Xử phạt việc ép buộc uống rượu, bia: Đừng để chính sách trôi qua nhạt nhẽo

Phóng viên

– 07/10/2020 | 16:30 (GTM + 7)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đường Phạm Văn Đồng qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức đang được giới trẻ biết đến là “khu phố ăn nhậu” với nhiều quán như những bar club lộ thiên trên vỉa hè. Ảnh: Pháp luật TPHCM

Đường Phạm Văn Đồng (con đường tiếp giáp giữa các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức TPHCM) – vài năm trở lại đây được mệnh danh là “thiên đường mới của dân nhậu” với hàng loạt quán nhậu từ bình dân đến cao cấp, từ những quán vỉa hè đến những beerclub náo nhiệt. Mặc dù là ngày đầu tuần song các quán nhậu ở đây vẫn rất tấp nập. Bên ngoài xe máy dựng kín vỉa hè, còn bên trong quán số lượng bàn trống là không nhiều, tiếng cười nói cụng ly hết sức rôm rả.

Hỏi ra mới biết có hàng trăm lý do để người ta tìm đến bia rượu:

“Lâu lâu anh em bạn bè tụ tập là chuyện bình thường, nó giống như bữa cơm gia đình vậy thôi”.

“Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu mà kết thúc môn học cũng nhậu. chia tay cũng nhậu, tân niên, tất cả các dịp các bạn đều có thể nhậu hết”.

“Tối ra quán chơi nhậu với bạn bè mới uống nhiều. Chú mà ra quán ngồi với bạn một đêm có khi uống mấy thùng luôn, tại nó vui, vì có bạn bè nói chuyện này nọ mới uống được”.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm rượu bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người. Còn tại Việt Nam, rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49.

Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia ở độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.

Mỗi năm rượu bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người

Để giảm thiểu tác hại của rượu bia, vào năm 2019, Luật phòng chống tác hại của rượu bia với 7 chương và 38 điều đã được Quốc hội thông qua. Cũng trong năm 2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 100 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 117/2020 về quy đinh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng bao gồm nhiều nội dung nhằm hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của rượu bia.

Môt trong những nội dung nhận được nhiều sự chú ý trong Nghị định 117 lần này chính là đề ra những mức chế tài, xử phạt cụ thể từ 1 – 3 triệu đồng đối với các hành vi rủ rê, lôi kéo, xúi giục, kích động hay ép buộc người khác uống rượu bia.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM thì đây là một hành lang pháp lý quan trọng trong bối cảnh người sử dụng rượu bia ở nước ta ngày một nhiều và không ít người phải tham gia các cuộc nhậu chỉ vì bị rủ rê, lôi kéo, kích động thậm chí là bị ép buộc:

 

“Tôi cho rằng đây là một cơ sở pháp lý quan trọng và sẽ được thực hiện trong cuộc sống. Những mức chế tài này sẽ có tác dụng hạn chế các vụ tai nạn giao thông cũng như hạn chế những nếp sống thiếu văn hóa bị phê phán trong thời gian qua. Trong quá trình xây dựng đất nước thì việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong công sở, trong cuộc sống là điều rất cần thiết vì vậy rất cần những chế tài này, ai không thực hiện đều phải được xử lý nghiêm minh, cho dù đó là ai”.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia JICA – Tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng đây là cơ sở cần thiết để kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia thái quá của một bộ phận người Việt:

 

“Vui với nhau chừng 1 2 ly thì rất là vui, có tác dụng tích cực, nhưng mà uống như người VIệt Nam là để say xỉn tới mức mất kiểm soát, mất ý thức thì sẽ gây nhiều tác hại không chỉ cho an toàn giao thông mà còn nhiều hệ lụy khác. Vì vậy, những chế tài hành chính, quy định để cấm hoặc hạn chế việc sử dụng rượu bia là cần thiết và tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Cũng tỏ ra đồng tình với các chế tài cụ thể được nêu trong Nghị định 117 lần này, song điều khiến tiến sĩ Đoàn Văn Báu – giảng viên trường Đại học An ninh TPHCM quan tâm chính là tính khả thi của quy định này khi triển khai vào thực tế. Lấy ví dụ về việc cấm hút thuốc nơi công cộng, dù đã được ban hành khá lâu nhưng trên thực tế gần như không phát huy được hiệu quả vì không rõ được các tổ chức, cá nhân xử lý các vi phạm này. Tiến sĩ Đoàn Văn Báu đặt vấn đề:

 

“Tôi đang tự hỏi nếu bây giờ có người kích động tôi uống rượu bia thì tôi phải báo cáo hành vi đó với ai? Tôi cho rằng khi ban hành 1 quy định nào đó thì cần mang tính bao quát lẫn tính cụ thể, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan đơn vị và chủ thể nào đứng ra xử lý như vậy mới đi vào thực tế và hiệu quả. Còn nếu chúng ta cứ coi quy định này như bao quy định khác, cứ cấm cứ phạt nhưng không ai phạt cả thì người dân sẽ nhờn luật và chắc chắn sẽ không hiệu quả.”

Xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng đối với các hành vi rủ rê, lôi kéo, xúi giục, kích động hay ép buộc người khác uống rượu bia

Không cần phải tranh luận nhiều về sự cần thiết của các quy định được nêu trong Nghị định 117/2020 mà Chính phủ vừa ban hành, song như lo ngại của nhiều chuyên gia thì việc chưa có hướng dẫn nhận diện cụ thể các hành vi vi phạm cũng như chưa cụ thể hóa từng cá nhân, tổ chức trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm sẽ dễ khiến quy định này đi vào “vết xe đổ” của nhiều quy định trước đó.

Đây cũng là nội dung bài bình luận với tiêu đề “Xử phạt hành vi rủ rê, xúi giục, kích động, ép buộc người khác ưống rượu bia – đừng để chính sách trôi qua nhạt nhẽo”.

 

Nếu như ở các quốc gia phát triển như Úc, Bắc Mỹ hay Châu Âu thị trường tiêu thụ bia rượu tăng chậm thậm chí ở mức âm thì ở Việt Nam doanh số tiêu thụ bia rượu những năm qua lại tăng chóng mặt. Doanh thu được ghi nhận ở các công ty, tập đoàn sản xuất bia rượu nước ta mỗi năm tăng đến vài chục ngàn tỷ, giúp cho Việt Nam luôn đứng ở top đầu khu vực lẫn thế giới về tiêu thụ bia rượu.

Dưới góc độ kinh tế thì bia rượu đã và đang đóng góp rất lớn cho tăng trưởng của nước ta, và các nhà đầu tư luôn xem đây là mảnh đất màu mỡ với dư địa tăng trưởng mỗi năm lên đến 5%. Tuy nhiên ở một góc độ khác, bia rượu nói riêng và các chất có cồn nói chung đã và đang để lại những hậu quả khủng khiếp đối với sức khỏe lẫn tính mạng con người cũng như những hệ lụy tiêu cực đến kinh tế xã hội của đất nước.

Rượu bia là nguyên nhân của hơn 30 loại bệnh tật và gián tiếp cấu thành gần 200 loại bệnh khác, đứng hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm. Ngoài ra, rượu bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề kinh tế – xã hội nghiêm trọng khác như: ẩu đả, bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, gia tăng các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, suy giảm năng suất lao động. Do đó, việc phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia là một yêu cầu cần thiết đã được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện… trong đó có việc cần thiết ban hành Luật và các quy định cụ thể trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Việc ban hành Nghị định 117/2020 về quy đinh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và trước đó là Luật phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 được xem là những cơ sở pháp lý quan trọng với các biện pháp chế tài mạnh mẽ được trông chờ sẽ góp phần từng bước hạn chế gánh nặng do lạm dụng rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Các mức chế tài xử phạt về các hành vi liên quan đến sử dụng rượu bia đã được nâng cao hơn so với các quy định trước đó là điều đáng mừng, nó cho thấy sự cứng rắn của các cơ quan làm luật. Tuy vậy, việc chưa nêu rõ được các chi tiết để nhận diện các hành vi rủ rê, xúi giục, kích động, ép buộc hoặc phân biệt cụ thể được thời điểm thực hiện hành vi và nhất là chưa “chỉ mặt đặt tên” cụ thể các tổ chức, cá nhân có quyền kiểm tra, xử lý vi phạm khiến câu chuyện dường như đang bị “bỏ ngỏ”.

Từ trước đến nay đã có rất nhiều quy định, chế tài được đưa ra để xử lý xử phạt các hành vi liên quan đến sử dụng rượu bia, song mẫu số chung của các quy định này này sự thiếu hiệu quả vì không đủ tính răn đe lẫn các công cụ và nhân lực xử lý. Sự ra đời của Nghị định 117 lần này dù nhận được nhiều hưởng ứng tích cực song cũng không nằm ngoại “sự nghi ngại” của dư luận.

Luật thì nhiều, quy định cũng không ít nhưng tính khả thi lại không cao sẽ rất dễ gây tâm lý “nhờn luật”. Vì vậy các nhà làm luật, các cơ quan hữu quan cần phải sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể để nhận diện hành vi vi phạm. Không chỉ vậy, cần quy trách nhiệm xử lý vi phạm cho từng tổ chức cá nhân cụ thể và hơn hết là phải “xử đến nơi, phạt đến cùng” thì mới mong chính sách đạt hiệu quả như mong muốn.

Rate this post

Viết một bình luận