Nhiều ao, hồ, sông, rạch ở các huyện vùng ngọt phía Bắc quốc lộ 1A như Vĩnh Lợi, Hòa Bình và Hồng Dân đều phát hiện thấy cá lau kiếng trú ngụ, sinh sản khá nhiều. Hàng ngày, các hộ dân trong vùng đang cố gắng giăng lưới, đặt lú, đặt vó để bắt loại cá này. Hiện nay, ngoài sản xuất cây lúa, vùng ngọt hóa Bạc Liêu đang mở ra mô hình nuôi trồng đa cây, con trên cùng một diện tích. Trong đó, mô hình lúa – tôm, lúa – tôm – cá, lúa – tôm – cua…cần nguồn nước ngọt quanh năm. Do đó, người nông dân lo lắng việc xuất hiện loại cá lau kiếng ở kênh, rạch, ao hồ sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho hoa màu và các loại cá, tôm, cua…
Theo ngành chuyên môn, cá lau kiếng thuộc loại cá cảnh, khi phát tán ra môi trường, chúng dễ thích nghi với môi trường sông nước. Cá có khả năng sinh sản quanh năm, tỷ lệ cá con sống khoảng 70% và có thể sống mà không cần đến thức ăn suốt 1 tháng. Điều đáng lo ngại là cá lau kiếng mẹ hay cá lau kiếng con đều có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt, làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển. Nguy hiểm hơn, do cá thích nghi mạnh nên chúng lấn át sinh vật bản địa, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái. Đây là loài cá không mang lại giá trị kinh tế. Chúng không kém gì loài ốc bươu vàng sản sinh và phát tán nhanh để phá hại cây trồng, đe dọa đến cân bằng sinh thái.
Trước tình trạng trên, tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo nông dân khi phát hiện cá lau kiếng cần tiêu diệt ngay để hạn chế khả năng sinh sôi, lan rộng ra môi trường. Trước mắt, nhằm bảo vệ cho khoảng 30.000 ha lúa – tôm đang gieo cấy vụ này, trước khi bơm nước vào đồng ruộng, bà con nên dùng lưới chặn, các vật dụng ngăn không cho cá lau kiếng xâm nhập vào ruộng; đồng thời thường xuyên xử lý ao hồ, kênh rạch không để chúng sinh sản ra diện rộng.
Bảo Trân