Lâu đài thần tiên – Thư Viện PDF

BA BẠN CHÍ THÂN
Người ta gọi em là “em bé ngơ ngác”. Thân hình em gầy ốm, tóc em vàng nâu và luôn luôn bù rối. Đôi mắt trong xanh của em hình như nhìn mọi người với một cường độ mãnh liệt, nhưng kỳ thực em chẳng trông thấy chung quanh vì em xứng danh “em bé ngơ ngác”. Thực khó tìm đứa bé đãng trí hơn. Trong bữa ăn, đôi lúc mơ màng đâu đâu, em quên đưa muỗng vào miệng, nhìn sững bức tường trước mặt hình như có vật gì khác thường. Người ta bỏ tiêu vào chén xúp, em chỉ hay biết khi tiêu đụng vào lưỡi làm em cay bỏng. Em nhăn mặt xuýt xoa, các chị em lại cười rộ lên. Em đỏ mặt tía tai , ngơ ngác nhìn chung quanh như thể từ cung trăng rơi xuống.

Em tên Bạch Huệ, ít nói ít cười. Ai chọc ghẹo, em chẳng cần để ý. Đôi lúc cha mẹ la mắng oan ức, em ngẩng đầu ra sau, đan những ngón tay vào tóc, tái mặt rồi nín thinh.

Mặc dầu đãng trí, nhưng không thể nói em là người vô dụng trong gia đình. Em làm lụng siêng năng, sắp xếp quần áo vào tủ, lượm lặt đồ chơi vứt bừa bãi, rồi sắp đặt ngăn nắp trên lò sưởi, may quần áo cho búp bê. Tóm lại, em thích làm những công việc mà em có thể vừa làm vừa mơ mộng.

Bạch Huệ còn một công việc khác em làm chí thú không hề mệt mỏi : giúp đỡ vú già để săn sóc em nhỏ của Bạch Huệ, thằng bé Út, cục cưng của toàn thể gia đình. Em ngồi hàng giờ bên nôi bé Út, em ru bé Út với bài hát tự em nghĩ ra. Những câu hát êm ái dịu dàng nhưng buồn bã, nào cánh bướm vướng phải tơ nhện, chim non bị trẻ bắt ra khỏi tổ hoặc trẻ con mồ côi lạc loài tìm mẹ, vân vân… Hỏi em sao không hát những câu tươi sáng vui vẻ, Bạch Huệ trả lời không suy nghĩ :

– Những bài hát buồn thường êm dịu, những bài hát vui lại rộn ràng ầm ỹ làm em phát khóc.

Bé Út cũng đồng ý với Bạch Huệ, nên lúc nghe câu hát ru em của chị, nó ngủ mau lẹ.

Sức khoẻ em kém sút, một năm em nằm trên giường bệnh nhiều tháng. Làm việc nhẹ, em cũng chóng mệt và nhiều đêm em trằn trọc không ngủ. Người ta nói Bạch Huệ mắc bệnh đau tim.

Chị và em Bạch Huệ sức khỏe lại dồi dào. Xuân Lan, chị đầu, da màu nâu, xinh đẹp, nhanh nhẹn. Tiếng nói của em trong trẻo vui vẻ làm linh động cả gia đình. Mọi người đều thương mến Xuân Lan. Em quấn quít bên mẹ em, ham công việc bếp núc. Cô Giạ Hương quản gia xem em như thể người bạn tâm tình. Khắp các phòng ốc trong lâu đài, không nơi nào Xuân Lan chẳng để mắt đến. Em tìm hiểu mọi việc trong gia đình, dù nhỏ nhặt đến đâu.

Trong ba chị em, Thu Cúc, gái út, được nuông chiều hơn hết. Nét mặt tươi sáng rạng rỡ, hai bím tóc đỏ hung bỏ thõng bên vai, em giống như một thiên thần tí hon. Hai chị em đều sợ ba nghiêm nghị, nhưng riêng Thu Cúc được ba cưng, nên không chút kiêng dè, em hay nhảy lên ngồi nũng nịu trên đầu gối người lớn.

Xuân Lan, Thu Cúc trau chuốt bề ngoài trái lại Bạch Huệ chẳng hề lưu ý đến việc phục sức. Trầm mặc, dáng điệu em hờ hững chậm rãi. Bà con quan khách đến viếng thăm, ba má gọi các con ra giới thiệu : Xuân Lan, Thu Cúc áo quần bảnh bao tươi cười chào khách, Bạch Huệ tìm cách lẩn tránh. Bị ba má la rầy, bất đắc dĩ em lấp ló đứng nép bên cửa, tóc rối bù, đầu nghẻo bên vai, bẽn lẽn sợ sệt, hai tay ngượng ngịu vân vê tà áo. Ai hỏi điều gì, em lặng thinh, mặt đỏ như gấc. Quan khách ra về, mọi người trong gia đình trách mắng em, từ ba má, bà nội đến cô Giạ Hương, vú già cũng xen vô :

– Biết bao giờ Bạch Huệ mới khôn ngoan lanh lẹ như các trẻ em khác !

Nhưng đôi khi em lại là một nhân vật cần thiết trong gia đình, mọi người đều chìu chuộng cảm mến. Mùa đông giá lạnh, tuyết phủ khắp các nẻo đường, lâu đài cổ kính như đắm mình trong một nệm bông trắng toát. Những đêm dài, ở phòng khách rộng rãi, gia đình tụ họp chung quanh chiếc đèn lớn toả ánh sáng lờ mờ : bà nội, má và cô Giạ Hương may vá áo quần, ba đọc sách báo, Xuân Lan, Bạch Huệ thêu thùa.

Trên đầu gối ba, má rồi leo lần qua đầu gối bà nội, Thu Cúc thỏ thẻ :

– Má ơi ! Lạnh quá, Cúc buồn ghê !

Lúc đó mọi người đều hướng đến Bạch Huệ :

– Bạch Huệ, kể một chuyện cổ tích nghe !

Bức thảm đương thêu nửa chừng trên tay Bạch Huệ rơi xuống đất và vang lên tứ phía những lời như khuyến khích, như van lơn :

– Bạch Huệ, Bạch Huệ, một chuyện cổ tích.

Bị tấn công tới tấp, ban đầu em từ chối không còn biết chuyện gì để kể, nhưng biết bao lời thúc giục nài nỉ lại đến từ khắp nơi.

Em đành khuất phục, rụt rè, ngập ngừng bắt đầu kể chuyện :

– Ngày xửa, ngày xưa, một hoàng tử đẹp trai hoặc ngày xửa ngày xưa, một em bé mồ côi nghèo đói, vân vân…

Câu chuyện càng lúc càng hào hứng hấp dẫn, Bạch Huệ càng trở nên mạnh dạn hùng biện, tiếng nói em làm ấm áp không khí giá lạnh đêm đông. Má em đỏ hồng, mắt em ngời sáng, câu chuyện càng dồn dập nhiều tình tiết éo le kỳ diệu.

Những công chúa kiều diễm, kỵ sĩ dũng cảm, nữ thần dưới đáy biển, chú lùn giữ kho vàng, những bà tiên hiền từ, những mụ phù thủy độc ác đều tuần tự diễn biến trước thính giả trong một luân-vũ-khúc mê ly rùng rợn. Có lúc nước mắt Bạch Huệ ràn rụa vì chính em tự cảm xúc câu chuyện em vừa kể, Xuân Lan, Thu Cúc hai mắt đỏ ngầu, người lớn cầm lòng chẳng đặng không khỏi rớm lệ còn vú già thỉnh thoảng cầm khăn tay sụt sịt lau mũi. Câu chuyện đến hồi kết thúc, em hạ giọng nói nhỏ dần, đều đều trầm trầm, người nghe càng não lòng xúc động. Phải chăng một bà tiên đã hiện lên nhập vào em để kể chuyện chớ ai ngờ em bé vừa nói là em bé Bạch Huệ, em bé đãng trí, em bé ngơ ngác.

Ba má rất đỗi ngạc nhiên không hiểu Bạch Huệ học hỏi ở đâu mà biết nhiều chuyện kể hoài không hết. Xuân Lan, Thu Cúc phục em sát đất, còn vú già lắc đầu thì thầm :

– Sợ em chẳng ở lâu với chúng ta vì người em kỳ lạ quá, không giống các trẻ em khác ! Em đâu sinh ra để sống trên thế gian nầy.

Trong nhà cũng như ngoài vườn, bạn chí thân của Bạch Huệ là nai vàng được nuôi nấng đã thuần thục. Đối với em, nai là một công chúa đội lốt, vì nai hiểu tiếng người : nai vàng chỉ liếc mắt nhìn Bạch Huệ là nai và em cảm thông câu chuyện sắp nói cùng nhau.

Một bà lão hành khất đã đem nai vàng đến cho gia đình Bạch Huệ. Ngang qua cánh rừng, nghe tiếng rên rỉ yếu ớt như tiếng trẻ sơ sinh bà dừng chân nhìn vào bụi cây trông thấy một nai con lạnh lẽo đói khát. Chắc hẳn nai mẹ bị thợ săn bắn chết, một mình bé bỏng không đủ sức chạy trốn. Bà lão quấn nai con vào bọc vải mang đến lâu đài đổi chác bánh sữa.

Lúc ấy Bạch Huệ đau tim nằm trên giường bệnh, em mê man chẳng nghe thấy gì chung quanh. Em vốn thương mến loài vật, nên người ta đem nai con đặt bên mình em, mong lúc hồi tỉnh em vui thích chút nào chăng ! Nghe tiếng nai con rên rỉ, Bạch Huệ bừng tỉnh đưa tay sờ mó nai con bé bỏng, tự nhiên em cảm thấy phục hồi sức khoẻ.

Lần hồi lành mạnh, Bạch Huệ lại có thêm một công việc : săn sóc nuôi dưỡng nai vàng. Em ôm ấp nai vàng vào lòng, sưởi hơi nóng của em cho nai ấm áp, kiếm sữa cho nai uống. Lòng em sung sướng hồi hộp lúc nai vàng ngẩng đầu nhìn em, đưa mõm nhỏ xíu liếm đôi bàn tay mềm mại trắng trẻo của em.

Một ngày tạnh nắng, Bạch Huệ và nai vàng ra vườn tắm ánh mặt trời. Đôi bạn chập chững bước đi bước một, hai chân Bạch Huệ gầy gò lỏng khỏng, đôi giò nai vàng run rẩy yếu đuối. Em giang rộng hai cánh tay giữ thăng bằng khỏi té, còn nai vàng ngập ngừng đôi chân, chưa biết đưa chân nào đến trước, chân nào đến sau. Người tưởng mình nâng đỡ vật, nhưng vật hãnh diện mình là điểm tựa cho người. Cảnh tượng khôi hài ngộ nghĩnh, nhưng nhìn thấy chẳng ai nỡ cười vì đó là bước đi tập tễnh của đôi bạn trong thời gian dưỡng bệnh.

Rate this post

Viết một bình luận