Anh Hai Nam Bộ và Cao bồi Texas – BBC News Tiếng Việt

Anh Hai Nam Bộ và Cao bồi Texas

  • Hiệu Minh
  • Viết cho BBCVietnamese.com từ Washington DC

26 tháng 5 2009

Nhà nông nuôi catfish ở Mỹ lo ngại sản phẩm Việt Nam

Chụp lại hình ảnh,

Nhà nông nuôi catfish ở Mỹ lo ngại sản phẩm Việt Nam

Lần đầu tiên tôi đi câu ở sông Potomac (Washington DC) thật thú vị. Vừa mắc mồi tôm, thả xuống đã thấy cần câu giật mạnh, tưởng chừng một chú cá mập nào mắc mồi. Mất 15 giây giằng co, lôi lên được một con cá khoảng 5kg, rất giống cá nheo của Việt Nam.

Thời con nít ở Ninh Bình, đi bắt cá vào mùa nước lũ ở sông Hoàng Long, loại này tôi không thèm thò tay vì rất tanh và có ngạnh, đâm rất đau. Tuy nhiên, lúc nào “đói kém” quá lôi tạm vài con về cho mẹ kho khế, chén với cơm gạo mới, ngon trên cả tuyệt vời.

Hỏi mấy anh Latin đang câu quanh đó, họ gọi là catfish. Tra từ điển biết là cá nheo. Có lẽ do bộ râu nên có thêm từ “cat – mèo” chăng?

‘Bắt nạt dân nghèo’

Năm 2000, Việt Nam xuất khẩu cá nheo sang Mỹ bị Hiệp hội cá Catfish nước này phản đối kịch liệt. Lý do đơn giản, cá Việt Nam khá ngon và quan trọng là giá rẻ. Việt Nam bị buộc tội bán phá giá. Tranh cãi mãi, cuối cùng cá nheo Việt Nam vẫn vào Mỹ, nhưng không được gọi là catfish mà dưới tên cá basa. Catfish như tên của lãnh tụ tối cao, cấm phạm húy.

Mấy bác đi đàm phán thương mại Việt Mỹ, lầm bầm rủa cao bồi Mỹ hay bắt nạt dân nghèo. Người ta nước lớn, biết làm thế nào. Thôi, tên gì cũng được nhưng xuất khẩu lấy đô là OK rồi.

Đám bạn tôi thỉnh thoảng tụ tập, mua ở COSTCO về làm món chả cá, tẩm nghệ, gừng gì đó, cho vào chảo dầu sôi sùng sục, đem ra chấm với mắm tôm mua chợ Eden (Virginia), ăn bún và rau thì là, vài chai bia, chả khác gì ngồi hàng ông Lã Vọng ở Hà Nội.

Basa Việt Nam bán có vẻ chạy hàng. Vốn đời, dù có Made in USA, nhưng giá trên trời, xin lỗi mấy anh cao bồi, em qua quầy dân Nam Bộ chất phác mua, ngon chả kém, giá lại thấp. Khủng hoảng tài chính, chi tiêu cần tiết kiệm, thay vì mua catfish, các bà nội Mỹ trợ quay sang đồ basa rẻ hơn.

Mới có chuyện đang yên ổn với cái tên basa bị áp đặt, bỗng dưng cao bồi Texas lại dở chứng, muốn loại da trơn của Việt Nam này được gọi là catfish. Lý do, gọi catfish thì chất lượng theo chuẩn Mỹ và basa không thể vào thị trường Mỹ vì các thủ tục kiểm định chất lượng ngặt nghèo, tương đương với lệnh cấm vận. Tuy nhiên, đám cao bồi khôn lắm, không nói thẳng như ngồi trên ngựa. Chỉ cần đổi tên là đủ báo hại hàng triệu nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày xưa ông Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến nhiều lúc điên đầu vì cái tên catfish này. Ông đòi bằng được catfish cho oách nhưng cuối cùng đành thỏa hiệp với tên basa. Vốn tính xứ Nghệ nóng nẩy, có lúc ông đòi đổi là dogfish cho đỡ tức.

Chiếm lĩnh thị trường

Mấy hôm nay, đến lượt Đại sứ Lê Công Phụng thân chinh gửi thư cho gần 140 nghị sĩ, kêu gọi họ tác động để Bộ Nông nghiệp Mỹ không xếp cá tra và cá basa của Việt Nam vào danh mục catfish. Ông nói, ngày xưa các anh cấm, chúng tôi theo và bây giờ cứ giữ tên basa, không muốn đổi.

Theo BBC và Wall Street Journal đưa tin, các bác nuôi cá bè Nam Bộ có sự ủng hộ của một số nghị sỹ Mỹ. Chính ngài Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, Barney Frank đã gửi thư cho Bộ Nông nghiệp phản đối ý định xếp cá Việt Nam vào loại catfish. Ở quê hương Massachussetts của ông có vài nhà máy dùng nguyên liệu cá basa Việt Nam. Bị cấm thì sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người Mỹ.

Đại sứ Lê Công Phụng kêu gọi các nghị sĩ Mỹ không đổi tên cá Việt Nam

Chụp lại hình ảnh,

Đại sứ Lê Công Phụng kêu gọi các nghị sĩ Mỹ không đổi tên cá Việt Nam

Không phải quý hóa gì nông dân Việt Nam đâu, ông Barney lo cử tri mất việc tại quê hương thì chiếc ghế cũng lung lay trong dịp bầu cử tới. Còn dân Nam Bộ lo vì ngành xuất khẩu cá da trơn này đóng góp đóng góp 1,4 tỷ đô la cho đất nước, phần xuất sang Mỹ tới 80 triệu đô la.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã khuyên Việt Nam, trong lúc ánh sáng chưa thấy ở đường hầm của khủng hoảng toàn cầu, những nước nhỏ lại có lợi thế vì giá hàng nông sản rẻ, thoát suy thoái kinh tế dễ hơn.

Nuôi cá chỉ vài tháng là có ăn ngay. Đào mỏ bauxite, mấy chục năm sau mới biết kết quả. Chính ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (KTV), cũng thừa nhận “Làm bauxite hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết”.

Câu chuyện catfish-basa-catfish không phải liên quan đến những cái tên vì gọi thế nào thì chúng chỉ là cá nheo như tôi đã bắt được ở sông Hoàng Long (VN) hay bên sông Potomac (US) dù có khác nhau về kích cỡ.

Đây là cuộc đua chiếm lĩnh thị trường, đúng như Wall Street Journal nhận xét “Cuộc chiến bảo hộ đang âm ỉ ở Hoa Kỳ về nhập khẩu cá từ Việt Nam chắc chắn là tanh tưởi như mẻ cá mới đánh ngày hôm qua.”

Bây giờ không còn máy bay cán gáo hay xuồng máy quân đội Mỹ lởn vởn trên sông để du kích bắn tỉa. Cuộc đấu chính là basa của anh Hai Nam Bộ so găng catfish phía cao bồi Texas. Thắng thua thuộc về phía người giữ được chất lượng và giá cả phải chăng.

Biết đâu vài năm nữa, Bộ Nông nghiệp Mỹ lại bắt quay về tên cũ. Ai biết được trong đầu cao bồi nghĩ gì. Catfish-basa-catfish, tít mù nó lại vòng quanh, như con mèo tự vồ đuôi mình.

Rate this post

Viết một bình luận