Ngoài những điều này, bé 5 tháng tuổi còn đạt được những mốc phát triển nào khác? Mẹ ơi, cùng MarryBaby khám phá nhé!
Sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi
1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của trẻ 5 tháng tuổi
Nhiều mẹ thắc mắc trẻ 5 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg? Trung bình trẻ 5 tháng tuổi tăng khoảng 500g và dài thêm khoảng 2cm so với tháng trước.
Nếu muốn biết trẻ 5 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg, mẹ có thể tham khảo thêm từ bảng chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh theo chuẩn WHO nhé.
Một số bé trọng lượng đã tăng gấp đôi so với lúc mới sinh ở giai đoạn 4 tháng tuổi. Nhưng với những bé khác, mãi khi 5 tháng tuổi bé mới đạt được điều này.
2. Sự phát triển giác quan của trẻ 5 tháng tuổi
Đặc biệt, đối với trẻ 5 tháng tuổi, thế giới sẽ trở nên sống động hơn với sự hoàn thiện dần của các giác quan như vị giác, thị giác và thính giác. Đây cũng là các giác quan chính giúp bé khám phá mọi vật xung quanh khi bước vào giai đoạn này.
Vị giác
Bé cưng sẽ cho mọi thứ vào miệng. Bởi miệng là nơi tập trung nhiều điểm kết thúc của dây thần kinh nhất trong cơ thể. Đây sẽ là cơ quan tuyệt vời giúp bé thu nhận các cảm giác khi tiếp xúc với các đồ vật xung quanh. Thỉnh thoảng, mẹ còn thấy bé liếm cả giường, ghế ăn hay cố cho tay, chân vào miệng.
Vì đây là cách tự nhiên nhất để trẻ 5 tháng tuổi có cơ hội khám phá mọi thứ, mẹ nên để con thoải mái làm điều mình thích. Điều mẹ cần chú ý nhất trong lúc này là giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tẩy rửa đồ chơi thường xuyên. Bên cạnh đó, mẹ cũng nhớ rửa chân, rửa tay cho bé bằng xà bông và nước sạch để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. À, mẹ cũng nhớ để các vật sắc nhọn, các vật nhỏ dễ ngậm nuốt, các vật chứa hóa chất độc hại tránh xa tầm tay bé nhé.
Thế giới mới mẻ khi thị giác phát triển
Với sự phát triển của thị giác, trẻ 5 tháng tuổi đã có thể nhìn thấy những đồ vật nhỏ và nhìn rõ những vật ở xa. Đồng thời, bé có thể theo dõi chúng chuyển động.
3. Nói theo cách của mình
Không chỉ bập bẹ, bé đã bắt đầu phát ra rất nhiều kiểu âm thanh khác vào “ngôn ngữ” của mình. Mẹ có thể thấy bé đang “gầm gừ”, rít lên hoặc hét thật to. Bé cũng rất mê mẩn trò phun nước bọt (phun mưa). Những điều này sẽ lặp đi lặp lại vì bé cảm thấy thật thú vị.
4. Trẻ 5 tháng tuổi tập ngồi
Hoạt động của bé trong suốt những tháng vừa qua đã giúp các cơ bắp trở nên mạnh mẽ hơn. Bé không còn xa lạ với việc nằm sấp, lật người hay lăn từ vị trí này đến vị trí khác. Bé yêu cũng đang học cách nâng người để ngồi dậy.
Phần lớn các bé có thể ngồi với sự trợ giúp của một chiếc ghế đặc biệt hoặc tựa vào lòng ba mẹ. Một số ít trẻ có thể ngồi vững khi được 5 tháng tuổi.
5. Những tràng cười giòn tan
Khi mẹ thử kéo môi, hóp má hay chơi ú òa cùng con, bé có thể bật ra những tràng cười khanh khách. Các tháng trước, bé chỉ cười mỉm mà chưa tạo ra được chuỗi âm thanh giòn giã đáng yêu này. Có thể bé cũng đang cố gắng chọc cười mẹ đấy. Mẹ có thấy con đáng yêu đến mức khó tả không?
>> Mẹ có thể xem thêm: 10 cách đùa vui với bé mỗi ngày
6. Các mốc phát triển quan trọng của trẻ 5 tháng tuổi
Kế thừa các cột mốc ấn tượng ở giai đoạn 4 tháng tuổi, mẹ sẽ không hề thất vọng khi chứng kiến sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi.
Vậy trẻ 5 tháng tuổi biết làm gì? Mời mẹ tìm hiểu ngay thông tin dưới đây.
- Hiểu được sự tồn tại của vật thể:
Lúc này, nhận thức về sự tồn tại của đồ vật ở trẻ 5 tháng tuổi vẫn chưa được hoàn thiện. Nhưng bé có thể hiểu rằng khi cất một đồ vật hay để nó ở vị trí mà bé không nhìn thấy, đồ vật đó vẫn tồn tại và không hề biến mất.
- Phân biệt lạ quen:
Trong giai đoạn này, trẻ 5 tháng tuổi bắt đầu “biết sợ”, thậm chí khóc thét khi gặp một người lạ nào đó. Với những trường hợp này, mẹ nên chủ động xoa dịu bé bằng cách ôm ấp và nhẹ nhàng thủ thỉ để giúp bé bình tâm lại. Để chăm sóc trẻ 5 tháng tuổi, mẹ cần thêm rất nhiều kiên nhẫn và sự thấu hiểu.
-
Biết mình tên gì:
Suốt 5 tháng qua, bé đều nghe mẹ và mọi người xung quanh gọi tên bé mỗi ngày. Bé trở nên quen thuộc và dần nhận ra đâu là tên gọi gắn liền với mình. Nhận thức đó dường như rõ ràng hơn khi bé đủ 5 tháng tuổi. Lúc này, chắc chắn khi nghe gọi tên, bé sẽ quay về hướng của người gọi ngay lập tức.
- Phản ứng với âm thanh bằng cách tạo ra âm thanh: Nếu bạn nói chuyện với bé, bé sẽ trả lời bằng cách mấp máy miệng, lưỡi để tạo ra những âm thanh. Âm vực trong giọng điệu của bé cũng có thể lên cao hay hạ xuống y như con đang thực sự trò chuyện với bạn.
- Sử dụng giọng nói và vẻ mặt để thể hiện niềm vui và sự không hài lòng: Bé thay đổi âm vực trong giọng nói để biểu thị cảm xúc. Bé sẽ thể hiện niềm vui bằng cách ré lên với mặt vui sướng hoặc khóc hay hét với vẻ mặt khó chịu khi không hài lòng.
- Biết bập bẹ một chuỗi dài: Bé biết bập bẹ một chuỗi các phụ âm như “ba-ba-ba” hoặc “ma-ma-ma” liên tục.