1. Mè nheo là gì?
Mè nheo là thói nói nhiều và dai dẳng để nài xin, phàn nàn hoặc trách móc, khiến người nghe thấy khó chịu. Đây là thói quen thường gặp ở các bé 1-3 tuổi. Mè nheo là một trong những đặc tính tâm lý bình thường ở bé, trừ một số trường hợp đặc biệt, mè nheo có liên quan đến trục trặc tâm lý. Khi bé xuất hiện tính mè nheo nghĩa là bé đang chứng tỏ sự độc lập và ý kiến riêng của mình.
2. Vì sao bé mè nheo
Các bé mè nheo là để gây sự chú ý, vì muốn được cha mẹ quan tâm, chú ý đến mình. Dưới 3 tuổi thì hiện tượng nhõng nhẽo, mè nheo khá phổ biến vì bé vẫn chưa học được cách làm chủ các cảm xúc tiêu cực hoặc cách thể hiện mong muốn, biểu đạt ý kiến của mình một cách hợp lý.
Mè nheo, nhõng nhẽo còn phụ thuộc vào tính khí của mỗi bé, có những bé có khuynh hướng nhõng nhẽo nhiều hơn các bé khác.
Nếu bé bị mệt mỏi, stress hoặc có quá nhiều tác động lên hệ thần kinh, bé cũng dễ cảm thấy khó chịu, khóc, cáu bẳn và từ đó dễ bị cha mẹ cho là mè nheo, không ngoan.
Nhưng nguyên nhân chính khiến bé mè nheo, nhõng nhẽo là cha mẹ và người thân đã quá chiều chuộng bé. Mỗi khi bé mè nheo, nhõng nhẽo đều được đáp ứng nên bé sử dụng thái độ này như là công cụ để đạt được mong muốn của mình. Và mè nheo, nhõng nhẽo sẽ trở thành thói quen.
3. Cần giúp con thay đổi tính cách chưa tốt như thế nào?
Điều quan trọng nhất để dạy con thay đổi tính cách chưa tốt này là cha mẹ cần cương quyết và nhất quán. Có kiên quyết và nhất quán thì mới nên nghĩ đến chuyện rèn cho con bỏ thói mè nheo, còn nếu cha mẹ tự xét thấy mình không đủ kiên quyết, dễ mềm lòng và sợ bị người xung quanh ảnh hưởng thì tốt nhất là cứ để bé mè nheo.
Tại sao cha mẹ phải đủ sự kiên nhẫn? Nếu không kiên nhẫn mà chấp nhận thoả hiệp với bé vì nghĩ rằng thôi cho cho đỡ “đau đầu” thì bé sẽ “nhờn”, khi con đã đòi được lần 1 thì chắc chắn sẽ có lần 2.
Do vậy, khi bé khóc lóc vì đòi một thứ gì đó mà không được đáp ứng, cha mẹ và cả ông bà cần phải tỏ thái độ nghiêm khắc ngay từ đầu, không nên chiều theo ý muốn của bé. Hãy kiên định với câu trả lời của mình, để bé hiểu rằng khi nào người lớn cho phép mới được, chứ không thể mè nheo, ăn vạ mà thay đổi được tình hình.
4. Một số lưu ý
Để quá trình rèn thói quen tốt cho bé, cha mẹ hãy chú ý những điểm sau đây để giảm bớt “sóng gió” trong gia đình:
Dành nhiều thời gian cho bé vận động và giao tiếp
Câu nói “cửa miệng” của các cha mẹ với các con là: “Có ngồi yên không thì bảo, đừng nghịch ngợm nữa”. Những cha mẹ có biết rằng, trẻ nhỏ luôn dư thừa năng lượng và nếu không được giải phóng chỗ năng lượng này, bé sẽ rất bức bí, sẽ làm nũng hay phá phách. Chúng ta cứ “nhồi” cho trẻ ăn thật nhiều, tích lũy thật nhiều năng lượng nhưng rồi lại không cho bé “nghịch ngợm”, vậy thì năng lượng đó sẽ đi đâu? Bé không có cách nào giải phóng năng lượng trong người nên sẽ mè nheo, khóc lóc, hờn dỗi,…
Cách tốt nhất để tránh những lúc mè nheo đó là giúp bé giải phóng năng lượng dư thừa này qua các hoạt động ngoài trời như chạy nhảy, đá bóng, trượt cầu trượt….lại cũng giúp bé rèn luyện được thêm nhiều về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hoà nhập,… có lợi cho sự phát triển của bé trong tương lai.
Hãy đặt mình vào vị trí của con
Mẹ hãy thử nghĩ mà xem, nếu bé đang hứng khởi đòi gì đó mà bị mẹ từ chối phắt đi sẽ khiến cho bé không hiểu tại sao lại bị từ chối và chuyện bé lăn ra khóc là điều mặc nhiên dễ hiểu. Mẹ đừng từ chối một cách lạnh lùng như thế, hãy hướng dẫn bé theo suy nghĩ của mẹ để bé hiểu vì sao mẹ không đồng ý cho bé làm như vậy. Bé không chỉ có thời gian hiểu và chấp nhận là mẹ không đồng ý cho bé làm như thế, mà bé còn có cảm giác được mẹ tôn trọng, bàn bạc với bé.
Đánh lạc hướng bé
Khi không nhìn thấy món đồ chơi thì chắc chắn bé sẽ không đòi. Chính vì vậy, mẹ phải nắm bắt tâm lý và sở thích cũng như hoàn cảnh hiện tại để có thể tránh những cơn mè nheo, ăn vạ không đáng có của con.
Ví dụ, mẹ biết chắc khi vào siêu thị, tới gian hàng đồ chơi bé nhất định sẽ đòi mua cái này, cái kia. Vậy thì hãy đánh lạc hướng trẻ bằng cách dẫn trẻ vào khu bán quần áo hoặc đồ ăn, cùng với trẻ chọn những món đồ ở những gian hàng đó và chỉ cho trẻ qua gian hàng đồ chơi khi mà bạn đã định mua đồ chơi cho con.
Để con có thời gian bình tĩnh
Mẹ phải hiểu rằng hành động vòi vĩnh không được thì lăn ra khóc ăn vạ là điều hoàn toàn tự nhiên trong quá trình hình thành cá tính của bé. Khi bé khóc lóc to như thế thì cha mẹ có nói gì thì trẻ cũng không thèm nghe mà chỉ bận khóc lóc để thoả mãn cơn giận của mình. Cho nên, khi con đang khóc to, mẹ không nên giải thích lý lẽ với con, hãy để con có thời gian bình tĩnh lại. Khi con lớn dần lên, con sẽ tự hiểu ra và thôi không khóc đòi nữa.
Luôn trò chuyện để hiểu tâm lý của bé
Bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện để hiểu những gì bé đang suy nghĩ. Nếu cha mẹ dành thời gian để lắng nghe cũng như chấp nhận những đòi hỏi hợp lý của bé, đồng thời có thái độ tích cực hơn trong các câu trả lời thì chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn về mặt cảm xúc của bé.
Cho dù công việc có bận rộn nhưng mẹ hãy cố gắng sắp xếp để chơi và trò chuyện cùng con, chẳng hạn những lúc làm việc nhà, lúc tắm cho bé, lúc đi đánh răng hay lúc cho bé ngủ,…
Khi bé khóc đừng bỏ đi, đừng dùng roi vọt
Nếu bé có khóc quấy thì mẹ cũng đừng bỏ đi, bởi bé sẽ có cảm giác bị bỏ rơi và càng khóc nhiều hơn, dai hơn. Mẹ hãy ở lại và giải quyết dứt điểm từng tình huống với bé. Ngược lại, mẹ cũng đừng nên dùng roi vọt. Nếu mẹ dùng đòn roi để dạy, bé có thể sẽ nghe lời ngay, vì sợ hãi. Tuy nhiên, nó sẽ dẫn đến hậu quả xấu về tâm lý của trẻ.
Giao kèo trước
Khi làm bất cứ điều gì ba mẹ cũng nên giao hẹn trước với bé. Ví dụ: “đọc hết cuốn truyện này thì hai mẹ con mình đi ngủ nha”; “Con chơi 10 phút thôi rồi dọn đồ chơi lại nhé”… Khi đã có sự thống nhất, bé sẽ hiểu mình được tôn trọng, được quyền quyết định và sẽ bị phạt nếu không làm theo thỏa thuận.