Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ), sinh ra ở xứ Ngã Bảy dưới Hậu Giang, đang ấp ủ viết cuốn sách về văn hóa rượu Nam Bộ. Đầu năm, phóng viên Tiền Phong trò chuyện cùng ông.
Trọng lễ
Uống rượu để kết giao bạn bè tứ xứ nhằm đùm bọc, bảo vệ nhau, có phải đó là đặc điểm của rượu Nam Bộ?
Đúng vậy, nhưng còn một đặc điểm khác nữa là để tăng thêm sức đề kháng cho bản thân. Vùng đất “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” rồi muỗi mòng, rắn rết, tai ương chướng khí đủ thứ hiểm nguy, cần hơi rượu để tăng thêm dũng khí, gan góc khai hoang lập ấp. Hơn nữa sản vật Nam Bộ phong phú, nói theo dân nhậu là nhiều “mồi bén”; cá, cua, rùa, rắn, rau, trái quanh năm cứ với tay xung quanh là có, ăn như thế phải có rượu mới đã, cho dễ tiêu hóa và cũng dễ bày tiệc rượu. Rượu trở thành rượu tình, rượu lễ trong đời sống.
Rượu lễ Nam Bộ có gì khác với nơi khác?
Uống rượu trên ghe xuồng hay ở ruộng vườn cũng phải làm lễ. Trước khi uống, rót một ly rưới xuống sông mời Hà Bá uống trước, trong vườn thì mời Thần Đất. Đất có Thổ Công sông có Hà Bá mà, sau khi mời người khuất mặt khuất mày, người ngồi quanh mâm mới được uống.
Lễ để có thần linh tham gia nên tiệc nghèo chỉ cóc ổi cũng trang trọng. Phong tục này, tôi không thấy ở các vùng khác. Cũng vùng đất này, viếng đám ma, người ta cầm ly rượu đến trước quan tài khấn để uống với người quá cố, chúc người ra đi thanh thản rồi đổ nửa ly xuống đất hoặc vào bát nhang, nửa còn lại người khấn uống.
Cúng đình thì phải một tuần rượu mới ba tuần trà; dạm hỏi cưới xin, nhà trai phải có mâm rượu dâng lên bàn thờ tổ tiên nhà gái và mời bà con nhà gái. Rượu lễ Nam Bộ là chuộng rượu nhưng vẫn trọng lễ.
Uống rượu trên ghe xuồng, ly rượu thương hồ còn phát triển thương mại?
Thương hồ tứ xứ chiều đậu bến sông, thường dùng ly rượu để ngồi với nhau. Ly rượu thương hồ trước hết là để khuây nỗi buồn xa xứ, sau mới nói chuyện làm ăn, hẹn gặp lần sau dành cho nhau sự mua bán thuận lợi.
Rượu thương hồ góp phần hình thành tình nghĩa cộng đồng chợ nổi, làng xóm ven sông, khu chợ. “Bắt con cá lóc nướng trui/Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa”.
Vật thiêng
Như thế uống rượu phải biết cách?
Miền ngoài có câu “cầm kỳ thi họa”, vào đến Nam Bộ thành “cầm kỳ thi tửu”. Cuộc sống phải có rượu, từ lễ hội cộng đồng đến sinh hoạt gia đình. Uống rượu như thế có luật lệ nên phải biết mới tham gia được.
Soạn giả Nhâm Hùng
Soạn giả Nhâm Hùng
Rượu cha ông ta chế ra từ hàng nghìn năm trước, dùng để tế trời đất, thần linh, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, “vô tửu bất thành lễ”, và rượu kết nối nghĩa tình thì làm sao lại xấu được! Theo tôi, bản chất của rượu là vật thiêng.
Soạn giả
Nhâm Hùng
Vào mâm phải bầu chủ xị là người tửu lượng khá, biết cách duy trì mâm rượu vui vẻ. Bầu dân chủ, tất cả đồng ý mới được làm chứ có người không đồng ý là không được làm.
Uống vui vẻ là uống sòng phẳng, kính trọng người lớn tuổi, châm chước người sức yếu, nói chuyện cười đùa không đụng chạm đến ai. Trong mâm rượu, những miếng ngon như đầu gà, phao câu vịt, bộ lòng cá lóc phải mời người lớn tuổi. Uống rượu cũng phải mời người lớn tuổi trước.
Có phải rượu Nam Bộ còn gắn liền với đờn ca tài tử?
Không có mâm rượu thì không có đờn ca tài tử. Có ban đờn ca tài tử nào khi sinh hoạt mà chỉ uống nước trà đâu.
Tại sao vậy?
Đờn ca tài tử giàu chất bác học và đậm chất dân gian, phải khổ công rèn luyện mới đờn ca được, nếu không có hơi rượu thường không dám thể hiện, nhất là người mới vào nghề. Có vài ly sẽ hưng phấn, không còn e dè gì nữa, dám thể hiện hết mình, lúc ấy đờn ca say sưa.
Nên có người phải uống rượu mới đờn được, uống lâng lâng là trở thành “thần tấu” nhịp phách không chê được. Cho nên đờn ca tài tử đi liền với mâm rượu, uống vài vòng rồi mới chơi, biểu diễn hay còn được thưởng thêm ly, người ngồi nghe cũng uống, càng lúc càng thân tình, ngọt ngào, say đắm.
Các vở cải lương ngày trước thấy có những đoạn rất hay về rượu?
Vở cải lương nào cũng có đoạn đối ẩm để tình tự, bày tỏ nỗi niềm. Nổi tiếng như đoạn Trần Minh thi đậu trạng nguyên, về gặp người bạn thuở cơ hàn Nhuận Điền còn là nông dân nghèo, trong vở “Bên cầu dệt lụa” của Thế Châu. Về đến đầu làng, Trần Minh cởi áo trạng nguyên giao lính hầu giữ, mặc áo rách, ghé quán nghèo mua rượu, một mình đến nhà Nhuận Điền để “kính rượu đại huynh”.
Lúc ấy Nhuận Điền hỏi: “Giờ là trạng nguyên mà vẫn uống được rượu quán nghèo ngày xưa?”. Trần Minh đáp: “Uống chớ đại huynh! Tuy rượu quán nghèo nhưng nồng nàn hương vị/Xin kính cẩn tay nâng mời tri kỷ, mượn chén rượu ngày xưa cho tròn vẹn thâm … tình”.
Trần Minh nói tiếp như thế này: “Rượu lạt trạng nguyên thì đệ chỉ xin dám uống một mình/Đâu dám rót làm bẩn môi người nghĩa khí/Xin gởi vào đây bằng hương vị của ngày xưa/Cởi áo mão cân đai gởi cho quân hầu cận/Mặc nguyên áo cơ hàn để mừng bạn tương tri/Vậy rượu tương phùng đại huynh hãy uống đi/Uống chén rượu hôm nay mà nhớ ngày đưa tiễn”.
Thưa ông, rượu như thế đâu có xấu?
Rượu cha ông ta chế ra từ hàng nghìn năm trước, dùng để tế trời đất, thần linh, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, “vô tửu bất thành lễ”, và rượu kết nối nghĩa tình thì làm sao lại xấu được! Theo tôi, bản chất của rượu là vật thiêng.
Uống đẹp
Nói đến cải lương, hình như mấy chục năm gần đây không có chuyện uống rượu đẹp như ngày trước?
Ờ, không có thật. Để tôi suy nghĩ nào, cả trong phim cũng hầu như không có được đoạn nào hay như trước. Có đề cập chuyện uống rượu nhưng chủ yếu nói xấu rượu, không đề cao văn hóa rượu, còn đem rượu ra để nói xấu nhau.
Những đoạn cải lương hay về rượu trước đây, thấy cách uống rất sang trọng, còn giờ thì thế nào?
Trong cải lương xưa, vua chúa uống rượu có cung nữ múa rồi dâng rượu lên. Các quan thì ngồi uống từ tốn, có quy tắc, có nghệ thuật. Nay ở ta, nhiều vị làm quan uống với cấp trên thì quá nhiệt tình đến mức xun xoe, uống với nhau thì xả láng, uống với dân thì giả dối, cầm ly rượu đi mấy vòng không cạn.
Bây giờ tôi thấy chủ yếu quan uống với quan, lính uống với lính, dân uống với dân. Ba thứ bậc ấy có uống rượu với nhau thì cũng gượng ép, ít có mục đích thanh cao, nên khó xây dựng được hình tượng nghệ thuật như Trần Minh cởi áo trạng nguyên để uống rượu với bạn thuở cơ hàn.
Có người phê phán tuổi trẻ hiện nay uống rượu bê tha, ông thấy thế nào?
Hồi trước tôi không thấy nhà giáo say rượu, bá vai bá cổ học trò như bây giờ. Đạo đức xã hội xuống cấp, không nên chỉ trách tuổi trẻ.
Xã hội cần có những tấm gương uống rượu đẹp cho tuổi trẻ noi theo.