giữa hồ Trúc Bạch, đoạn cuối đường Thanh Niên, nay vẫn còn) có ghi (theo Đào Ngọc Du): “Cẩu Nhi là chó con, mẹ là Cẩu Mẫu. Đền ở trên bến Châu Chử tại góc hồ (Đời Trần gọi đây là bến Thần Cẩu. Đời Hậu Lê thuộc địa phận Trúc Bạch, nên gọi là Hồ Trúc Bạch). Khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, truyền rằng: ở chùa Thiên Tâm trên núi Ba Tiêu, châu Bắc Giang, có một con chó trắng bụng chửa bỗng bơi qua sông Cái, rồi lên ở trên núi Khán. Sau đó đẻ được một chó con. Mọi người lấy làm lạ. Đến năm Nhâm Tuất, hai chó đều hóa. Khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, nghe chuyện này, bèn bảo: “Đó là chó thần”. Rồi sai dựng miếu thờ chó mẹ trên núi, miếu thờ chó con ở trên hồ. Nay miếu Cẩu Nhi còn đó, thuộc địa phận thôn Trúc Yên. miếu Cẩu Mẫu, sau là chùa Khán Sơn…
Rút cuộc, con chó đem đến vận may cho người mà được lưu truyền, hay người thành danh mượn chuyện của con vật gần gũi bên mình để mà lý giải cho yên chúng?
Dù ai buôn tàu bán bè…
Tôi đến chơi nhà họa sĩ Lê Đình Nguyên một chiều thu. Lê Đình Nguyên mặt sần sùi, tóc búi tó, nói chuyện rất hồn nhiên, đủ thứ chuyện. Họa sĩ là người rất yêu quý vật nuôi. Trong khuôn viên ngôi nhà nhiều góc cạnh của anh trên khu đất vàng – bán đảo Nghi Tàm, anh nuôi đủ loại, từ gà 9 cựa mang từ Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ dưới đất đến đàn chim bồ câu ríu ra ríu rít trên mái nhà suốt ngày… Trong các giống ấy, Lê Đình Nguyên đặc biệt yêu thích con trâu và con chó. Trâu thì không nuôi được trong điều kiện ở nhà Hà Nội, nhưng Lê Đình Nguyên đã có cả một triển lãm rất thành công về nó, đến nỗi giới nghệ sĩ lấy luôn tên con vật bình dị của đồng quê ấy ghép sau tên anh cho thành biệt danh: Nguyên “trâu”.
Còn với con chó, họa sĩ Lê Đình Nguyên nói “như có duyên nợ”. Đã từng nuôi qua cả chục loại, từ béc-giê, chó đốm, chó tây, chó ta đủ cả nhưng con chó mà họa sĩ Nguyên “trâu” đang nuôi, và cũng “là con ưng ý nhất từ trước đến nay” lại là một chú chó ta 100% đen nhánh được bắt từ huyện vùng núi Lào Cai về. Con chó của Nguyên “trâu” thuộc loại chó săn của đồng bào Mông, đen nhánh từ đầu đến chân và được chủ của nó đặt cho một cái tên cũng “rất Mông”: A Lừ. Phía bên trên 2 mắt của nó có thêm 2 xoáy lông chìm, trông như hai con mắt giả ở bên trên, nhìn kỹ mới thấy. Bốn chân của nó đều có huyền đề (móng đeo), riêng 2 chân sau huyền đề ra kép. Họa sĩ hắng giọng: “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Không bằng nuôi chó huyền đề bốn chân”.
Lê Đình Nguyên bảo, anh có những ký ức đầu tiên về con chó lài từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn là thanh niên, mà cho đến tận bây giờ mới “được thỏa niềm đam mê”. Họa sĩ kể, thời đi sơ tán ở Sơn Đồng, Hoài Đức, có nhà ông giáo trong làng nuôi một con chó như thế. “Hồi ấy, nào có biết chó lài là chó gì. Sau này mới nghe bảo, chó lài là chó lai sói, tức chó mẹ là chó săn của người dân tộc, còn chó bố là chó sói ở trên rừng, thì ra con chó lài” Nguyên “trâu” cười khùng khục, tiếp tục câu chuyện: “Con chó của ông giáo cực khôn. Trẻ con chơi ở ngoài, ông giáo gọi đứa nào thì đứa ấy được vào, đứa khác đi theo là nó gừ ngay.
Nhiều lần ông giáo mệt, ông lại cho con chó lài ngậm cái giỏ, thả vào trong ấy đủ số tiền là nó chạy thẳng ra bà bán bánh cuốn đầu làng. Bà bán bánh cuốn chừng như đã quen, nhận tiền và thả bánh cùng nước chấm vào trong giỏ, con chó lại lon ton mang về cho ông…” Ám ảnh “7 thực 3 hư” về một con chó khôn ngoan, trung thành dường ấy cứ theo đuổi người họa sĩ từ khi còn thanh niên cho đến lúc có tuổi. Cả chục lần lặn lội đi lên các vùng núi của đồng bào ở, cheo leo hiểm trở, hễ cứ nghe nói ở đâu có chó tốt là anh lại cất công lên tận nơi. Ngay cả các cuộc đi “săn” chó lài của Lê Đình Nguyên cũng là cả một câu chuyện dài khác…
Trào lưu nuôi thú cưng của giới trẻ đang ưa thích những chú chó nhập ngoại.
Về sự tinh khôn của con chó lài, trong cuốn “Thú rừng Tây Nguyên” từng làm mê đắm nhiều thế hệ học trò với những câu chuyện kể về các chuyến đi săn, về các loài thú, cố nhà văn – chiến sĩ Thiên Lương cũng có nhắc đến. Trong câu chuyện về sơn dương, có đoạn: “Chó săn sơn dương phải cao mới đuổi kịp nó. Giống chó lài đi săn tốt nhất, vì chó lài có chân cao, tai to, có sức khỏe. Loại chó này đi xa nghe tiếng hú của chủ cũng biết mà về… Những người dân tộc ở Tây Nguyên, nhà nào nuôi chó lài đi săn, thì quanh năm có thịt ăn. Khi chó ốm người ta nấu cháo gạo nếp và giã mía lấy nước cho nó uống. Con chó quý là công cụ sản xuất của gia đình… Con báo, khi đã leo lên cây, gặp chó lài ở dưới đất, đố dám xuống. Con trăn gió thường nuốt nổi cả con bê mới sinh hoặc cả hươu sao, vậy mà gặp chó lài, đuôi trăn cũng trở thành vô dụng…”.
Xem tướng cho… chó!
Sự gần gũi, khôn ngoan, tình nghĩa và hữu ích của những chú chó đối với người chủ nuôi là điều không phải bàn cãi nữa. Thậm chí người ta còn cho rằng, với những con chó có một hoặc một vài đặc điểm ngoại hình dị biệt, thì sự khôn ngoan cũng như khả năng hữu ích của nó đối với chủ nuôi lại càng tăng lên gấp bội. Cụ thể hơn, giới chơi chó theo phong thủy lan truyền cho nhau cả một bộ “tàng thư” về những đặc điểm dị biệt của một con chó, ứng với mỗi điều may mắn được cho là sẽ đem đến cho người nuôi nó. Bộ nhận dạng này được gọi là “Cẩu tướng pháp”.
Loại chó đầu tiên được nhắc đến trong những tài liệu này được gọi tên là “Bạch cẩu hoàng đầu thân bối nguyệt” (cũng có một bản dịch khác cho rằng phải là “Bạch cẩu hoàng đầu thân đái ấn” – Và cũng không hiểu tác giả có dụng ý ghép vần trong tên gọi này cho dễ nhớ hay không, bởi toàn bộ là âm Hán – Việt, chỉ riêng chữ “đầu” lại có vẻ không phải?). Theo như mô tả, thì đây là con chó toàn thân màu trắng, đầu vàng, trên lưng có dấu ấn như hình mặt trăng tròn. Loại này thường thì mắt và mũi màu hồng hoặc đỏ hoặc nâu, ấn tròn phải nằm ở chính giữa lưng, và từ chỗ cuối thân mình để mọc ra cái đuôi phải có thêm một cái ấn nữa (nhìn từ đầu xuống đuôi là 3 vạch vàng từ đầu, lưng và khấu đuôi, tựa chữ Vương?).
Theo quan niệm mà giới chơi chó tướng pháp đưa ra, thì con chó này còn có tên vương cẩu hoặc thần cẩu, nếu có nó thì chủ nhân sẽ thăng quan tiến chức rất nhanh, tiền tài tấn phát. Tuy nhiên, nếu bất cứ lý do gì mà chó chết, hoặc bỏ đi thì chủ nhà cũng bị xui xẻo theo. Cũng theo tài liệu thì đây là loại được xếp hàng đệ nhất trong tướng pháp của chó. Thông thường thì các dấu ấn mọc nghiêng một bên, rất hiếm con mọc ngay ở chính giữa lưng. Tuy nhiên nếu chịu khó tìm thì cũng có ngày sẽ gặp?
Loại thứ 2 có tên là “Bối kiếm cẩu”. Theo mô tả, thì đây là con chó có phần lông (dài nhô hẳn lên) mọc xuôi dọc sống lưng từ đầu cho đến đuôi, tạo ra hình tượng giống như một cây kiếm nằm dọc trên lưng. Người ta cho rằng con chó này tạo cho chủ nhà có quyền sinh, quyền sát, và thời xưa, những con chó như thế thường thấy trong nhà các quan án sát.
Ngoài ra còn có những con chó trắng hoàn toàn hoặc vàng hoàn toàn cũng được kể đến như một trong những quý tướng của chó có khả năng đem lại may mắn cho chủ của nó và gia đình. Bên cạnh đó thì những con chó có đặc điểm thường gặp hơn và có vẻ gần gũi trong dân gian hơn cũng được liệt kê như chó huyền đề 4 chân (Tứ quý cẩu); huyền đề 2 chân trước hoặc 2 chân sau (Lưỡng câu cẩu); có hai móng đeo ở mỗi chân sau và một đeo ở chân trước, tổng cộng là sáu đeo (Lục hợp cẩu) và cả loại mỗi chân có 2 đeo, tổng cộng là tám cái (Bát long cẩu). Theo quan niệm này, chó càng nhiều đeo thì càng hiếm, càng hiếm thì càng đem về nhiều tài lộc cho gia chủ…
Câu chuyện về con chó phong thủy chưa dừng lại ở đây. Tuy nhiên, đến đây lại có một thắc mắc nảy sinh là tại sao trong cả trăm, thậm chí cả ngàn con chó ở khắp các vùng nọ, non kia mới tìm ra được một con chó có đặc điểm như thế? Cũng bởi sự hiếm có khó tìm ấy mới thành chuyện, nhưng liệu có phải là một sự bất thường? Liệu có phải là sự đột biến để sinh ra những dị biệt ấy? Hay nói cách khác, người ta đang muốn bỏ ra rất nhiều tiền để rước một thứ… quái thai không bình thường về nhà?
Liệu sự bất thường ấy, cộng thêm những tác động không thể lường trước được trong cuộc sống, một lúc nào đó, một ngày nào đó có thể tạo ra những mối nguy hiểm cho con người và môi trường xung quanh không… Một phần những băn khoăn ấy đã được hóa giải bởi các giảng viên tại Bệnh viện Thú y, Khoa Thú y, Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội. Mời các bạn tiếp tục theo dõi trên số báo sau