Giải nghĩa: Cộng đồng người Da Đen tại Mỹ có bị phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống hay không?

(English)

Cảnh báo: Bài này có những hình ảnh bạo lực đáng lo ngại.

Có nhiều thí dụ cho thấy người Mỹ của mọi sắc tộc đã thành công dù khởi đầu với rất ít ỏi. Nhưng nhiều người vẫn phân vân là người Mỹ Da Đen có được xã hội Mỹ đối xử công bằng hay không. Sau khi tra xét câu hỏi này, chúng tôi thấy giả định người Mỹ Đa Đen tại Mỹ bị phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống là ĐÚNG.

Nạn Kỳ Thị Ngày Xưa: Chế độ nô lệ và Luật Jim Crow

Những người Châu Phi đầu tiên bị bắt làm nô lệ và đưa đến Mỹ 400 năm về trước, và họ đã cam chịu làm nô lệ trong suốt 250 năm trước khi cuộc Nội Chiến kết thúc chế độ này vào năm 1865. Từ diễn biến đó, nhiều đạo luật trong thế kỷ 19 và 20 đã được thiết lập để hạn chế cơ hội cho phép người Mỹ Da Đen vươn lên. Những luật này được gọi là Luật Jim Crow, và trong bối cảnh đó, hội Ku Klux Klan ra đời và bành trướng. Ku Klux Klan là nhóm người tin vào chủ thuyết da trắng thượng tôn.

Ngay cả khi đã tiến bộ qua học vấn và nỗ lực cá nhân, người Mỹ Da Đen thường xuyên vẫn phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực từ người Mỹ Da Trắng, các nhóm thù hận, nhân viên chính phủ và cảnh sát. Vào năm 1921, một cộng đồng Da Đen thành đạt ở Tulsa, Oklahoma bị đốt thiêu rụi bởi người da trắng được cảnh sát địa phương trang bị vũ khí, và 300 người bị giết chết.

Những Luật Jim Crow này, hầu hết được thực thi ở miền Nam Hoa Kỳ, đã hạn chế quyền bỏ phiếu, kinh doanh, du lịch và học vấn của người Mỹ Da Đen. Những luật này cũng tách biệt người Da Đen và người Da Trắng, cấm hoặc hạn chế người Da đen sử dụng những dịch vụ như trường học, nhà vệ sinh và phương tiện chuyên chở công cộng.

Luật bầu cử được soạn thảo với mục đích tước đi khả năng bỏ phiếu của người Mỹ Da Đen ở miền Nam. Người Da Đen bị cáo buộc những tội mà họ không gây ra, và hệ thống luật pháp thiên vị đẩy họ vào tù. Mặc dù số lượng người Mỹ gốc Á ở miền Nam nước Mỹ lúc đó còn thấp, họ cũng chịu nhiều chính sách phân biệt chủng tộc tương tự. 

Bạo lực dựa trên phân biệt chủng tộc đã lan rộng và bao gồm cả những hành động khủng bố như đánh bom nhà thờ, tấn công người Da Đen khi họ dọn vào các khu vực Da Trắng, và hành hình bằng treo cổ của nhóm KKK. Emmett Till, một thiếu niên 14 tuổi đã bị một nhóm đàn ông Da Trắng giết chết sau khi họ đặt ra cáo buộc là Till  đã huýt sáo trêu chọc một người phụ nữ Da Trắng.

Thomas Shipp và Abram Smith, bị đám đông người da trắng ở Indiana treo cổ vào ngày 7 tháng 8 năm 1930.

Các cuộc biểu tình ôn hòa, do những nhà hoạt động như Tiến sĩ Martin Luther King dẫn đầu, đã nâng cao nhận thức ở Mỹ về những tác động tai hại nhất của nạn phân biệt chủng tộc. Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, người Mỹ Da Đen tử nạn với tỷ lệ cao hơn người Mỹ Da Trắng, và họ cũng bị động viên ở tỷ lệ cao hơn.

Vào năm 1978, mấy năm sau khi Sài Gòn thất thủ, nhiều nhà lãnh đạo tên tuổi trong cộng đồng Da Đen đã hợp sức vận động để ủng hộ người tị nạn Việt Nam, trong lúc dư luận tại Mỹ phản đối gay gắt việc nhận thêm người nhập cư. Họ cùng nhau đăng một lá thư trên báo New York Times mạnh mẽ bênh vực người tị nạn, với nội dung: “Cuộc đấu tranh không nghỉ của chúng ta cho sự tự do kinh tế và chính trị có liên hệ chặt chẽ với sự phấn đấu của những người tị nạn Đông Dương cũng tìm tự do.”

Nạn Kỳ Thị Ngày Nay: Sự Nghèo Khó và Các Vi Phạm của Cảnh Sát 

Tuy đã có nhiều tiến bộ từ thập niên 1960, nhưng ngay cả hiện nay, di sản của nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại. Nạn dìm cử tri (các luật và quy định được thiết lập để khiến việc bỏ phiếu trở thành khó khăn hơn), cũng như việc điều chỉnh các đơn vị bầu cử (gọi là gerrymandering) vẫn được sử dụng để giảm ảnh hưởng của lá phiếu của người Mỹ Da Đen. Những biện pháp này có hiệu quả nhờ vào di sản của các chính sách gia cư kỳ thị màu da đã quy định người Mỹ Da Đen được phép sinh sống ở các khu vực nào, và qua đó, tách biệt các chủng tộc trên đất Mỹ.

Các chính sách này được gắn liền với giá trị lâu dài của bất động sản, do đó tình trạng bị cấm cư ngụ tại những khu trù phú tạo nên các khu dân cư Da Đen thiếu hụt tài trợ cho những dịch vụ công cộng. Trường học trong các khu nghèo nhận được ít ngân khoản. Để tạo nguồn vốn cho địa phương, cảnh sát nhắm vào các công dân nghèo khó mà ghi phạt và bắt đóng phạt ngay cả do những lỗi nhỏ. Nói cách khác, từ trước đến nay nhà cửa và trường lớp tại các khu dân cư Da Đen tồi tàn hơn, trong khi những khu này có nhiều sự hiện diện của cảnh sát hơn, do đó tỷ lệ đi tù cũng cao hơn.

Cảnh sát Derek Chauvin quỳ xuống trến
cổ của George Floyd và giết anh ta.

Cái chết của George Floyd và Breonna Taylor do cảnh sát gây ra vào đầu năm 2020 đã gia tăng nhận thức về vấn nạn cảnh sát ngược đãi người Mỹ Da Đen. Những người đàn ông Da Đen không vũ trang có nguy cơ bị cảnh sát giết cao hơn gấp 3.5 lần, và ở một số địa phương khả năng bị giết cao hơn tới 20 lần. Phong trào Black Lives Matter (BLM) đã ra đời để nâng cao sự hiểu biết về những cái chết này, với hy vọng giải quyết vấn nạn kỳ thị chống người Da Đen và gia tăng tài nguyên cho các khu Da đen nghèo khó.

Cái chết của George Floyd và Breonna Taylor đã đưa đến nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc đòi hỏi công lý chủng tộc. Tuy cũng có cướp bóc, bạo lực và thiệt hại tài sản — 93% các cuộc biểu tình này đã diễn ra ôn hoà. Ước tính có khoảng 15 đến 26 triệu người đã xuống đường, đoàn kết trong niềm tin cần phải có thay đổi để ngăn chặn những cái chết oan ức do cảnh sát gây ra và buộc cảnh sát phải chịu trách nhiệm khi họ giết người vô tội. Đa số người Mỹ, kể cả đa số người Mỹ gốc Châu Á, ủng hộ BLM.

Tội phạm là vấn nạn tại mọi cộng đồng, và tội phạm gây ra bởi người Da Đen đã nhận được nhiều chú ý. Tuy nhiên, điều cần biết là người Da Đen và Da Trắng ở cùng mức nghèo có tỷ lệ phạm tội như nhau. Động lực cho sự phạm tội là tầng lớp kinh tế chứ không phải nguồn gốc chủng tộc. Tuy nhiên, do đã bị tước quyền và đẩy ra lề xã hội một cách có hệ thống sau khi chế độ nô lệ chấm dứt, người Mỹ Da Đen chỉ sở hữu dưới 3% tài sản ở Mỹ tuy họ chiếm 13% tổng dân số. Họ cũng có tỷ lệ nghèo khó cao nhất ở Mỹ.

Sự chênh lệch giàu nghèo này đã gây ra nhiều tác động tiêu cực có thể đoán trước: tỷ lệ tội phạm cao hơn, tỷ lệ giam giữ cao hơn, ít khả năng thăng tiến và nhiều vấn đề sức khỏe. Những người đứng bên ngoài chỉ thấy hậu quả nhưng không hiểu rõ nguồn gốc của chúng, gây nên định kiến đưa đến nạn kỳ thị chủng tộc.

Phân biệt chủng tộc có hệ thống cũng là sự lãng phí nhân lực và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ trước các đối thủ như Trung Quốc. Các tổ chức tài chính của Mỹ như Citi và Goldman Sachs ước tính rằng nạn phân biệt chủng tộc đã đưa đến tổn thất trị giá $16 ngàn tỷ trong 20 năm qua. Mỹ vẫn có nền kinh tế mạnh nhất thế giới: khoảng $21 ngàn tỷ mỗi năm. Trung Quốc đứng thứ hai với $14 ngàn tỷ. Giải quyết nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống sẽ giúp Mỹ duy trì vị trí đứng đầu.

Người Mỹ Da Đen đã phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc qua nhiều thế kỷ. Tuy thật sự đã có cải thiện, nạn kỳ thị chủng tộc vẫn tồn tại. Tình trạng này không chỉ dẫn đến nghèo đói, tội phạm và bạo lực không cần thiết mà còn làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ với các đối thủ kinh tế khác.

Share this:

Like this:

Like

Loading…

Rate this post

Viết một bình luận