Tái cơ cấu ngành thủy sản xứng với tiềm năng

Trong điều kiện diện tích nuôi trồng thủy sản ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp, ngành thủy sản đang nỗ lực tái cơ cấu sản xuất để xứng với tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương, dần đưa sản xuất thủy sản chiếm giữ vị trí mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông có vai trò quan trọng làm tăng sản lượng thủy sản của tỉnh, một số đối tượng nuôi lồng như cá nheo mỹ, cá chép, cá trắm cỏ, trắm đen…. góp phần thay đổi cơ cấu đàn cá theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, năng suất, sản lượng và tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Một số địa phương xác định nuôi thủy sản là hướng trọng tâm trong phát triển kinh tế của xã, do vậy tạo điều kiện cho các hộ nuôi vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ để phát triển. HTX nuôi trồng thuỷ sản Minh Tiến, xã Trung Kênh (Lương Tài)  là một điển hình về phát triển cá lồng trên sông với 80 thành viên tham gia… Ông Đỗ Văn Lên, Giám đốc HTX cho biết: HTX có khoảng 200 lồng cá với nhiều loại cá chất lượng cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các hội viên. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ đóng băng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, tạo áp lực lớn cho HTX. Trước tình hình đó, chúng tôi thường xuyên được khuyến cáo các biện pháp chăn nuôi khoa học, giảm bớt lượng thức ăn công nghiệp thay bằng thức ăn thô sẵn có; hỗ trợ vay vốn ưu đãi; ngành chức năng tìm hướng liên kết đầu ra cho HTX… đã tạo động lực để HTX vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất. Đây là bước đột phá trong tái cơ cấu sản xuất thủy sản hiện nay.
 Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, quản lý môi trường, phòng trị bệnh đã, đang được người nuôi áp dụng rộng rãi. Phương thức nuôi có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất thâm canh cao, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất (sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước tạo oxy tự động, hệ thống đóng, mở tự động…), làm giảm sức lao động, cá nuôi năng suất, không xảy ra dịch bệnh lớn, chất lượng sản phẩm được cải thiện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài tỉnh. Một số công nghệ nuôi cá thâm canh, siêu thâm canh mới như: Công nghệ nuôi cá sông trong ao; Biofloc, nuôi tuần hoàn ít thay nước… được triển khai mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá trong sản xuất thuỷ sản do các công nghệ trên có ưu điểm quản lý tốt môi trường, dịch bệnh, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế… Cùng với đó, việc thực hiện quan trắc định kỳ hàng tháng các chỉ tiêu môi trường nước như oxy, độ pH, nhiệt độ tại 5 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao đất  và 5 vùng nuôi cá lồng trên sông để phân tích chỉ tiêu dịch bệnh, chỉ tiêu môi trường nuôi nhằm cảnh báo tác nhân gây hại tại khu vực nuôi cá để có hướng dẫn xử lý môi trường và phòng trị bệnh cá hiệu quả. Những bước tiến mới về khoa học này chính là chìa khóa thành công trong nuôi trồng thủy sản.

 

HTX Minh Tiến, xã Trung Kênh (Lương Tài) là điển hình về nuôi cá lồng trên sông.

 

Ông Nguyễn Thành Trung, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh khẳng định: Sản xuất thuỷ sản được tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách để người dân có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, con giống, vật tư trang thiết bị đặc biệt là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thuỷ sản, bảo vệ được môi trường và hạn chế dịch bệnh xảy ra. Nhiều chương trình, đề án nuôi cá thâm canh, cá lồng cho năng suất giá trị kinh tế cao được mở rộng phát triển. Toàn tỉnh đã hình thành 162 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung có diện tích từ 10 ha trở lên, bước đầu sản xuất thủy sản theo hướng hàng hoá, vùng nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi theo hướng VietGap để phát triển bền vững.
Nuôi trồng thủy sản vẫn đứng trước khó khăn, thách thức do tập quán sản xuất chưa thoát khỏi mô hình nuôi cá theo hướng VAC, AC kết hợp; các dịch vụ nghề cá chưa phát triển mạnh, còn nhiều rủi ro, hiệu quả thấp nên các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản hạn chế; tác động của biến đổi khí hậu khiến cá nuôi bị bệnh chưa được kiểm soát triệt để; việc chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình để thích ứng và tích luỹ kinh nghiệm; công tác quy hoạch, liên kết sản xuất, đầu ra sản phẩm còn bấp bênh… vì vậy hiệu quả mang lại chưa thực sự ổn định và bền vững, đòi hỏi tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Ngành Nông nghiệp đang thực hiện quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng; vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh để đẩy mạnh sản xuất, nhất là hỗ trợ về cơ sở hạ tầng (đường điện, giao thông, thủy lợi); hỗ trợ cá giống mới… thúc đẩy phát triển thủy sản theo hướng ổn định diện tích, bảo đảm chất lượng. Thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, xây dựng các mô hình nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sản xuất thủy sản như: Nuôi cá lăng bằng lồng trên sông; nuôi Baba gai toàn đực thương phẩm trong ao đất; nuôi giữ giống cá chim trắng qua đông; nuôi cá Lăng đen (cá Nheo Mỹ) bằng lồng trên sông an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP… tạo bệ phóng cho nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ, vững vàng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp.

Rate this post

Viết một bình luận