Theo lộ trình số hóa truyền hình, tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng) và Bắc Quảng Nam sẽ số hóa đầu tiên. Và từ ngày hôm nay, 1/4/2014, người dân tại 5 thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) và khu vực Bắc Quảng Nam nếu mua tivi số chuẩn DVB-T2 hoặc dùng tivi cũ có gắn thêm đầu thu số mặt đất chuẩn DVB-T2 có thể xem được 15 kênh truyền hình số phát sóng quảng bá, trong đó có 3 kênh HD.
Cho tới thời điểm này, ước tính có khoảng gần 100 mẫu máy tích hợp chuẩn DVB-T2/MPEG4 của các hãng được bán ra thị trường. Trong đó LG có khoảng 30 sản phẩm, TCL 12 mẫu, Sharp có 5 loại, Toshiba 3 loại, Panasonic có 12 loại…
Để giúp người dân thuộc hộ nghèo cũng có thể được xem tivi theo lộ trình số hóa, nhà nước sẽ trích khoảng 1.710 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đã có tivi sở hữu thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (Set top box) khi chuyển sang số hóa, các máy thu hình tương tự sẽ không thu được tín hiệu truyền hình số theo tiêu chuẩn DVB-T2.
Nhà nước sẽ lập đề án điều tra phương thức thu xem của các hộ dân và đối tượng hỗ trợ. Có thể ngay đầu năm 2015 sẽ phối hợp cùng các địa phương, Bộ ngành tiến hành triển khai trên diện rộng nhằm xác định tỷ lệ, phương thức thu xem truyền hình số mặt đất, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp… để có chính sách phù hợp hơn trong việc phối hợp các hạ tầng để số hóa, đồng thời cũng xác định cụ thể tại mỗi địa phương có bao nhiêu hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đã có tivi, hoặc tivi đã sở hữu có thu được truyền hình số hay không.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ không phải được thực hiện ngay lập tức trên cả nước, mà theo địa bàn theo đúng như kế hoạch số hóa truyền hình đề ra. Những gia đình nghèo, cận nghèo đã sở hữu tivi mới thuộc diện được nhận hỗ trợ.
Tại Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác thông tin và truyền thông thành phố Hà Nội ngày 27/3, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay, để triển khai Đề án số hóa truyền hình, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố, các đơn vị liên quan cần sớm đưa ra chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn. “Mỗi nhà một đầu thu, nhà giàu mua được ngay, nhưng nhà nghèo cần hỗ trợ”, bà Ngọc nói.
Theo Đề án, Hà Nội đưa chỉ tiêu là 60% hộ gia đình sử dụng truyền hình số mặt đất vào năm 2016, đến năm 2017 là 80% và năm 2020 có 100% hộ gia đình sử dụng truyền hình số mặt đất./.
Nguồn (mic.gov.vn)