Tại sao người ta thường nói: “cá mè một lứa” mà không nói “cá chép, cá trắm một lứa”? | CSDL Hỏi Đáp | THƯ VIỆN BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Tại sao người ta thường nói: “cá mè một lứa” mà không nói “cá chép, cá trắm một lứa”?

05/01/14 03:44PM

      

Có 2 nguyên nhân chính sau:

1. Trong suốt đời sống của mình, hầu như cá mè không thay đổi mồi ăn, chúng chuyên ăn những sinh vật nhỏ sống lơ lửng và phân bố đều trong nước tên gọi là “phù du sinh vật”. Hiện tượng này chỉ riêng cá mè mới có. Cá trôi, trắm, chép… lúc còn nhỏ cũng ăn loại thức ăn như cá mè, nhưng từ cỡ cá giống (8-12cm) các loài cá này chuyển sang ăn loại thức ăn riêng: Cá trắm cỏ ăn bèo, rau và các loài thực vật lớn; Cá chép, cá trắm đen ăn giun, ấu trùng muỗi, ốc, hến v.v… Chính vì không có hiện tượng chuyển mồi ăn mà cá mè lớn đồng đều ở các giai đoạn.

2. Các loài cá khác thường đuổi bắt hay rình mồi, tranh giành thức ăn nên có tình trạng con đói, con no (con đói thì lớn chậm, con no thì lớn nhanh). Riêng cá mè lại ăn mồi bằng cách bơi về phía trước để lọc nước qua mang giữ lại thức ăn. Kiểu dinh dưỡng như vậy của cá mè được xếp vào loại “cá hiền”, không có hiện tượng cạnh tranh thức ăn như những loài cá khác.

Tóm lại, do tính ăn của cá mè từ nhỏ đến lớn ít có sai khác, thức ăn của chúng vốn sẵn và phong phú (được phân bố đều trong ao), chúng kiếm mồi bằng cách lọc nước, không có hiện tượng cạnh tranh thức ăn, nên cá mè lớn tương đối đồng đều trong cùng một lứa, trong cáng một vực nước. Nhờ đặc điểm độc đáo này của cá mè mà ta dễ dàng phân biệt đàn cá thả từng năm, từ đó phán đoán cơ sở thức ăn của cá, để quyết định số lượng cá cần thả tiếp theo.

(Nguồn: 30 câu hỏi đáp về nuôi cá ao nước ngọt / Phạm Văn Trang, Trần Văn Vỹ. – H. : Nông nghiệp, 2002. – 50 tr. ; 20.5 cm.- Đăng ký cá biệt: VB20031299)

Rate this post

Viết một bình luận