Hội hoạ thời Phục Hưng là đỉnh cao của hội hoạ, là bước ngoặt của nền mĩ thuật thế giới, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển nhiều lĩnh vực như: tìm ra chất liệu sơn dầu, phát triển bộ môn giải phẫu tạo hình, luật xa gần, phối cảnh, hình hoạ, nhiếp ảnh… Là nơi sản sinh ra rất nhiều nhân tài nghệ thuật, nhiều hoạ sĩ nổi tiếng, nhiều tác phẩm để đời cho cả thế giới. Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu hai kỹ thuật vẽ tranh bích họa thời Phục Hưng.
Lịch sử tranh bích họa
Tranh bích họa trong nền nghệ thuật cổ điển đã tồn tại từ rất lâu, không có tài liệu cụ thể nào có thể chỉ rõ ra thời gian xuất hiện của nó. Nhưng từ rất sớm, thời kỳ văn minh Minoan (khoảng từ 2700-1450 TCN) hay thời kỳ La Mã cổ đại (như tại thành cổ Pompeii) người ta đã phát hiện ra rất nhiều di tích các bức tranh bích họa cổ.
Nghệ thuật tranh bích họa thời kỳ Văn hóa Phục Hưng Ý có thể coi là được phát triển rực rỡ nhất. Trong suốt hàng trăm năm từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16, những “người khổng lồ” như Cimabue (1240-1302), Giotto (1267-1337), Masaccio (1401-1428), Fra Angelico (1395-1455) hay Michelangelo (1475-1564) v.v. đều là những nghệ sĩ vẽ tranh bích họa nổi danh trong lịch sử nghệ thuật và tạo nên một trường phái nghệ thuật nổi tiếng bậc nhất.
Những tác phẩm tranh tường như “Sự phán xét cuối cùng” cùng với Genesis Fresco trên trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo được coi là tuyệt tác bích họa vĩ đại, đồ sộ nhất, hay tác phẩm “Học viện Athena” trong Phòng Raffaello tại Điện Tông tòa ở Vatican là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất bởi kỹ thuật điêu luyện, tinh tế.
Tuy nhiên, từ sau thế kỷ 16, tranh bích họa dần dần bị suy thoái, nhường chỗ cho tranh sơn dầu. Mãi cho đến nửa đầu thế kỷ 20, nhờ sự cố gắng của Diego Rivera cũng như một số bức tranh tại Mexico đã ngắn ngủi phục sinh lại kỹ thuật tranh bích họa này.
Kỹ thuật vẽ tranh bích họa phức tạp, yêu cầu kỹ năng xuất sắc của nghệ sĩ
Trong tiếng Việt, bích họa được đọc theo từ nguyên gốc Hán-Việt là “壁畫” có nghĩa đơn giản là “tranh tường” trong khi tiếng Hán hiện đại gọi là “thấp bích họa”, nghĩa là “tranh tường ướt”.
Danh từ “fresco” trong tiếng Ý (affresco) có nghĩa là “tươi/sống” hàm ý chỉ vữa ướt. Đối nghĩa là “secco” chỉ kỹ thuật vẽ trên vách trát vữa đã khô.
Bích họa, còn gọi là fresco, là tranh vẽ thực hiện trên một diện tích lớn, thường là tường vách hoặc trần nhà. Gọi là tranh “tường ướt” là vì người nghệ sĩ phải đem thuốc màu sau khi đã pha với nước, tô vẽ lên mặt vữa khi vữa còn ướt.
Ngày xưa, không có sẵn màu nước như bây giờ, các nghệ sĩ sẽ phải nghiền nát bột màu, sau đó hòa chung với nước, sẽ cho ra các loại màu khác nhau. Rồi đem màu kết hợp với vữa hồ, sau khi đông cứng lại, sẽ trở thành một phần chắc chắn của các bức tường. Bởi vì những bức tranh tường này rất bền, bề ngoài cũng không bị thay đổi nhiều, nên vẽ tranh tường đã trở thành một phương pháp mỹ thuật lý tưởng.
Có hai phong cách vẽ tranh tường, một là vẽ tranh tường ướt, được gọi là “buon fresco”, hai là kỹ thuật vẽ trên nền vữa đã khô, được gọi là “secco fresco”.
Kỹ thuật vẽ “buon fresco”
Kỹ thuật vẽ với vữa ướt được coi là có sức chịu bền tốt nhất.
Cách thức thực hiện như sau, đầu tiên cần chuẩn bị hai lớp vôi vữa và lớp cát (đôi khi sẽ cần thêm bột cẩm thạch) thoa sẵn trên tường, để tạo sẵn một lớp vữa thô, gọi là “rinzaffo”. Đợi lớp vữa trở nên khô và cứng, người nghệ sĩ liền có thể phác họa tranh lên tường, gọi là “arriccio”.
Cuối cùng, ở bước vẽ tranh, liền đem lớp vữa thứ ba được đánh kỹ, mịn và có độ bóng loáng hơn tráng lên mặt tường, gọi là “intonaco”. Sau khi lớp vữa này khô lại, buộc người nghệ sĩ sẽ phải cố gắng nhanh chóng hoàn thành lượng công việc trong thời gian một ngày.
Đặc biệt, phải chú ý, ở những vị trí dọc theo các đường của lớp vữa mới, cần phải cẩn thận vẽ các đường ranh giới sao cho nhìn không ra lớp vữa.
Nếu lớp ngoài được chỉnh tốt, vậy thì sẽ có thể giữ nước trong vài giờ. Khi họa sĩ dùng màu nước để vẽ, màu nước sẽ thấm vào lớp trát vữa, cùng với lớp cát và lớp vôi vữa kết hợp lại. Đợi sau khi lớp hỗn hợp này khô lại, sẽ có thể giữ lớp màu được lâu mà không sợ bị phai đi, bởi vì nó cùng với lớp mặt tường trở thành một.
Với kỹ thuật vẽ tranh tường ướt, loại chất liệu này đặt ra yêu cầu rất cao đối với tay nghề, kỹ năng của các họa sĩ. Bởi phải nhân lúc lớp trát còn chưa kịp khô, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy mà nhanh chóng thực hiện công việc, hơn nữa loại vẽ này còn không thể xóa hay sửa lại.
Cũng bởi vì tốc độ lớp trát khô rất nhanh nên người nghệ sĩ phải lên kế hoạch cho bức tranh thật rõ ràng, tỉ mỉ và chi tiết. Họ phải tính toán chắc chắn lượng công việc của một ngày, một ngày có thể vẽ bao nhiêu, diện tích ra sao mà chuẩn bị lớp trát vữa cho phù hợp.
Bởi các đường nối giữa mỗi lớp là có thể nhận ra rõ ràng, điều này cũng giúp họa sĩ có thể dễ dàng hơn trong việc suy xét, tính toán thứ tự từng mảng tranh vẽ. Như vậy cũng giúp cho người họa sĩ có thể phán đoán ra lượng thời gian thích hợp để hoàn thành toàn bộ bức tranh.
Vốn là công việc yêu cầu tốc độ, nhưng điều các họa sĩ chú ý không chỉ là làm sao cho một ngày có thể hoàn thành phần tranh nhiều nhất, mà còn phải tìm cách để vẽ vừa có thể nhanh lại càng phải tinh mỹ, hạn chế các lỗi sai, tránh sau này phải áp dụng phương pháp “secco”, vẽ trên nền vữa khô.
Phương pháp vẽ trên nền vữa khô, hay còn gọi là “secco fresco”
Loại kỹ thuật sử dụng nguyên liệu chính là hỗn hợp lớp trát vữa ướt để vẽ và đắp. Đợi lớp vữa khô rồi quét một lớp nước vôi làm ướt, nhân lúc nó còn đang ẩm liền vẽ lên. Cách thức này thì màu nước sẽ không thấm vào bên trong lớp trát vữa được, tuy nhiên nó cùng với nước sơn sẽ hòa quyện lại, tạo thành một lớp film mỏng bên ngoài.
“Secco” là kỹ thuật được cải biến từ phương thức “buon fresco”, vẽ trên nền vữa ướt, và so với cách thức chân chính ban đầu thì cũng có phần kém hơn. Tuy nhiên lại được giới nghệ sĩ ngày nay ưa chuộng hơn vì có thể dễ dàng sửa bức tranh, cũng như thường được họa sĩ ngày xưa dùng để sửa chữa những lỗi sai trên bức tranh của họ.
Theo Epochtimes.com
Clip hay:
videoinfo__video3.dkn.tv||992717e50__
Your browser does not support the video tag. Please upgrade to lastest version
Ad will display in 09 seconds