Trở lại vùng cù lao Phú Mỹ, huyện Thanh Bình – nơi xảy ra tình trạng cá điêu hồng chết bất thường vào 5 ngày trước đó (từ ngày 10/11/2012), chúng tôi cảm nhận được bầu không khí vắng vẻ, ảm đạm của vùng cù lao này. Nhìn những bè cá trống không dưới kênh, vẻ mặt của bà con đều hiện lên nét buồn rười rượi.
Buồn bã dẫn tôi đi thăm bè cá chết gần hết, anh Nguyễn Khắc Em, khóm Tân Thuận, thị trấn Thanh Bình nghẹn ngào: Tôi nuôi cá 4 năm nay nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt như thế này. Năm nay, vốn liếng đầu tư nhiều lại xảy ra tình trạng này nên gia đình lâm vào cảnh khốn đốn…”
Cá điêu hồng vẫn còn liên tục chết đột ngột
Nhiều hộ dân nuôi cá cho biết, phần lớn cá điêu hồng bị chết đều vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch, trọng lượng đạt khoảng 1kg/con và đã được thương lái đến xem, đặt trước tiền cọc nhưng do cá chết đột ngột trong đêm khuya, người dân trở tay không kịp…
Ông Đặng Hùng Anh, ở ấp Nam Xã Tân Thạnh cho biết: “Tôi đã nhận tiền đặt trước của thương lái, chỉ trong buổi sáng là đến cân cá, nhưng trong đêm khuya cá lại chết hết, ước có khoảng 30 tấn cá bị thiệt hại trong đợt này. Nếu tính chi phí đầu tư thì gia đình tôi lỗ hơn 750 triệu đồng. Bây giờ nếu muốn nuôi lại cũng chẳng còn vốn, chỉ mong sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và tỉnh để chúng tôi vượt qua khó khăn này…”
Ông Trần Văn Lắm – Trưởng trạm Thủy sản huyện Thanh Bình cho biết, thống kê sơ bộ có 20 hộ nuôi cá điêu hồng bị thiệt hại từ 30 – 40%, với số lượng ước khoảng trên 40 tấn, trị giá cả tỷ đồng. Theo ông Lắm, bước đầu xác định nguyên nhân có thể do tình trạng nước thải từ các cánh đồng lúa chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chảy theo sông đã ảnh hưởng đến đàn cá. Trạm đã lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm để đánh giá rõ nguyên nhân cá chết. Chính quyền huyện Thanh Bình đang kiến nghị các đơn vị liên quan sớm có giải pháp hỗ trợ người nuôi, đề nghị các tổ chức tín dụng khoanh nợ để người nuôi bị thiệt hại giảm bớt khó khăn.