Khi bị cảm lạnh uống gì thì tốt?

Khi bị cảm lạnh, các bác sĩ thường khuyên chúng ta rằng: “Hãy uống càng nhiều nước càng tốt”. Thực tế cho thấy, cơ thể khi nhiễm cảm lạnh sẽ cần thêm hydrat hóa để nhanh chóng hồi phục. Một số đồ uống có tác dụng rất hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh, tuy nhiên, một số thức uống khác nếu không cẩn thận sử dụng có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Vậy người bệnh không nên uống gì và nên uống gì khi bị cảm lạnh?

1. Cảm lạnh uống gì tốt nhất?

1.1 Súp gà

Uống gì khi bị cảm lạnh? Từ xưa đến nay, súp gà luôn được xem là một phương thuốc điều trị các chứng cảm lạnh thông thường hữu hiệu. Trong súp gà có chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể như vitamin, khoáng chất, calo và protein. Bên cạnh đó, súp gà cũng là một nguồn chất lỏng và chất điện giải tuyệt vời – hai loại chất cần thiết cho việc hydrat hóa, nhất là trong trường hợp bạn phải thường xuyên đi vệ sinh.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy súp gà giống như một loại thuốc thông mũi vì nó có khả năng làm sạch các chất nhầy mũi hơn các loại thực phẩm dạng lỏng khác.

Trong súp gà có chứa axit amin cysteine, là một loại chất giúp phá vỡ chất nhầy và có tác dụng chống lại virus, chống viêm và chống oxy hóa. Thêm vào đó, nó còn góp phần làm thuyên giảm các triệu chứng như ho, nghẹt mũi do cảm lạnh nhờ vào công dụng ức chế hoạt động của bạch cầu trung tính.

Súp

1.2 Các loại nước dùng

Tương tự như súp gà, nước dùng là một nguồn hydrat hóa tuyệt vời trong khi bạn bị cảm lạnh. Các loại nước dùng không những chứa hương vị cho bữa ăn thêm đậm đà mà nó còn có lượng calo, vitamin dồi dào cùng với một số khoáng chất khác như magie, canxi, folate và phốt pho.

Tác dụng của nước dùng sẽ tăng thêm gấp bội nếu bạn sử dụng chúng khi còn nóng, bởi vì hơi nước nóng có thể giúp cho mũi bạn thông thoáng hơn, giảm nhẹ các triệu chứng nghẹt mũi khó chịu do cảm lạnh. Ngoài ra, uống nước canh cũng là một cách tốt để giữ nước cho cơ thể. Điều này đặc biệt hữu ích đối với các trường hợp có vấn đề ở dạ dày.

1.3 Nước dừa

Luôn giữ đủ nước cho cơ thể là một trong những điều quan trọng nhất mà người bệnh cần lưu ý khi bị cảm lạnh. Các triệu chứng như sốt, đổ mồ hôi nhiều, bị nôn mửa hoặc tiêu chảy có thể khiến bạn mất rất nhiều nước và các chất điện giải.

Bị cảm lạnh uống gì? Nước dừa là lựa chọn lý tưởng. Loại đồ uống này không chỉ có hương vị ngọt mát mà còn chứa hàm lượng glucose và các chất điện giải cần thiết cho quá trình hydrat hóa.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy, nước dừa có chứa chất chống oxy hóa và kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nó có thể gây ra tình trạng đầy hơi hơn so với các loại đồ uống điện giải khác.

Vì sao nước dừa tốt cho người bệnh sốt xuất huyết?

1.4 Trà ấm

Khi cổ họng bị khô ráp, bạn hãy thưởng thức ngay một tách trà ấm. Hơi nóng của trà sẽ giúp làm dịu các cơn nghẹt mũi, đau họng, đau dạ dày hoặc tắc nghẽn ngực.

Trong trà cũng chứa polyphenol – một loại chất tự nhiên được tìm thấy trong thực vật đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như chống oxy hóa, chống viêm, chống virus, nấm và ung thư.

Để giúp tăng sức đề kháng cho hệ miễn dịch của cơ thể, bạn nên uống một tách trà gừng ấm. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm một chút mật ong vào đồ uống để làm dịu các cơn ho, buồn nôn và giúp ngủ ngon hơn.

1.5 Nước chanh

Bạn cũng có thể bổ sung thêm nước chanh ấm để bù nước cho cơ thể, đồng thời giúp làm giảm bớt các triệu chứng khó thở và nghẹt mũi. Trong chanh có chứa một lượng lớn vitamin C, nó sẽ giúp cho tình trạng cảm lạnh sớm được đẩy lùi nếu bạn sử dụng chúng thường xuyên.

Nước chanh

2. Không nên uống gì khi bị cảm lạnh?

Bên cạnh những loại đồ uống có tác dụng rất hữu hiệu trong việc làm giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của bệnh cảm lạnh thì một số khác dường như lại gây hại nhiều hơn là lợi. Những loại đồ uống này bao gồm:

2.1 Cà phê

Cảm lạnh có thể làm cho hệ miễn dịch của cơ thể trở nên suy yếu, vì vậy, những lúc như này, bạn cần đặc biệt lưu ý tới chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Cà phê là một loại đồ uống yêu thích của nhiều người, tuy nhiên nó lại có chứa caffeine- một loại chất có thể gây kích thích thần kinh, gây khó ngủ và không đem lại hiệu quả cho việc điều trị các triệu chứng của cảm lạnh.

2.2 Rượu

Uống rượu khi bị cảm lạnh sẽ khiến cơ thể bị mất nước và làm cho một số triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, như đau đầu, buồn nôn hoặc đau nhức cơ thể. Ngoài ra, các loại chất có trong rượu cũng làm cho cơ thể ít có khả năng xử lý sự nhiễm trùng. Vì vậy, bạn nên tạm thời ngừng sử dụng rượu cho tới khi khỏi bệnh hoàn toàn.

rượu vang trắng

2.3 Soda gừng

Mặc dù gừng ở dạng tự nhiên có thể đem lại một số lợi ích nhất định cho bệnh cảm lạnh. Tuy nhiên, soda gừng lại thuộc loại đồ uống giải khát có ga và đường, vì vậy chúng đã làm mất đi những tác dụng vốn có của gừng.

Nhìn chung, bất kỳ loại nước giải khát nào cũng đều có rất ít giá trị dinh dưỡng và chất điện giải cần thiết để chống lại bệnh tật. Thay vì uống chúng, bạn nên thưởng thức một cốc trà gừng nóng và cảm nhận hiệu quả của nó đem lại sau khi uống.

Cảm lạnh là căn bệnh phổ biến, thường xuất hiện nhiều vào những thời điểm giao mùa ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Tùy vào mức độ của bệnh mà bạn có thể điều trị bằng thuốc Tây hoặc bổ sung những loại thực phẩm, đồ uống tăng sức đề kháng cho cơ thể và làm giảm các triệu chứng do bệnh gây ra.

Đăng kí khám bệnh

Rate this post

Viết một bình luận