Phong trào bích họa ở Hà Nội đã lan về xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng – Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Khởi đầu từ con đường gốm sứ ven sông Hồng năm 2010, phong trào bích họa trang trí đường phố bằng hội họa ngày càng rầm rộ ở thủ đô.
Nghệ thuật hay thích gì vẽ nấy?
Lần lượt những bức bích họa đã len lỏi vào phố nhỏ ngõ nhỏ của các khu dân cư ngõ 78 đường Duy Tân, ngõ 136 Hồ Tùng Mậu, khu tập thể ở chùa Láng, ngõ 68 phố Yên Phụ, trên tường của Trường THPT Phú Thượng (quận Tây Hồ)…
Phong trào bích họa về tận các làng quê. Năm 2017, công trình làng bích họa với những bức bích họa dọc tuyến đường chính trong làng Đông Khê, xã Đan Phượng đã được hoàn thành.
Những bức tranh vẽ hoa lá hay cổ động bảo vệ môi trường… chưa thể nói là đẹp nhưng cũng làm vui xóm làng. Vài tháng trước, thôn Đoài Khê cạnh bên hoàn tất những bức vẽ trên tường nhà, cột điện dọc con đường chính trong làng.
Phong trào bích họa ở Hà Nội đã lan về xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng – Ảnh THIÊN ĐIỂU
Mấy năm qua, tại nhiều xóm phố, ngôi làng ở Hà Nội, người ta vẽ đủ thứ, từ chim, hoa, cá, cảnh, cổng làng, bờ ao, giếng nước, tháp rùa, tranh cổ động tuyên truyền bảo vệ môi trường hay sinh đẻ có kế hoạch, chép cả thơ ca hò vè…
Lác đác một số người trong giới hội họa, kiến trúc, các nhà quản lý và công chúng bắt đầu tỏ ra lo lắng về xu hướng “loạn sắc màu” này ở Hà Nội.
Như cảm nhận của họa sĩ Nguyễn Bá Kiên khi cho rằng bích họa ở Hà Nội chỉ vài nơi là đẹp, còn nhiều nơi trông nham nhở.
Nếu một lần nhìn những bức tường lem nhem, được vẽ bằng vôi, được bồi đắp thêm những khẩu hiệu kiểu như: “Hạnh phúc gia đình, đầm ấm yêu thương, sinh đẻ kế hoạch” tại một ngõ ở quận Bắc Từ Liêm, người xem có thể thông cảm với nỗi bức xúc của họa sĩ Nguyễn Bá Kiên – dù rất trân trọng thịnh tình của người vẽ khi tự bỏ tiền mua vật liệu, tự tay kẻ vẽ những bức “bích họa” này.
Nhiều bạn trẻ thích thú với đoạn phố bích họa Phan Đình Phùng nhưng cũng có ý kiến cho rằng các bức vẽ này làm ảnh hưởng vẻ thanh lịch, trầm mặc của con phố – Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bôi xanh, bôi đỏ làm bẩn thành phố
Ngay cả với những tác phẩm do các họa sĩ vẽ (theo đơn đặt hàng) cũng chưa chắc tránh được tranh luận “có thảm họa hay không” từ cộng đồng. Bích họa trên phố Phan Đình Phùng đang sắp hoàn thành là một ví dụ.
Được vẽ bởi các họa sĩ chuyên nghiệp theo đơn đặt hàng của Trường THPT Phan Đình Phùng, những bức bích họa này có ý tưởng muốn vẽ lại một Hà Nội từ cổ kính tới hiện đại, và tay nghề hình họa chấp nhận được ở mức một dự án bích họa.
Một phức bích họa trên phố Phan Đình Phùng thậm chí “tái hiện” tranh Phố Phái, bao gồm cả chữ ký – Ảnh THIÊN ĐIỂU
Tuy nhiên, dự án lại khiến một số người yêu con phố này phản ứng. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến – người viết nhiều về Hà Nội – chia sẻ Phan Đình Phùng là con phố rất đẹp với vỉa hè rộng, ba hàng sấu cổ thụ ôm phủ xanh thẳm cả con phố, những cổng thành, biệt thự Pháp cổ…
Đặc biệt, mùa tháng năm tháng sáu, hoa sấu rụng xanh biếc mặt vỉa hè, đã quá đẹp, không cần có thêm những bức bích họa nữa.
Ông phân tích: cách bức tường tranh này không xa là cửa Bắc của thành Hà Nội, một dấu tích cổ xưa. Dấu tích ấy cần một không gian xung quanh thoáng đạt, có màu của thời gian. Xếp vào đó một bảng màu rất mới, hiện đại là không ăn nhập với nét thanh lịch, trầm mặc của con phố.
Hỏi về bích họa ở Hà Nội, họa sĩ Trần Khánh Chương – chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chủ tịch Hội đồng trang trí đường phố Hà Nội – thẳng thắn cho rằng sự nở rộ của phong trào bích họa gần đây khiến nhiều người không khỏi nghĩ ở một số nơi người ta cứ thấy có tường là vẽ.
Tệ hơn, hầu hết những con phố, ngõ, xóm bích họa này không có nội dung, ý tưởng, người vẽ thích thế nào thì vẽ thế ấy.
“Bích họa” tại ngõ Ao Dài, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội – Ảnh THIÊN ĐIỂU
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn vừa trở về từ một festival Mural art (bích họa) ở Mỹ và thấy rằng những gì anh thưởng thức hoàn toàn khác với bích họa ở Việt Nam.
Là một trong những người làm dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng, anh chia sẻ thêm bích họa là nghệ thuật tranh tường, khác với nghệ thuật đường phố (Street art) hay nghệ thuật công cộng (Public art), là những khái niệm rộng hơn, khi có sự kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác như sắp đặt, nhiếp ảnh, phù điêu, trò chơi…
Nhưng với cả khái niệm bích họa thì ở Việt Nam, theo họa sĩ Thế Sơn, cũng không thật chuẩn.
“Bích họa” tại ngõ Ao Dài, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội – Ảnh THIÊN ĐIỂU
Tránh “kéo lùi thị hiếu”, “ô nhiễm thị giác”
Không phản đối bích họa, nhưng họa sĩ Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm) cho rằng bích họa ở nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu bàn tay của người có chuyên môn tham gia. Ông lo lắng nếu “phong trào” phát triển mạnh thì việc “ô nhiễm thị giác” và “kéo lùi thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng” có thể là điều không thể tránh khỏi.
Họa sĩ Trần Khánh Chương có chung lo lắng này. Theo ông, Hà Nội đang có tốc độ xây dựng mạnh mẽ, nhiều chỗ ngổn ngang, đường phố chật hẹp, vì vậy việc đặt tranh gì vào đâu phải hết sức thận trọng, rất cần sự quy hoạch, quản lý chứ không thể thả nổi.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng cho rằng bích họa là cần thiết để làm thành phố rạng ngời hơn, nhưng cần lưu ý vẽ ở đâu, vẽ cái gì. Vì vậy rất cần sự tham gia của người có chuyên môn và nhà quản lý.
Phong trào bích họa ở Hà Nội đã lan về xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng – Ảnh THIÊN ĐIỂU
Trong khi đó, ông Tô Văn Động, giám đốc Sở Văn hóa, thể thao Hà Nội, khá trăn trở về sự bùng nổ của bích họa ở Hà Nội. Ông cho biết hiện Sở không có trách nhiệm cấp phép cho những dự án bích họa nhỏ lẻ ở các ngõ phố, xóm làng mà chỉ cấp phép cho những dự án bích họa lớn như
Con đường gốm sứ, phố bích họa Phùng Hưng, bích họa trên phố Phan Đình Phùng. Nhưng theo ông, ngay cả những dự án bích họa nhỏ trong cộng đồng vẫn cần có sự tham gia của chính quyền địa phương để kiểm soát nội dung, tuy không đến mức gọi là quản lý.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín
(chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật TP.HCM):
Người vẽ cần có chuyên môn, am hiểu kiến trúc và môi trường
Muốn có những bức bích họa đẹp, người vẽ phải được đào tạo về trình độ hội họa chuyên môn, am hiểu kiến trúc và môi trường.
Trong trường hợp những bức bích họa ở làng chài Tam Thanh (tỉnh Quảng Nam), sở dĩ những bức tranh ấy mang lại nhiều cảm xúc đẹp cho người xem là bởi chúng phù hợp với khung cảnh bãi cát, bờ biển xung quanh.
Thế nhưng khi đặt chúng vào bối cảnh ở TP.HCM nhốn nháo đường dây điện, nhà cao tầng… những bức bích họa đó lại càng làm đường phố nhếch nhác hơn.
Để tránh tình trạng vẽ bích họa dần mang tính “phong trào” và kém chất lượng, tôi cho rằng trước khi bắt tay vào thực hiện, các đơn vị nên tham khảo ý kiến của họa sĩ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cân nhắc mời họa sĩ nào để tư vấn, vì thông thường người họa sĩ chỉ làm việc trên mặt phẳng, trong khi đó, bích họa là câu chuyện của cảnh quan đường phố, môi trường, không gian sống.
Mai Thụy ghi
Đừng nhân danh trang trí đường phố rồi tạo ra ‘thảm họa’