Thức ăn phù hợp cho lươn đồng ương nuôi đến 40 ngày tuổi

Nghiên cứu của Lương Công Trung và cộng sự 2018 đã thực hiện để xác định loại thức ăn phù hợp cho ương lươn đến 40 ngày tuổi trong bể không bùn. Kết quả báo cao được đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Thủy sản số 2/2018.

Lươn đồng Monopterus albus là loài nhiệt đới, phân bố tự nhiên rộng khắp ở nhiều nước trên Thế giới. Ở các nước Đông Nam Á, lươn có rất nhiều ở Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Campuchia (Nguyễn Chung, 2007). Lươn sinh sống chủ yếu ở các thủy vực nước ngọt như ao, kênh, rạch, các dòng sông lớn, trong ruộng lúa hay ở đầm lầy, lươn cũng có thể sống ở trong các thủy vực nước lợ (Rainboth, 1996).

Ở Việt Nam, lươn được bắt gặp từ Bắc vào Nam, trong các ao, hồ, sông rạch, ruộng lúa nơi có nhiều mùn bã hữu cơ và sinh vật nhỏ làm thức ăn. Nhiều công trình nghiên cứu sản xuất lươn giống trong điều kiện nhân tạo đã được thực hiện và thành công và từ đó đã áp dụng trong thực tiễn sản xuất ở một số vùng có nghề nuôi lươn phát triển mạnh (An Giang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh).

Một trong những trở ngại chính làm cho việc sản xuất lươn giống chưa được mở rộng phát triển mặc dù nhu cầu rất cao là hiệu quả ương giống thấp do thức ăn sử dụng chưa đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với tập tính bắt mồi của lươn. Vì vậy đề tài này đã được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của một số loại thức ăn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của lươn ương nuôi đến 40 ngày tuổi, từ đó chọn loại thức ăn phù hợp đưa vào quy trình kỹ thuật sản xuất lươn giống đạt hiệu quả.

Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn đến lươn 20 ngày tuổi

Nghiên cứu được thực hiện tại trại cá giống Cát Tiến, Tiên Lãng, Hải Phòng. Lươn bố mẹ được tuyển chọn từ Vĩnh Long và cho sinh sản nhân tạo tại trại sau 6 tháng nuôi vỗ. Lươn sau khi nở 3 ngày (2,1 cm và 23,8 mg/con) được ương trong các chậu nhựa (ɸ: 36cm, cao 13cm).

Chậu ương được cấp nước ở dạng phun mưa với mực nước được duy trì từ 8-10cm. Nguồn nước cấp từ giếng khoan, qua hệ thống lọc thô và trữ trong các bể có thể tích 50m³, sau đó nước nước cấp vào chậu ương qua túi lọc, a = 100µm. Đáy chậu được lót các bó nilon xé nhỏ, chiếm 70% diện tích và chậu được sục khí liên tục.

Mật độ lươn, 30 con/0,1m² (300 con/m², Ngô Trọng Lư, 2008). Lượng cho ăn như nhau ở các chậu ương và được điều chỉnh theo cường độ bắt mồi của lươn. Chậu ương được thay nước 1 lần/ngày, 30-50% thể tích nước trong chậu, đồng thời chất thải và thức ăn thừa được xi phông ra ngoài. Thời gian thí nghiệm kéo dài đến khi lươn được 20 ngày tuổi. Lươn được cho ăn 04 lần/ngày: 7h, 10h, 14h và 17h, với 5 loại thức ăn khác nhau tương ứng 5 nghiệm thức thí nghiệm, gồm:

Nghiệm thức 1 : trùn chỉ 

Nghiệm thức 2 : moina; 

Nghiệm thức 3: moina + trùn chỉ + thịt cá xay nhỏ (thịt cá biển tươi) (tỷ lệ theo khối lượng tươi 1/3:1/3:1/3)

Nghiệm thức 4: thịt cá xay nhỏ 

Nghiệm thức 5: moina + trùn chỉ (tỷ lệ theo khối lượng tươi 1/2:1/2). 

Kết quả:

Chiều dài trung bình của lươn khi thu hoạch đạt 4,3-4,7 cm/con, trong đó chiều dài lớn nhất đạt được ở NT5 (moina + trùn chỉ) và thấp nhất ở NT3 (thịt cá xay).

Khối lượng trung bình của lươn thu hoạch lớn nhất ở trùn chỉ và moina + trùn chỉ, cao hơn so với khối lượng lươn ở nhóm sử dụng thức ăn là thịt cá xay. 

Tỷ lệ sống của lươn đạt cao ở tất cả các nghiệm thức, 84,7 – 95,8%, trong đó cao nhất ở nhóm lươn giống sử dụng thức ăn moina + trùn chỉ, tiếp đến là trùn chỉ.

Từ những kết quả thí nghiệm có thể kết luận moina kết hợp trùn chỉ là thức ăn phù hợp ương nuôi lươn đến 20 ngày tuổi. Có thể sử dụng chế độ cho ăn gồm moina trong khoảng 5-7 ngày đầu, sau đó chuyển dần sang cho ăn trùn chỉ đến 20 ngày tuổi.

Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn đến lươn 21 – 40 ngày tuổi 

Thí nghiệm được thực hiện trong các bể xi măng (2x2x1m), mực nước 80cm, đáy bể có đặt các bó dây nilon làm giá thể, chiếm 75-80% diện tích. Bể được sục khí liên tục và nguồn nước sử dụng tương tự thí nghiệm trước. Nguồn lươn thí nghiệm được sản xuất nhân tạo. Lươn bột thu từ sinh sản nhân tạo được ương trong bể xi măng, cho ăn moina và trùn chỉ đến 20 ngày tuổi, chọn cá thể đồng đều đưa vào thí nghiệm.

Lươn 21 ngày tuổi (4,6 cm và 0,067 g/con) được thả ngẫu nhiên vào các bể ương với mật độ giống nhau 200 con/m² (Ngô Trọng Lư, 2008). Lươn được cho ăn với 5 loại thức ăn khác nhau tương ứng 5 nghiệm thức thí nghiệm, gồm:

Nghiệm thức 1: trùn chỉ 

Nghiệm thức 2: thịt cá xay (thịt cá biển tươi); 

Nghiệm thức 3: thức ăn công nghiệp No ; 

Nghiệm thức 4: trùn chỉ + thức ăn công nghiệp No (tỷ lệ theo khối lượng khô 1/2:1/2) 

Nghiệm thức 5: thịt cá xay + thức ăn công nghiệp No (tỷ lệ theo khối lượng khô 1/2:1/2).

Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Lươn được cho ăn 2 lần/ngày vào 7h và 16h, tỷ lệ cho ăn 10% khối lượng lươn (tính theo khối lượng khô của thức ăn) và lượng cho ăn hàng ngày được điều chỉnh theo thực tế bắt mồi của lươn. Bể ương được thay nước 1 lần/ngày, 30-50% thể tích nước, đồng thời chất thải và thức ăn thừa được xi phông ra ngoài. Thời gian thí nghiệm kéo dài đến khi lươn đạt 40 ngày tuổi.

Kết quả:

Ở giai đoạn lươn 21- 40 ngày tuổi, chỉ cho ăn trùn chỉ lươn đạt tốc độ tăng trưởng chiều dài và tỷ lệ sống cao nhưng tăng trưởng khối lượng chậm hơn so với cho ăn kết hợp trùn chỉ với thức ăn công nghiệp. Thức ăn cho kết quả tăng trưởng và tỷ lệ sống tốt ở lươn giai đoạn này là trùn chỉ kết hợp thức ăn công nghiệp No (CP Group ). Có thể áp dụng chế độ cho ăn kết hợp trùn chỉ với thức ăn công nghiệp, sau đó thay thể dần trùn chỉ cho đến khi lươn sử dụng thức ăn công nghiệp hoàn toàn. Việc này còn có tác dụng làm cho lươn quen hoàn toàn với thức ăn công nghiệp trước khi đưa vào nuôi thương phẩm.

Rate this post

Viết một bình luận