Tháp Rùa – Trái tim của Hồ Gươm, hơi thở ngàn năm của Hà Nội
Không có bất cứ một người dân Việt nam nào khi nhắc đến Hà Nội lại không liên tưởng ngay đến hình ảnh Tháp Rùa cổ kính giữa lòng Hồ Gươm. Cùng Hà Nội trải qua bao nhiều thăng trầm lịch sử, từ bao giờ Tháp Rùa như một linh hồn của thủ đô, trở thành biểu tượng của thành phố văn hiến và là điểm đến du lịch thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi du lịch Hà Nội.
Hình ảnh Tháp Rùa soi bóng xuống mặt Hồ Gươm đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các thi nhạc sĩ sáng tạo nên những giai điệu vần thơ để đời dành tặng cho ngọn tháp này.
Tháp Rùa nằm ở đâu?
Tháp Rùa là một ngọn tháp nhỏ được xây dựng trên một gò đất giữa lòng Hồ Hoàn Kiếm, rộng khoảng 350 mét vuông. Nằm ngay vị trí trung tâm của thành phố Hà Nội, sở hữu vị trí vàng như thế bất cứ ai muốn tìm đến nhìn ngắm hình ảnh Tháp Rùa cổ kính cũng đều vô cùng dễ dàng.
Cận cảnh Tháp Rùa giữa lòng Hồ Gươm xanh biếc
Tháp Rùa có từ khi nào?
Vào thời nhà Lý – Trần, Hồ Gươm được biết đến như một nơi vui chơi của đế vương, và đảo rùa là nơi xây dựng đình Tả Vọng để vua chúa thưởng ngoạn câu cá thư giãn, nhưng đến thời Nguyễn thì không còn nữa. Vào thời kì Pháp thuộc những năm 1883, có người nhà Bá Hộ Kim được cử làm trung gian Việt Pháp, thấy vị trí vô cùng đắc địa của đảo rùa nên ông có ý định xây tháp để chôn cất cha mẹ. Tháp Rùa được hoàn thành nhưng ý định chôn cất phụ thân ở đó không được thực hiện. Và Tháp Rùa tồn tại từ ngày đó đến nay và trở thành địa điểm nổi bật thu hút của Hà Nội.
Kiến trúc độc đáo của Tháp Rùa
Được xây dựng vào thời Pháp thuộc nên nét đẹp Tháp Rùa có kiến trúc là sự giao thoa giữa phong cách kiến trúc gothic Châu Âu, kết hợp với phần mái cong giữ quy thức kiến trúc Việt Nam. Mỗi mặt tháp đều có những ô cửa hình vòm, mặt chiều dài có 3 cửa, mặt chiểu rộng có 2 cửa, tổng cộng bên ngoài có 10 cửa. Bên trong tháp tầng 1 còn được phân ra làm ba gian và có 4 cửa thông với nhau. Vậy tổng cộng tầng một có 14 cửa. Tháp được xây dựng nhỏ dần lên trên, tại tầng 3 của tháp có khắc chữ “Quy Sơn Tháp” nghĩa là tháp núi rùa. Mái tháp được làm theo kiểu đầu đao uốn cong và rồng chầu mặt nguyệt đậm nét kiến trúc xưa Việt nam và trên đỉnh còn có hình ngôi sao 5 cánh.
Tháp Rùa đẹp thơ mộng bên những tán cây rũ xuống mặt hồ
Tháp Rùa – địa điểm nhất định phải check in khi đến Hà Nội
Nếu ví Hồ Gươm như một đóa hoa tươi rực rỡ giữa lòng thủ đô thì Tháp Rùa chính là bông hoa tươi đẹp và ngát hương nhất của đóa hoa này. Hình ảnh Tháp Rùa Hồ Gươm luôn đi đôi với nhau như hình với bóng, mặt hồ yên ả soi bóng Tháp Rùa bên dưới tạo nên một khung cảnh nên thơ yên bình.
Đến với Hồ Gươm Tháp Rùa, du khách sẽ cảm nhận được sự thanh bình yên tĩnh của không gian nơi đây, Tháp Rùa cổ kính nhuốm màu thời gian lững lỡ giữa mặt hồ nhẹ nhàng trong xanh, những tán lá cây như tô vẽ thêm cho bức tranh thêm sinh động. Bức họa phong cảnh Tháp Rùa luôn khiến người ta phải thẫn thơ trước vẻ đẹp lãng mạn của nó.
Khung cảnh Tháp Rùa rực sáng khi về đêm
Và nhất định một điều rằng bạn phải check in Tháp Rùa Hà Nội vì nhiều người cho rằng nếu đến Hà Nội mà chưa ghé Tháp Rùa là coi như chưa đặt chân đến thủ đô. Với phong cảnh hữu tình như vậy chắc chắn sẽ là một background tuyệt vời dành cho bộ sưu tập hình ảnh của bạn.
Không mang nhiều ý nghĩa lịch sử, cùng không chắc chắn tồn tại ngàn đời nhưng hình ảnh Tháp Rùa cổ kính nhuốm màu thời gian vẫn ở đó, gắn liền với đời sống người dân Hà Nội trăm năm qua và trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người dân thủ đô.