KINH NGHIỆM: Nuôi cá rồng sinh sản đạt tỉ lệ cao

Nhu cầu nuôi cá rồng ngày càng nhiều, giá trị kinh tế đem lại cho người nuôi cá rồng lớn nên nhiều người đã tiến hành nuôi cá rồng sinh sản. Nuôi cá rồng sinh sản cần chuẩn bị những gì? Hãy cùng Thegioiloaica.com tìm hiểu cách chăm sóc, nuôi dưỡng cá rồng sinh sản ngay sau đây nhé!

Kinh nghiệm cho cặp cá giống sinh sản

Cá rồng trưởng thành khỏe mạnh sẽ bắt đầu đẻ trứng, giao phối từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm. Đôi cá trống mái trưởng thành cần được tách cho ra một hồ riêng để chúng bắt đầu làm quen và tán tỉnh nhau. Thông thường, khoảng 2 tuần tán tỉnh, cặp cá sẽ bắt đầu bơi cùng nhau, chạm vào nhau chuẩn bị cho quá trình sinh đẻ, thụ tinh ngoài. Vài giờ sau đó thì cá mái sẽ bắt đầu đẻ trứng, cá đực sẽ thụ tinh và ngậm trứng vào miệng để ấp trứng.

Quy trình sinh sản ở cá rồng trưởng thành

1. Cách sinh sản tự nhiên

Trong đời sống hoang dã cá rồng trống mái chung sống thành bầy đàn đông đảo bên nhau. Chỉ đến mùa sinh sản, cá trống mái ở vào tuổi trưởng thành mới bắt cặp để sống riêng với nhau. Trước tiên, cá trống chủ động tự tìm cho mình một nàng cá mái có cái bụng đã căng tròn trứng để ghép đôi. Con trống có khi phải mất một thời gian khá dài để đeo đuổi ve vãn con mái, cho đến khi mái ưng mới chịu thôi.

Sau khi quyến rũ được con mái, cá trống liền rong ruổi tìm đến một vùng sông có mực nước hơi cạn, đáy có lớp bùn và hơi lõm để làm ổ đẻ. Khi trứng trong bụng đã đến độ già, cá trống mái kè nhau đến đây, thân mình chúng quấn quýt với nhau để… ép hết trứng trong bụng ra ngoài.

Số trứng của mỗi lứa nhiều ít bao nhiêu là còn tuỳ vào mỗi loài và tuổi tác của cá mái. Như cá rồng trân châu mỗi lứa chỉ đẻ trên dưới một trăm trứng. Nhưng cũng có loài đẻ sai đến vài ba trăm trứng mỗi lứa.

Trứng cá rồng khá to, đường kính khoảng 1,70mm. Khi cá mái đẻ trứng xong, cá trống liền bơi đến rưới tinh dịch của nó lên ổ trứng để thụ tinh cho trứng. Sau đó nó thu nhặt hết số trứng cho vào hốc miệng để ấp cho đến ngày cá con ra đời (ấp khoảng 2 tháng). Nếu vì một trở ngại nào đó khiến cá trống thu nhặt trứng trễ, cá mái sẽ quay lại thu nhặt trứng để ăn. Còn cá rồng trống trong suốt thời gian 2 tháng ấp trứng, nó đành chịu nhịn đói (hoàn toàn không ăn).

2. Cách sinh sản tại hồ nuôi

Có thể nói, hầu hết các loài cá rồng đều sinh sản tốt trong môi trường sống nhân tạo, tức hồ (bể) nuôi chúng, trừ cá rồng châu Phi. Loài cá này không những khó phân biệt được giới tính, mà dù có cho ghép đúng cặp, chúng cũng không chịu sinh sản tại hồ nuôi.

Bố trí hồ nuôi cá rồng sinh sản:

  • Kích thước: Bể nuôi cá rồng sinh sản cần có không gian đủ lớn cho cặp cá giống hoạt động, không gian quá chật hoặc quá rộng đều sẽ ảnh hưởng tới khả năng làm quen, bắt cặp của chúng. Kích thước (dài x rộng x cao) của bể phù hợp là trong khoảng (200cm x 90cm x 60cm) hoặc (250cm x 100cm x 60cm). Một số cặp cá rồng lớn hơn, bạn có thể tăng kích thước chiều sâu của bể lên khoảng 70 đến 80cm.
  • Trang bị cần có trong bể gồm: Máy sục khí, máy sưởi ấm để cung cấp đủ oxy cho cá, duy trì mức nhiệt độ phù hợp. Đặt 1 tấm gạch men vào đáy bể để cá mái đẻ trứng lên. Giữa bể đặt 1 tấm kính nhỏ tạo bể thành hai ngăn riêng biệt cho cá mái và cá trống. Lưu ý, không rải sỏi xuống đáy bể, vì cá trống có thể nhầm tưởng là trứng, chúng sẽ ngậm vào miệng gây thương tích.
  • Vị trí đặt bể nuôi cá rồng sinh sản: Bể nuôi sinh sản cần đặt ở nơi ít người qua lại, yên tĩnh, ánh sáng trong hồ nuôi phải sáng hơn bên ngoài.
  • Xử lý nước hồ nuôi: Nước hồ nuôi cần đảm bảo sạch, không chứa chất tẩy rửa độc hại. Nước duy trì ở nhiệt độ 22 – 28 độ C, độ PH ở mức 6,2 – 7,2. Môi trường này sẽ đảm bảo an toàn cho cá rồng, bởi chúng rất dễ bị tổn thương khi giao phối, nếu môi trường nước bị bẩn sẽ khiến cá bị nhiễm bệnh trong giai đoạn giao phối. Độ sâu mực nước cần thiết trong bể cá là từ 50 đến 75cm tùy vào chiều sâu của bể.

Thu hoạch cá con sau khi nở

Bạn có thể để cá trống chăm sóc cá con sau khi nở hoặc tách riêng đàn cá con đều được. Thông thường, trong khoảng 60 ngày (2 tháng) thì cá con sẽ nở ra và cứng cáp, cá trống sẽ há miệng cho cá con ra ngoài.

Nếu bạn nuôi tách đàn cá con thì trong vòng 30 ngày, khi trứng nở chúng ta sẽ tiến hành bỏ cá con ra khỏi miệng cá trống. Bạn nhẹ nhàng kéo cá trống từ phía thân đuôi, từ từ kéo hàm cá ra để cá con tự bơi ra ngoài. Lúc này, đàn cá con vẫn còn nguyên túi dinh dưỡng dưới bụng, bạn hãy tách riêng cá con ra một hồ nuôi riêng biệt. Thời gian đầu chúng sẽ hấp thụ dinh dưỡng ở túi dưới bụng, sau đó bạn cho cá con ăn thức ăn bột dành cho cá con theo liều lượng hướng dẫn.

Một số lưu ý khác khi nuôi cá rồng sinh sản

  • Bạn hãy tham khảo thêm cách phân biệt cá trống, cá mái để chắc chắn chọn được cặp cá đẹp, khỏe mạnh, sẵn sàng chuẩn bị cho sinh sản.
  • Nếu có thể, hãy để cá rồng tự bắt cặp với nhau. Nếu nuôi cá rồng sinh sản quy mô lớn, bạn có thể cho vài chục cặp cá rồng vào một hồ thật rộng để chúng có không gian bắt cặp tự nhiên. Khi quan sát thấy cặp cá đã bắt cặp tự nhiên, bơi lượn cùng nhau thì vớt chúng ra hồ sinh sản riêng. Cách làm này sẽ cần nhiều thời gian quan sát hơn, tuy nhiên lại tạo ra kết quả rất tốt đẹp bởi cặp cá bắt cặp sẽ rất hợp nhau.
  • Trong khoảng 1 tháng ấp trứng, nuôi con, cá trống sẽ không ăn hoặc ăn rất ít, do đó, giai đoạn trước khi giao phối, bạn nên cho chúng ăn nhiều hơn một chút, ăn đủ dinh dưỡng để có thể đủ sức ấp trứng, nuôi đàn con.

Trên đây là kỹ thuật nuôi cá rồng sinh sản, các bạn hãy tham khảo qua bài viết này để chăm sóc cá rồng của bạn thật tốt và khỏe mạnh.

Rate this post

Viết một bình luận