Từ giống hoa quý đến khát vọng là xứ sở mai vàng Việt Nam
Bằng việc phát huy vẻ đẹp vốn có của giống hoa quý hoàng mai, Thừa Thiên Huế đã tạo cho mình thêm một điểm nhấn góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương. Tỉnh đang mong muốn xây dựng thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam với những mục tiêu đặt ra rất rõ ràng.
Loài hoa nổi tiếng của Huế
Mai vàng hay còn gọi là hoàng mai Huế là loài hoa nổi tiếng của Huế – Việt Nam. Đến Huế, đi đến đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp cây hoàng mai. Nói về hoàng mai, trong tùy bút và phóng sự viết về Huế “Trước nhà có cây hoàng mai”, nhà báo Minh Tự (một người gắn bó lâu năm với Huế) từng chia sẻ, có thể nói với người Huế, hoàng mai là linh hoa. Nhà nào cũng có một cây mai vàng trước sân. Cung điện của vua trước sân trồng mai vàng. Nhà dân bần hàn cũng mai vàng trước ngõ. Từ đường của dòng họ thì chắc chắn không thể thiếu cây hoàng mai.
“Vườn chùa Huế mà thiếu mai vàng thì khác gì chùa vắng bóng Phật. Nhà thờ Chúa với kiến trúc rặt Âu châu cũng không thiếu cây mai vàng. Khắp phố cùng quê, đi đâu cũng thấy hoàng mai. Mai trồng khắp vườn và dứt khoát trước sân phải có một cây, như là điểm nhấn cho khuôn mặt.
Cũng có người kiêng “một mai” thì “mai một” nên trồng một cặp gọi là song mai. Trước sân xuất hiện cây hoàng mai, tự dưng cả khu vườn lung linh hẳn lên. Ngày xuân mai nở vàng rực trước sân, trong nhà dẫu không thịt không bánh (như những năm đói kém) vẫn thấy ấm lòng”, nhà báo Minh Tự nhìn nhận.
Có thể thấy rằng, ở Huế, hoàng mai được xem là giống hoa quý được nhiều người lựa chọn trồng, chăm sóc. Với người dân ở vùng đất này, mỗi cây hoàng mai không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn mang rất nhiều ý nghĩa trong đời sống tinh thần.
Đến Huế, đi đến đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp cây hoàng mai trước nhà người dân hay trụ sở các cơ quan, đơn vị.
Theo TS. Lê Thị An Hoà, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì hoàng mai đã xuất hiện từ rất lâu đời trong cung đình Huế. Hoàng mai tục gọi là bông mai vàng. Bài thơ “Vịnh Hoàng mai” trong Minh Mệnh thánh chế có lược chú rằng: Thân cây cứng và thẳng, lá xanh lợt mà sáng mịn, nhọn dài, hoa có năm cánh, nhị như ngọc, lòng hoàng đàn, cũng giống mai trắng nhưng sắc vàng thẫm và thơm hơn. Khi hoa rụng thì cuống khô biến thành sắc hồng, lại giống như hoa, khác hẳn các loại hoa khác.
Ở Huế hiện nay, những cây hoàng mai lớn và đẹp bậc nhất phải kể đến vườn mai đặc trưng ở công viên trên đường Lê Duẩn (TP Huế). Ông Đặng Ngọc Qúy, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, tại đây hiện có 150 gốc mai được đơn vị nỗ lực gây dựng từ năm 2001. Đa số các gốc mai được mua từ vườn của người dân trên địa bàn, trong đó có những gốc mai cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.
Vườn hoàng mai ở công viên bên trong Kinh thành Huế phía trước Đại Nội, đoạn dọc phía sau hai nhà để cửu vị thần công là nơi quy tụ nhiều “lão mai” được chọn lựa rất kỹ từ nhiều vùng.
Ngoài vườn mai kể trên, mới đây tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa trồng thêm một vườn hoàng mai khác với 183 cây ở công viên bên trong Kinh thành Huế phía trước Đại Nội, đoạn dọc phía sau hai nhà để cửu vị thần công. Những cây mai này cũng thuộc vào hàng “lão mai” được chọn lựa rất kỹ từ nhiều vùng quê ngoại ô Huế để đưa về với hy vọng sẽ tạo ra điểm nhấn về mặt cảnh quan bằng một con đường hoàng mai trước mặt Hoàng cung Huế.
Xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở mai vàng
Hàng năm, vào mỗi dịp Tết đến, những vườn hoàng mai nở rộ vàng cả một góc trời trước Kinh thành Huế cổ kính đã tạo nên một điểm dừng chân thú vị cho người dân và du khách. Có dịp tham quan Hoàng cung Huế vào khoảng thời gian này, nhiều người không khỏi bị cuốn hút bởi sắc xuân từ những vườn hoàng mai. Bằng việc phát huy vẻ đẹp vốn có của giống hoa quý, Huế đã tạo thêm cho mình một điểm nhấn góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương đến với du khách gần xa.
Con đường hoàng mai trước mặt Hoàng cung Huế.
Không dừng lại ở đó, vừa qua UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”. Mục tiêu chung của đề án nhằm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô, hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Để đưa đề án này đi vào thực tế, thời gian qua địa phương đã phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ” nhằm khôi phục truyền thống trồng mai, chơi mai cảnh của người dân, từ đó đưa phong trào “Mai vàng trước ngõ” trở thành phong trào trọng điểm gắn với mô hình “Huế – thành phố bốn mùa hoa”, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô. Tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh mai vàng xứ Huế, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành “Xứ sở Mai vàng Việt Nam”.
Vẻ đẹp của hoàng mai thu hút người dân và du khách trong những ngày xuân.
TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, để quảng bá hình ảnh và phát huy giá trị thương hiệu xứ sở Mai vàng của Việt Nam, trong năm 2022, đơn vị này sẽ phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tỉnh và các đơn vị liên quan thành lập Hội Hoàng mai Huế. Hội sẽ là nơi quy tụ nghệ nhân, những người yêu thích chơi mai trên toàn tỉnh, là nơi để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp phát triển mai vàng Huế. Dự kiến, Hội Hoàng mai Huế là tổ chức sẽ quản lý, vận hành chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Song song với đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”. Với quyết tâm khôi phục và phát triển hoàng mai Huế, Thừa Thiên Huế đang đặt kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành các các mục tiêu của đề án kể trên. Phấn đấu, trong khoảng 5-10 năm nữa, mai vàng Huế sẽ nổi tiếng như hoa anh đào của Nhật Bản.
Theo Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”, tỉnh này sẽ tổ chức quy hoạch các khu vực trồng mai vàng phù hợp. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm bảo tồn lưu giữ và phát triển giống cây mai vàng Huế; xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, trị sâu bệnh,… cho mai vàng Huế; xây dựng thương hiệu mai vàng Huế (hoàng mai) dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận và hướng đến chỉ dẫn địa lý khi đủ các điều kiện cơ sở khoa học về nguồn gốc xuất xứ và giá trị thương hiệu được khẳng định.
Cùng với đó, hình thành các điểm sản xuất giống mai vàng Huế đáp ứng nhu cầu trồng mai ở địa phương hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Nghiên cứu thành lập Hội Mai vàng Huế để quản lý và phát triển nhãn hiệu, phát huy giá trị kinh tế – xã hội của mai vàng Huế.