Mệt mỏi, buồn phiền có phải dấu hiệu trầm cảm nhẹ không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Dạo gần đây, cháu rất hay mệt mỏi, chán nản và thiếu tập trung nên hay suy nghĩ nhiều dẫn đến buồn phiền mà không biết tại sao mình buồn. Ban đầu, cháu nghĩ chắc do mình hay đi ngủ muộn nên thiếu ngủ dẫn đến mệt mỏi, thế nhưng dù cháu đã đi ngủ sớm thì sáng hôm sau vẫn rất buồn ngủ và mệt mỏi. Thỉnh thoảng, cháu còn nghĩ tới các cách tự tử nhưng cháu chỉ nghĩ thôi chứ không có ý định. Cháu không thích nhà đông người, nhất là những lúc có cỗ và hay né tránh người lớn vì cháu ngại phải trả lời những câu hỏi mà họ đưa ra cho cháu. Cháu cũng rất hay cáu gắt khi không vừa lòng mình. Bác sĩ cho cháu hỏi mệt mỏi, buồn phiền có phải dấu hiệu trầm cảm nhẹ không? Cháu cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Mệt mỏi, buồn phiền có phải dấu hiệu trầm cảm nhẹ không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Quả thật, theo tâm sự của bạn thì bác sĩ cũng nhận thấy bạn có những bất ổn về mặt tâm lý – tâm thần, có khả năng có bệnh trầm cảm. Người có bệnh trầm cảm thì nhìn mọi sự vật, sự việc theo hướng tiêu cực nhiều hơn, mặc dù ban đầu là từ mâu thuẫn nhỏ như không thích đông người, né tránh người lớn, buồn phiền, có lúc nghĩ đến tự tử. Nhưng về sau lại tiến triển xấu hơn nhiều, có biểu hiện của trầm cảm.

Tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm như sau: Người bệnh có biểu hiện nhiều hơn hoặc bằng 5 các triệu chứng sau đây trong khoảng thời gian hai tuần. Ít nhất một trong các triệu chứng phải là một tâm trạng chán nản, thất thoát một quan tâm hay niềm vui. Các triệu chứng có thể dựa vào cảm xúc của riêng bản thân hoặc có thể dựa trên các quan sát của người khác. Chúng bao gồm:

  • Suy yếu tâm trạng nhất trong ngày, gần như mọi ngày, chẳng hạn như cảm thấy buồn, trống rỗng hoặc rơi lệ (ở trẻ em và thanh thiếu niên, tâm trạng chán nản có thể xuất hiện như là khó chịu liên tục).
  • Giảm hoặc cảm thấy không có niềm vui trong tất cả hoặc gần như tất cả các hoạt động trong ngày, gần như mỗi ngày.
  • Giảm cân đáng kể khi không ăn kiêng, hoặc tăng cân vượt trội khi không có bệnh lý khác gây tăng cân đi kèm.
  • Mất ngủ hoặc làm tăng ham muốn ngủ gần như mỗi ngày.
  • Bồn chồn hoặc làm chậm lại hành vi có thể được quan sát bởi những người khác.
  • Mệt mỏi hay mất năng lượng gần như mỗi ngày.
  • Cảm xúc của vô dụng hoặc quá nhiều tội lỗi không thích hợp hoặc gần như mỗi ngày.
  • Vấn đề ra quyết định hoặc khó tập trung suy nghĩ gần như mỗi ngày.
  • Thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, hoặc cố gắng tự tử.

Tuy nhiên, bạn vẫn cần khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để bác sĩ gặp trao đổi trực tiếp với bạn, xác định xem bạn có thật sự trầm cảm hay do áp lực cuộc sống ảnh hưởng đến tâm lý tạm thời mà thôi, có thêm vấn đề gì khác không, có bệnh lý nào khác tác động lên không (như bệnh lý nội tiết, thần kinh trung ương,…), mức độ bệnh ra sao,…để kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho bạn.

Nếu bạn còn thắc mắc về trầm cảm nhẹ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Rate this post

Viết một bình luận