Công an tỉnh Bình Dương đã chuyển giao hồ sơ vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng để Công an TP.HCM thụ lý. Đây là động thái nhập vụ án để điều tra của Công an tỉnh Bình Dương và Công an TP HCM khi cùng điều tra về hành vi vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam).
Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương đã thụ lý tổng cộng đơn của 7 người tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng. Xét thấy các hành vi của bà Hằng có dấu hiệu cấu thành tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, ngày 6/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra.
Do tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Hằng về tội danh trên. Nhận thấy, công an hai địa phương cùng điều tra về một hành vi đối với bà Nguyễn Phương Hằng nên Công an tỉnh Bình Dương có báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an chuyển hồ sơ vụ án này để nhập vào vụ án mà Công an TP HCM đang điều tra.
Bị can Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị bắt (ảnh TL)
Phân tích về quyết định nhập vụ án trên của Cơ quan CSĐT Công an TP HCM và Công an tỉnh Bình Dương, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhận định, trường hợp bị can thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo từng địa bàn, từng hành vi cụ thể theo thẩm quyền luật định nhưng sau đó cũng có thể nhập vụ án theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật thì mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh nào thì sẽ bị xử lý về tội danh đó. Một hành vi vi phạm pháp luật có thể là tình tiết định tội hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trường hợp bị can bị nhiều cơ quan điều tra cũng khởi tố về một tội danh thì cũng có thể được nhập vụ án hình sự thành một tội và áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần để xét xử trong cùng một vụ án.
Việc nhập vụ án hình sự theo quy định của pháp luật sẽ giảm thiểu được thời gian, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng và cũng có lợi cho bị can, bị cáo, đồng thời góp phần giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật.
Pháp luật quy định mọi công dân đều có quyền tự do, dân chủ trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của mình đối tác với các vấn đề trong xã hội. Quyền tự do này được hiến pháp, bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan quy định chi tiết, cụ thể. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, đều có quyền được thực hiện các quyền tự do dân chủ của mình.
Việc thực hiện quyền tự do dân chủ phải trong khuôn khổ pháp luật, nghiêm cấm việc lợi dụng việc thực hiện quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Pháp luật là một hệ thống thống nhất bao gồm nhiều ngành luật, nhiều chế định pháp luật, quy định về nhiều lĩnh vực để điều chỉnh các quan hệ xã hội, trước pháp luật mọi người đều bình đẳng. Bởi vậy, việc thực hiện quyền tự do dân chủ của người này sẽ bị giới hạn bởi quyền tự do dân chủ của người khác.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm, uy tín của mọi tổ chức, cá nhân. Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi phạm tội mà sử dụng mạng internet gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 (Điều 331, BLHS 2015).
Như vậy, với mỗi lần thực hiện hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân qua mỗi lần livestreams thì bị can này có thể phải đối mặt với một lần bị kết án trong khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Nếu nhiều cơ quan tố tụng đều xử lý về tội danh trên, với khung hình phạt này thì cơ quan xét xử sau sẽ tổng hợp hình phạt theo hình thức cộng dồn mức hình phạt của các bản án để tổng hợp với bản án sau theo nguyên tắc tổng hợp hình phạt và bản án cuối cùng sẽ tổng hợp tất cả các mức án mà tòa án các cấp đã xét xử trước đó theo phương thức cộng dồn. Nếu các bản án đều tuyên án là phạt tù có thời hạn thì tổng mức hình phạt không quá 30 năm tù.
“Trường hợp bị can bị khởi tố bởi nhiều cơ quan điều tra về cùng một tội danh mà được nhập vụ án, bị xét xử trong một vụ án thì sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần. Trong trường hợp nếu bị kết tội, bị can, bị cáo chỉ phải chấp hành một mức hình phạt chung không quá 07 năm tù theo quy định tại khoản 2 (Điều 331, BLHS). Bởi vậy, nếu nhập vụ án hình sự trong trường hợp này là có lợi cho bị can, bị cáo”, Ts.Ls Cường chia sẻ.
Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường, với việc nhập vụ án này, bị can Nguyễn Phương Hằng sẽ có lợi trong quá trình xét xử
Cũng theo Ts.Ls Cường, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã quy định rất rõ trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, nhằm đảm bảo việc phát hiện, xác định tội phạm và người phạm tội được chính xác, xử lý nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân.
Một trong các điểm mới của Bộ luật này là quy định rõ thẩm quyền của Cơ quan điều tra, VKS trong việc quyết định nhập, tách vụ án hình sự để đảm bảo việc giải quyết các vụ án hình sự nhanh chóng, đúng quy định pháp luật nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Theo đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể Cơ quan điều tra, VKS có thể nhập hoặc tách vụ án hình sự trong các giai đoạn điều tra, truy tố căn cứ vào các quy định của bộ luật tố tụng hình sự.
Việc tách hay nhập vụ án hình sự là một thủ tục tố tụng hình sự “tuỳ nghi” do cơ quan tiến hành tố tụng xem xét áp dụng. Hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc phải nhập hoặc tách vụ án và đây là quy định “tùy nghi” nên còn có những quan điểm cách hiểu áp dụng khác nhau, chưa thống nhất. Ngoài ra, còn phải căn cứ vào quy định của pháp luật và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự. Trong đó, có nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và đảm bảo thủ tục tố tụng được áp dụng, vận dụng linh hoạt, triệt để, nhanh chóng, đúng thẩm quyền, đúng nguyên tắc.
Theo quy định tại Điều 170 (BLTTHS 2015) thì việc nhập vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra có thể được áp dụng theo các căn cứ sau đây: Bị can phạm nhiều tội; bị can phạm tội nhiều lần; Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường phân tích: “Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên thì hai cơ quan điều tra có thể thống nhất để nhập vụ án hình sự để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và đảm bảo cho vụ án được giải quyết nhanh chóng.
Trường hợp nhập vụ án hình sự để xét xử và bị cáo chỉ bị kết án về một tội danh theo Điều 331 (BLHS) thì hình phạt đối với bị can này sẽ không quá 07 năm tù. Nếu hai cơ quan tố tụng độc lập xét xử trong hai vụ án, sau đó sẽ tổng hợp hình phạt thì tổng mức hình phạt có thể quá 7 năm tù theo nguyên tắc tổng hợp hình phạt”.
Điều 170. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra
1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Bị can phạm nhiều tội;
b) Bị can phạm tội nhiều lần;
c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.
2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án…
Choáng trước căn biệt thự lộng lẫy của bà Phương Hằng trước khi bị bắt
Tiết lộ bất ngờ lý lịch ít biết của bà Phương Hằng, liên quan đến đàn em trùm Năm Cam?